- Tự sát là người yếu tinh thần không thắng nổi các thử thách của ma quái, các chướng ngại của cuộc đời, chớ không phải tại vì nghiệp trước sanh ra đâu.
- Tự sát chỉ giết thân chớ không giết được tâm mà chính cái tâm mới là gốc sanh ra tội lỗi, sanh ra các nghiệp thế gian.
Vì có tự giết thân nầy xong rồi cũng bị sanh ra các nghiệp thế gian như vậy. Dù người có tự giết thân mãi cũng không hết được, nên ngày nào còn nghiệp thì còn phải đầu sanh. Vậy cho nên cần phải dứt nghiệp cho sạch từ trong tâm, ấy là diệu pháp và cũng là vấn đề then chốt trong việc giải thoát hồng trần, mà người đã hiểu đạo và hành đạo lúc nào cũng cần phải chú tâm cương quyết tháo mở cho kỳ được.
- Còn việc cứu sống mạng người giải khổ đời người ấy là việc từ thiện đáng làm, dầu rằng có bị người hiểu lầm, có bị người nhạo báng và có bị gian truân lao lý như thế nào cũng cứ vui vẻ hăng hái tiến lên.
I. Tình trạng tự tử trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Kể từ năm 1998 đến nay, số người tự tử hằng năm tại Nhật Bản luôn ở trên ngưỡng 30.000 người, tức mỗi ngày có khoảng gần 90 người chết. Đây được xem là quốc nạn của nước này. (Trích bài viết: "Tự tử - quốc nạn không có thuốc chữa của Nhật Bản" - red.vn)
"So với Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia có tình trạng tự tử khá cao thì tình trạng này ở thanh thiếu niên Việt Nam không thua kém nhiều." (Trích Bài viết "Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử" - Tuổi Trẻ Online)
Ngay cả những nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao phát triển thì số người tự tử khá cao. Phải chăng sự phát triển về kinh tế hay công nghệ hiện đại không giúp con người hạnh phúc hơn?
II. Vì sao không nên tự tử?
Người thế gian đa số cho rằng tự tử là chấm dứt mọi thống khổ, họ không biết rằng "tự sát chính là mở màn cho thống khổ ngoài sức tưởng tượng bắt đầu". Cho dù vì tình, vì thiếu nợ, vì đủ lý do v.v... mà bạn muốn nhảy lầu, nhảy sông, uống thuốc độc, cắt mạch máu, cứa cổ, treo cổ v.v... khởi niệm tự tử... đủ cách đủ kiểu... nhưng hễ tự sát thì sau khi chết rồi những thống khổ phải nhận lãnh càng thê thảm hơn. Người tự sát, chết rồi linh thức lập tức bị giam cầm, chìm trong khốn khổ triền miên.
Phải biết tự tử có ba tội nặng:
1/ Bất hiếu với song thân.
2/ Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hy hữu được làm người, không biết quý trọng mạng sống.
3/ Ngu si vô trí.
Thân ta là do cha mẹ sinh, sống đã không tận hiếu báo ân cho cha mẹ, không làm việc ích đời lợi người, lại ngu muội tự hủy hoại, giết thân mình. Đây là tội cực kỳ nặng. Phải biết thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Kiếp này bạn được mang thân người sao lại khinh thường hủy hoại? Do lỗi phụ bỏ thân người nên bạn sẽ rất khó có được thân người lại. Tự tử là quá ngu si vậy.
Thí như bạn vì thiếu nợ nên chọn tự tử, thì phải hiểu là đời này nợ chưa trả xong, thì sau vẫn phải trả nhiều hơn, hiện tại còn gánh thêm đại tội tự tử nữa, đây gọi là khổ chồng khổ!
Phải biết người tự sát chết rồi, sẽ lạnh khổ báo rất thảm. Những người tự tử sau khi chết rồi sẽ không ngừng diễn lại động tác tự sát đó.
Thí như anh A vào 2 giờ chiều nhảy lầu tự sát, sau khi chết đi, linh thức anh sẽ bị giam cầm thọ khổ, và cứ loanh quanh ở vùng mình tự sát. Hàng ngày, hễ đến đúng giờ khắc đã tự tử, thì anh sẽ diễn cảnh tự sát một lần. Ngày nào cũng phải diễn như vậy, diễn mãi động tác hủy thân đó cho đến khi tuổi thọ hết. Ví dụ, như tuổi thọ anh được định là sống tới 70 tuổi, nhưng vào năm 40 tuổi anh tự tử thì sau khi chết rồi, ngày nào anh cũng phải diễn lại cảnh tự sát này, có nghĩa là anh phải... nhảy lầu suốt 30 năm, cho đến lúc dương thọ tận.
Hèn chi mà thường nghe kể những nơi có người tự tử hay xảy ra cảnh "vong náo" dù không thấy họ. Bởi vì nếu như nhà, phòng nào đó... trước đây từng có người tự tử qua, thì vong linh tự sát ngày nào cũng phải về diễn lại động tác tự tử này, thế nên nếu phòng nhà đó không có "quỷ náo" thì mới là chuyện lạ! Vì vậy mà ta thường nghe kể "chỗ người tự tử thường hay có tiếng khóc rên rỉ"... dù không thấy người. Đó là do vong tự sát phải về diễn cảnh tự tử, bị chìm trong tâm niệm bi thương lúc hủy thân.
III. Kết luận:
Tự tử không phải là kết thúc khổ đau, mà là mở màn cho thống khổ bất tận... Bởi sống trong đời này, ai cũng có khổ đau, chứ không riêng gì bạn, thậm chí có những thống khổ còn tày đình hơn, nhưng có người vẫn không trốn chạy mà chấp nhận đối diện, can đảm bước qua để trưởng thành và lớn mạnh... (bởi vực thẳm là nấc thang cho bậc anh tài). Thân ta dù chết, nhưng tâm vẫn hoạt động. Giết mình cũng là mang tội sát sinh: phạm vào tội thập ác không được đầu thai. Thân xác có chết thì cảm giác lạnh nóng, đói khát, uất phiền... vẫn còn đeo theo, không ngừng hành hạ tâm thức. Tâm bạn nếu nhiều ác niệm thì chết phải sa đọa đi xuống... Tâm bạn nếu đầy từ ái thiện lành thì chết sẽ thăng lên cao. Giống như khi bạn vừa bố thí, phóng sinh hoặc làm việc tốt giúp ai xong, đêm về sẽ ngủ rất ngon, tâm tư lâng lâng hạnh phúc... Đó là cảnh giới của tâm thiện lành. Vì vậy, những kẻ cướp của giết người, những kẻ làm toàn việc ác, chắc chắn giấc ngủ không bao giờ yên và luôn gặp ác mộng, dù pháp luật chưa trừng trị...
Khi khởi ý muốn tự tử, bạn đừng để niệm này khởi tiếp (đừng ôm mãi niềm sầu đau vô ích vì nó sẽ xúi bạn hành động dại dột) hãy cố gắng lèo lái tâm nghĩ lành, trong sáng. Thực ra không có tuyệt lộ hay đường cùng, chỉ có tâm bạn tưởng là vậy mà thôi. "Gieo nhân ngọt sẽ hưởng quả ngọt". Vì vậy, lối thoát ở chính nơi tâm của bạn chứ không thuộc về người hay ngoại cảnh. Hãy tự mở đường thoát và không nên dìm mình vào bế tắc. Khổ vui do mình tạo, muốn được vui thì phải dứt ác hành thiện - hằng luôn giữ thân khẩu ý thiện lành, vì tâm bạn thiện được bao nhiêu thì bạn sẽ hưởng an vui bấy nhiêu. Ở đây không lý luận để đối chất, muốn biết đúng sai thì chỉ có thực hành, thể nghiệm và tự rút ra đáp án cho chính mình