Tuần trước, trailer thứ hai của Black Myth: Wukong, một trò chơi điện tử do Game Science phát triển, đã được phát hành, và âm nhạc ở những phút cuối cùng của đoạn trailer đó đã gợi lại cho mình rất nhiều kỷ niệm liên quan đến bộ phim truyền hình Tây Du Ký năm 1986, do Dương Khiết đạo diễn. Vì đó là bản cover của ca khúc chủ đề 敢问 路在何方/ Gan wen lu zai he fang (Cảm vấn lộ tại hà phương), một giai điệu nổi tiếng đã in sâu vào trái tim những đứa trẻ cùng thế hệ với mình lớn lên ở Việt Nam sau năm 1990.
Khi nói đến bản chuyển thể Tây Du Ký năm 1986, mình luôn nói: “đó là một tác phẩm kinh điển của kinh điển”, bởi vì nó để lại một dấu ấn quá sâu đậm đến nỗi tất cả những bản chuyển thể về sau, dù là truyện tranh hay phim truyền hình hay phim điện ảnh, dù đồ họa có tiên tiến đến đâu, cũng không thể thay thế được.
Có rất nhiều lý do giải thích cho điều đó, nhưng với mình, một đặc điểm khiến phiên bản 1986 khác biệt hẳn với các phiên bản chuyển thể còn lại là kỹ thuật diễn xuất của các diễn viên. 
Để mình giải thích một chút. Nếu ai từng xem Bá Vương biệt cơ của Vương Gia Vệ sẽ thấy rằng kỹ thuật diễn xuất trong kinh kịch, hay Jīngjù (京剧), một thể loại sân khấu truyền thống của Trung Quốc, không hề giống với kỹ thuật diễn xuất trong điện ảnh. Trong kinh kịch, các diễn viên có xu hướng phóng đại nét mặt và tư thế của mình, đồng thời họ cũng cố gắng truyền tải lời thoại của mình một cách rõ ràng và đầy cảm xúc để khán giả có thể cảm nhận được từng chuyển động ngay cả từ khoảng cách xa sân khấu. Điều tương tự cũng áp dụng cho thoại kịch, huàjù (话剧), hay nói rộng hơn, nó là một thuộc tính thiết yếu khiến diễn xuất trên sân khấu khác với diễn xuất trên màn ảnh. Khi bạn diễn trước ống kính, bạn không bắt buộc phải diễn một cách khoa trương như khi bạn diễn trên sân khấu. Nhưng theo đánh giá của mình, dường như tất cả các diễn viên trong phiên bản Tây Du Ký 1986 đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của kỹ thuật diễn xuất trên sân khấu. Cơn giận, nỗi buồn, niềm vui hay thất vọng đều được họ truyền tải một cách rõ ràng qua giọng nói, khuôn mặt và cử chỉ. Một ví dụ đáng chú ý là Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đóng vai Tôn Ngộ Không. Bản thân ông cũng là hậu duệ của một gia đình có truyền thống lâu đời là đóng vai vua khỉ trên sân khấu kinh kịch lẫn thoại kịch, và việc thể hiện Tôn Ngộ Không của ông theo đó có sức lay động hơn với những khán giả lớn tuổi. Lối diễn xuất của kịch khi mang vào điện ảnh khiến cho cảm xúc và nội dung được tiếp nhận một cách dễ dàng, không cần quá nhiều nỗ lực xét đoán, và vì thế nó lay động được người xem thuộc mọi tầng lớp xã hội. Theo một khảo sát, ở thời điểm phát sóng gốc, phim đã đạt tỷ suất khán giả trung bình là 89,4%, trong đó đối tượng có trình độ đại học tỷ lệ xem là 85,2%, đối tượng mù chữ hay chưa biết chữ (không tính trẻ em) tỷ lệ xem là 100%. Để đạt được số người xem lớn như vậy, bản thân cách truyền đạt phải dễ hiểu và dễ gây cảm xúc.
Thêm vào đó, kỹ thuật diễn xuất sân khấu này cũng rất tương thích với kịch bản phim, vốn trung thành với nguyên tác của Ngô Thừa Ân. Đây là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều đặc điểm của một tác phẩm cổ điển: cuộc phiêu lưu được đánh dấu bởi nhiều sự kiện dọc đường, sự đối lập rạch ròi giữa thiện và ác, hay cấu trúc ba hồi trong mỗi tập phim. Nếu những đặc điểm này bảo tồn giá trị cuốn tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, thì chúng lại tiếp tục duy trì giá trị của bản chuyển thể năm 1986. 
Ngoài ra, không có gì nhạy cảm hoặc gây xúc phạm trong kịch bản hết; nó không nói về tình yêu lãng mạn hay các vấn đề chính trị, mà là tình thầy trò và tình huynh đệ, những chủ đề mà bất cứ ai cũng có thể liên hệ. 
Ngoài diễn xuất và cốt truyện, âm nhạc của bản chuyển thể 1986 cũng rất hay. Lời bài hát chủ đề Cảm vấn lộ tại hà phương đầy ý nghĩa. Bài nhạc mở đầu bộ phim được sáng tác theo âm giai ngũ cung, sử dụng các nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc, mang đến cho người nghe một cảm giác phương Đông. Hầu như mọi người trong thế hệ của mình đều nhớ những âm thanh quen thuộc đó vì đó đã là một phần tuổi thơ của họ.
Mặc dù bộ phim được phát sóng tại Trung Quốc vào năm 1986, nhưng phải đến năm 1990, bộ phim mới đến được với khán giả Việt Nam có lẽ vì chỉ sau hội nghị Thành Đô năm 1990, quan hệ Việt - Trung mới trở nên bình thường và mở đường cho các tác phẩm văn hóa Trung Quốc du nhập đến Việt Nam. Mỗi khi xem lại bộ phim, nó vẫn cho mình nhiều cảm xúc hoài niệm. Mình vẫn cảm thấy tức giận khi Đường Tam Tạng trách lầm Tôn Ngộ Không sau khi đánh chết Bạch Cốt Tinh, và vẫn cảm thấy man mắc buồn khi Ngộ Không quay lại tìm sư phụ đầu tiên của mình, Bồ Đề Tổ Sư, để nhờ giúp đỡ cứu cây nhân sâm nghìn năm.
Nhân tiện, khi xem đoạn trailer thứ hai của Black Myth: Wukong, mình nhận thấy rằng các nhà thiết kế trò chơi đã lấy cảm hứng từ tượng khắc đá Đại Túc ở Trùng Khánh.
Mình thực sự thích thú khi phát hiện ra sự liên hệ này. Vì như mọi người cũng biết, tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân là có nhiều tình tiết mà các vị bồ tát gặp gỡ và tiếp xúc với Ngọc Hoàng và các vị tiên, tức là có sự tương tác giữa các nhân vật trong Phật thoại với trong thần thoại Đạo giáo, thì công trình tượng khắc đá Đại Túc, chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo, Khổng giáo lẫn Đạo giáo, cũng tập hợp tại cùng một nơi những nhân vật thuộc các hệ thống tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Đây là một nét độc đáo của văn hóa Trung Quốc, mà mình vẫn hay gọi là “tam giáo đồng nguyên”.