Xem nhiều phim, nghe nhiều nhạc và câu chuyện về “gu”
Nghệ thuật vô cùng quan trọng trong việc quyết định một nền văn hóa. Nghệ thuật tạo ra cho ta những sân chơi, những “trận địa” để cho ta cảm giác ta thuộc về một cộng đồng nào đó.
Nghệ thuật vô cùng quan trọng trong việc quyết định một nền văn hóa. Nghệ thuật tạo ra cho ta những sân chơi, những “trận địa” để cho ta cảm giác ta thuộc về một cộng đồng nào đó, ta được góp phần trong một xã hội nào đó khuấy động cuộc sống ta, để ta vơi đi bớt phần nào tẻ nhạt và nhàm chán bởi việc kiếm ăn hàng ngày.
Đó là lý do mà những trang như Letterboxd hay RateYourMusic, hay Last.fm ra đời — không chỉ để chia sẻ những bộ phim hay, ít người biết, mà còn để kiến tạo một cộng đồng có cùng đam mê.

Nói tóm tắt, là những tác phẩm mà rất ít người thuộc cộng đồng mainstream quan tâm tới, hay nghe tên tới, mà mặt đông vẫn là điện ảnh và âm nhạc – hai lãnh vực có sự bổ trợ cho nhau, dễ dàng để tiếp thu nhất và được pop culture thúc đẩy mạnh mẽ nhất.
Phim ít người xem, nhạc kén người nghe, cũng như việc thưởng thức một món ăn ngon: ta cần có sự tìm hiểu và ý thức nhất định để có thể tham gia thảo luận, và có trải nhiệm, cảm quan nhất định mà việc duy nhất có thể làm để tham gia theo đó là…xem phim và nghe nhạc nhiều hơn.
Tôi gia nhập Letterboxd từ năm 2015 (đúng 10 năm) khi mới chỉ là một thằng nhóc lớp 8 và đã rời bỏ trang web ngót nghét 6 năm hơn sau một khoảng thời gian trung bình cứ xem 2-3 phim/tuần; thậm chí là có những lúc 2-3 phim một ngày; từ những phim hài của Adam Sandler cho đến các phim của Chris Marker, hay Chantal Akerman, Yasujiro Ozu, cứ xem xong mỗi phim này, tôi lại log lại và thi thoảng lại viết một bài review cảm nhận của mình về phim (cảm quan hoàn toàn cá nhân, quan điểm của chính bản thân mình chứ không phải là vì Roger Ebert hay Anthony Fantano khen hay).

Letterboxd là một trang web tuyệt vời đề khám phá thêm các phim đáng để xem, được phân loại, chọn lọc, đánh giá kỹ càng (review) bởi những người đam mê điện ảnh thực thụ – hơn hẳn IMDb, Rotten Tomatoes với các hệ thống đánh giá và xếp hạng lỏng lẻo cũng như thiếu trực quan và bị biased, nghiêng sang phía các phim Mỹ quá nhiều.
Letterboxd cũng có hệ thống recommendation các bộ phim cũng rất tuyệt vời, và việc bạn log được phim mỗi lần xem cũng là điều hay ho: Tổng thể từ trước đến nay, bạn xem đã được bao nhiêu phim; tuần này followers của bạn đã xem được bao nhiêu phim, có phim gì mà người ta mới khám phá ra được hay không.
RateYourMusic/Bandcamp cũng vận hành một cách tương tự đối với âm nhạc, thúc đẩy khuyến khích các tín đồ âm nhạc quan tâm tới những album vĩ đại trong lịch sử hoặc của các nghệ sĩ không quá nổi bật trong mainstream pha lẫn nhiều thể loại khác nhau cần được nhiều người biết đến hơn.
Các trang kể trên còn quan trọng hơn cả nếu như bạn là một người trong ngành làm phim hay làm nhạc: để kết tinh tạo nên một tác phẩm, ta cũng cần phải biết đến tình hình “địa trận” khi tung ra một thứ gì đó. Để làm ra phim hay – cần phải xem nhiều phim – điều này đã được chứng minh đi chứng minh lại rất nhiều lần trong lịch sử khi nhiều đạo diễn mang tầm ảnh hưởng có xuất thân là film critic.

Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, và mỗi mặt lại có hai mặt…vấn đề nữa.
Một trong những thứ tôi vẫn luôn quả quyết (tương tự như tư tưởng của nhân vật chính thủ vai bởi John Cusack trong High Fidelity cùng với câu quote: “books, records, films – these things matter”), đó là những gì mà bạn yêu thích nói lên rất nhiều về bạn, ít nhất là ở phần tính cách và cách bạn thưởng thức nghệ thuật. Đó cũng là lý do những stereotype hiện đại ra đời, ví dụ như nếu bạn là virgin thì khả năng cao bạn là fan Radiohead, và nếu bạn không phải là virgin nhưng muốn trải nghiệm những cảm giác của một virgin, bạn là sẽ là fan của Coldplay (cụ thể là “Yellow”) – chẳng hạn.
Hoặc một stereotype nữa (được parody trong 500 Days of Summer), đó là hai người nào có cùng gu nhạc/phim thì ắt hẳn sẽ ở bên nhau dài lâu. Đó cũng chính là lý do mà Bumble mới có phần “Music taste”, dường như là vừa để tạo cơ hội cho những người có dating life được thể hiện cá tính bản thân, dường như là để…giúp ta đỡ tốn thời gian khi quẹt phải trúng phải những người không cùng tần số. Ví dụ như ai đó thích HIEUTHUHAI thì mình cá 10 triệu là người đó sẽ đếch có hứng thú tới The Beatles hay Pink Floyd đâu! Trừ khi người đó đẹp gái xinh trai.
Trong điện ảnh, bạn có thể theo phe Ozu hoặc Kurosawa, cũng như theo trường phái của Messi hay Ronado trong bóng đá. Hoặc ở cộng đồng hip-hop, các rap fan được gắn kết với nhau bởi các rap artists mỗi khi ra một track hay diss track nào đó. Bạn là phe Drake hay bạn là phe Lamar? Bạn là phe Jay-Z hay Nas? VietDrargon hay DSK?
Âm nhạc và điện ảnh, cũng tương tự như thể thao chẳng hạn, đó là một sân chơi để ta không cảm thấy chán chường với cuộc sống, và nó gắn liền rất chặt chẽ với văn hóa và những tiểu văn hóa phản ánh qua thời trang mà mình đã nói ở một bài viết trước đây. Và việc “so đọ” về những nghệ sĩ của mình, cũng chẳng có gì là sai trái nếu như cả hai đều thấy vui vẻ trong việc so đo và thể hiện sự hiểu biết của mình về những nghệ sĩ đó.
Nghệ thuật còn tạo ra các làn sóng và các cuộc cách mạng – khi tiền bạc không nói được, thì âm thanh và hình ảnh có thể, cùng với thời trang và các event nghệ thuật.
Cũng như trong tất cả các trường phái, lĩnh vực, hay môi trường, sẽ luôn tồn tại nhóm các người sử dụng, hay lợi dụng gu âm nhạc/điện ảnh của mình để thể hiện cái tôi – mà thẳng thừng là sự “thượng đẳng” về việc mình thích một artist hay đạo diễn này, và stereotype mỗi khi một người thưởng thức một thứ mà họ đã có định kiến sẵn trong đầu, khiến cho việc nói chuyện trở nên đi vào ngõ cụt khi hai người ở hai môi trường khác nhau bắt chuyện về phim ảnh. Hoặc tệ hơn, là khi ta kết hợp với tâm lý bầy đàn, thì một người không đụng chạm đến ai tự dưng sẽ lại bị bắt nạt ngầm bởi vì đơn giản là họ…nghe nhạc khác mình? Chuyện khó tin nhưng đã và vẫn đang là sự thật trong một số cộng đồng mình từng tham gia.

Nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan: Với một người chỉ quan tâm đến kiến trúc, hay chính trị, thì liệu có gì sai trái nếu phim yêu thích của họ là Fast and Furious 5 thay vì La Dolce Vita? Thậm chí, nếu người đó là một người đam mê về các siêu xe, thì việc họ thích Fast and Furious lại càng hợp tình hợp lý hơn. Hoặc một người chỉ đam mê phim truyền hình Việt Nam từ thuở xa xưa mà thậm chí chỉ được vài chục view trên Youtube, họ có ‘thượng đẳng” hơn những người khác chỉ biết nhai đi nhai lại tên các đạo điễn nổi tiếng được bầu ra bởi AFI, 1 board của 4chan, hay các phim A24?
Stereotype chỉ đúng đến một mức độ nào đó nhất định. Ta hoàn toàn không thể đánh giá một con người chỉ thông qua gu phim hay nhạc của họ – đó chỉ là một phần rất nhỏ khiến họ là họ. Trải nghiệm và câu chuyện đời của họ, cách họ đối nhân xử thế, những gì họ từng trải qua quan trọng hơn cả theo quan điểm của tôi.
Nghệ thuật vừa có thể kết nối, song hoàn toàn có thể chia rẽ. Cho đến cuối ngày, thì phim cũng chỉ là phim, nhạc cũng chỉ là nhạc để ta tiêu thụ.
Nếu bạn vẫn còn để những cảm xúc tiêu cực lấn át chỉ vì người này nghe nhạc kia, người kia xem phim nọ khác bạn; tốt nhất là bạn nên dập laptop lại và ra ngoài chạm cỏ một lúc – trải nghiệm cuốn phim cuộc sống – bộ phim quan trọng nhất mà bạn đã, đang và sẽ từng xem (Tất nhiên là dưới The Truman Show rồi).
Minh Tu Le

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất