(Bài viết dựa trên trải nghiệm với bản online, chứ không xem show trực tiếp)
Khi thấy show của Đen có trên Youtube, mình đã vào coi ngay lập tức. Và y như rằng, mặc dù show dài gần 90 phút, mình coi hết một lèo từ đầu đến cuối và hầu như không skip bất kỳ một đoạn nào. Ngay cả khi coi phim mình cũng chưa bao giờ tập trung cao độ như vậy. Cách đây một năm, Đen đã có tease ra trước bản live của Bài Này Chill Phết. Lúc đó mình chỉ muốn sẽ được coi hết tất cả các tiết mục. Và quả thật Đen đã không làm khán giả thất vọng, đặc biệt là những khán giả không có cơ hội trực tiếp xem anh biểu diễn như mình. Sau hơn chục lần cày nát các tiết mục trong show, mình muốn chia sẻ ra đây cảm nghĩ của bản thân về những khoảnh khắc giàu cảm xúc nói riêng cũng như về tổng thể show nói chung. Vì những vấn đề như trang phục biểu diễn hay chất nhạc của Đen hầu như mọi người cũng đã hiểu rõ phần nào nên trong bài này mình sẽ không đề cập nhé.

1) Trình Diễn Với Ban Nhạc

Nhắc đến nhạc rap các bạn liên tưởng đến gì đầu tiên? 90% hình ảnh hiện ra sẽ là một cô/cậu cầm mic và thả flow theo NHỊP BEAT. Ở đây, Đen không làm thế (ít nhất là trong show này). Trên sân khấu của Đen là cả một đội ngũ hùng hậu mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ chương trình về rap nào khác, kể cả là Rap Việt - chương trình về rap đình đám nhất trước giờ. Lần đầu tiên mình được chứng kiến MỘT RAPPER TRÌNH DIỄN LIVE VỚI BAN NHẠC VÀ DÀN BÈ ở phía sau.
Xét trên phương diện chuyên môn, việc Đen kết hợp với ban nhạc thực sự là một nước đi hết sức hiệu quả nhằm thỏa mãn cả cái tôi sáng tạo của nghệ sĩ cũng như đem đến trải nghiệm thích thú cho khán giả. Nếu chỉ đơn thuần đem y nguyên những bài hát của mình lên sân khấu, chắc hẳn show của Đen đã không gây được tiếng vang lớn như vậy.
Nếu các bạn chưa biết, thì tất cả 14 bài hát (trừ Cho Tôi Đi Theo được biểu diễn bởi các thành viên của Ngọt Band) đều được ban nhạc phối lại theo những phong cách khác nhau dưới sự cố vấn của đạo diễn âm nhạc Long Halo (vì thời lượng bài viết có giới hạn nên nếu bạn nào muốn biết rõ hơn về ảnh thì tham khảo trong link nhé, cũng có số má lắm, không thua gì Touliver đâu).
Sự kết hợp độc đáo này đánh đúng vào tâm lý thích những thứ “same same but different” của chúng ta. Chỉ xét riêng về âm nhạc, chẳng phải không ít người trong chúng ta vẫn rất hay tìm kiếm những bản cover từ vocal cho đến instrumental hay sao?
Nắm bắt được tâm lý trên, ekip của Đen đã làm khán giả “sướng lỗ tai” bằng cách đưa họ qua những cung bậc cảm xúc khác nhau mà mỗi bản phối mang lại: Từ phong cách bolero, mở đầu bằng một câu solo đậm chất “Chim trắng mồ côi” nhưng không hề phèn của Đố Em Biết Anh Đang Nghĩ Gì cho đến cảm giác an yên, bay bổng với tiếng violin và giọng bè cao vút khiến khán giả tưởng mình đang nghe nhạc của Lê Cát Trọng Lý. Với Đi Theo Bóng Mặt Trời, Đen và ban nhạc dẫn mọi người đi khám phá nét đẹp Việt Nam bằng những âm thanh hết sức đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên để rồi sau đó khán giả lại được một phen nổi hết cả da gà khi âm hưởng opera của Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em vang lên. Để rồi tất cả đều vỡ òa và nhún nhẩy điên cuồng trong cú drop EDM đỉnh nhất show ở verse cuối Ta Cứ Đi Cùng Nhau (viết đến đây lại nổi da gà 😉).
Việc kết hợp với ban nhạc khiến cho các bài hát quen thuộc của Đen không còn là thứ dễ đoán. Một khi đã bắt đầu nhận ra được ý đồ của ekip, mình đã không thể không xem tiếp bởi bản tính vốn tò mò, không biết những bài tiếp theo sẽ là style gì nữa đây.

2) Visual Treatment

a) Tiết chế trong việc dùng màn hình LED

Nếu là một người có quan tâm đến các nghệ sĩ việt nam, đặc biệt là thích xem liveshow của họ (cả offline hay online), bạn có thể dễ dàng nhận thấy ở việt nam có rất nhiều liveshow có phần visual cực kỳ hoành tráng. Có thể kể đến như Hộp Thư Số 1 của Hương Tràm hay như Hành Tinh Song Song của Vũ. Điểm chung của cả 2 show này là đều dùng đến những màn hình led lớn tạo ấn tượng thị giác với khán giả cũng như góp phần truyền tải tinh thần mà người nghệ sĩ mong muốn.
Tuy nhiên lại một lần nữa, ở đây Đen không làm thế. Ngoài hệ thống đèn sân khấu, show không hề sử dụng thêm màn hình led với mục đích LÀM BACKGROUND. Xuyên suốt cả show diễn, ekip chỉ sử dụng vỏn vẹn 6 màn hình (2 màn hình ngang ở ngoài cùng và 4 màn hình dọc ở phía trong). 2 màn hình được sử dụng nhiều nhất là 2 màn hình ở 2 bên cánh để giúp khán giả ở phía xa vẫn có thể theo dõi được các phần trình diễn. Theo ý kiến cá nhân của mình, chính việc sử dụng màn hình một cách tiết chế có chủ đích như vậy giúp khán giả tập trung tối đa vào những con người đang có mặt trên sân khấu.

b) Kỹ Thuật Slow – motion

Nếu ai là fan điện ảnh và cụ thể hơn là fan của những bộ phim của Zack Snyder thì không còn lạ gì với kỹ thuật slow-motion. Ông là một trong những bậc thầy trong về kỹ thuật này (bạn có thể tham khảo một số tác phẩm do ông đạo diễn như Watchmen (2009), 300 Chiến Binh 1 & 2 hoặc sản phẩm Justice League Snyder Cut mà trong quá khứ đã gây ra không ít lùm xùm giữa các bên liên quan).
Hiểu một cách đơn giản, slow-mo là kỹ thuật thường được áp dụng để giúp tăng phần kịch tính và giá trị cảm xúc cho cảnh quay. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp điều hướng sự chú ý của khán giả theo đúng ý đồ của đạo diễn. Xét về khoản này, mình phải thừa nhận đội ngũ editors đã xử lý quá tốt. Xuyên suốt show, không khó để bắt gặp những cú slow-motion đầy chủ ý nhằm ghi dấu ấn với khán giả về những khoảnh khắc đầy cảm xúc.
Cái hay ở chỗ, kỹ thuật này được ekip sử dụng với tần suất vừa phải. Thời lượng cho mỗi pha slow-motion như vậy thường rất ngắn, chỉ trong khoảng 2 – 3 giây, về tổng thể không làm show trở nên rườm rà và gây khó chịu. Không những thế, transition slow-motion về lại tốc độ bình thường cũng cực kỳ chỉn chu. Bằng việc kết hợp các góc máy khác nhau của cùng một footage, mọi thước phim đều cực kỳ mượt mà và ấn tượng. Dưới đây là một vài ví dụ:
03:50 – 03:54, Ta Cứ Đi Cùng Nhau
03:23 – 03:26, Mười Năm
Thật nói không quá khi Đen đã làm được hơn là một show âm nhạc đơn thuần. Sản phẩm của anh đã đem đến cho khán giả một trải nghiệm tiệm cận mức điện ảnh.

3) Sự Xuất Hiện Của H’Hen Niê

Mặc dù biết trước cảnh H’Hen xuất hiện trong Bài Này Chill Phết (trước show đã có video bài này), nhưng thật sự mình vẫn không thể nào ngăn được cái sự sung sướng trong người khi chứng kiến H’Hen bước ra sân khấu. Có một số comment cho rằng nếu mà người bước ra không phải là H’Hen mà là Sếp Tùng thì sân khấu còn bùng nổ hơn nhiều.
Riêng bản thân mình không cho là như thế. Bất kỳ ai đều cũng có thể thấy Đen Vâu và Sơn Tùng là 2 cá tính âm nhạc cực kỳ khác biệt nhau. Họ cùng có khả năng đốt cháy sân khấu nhưng bằng những cách hoàn toàn khác nhau. Với Đen, đó là việc liên tục đưa tay ra high five thân mật với fan trong lúc biểu diễn trong khi Sơn Tùng thể hiện cá tính của mình bằng biểu cảm gương mặt và ngôn ngữ hình thể đầy ngạo ngễ và cool ngầu. Một bên gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào từng câu từng chữ trong bài hát trong khi bên kia khiến khán giả đứng ngồi không yên vì kỹ năng biểu diễn và khả năng vũ đạo của mình.
Ngoài ra, thêm một lý do mình không thấy ổn với việc Sơn Tùng xuất hiện thay vì H’Hen là vì cả Đen Vâu và Sơn Tùng đều là vocal. Rõ ràng Sơn Tùng không thể chỉ xuất hiện mà không hát gì. Nhưng có ai dám chắc Sơn Tùng có thể hát gì đó khi xuất hiện vì vốn chất nhạc của anh và Đen Vâu là hai thứ không hề liên quan đến nhau? Nói ra để thấy được việc ekip quyết định mời H’Hen tham gia – với vai trò hoa hậu - là một quyết định cực kỳ sáng suốt: vừa góp phần tạo nên dấu ấn cho show diễn vừa không phá vỡ tinh thần tổng thể của show.

4) Đen Dùng Điện Thoại Của Fan Để Quay Phim

Dẫu không có MC dẫn dắt, show của Đen dường như không hề tạo cho khán giả cảm giác thiếu năng lượng. Trái lại, bằng những gì vốn có của mình, Đen đã xây dựng được sự kết nối cực tốt với những người đứng trên sân khấu và khán giả. Xuyên suốt buổi biểu diễn, Đen liên tục tương tác với tất cả mọi người. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh Đen thường xuyên có những màn tương tác như thể đối đáp với 2 vocal bè phần rap (đặc biệt là bạn nữ).
Và quan trọng, số lần anh đưa tay high five với các Đồng Âm còn nhiều hơn như thế gấp nhiều lần. Đỉnh điểm của sự kết nối này được thể hiện ở hành động Đen mượn điện thoại của khán giả để quay lại cảnh anh biểu diễn ở cuối Ta Cứ Đi Cùng Nhau.
Thoạt đầu mình không biết đây là điện thoại của Đen hay của khán giả. Nhưng ngay ở frame sau thì mình dám chắc đó là điện thoại của fan, vì xung quanh các bạn cũng đang đưa điện thoại ra rất nhiều, như thể muốn đưa cho Đen. Nếu đó là điện thoại của anh thì hẳn khán giả sẽ không có phản ứng như thế mà chỉ đơn giản là cố gắng xuất hiện trong khung hình của Đen.
Trên đây là một số điều mình ấn tượng về liveshow kỷ niệm 10 năm chơi nhạc của Đen. Lâu lắm rồi mới có một show diễn đem lại cho mình nhiều cảm xúc như thế. Với phong cách làm việc nghiêm túc cũng như tư duy luôn muốn hợp tác cùng những người giỏi nhất của Đen, mình hy vọng trong tương lai sẽ lại được thưởng thức nhiều hơn nữa những sản phẩm âm nhạc chất lượng và mộc mạc của anh.  À quên cho phép mình bonus thêm một điểm nhé

5) Đen là good boy

Với kinh nghiệm tình trường chưa hề được kiểm chứng của bản thân, mình có thể khẳng định là không có một fuck boy nào lại đi nắm tay con gái nhà người ta theo cách quái đản như thế này cả. Bình thường người ta toàn nắm vào lòng bàn tay, đằng này ông cứ đè cổ tay người ta ra mà lôi 😊.
Mình dám chắc chỉ có mấy ông nhát gái mới như này. Lúc coi đến cảnh này mình cười bò ra đấy. Sao mà có người giản dị mà hiền lành thế không biết.
Đấy mọi người xem, đời đúng thật không biết đâu mà lần: ông chuyên đi viết nhạc cho dân tình lấy quotes thì lại nhát gái không để đâu cho hết.