Không màn nguồn gốc, bối cảnh phát xuất ý tứ là từ thơ hay bài hát, và những câu trước và sau đó, thì nội dung sau đây chỉ gói gọn bình luận ý của mấy câu trong ngoặc kép của đề bài. Vậy thì, rõ ràng ý tác giả nói rằng cuộc đời này không hề toàn là xấu xa mà đâu đó còn có những điều tốt đẹp, như hoa cây táo nở, như nước giếng trong. Theo quan điểm của người viết, ý tứ này của tác giả là… trật lất. Thế giới này toàn là những xấu xa.
Dĩ nhiên, để tránh những tranh cãi râu ria mà không ai muốn sa đà, “xấu xa” mà người viết muốn nói tới có nghĩa rộng. Cụ thể, từ xưa, thiên hạ coi “tốt đẹp” là những gì hợp với lẽ phải, phép tắc, đạo đức, thậm chí kể cả những thứ phi nhân cách như thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt, nói chung là trật tự được thiết lập và có lợi cho con người thì gọi là “tốt đẹp”. Còn “xấu xa”, và cũng là thứ xấu xa mà người viết muốn nói tới, là các thứ hiểm ác, lừa lọc, phá hủy giá trị xã hội, thiên tai, thảm họa, gom chung lại là tình trạng hỗn loạn và hủy diệt.
Như vậy, trước hết, triết gia thì nói gì về cái xấu? Lấy “nhân chi sơ tính bản thiện” của Khổng Tử hay “nhân chi sơ tính bản ác” của Tuân Tử làm ví dụ, dù thuyết nào thì cái xấu cũng luôn sờ sờ ra đó mà nếu không tu thân, tích đức, khống chế và kiềm chế thì lúc nào cũng như tâm ma chực chờ bùng nổ, sa đà sắc dục vô độ, tranh chấp phát sinh, chiến tranh kéo dài, quốc gia tàn lụi. Và dĩ nhiên, lịch sử cho thấy làm gì có ai chống lại được những thứ đó.
Đối với khoa học hay xã hội hiện đại, cái xấu chính là sự hỗn loạn. Mà đã là hỗn loạn, thì chỉ có tăng theo thời gian lên chứ không thể giảm đi. entropy của vũ trụ thì luôn tăng. Lính lác thì luôn muốn phỉ bang, bất tuân cấp trên. Các vị lãnh đạo thì ngày đêm đấu tranh để giữ quần chúng tuân theo các chuẩn mực. Hỗn loạn luôn là xu thế tất yếu.
Các tôn giáo thì nói rằng cái xấu, cái ác phát xuất từ con người, hoặc ma quỷ như là một thế lực hiện hữu, quấy nhiễu cái thiện; hoặc cái ác là sự thiếu hiểu biết, là hậu quả của hành vi của con người trong quá khứ; là gì thì cũng là những điều không thể biến mất. Ngôn ngữ tiếng Anh người ta gọi bệnh tật là “disorder”, tiếng Việt gọi là “rối loạn” cái gì đó. Quái thú “Hỗn Độn” của văn hóa Trung Hoa cũng là hung thú, Chaos trong thần thoại Hy Lạp cũng đại diện cho khái niệm vô minh, không có lí trí mà người xưa muốn tránh mà sáng tạo ra các vị thần cai quản trật tự, và đến ngày nay thì các vị này không còn mạnh mẽ như xưa nữa.
Sau cùng thì, dù cây táo vẫn nở hoa trước khi kết trái, nhưng tất cả các trái này rồi sẽ được tẩm đầy thuốc để nhiều tháng sau vẫn tươi tắn, căng bóng khi được nhai rao ráo trong mồm của ai đó. Hay như giếng nước của tác giả vẫn từng có thời điểm trong veo, trước khi nguồn nước ngầm thoang thoảng, nhiễm bẩn len lỏi vào, như nhiều dòng sông hay gặp ở nơi nhà cao đường đông, và sẽ còn gặp ở nhiều nơi nữa.