Chúng ta mê mải với công việc. Công việc định hình danh tính của ta, nó định hình cả cấu trúc cuộc sống của chính ta và dẫn dắt ta đến mục đích của cuộc sống. Là một người Mỹ (có lẽ điều này không chỉ đúng với xã hội Mỹ- mà còn là một hiện tượng toàn cầu), ta tự nhận công việc cũng chính là bản thân ta. Ta tin rằng thành tựu và năng suất của mình không chỉ giúp ta xác định danh tính của chính mình mà còn mở đường cho ta tới sự thành công và hạnh phúc.
Triết gia người Đức gốc Hàn Byung-Chul Han (tác giả cuốn The Burnout Society) cho rằng xã hội tư bản đương đại đã trở thành một 'xã hội thành tựu' và chúng ta, như những người tham gia xã hội này, đã trở thành những chủ thể của xã hội thành tựu đó. Trong xã hội thành tựu, chúng ta chịu đựng áp lực nội tại để "thành đạt" - làm nhiều hơn, trở nên xuất sắc hơn, sở hữu nhiều hơn. Dù có tự nhận ra hay không, chúng ta đã tự mình đạo đức hóa việc bán mình cho tư bản, đặt nặng việc thành bại của chúng ta trên đôi vai chính mình. Kết quả của xã hội thành tựu chính là sự kiệt sức - sự kiệt sức về mặt cảm xúc, nhận thức và thể chất do áp lực phải liên tục "đạt" được điều gì đó.
Và vì vậy, đối với Han, trong thế giới đương đại, bản thân mỗi chúng ta không còn là một chủ thể mà trở thành một dự án. Dự án là chính bản thân mỗi người cần được tối ưu hóa, tối đa hóa, cần được làm hiệu quả, được nuôi dưỡng để đạt tới ngưỡng sản xuất hiệu quả nhất. Điều đáng lo ngại của việc này là tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống trở thành các dòng miêu tả trên sơ yếu lý lịch. Có tự nhận thức được hay không, chúng ta đều đang đối mặt với rủi ro bị thống trị liên tục bởi câu hỏi "Hành động của tôi vào lúc này đang ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tối đa của mình như thế nào?" Tư duy này thâm nhập vào cả mọi khoảnh khắc cá nhân và dường như là riêng tư nhất, biến mọi lựa chọn và hành động của chúng ta thành một động thái chiến lược trong "trò chơi" luôn phải cải thiện bản thân và trở nên tiến bộ.
Tôi nghĩ Han thật sự nhận ra điều gì đó trong xã hội này, dù cho Han đang sử dụng cách lập luận tổng quát. Trong nền kinh tế hiện nay, công việc của chúng ta ngày càng được cá nhân hóa. Chúng ta mang theo nó khắp mọi nơi thông qua chính chiếc điện thoại thông minh của mình. Khả năng kết nối liên tục với công việc nghĩa là mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta đều có thể trở thành thời gian làm việc. Những người làm việc trong nền kinh tế dịch vụ tự do được yêu cầu phải tự làm chủ, ngay cả khi đã luôn tự cảm thấy áp lực từ thuật toán (theo mình hiểu là thuật toán trên mạng xã hội) để liên tục phải làm việc. Hồ sơ trên mạng xã hội của chúng ta là hình ảnh phản chiếu tối ưu nhất của bản thân mỗi người, được lựa chọn kỹ lưỡng để tạo ra một hình ảnh hoàng kim về sự thành công và thành đạt.
Nhưng không khó để nhận thấy rằng xã hội thành tựu là một điều giả dối. Kể từ những năm 1970, năng suất đã tăng gấp 3,5 lần so với mức lương của công nhân Mỹ. Công việc không ổn định đã tăng lên 9% kể từ cuối những năm 1980, và chúng ta đã chứng kiến mức độ kiệt sức cực kỳ cao trong lực lượng lao động. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta bị trả lương thấp, luôn trong trạng thái bất an và kiệt sức. Tuy vậy, xã hội thành tựu - với sự yêu cầu của nó đối với mỗi cá nhân là phải trở nên năng suất hơn, hiệu quả hơn, tự tối ưu hóa - vẫn tiếp tục giữ vững sức hút của mình (Theo ý mình hiểu là dù mệt mỏi nhưng chúng ta vẫn cứ chạy theo một xã hội thành tựu).
Vấn đề là, khi trở thành những người chủ thể trong xã hội thành tựu, chúng ta không chỉ tự làm kiệt sức mình, mà ý nghĩa và giá trị của cuộc sống của chúng ta luôn bị trì hoãn. Khi chúng ta có công việc mơ ước, ngôi nhà hoàn hảo, một cuộc sống được tối ưu hoàn hảo - khi chúng ta đã chạm đủ mức hiệu suất , đủ hiệu quả, đủ thành công - chỉ sau đó chúng ta mới đạt được ý nghĩa cuộc sống. Nhưng giống như trái cây mà Tantalus không bao giờ nắm được trong Tartarus, ý nghĩa của cuộc sống vẫn tiếp tục nằm ngoài tầm với của chúng ta. (Đây là một câu chuyện từ thần thoại hy Lạp).
Triết gia người Đức Moritz Schlick (1882-1936) cho chúng ta thấy rằng cách tiếp cận cuộc sống này là một sai lầm. Trong tác phẩm "Về Ý Nghĩa Của Cuộc Sống" (1927), Schlick viết: "[Sự] thần thánh hóa của công việc, niềm tin lớn lao của thời đại công nghiệp của chúng ta, đã được tiết lộ như một sự thờ phượng." Ông lập luận rằng ý nghĩa thực sự trong cuộc sống chỉ có thể được tìm thấy trong những điều "tồn tại vì chính nó và mang hạnh phúc cũng trong chính nó," chỉ trong "hành động tự do, không mục đích ... mà thực sự mang mục đích của nó trong chính nó." Đối với Schlick, ý nghĩa thực sự của cuộc sống chỉ có thể được tìm thấy trong trò chơi.
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Trò chơi là hoạt động chúng ta thực hiện vì chính nó. Đó là những gì chúng ta gọi là một hoạt động tự có mục đích - nó có chính nó là mục tiêu, và không cần tìm kiếm mục đích bên ngoài nó. Khi chúng ta chơi, chúng ta đi theo tinh thần đam mê và niềm vui mà hoạt động đó mang lại. Trong trò chơi, chúng ta không cần phải được kích thích bởi các phần thưởng hoặc công cụ nào. Chúng ta không bị thúc đẩy bởi hiệu suất và mục đích bên ngoài. Chúng ta không chơi để trở nên năng suất hơn hay chỉ để tối ưu hóa bản thân. Chúng ta chơi hoàn toàn vì chính việc chơi. Nói một cách ngắn gọn, khi chúng ta chơi, nếu đó là trò chơi thực sự, chúng ta không phải là những chủ thể của xã hội thành tựu nữa.
Sự chơi đùa tự nhiên của trẻ em giúp chúng ta nhìn thấy điều này một cách rõ ràng nhất. Đứa trẻ không cần sử dụng trò chơi cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc chơi. Những kỳ vọng cứng nhắc về hiệu suất và hiệu quả không có ý nghĩa gì đối với một đứa trẻ. Chúng không nhìn thấy bất cứ điều gì trước mắt ngoài sự hiện diện của chính chúng trong thế giới này. Trò chơi của đứa trẻ là một hình thức hạnh phúc tinh khiết nhất không chỉ vì chúng là một đứa trẻ, mà còn vì chúng hoàn toàn mê mải với trải nghiệm từng khoảnh khắc. Đứa trẻ chưa rơi vào một lỗi lớn mà hầu hết chúng ta mắc phải khi trưởng thành, đó là 'con người nói chung luôn có khuynh hướng coi mỗi trạng thái, dù không có trạng thái nào là hoàn toàn hoàn hảo, như một sự chuẩn bị để đạt đến một trạng thái hoàn hảo hơn.'
Và tuy nhiên, chúng ta vẫn trải nghiệm niềm vui của trò chơi khi trưởng thành, nhưng chỉ trong những khoảnh khắc hiếm hoi và xa lạ. Và ngay cả khi chúng ta chơi, nó được coi là không nghiêm túc hoặc phù phiếm. Trong khi trưởng thành, trò chơi chỉ được xem là một sự nghỉ ngơi ngắn ngủi khỏi công việc, một chuyến du lịch ngắn giúp chúng ta vượt qua thời gian giữa các khoảnh khắc của việc làm việc hết công suất.
Nhưng quan trọng, Schlick cho rằng, chúng ta có thể tìm cách biến công việc trở thành trò chơi. Nếu công việc có thể cũng mang tính sáng tạo và tự cung tự cấp như trò chơi, thì sự phân biệt giữa 2 điều này sẽ tan biến: "Hành động của con người là làm việc, không phải vì nó mang lại kết quả gì, mà chỉ khi nó bắt nguồn từ, và được điều hành bởi, ý niệm về kết quả mà nó đem lại ... Đó là niềm vui trong việc tạo ra sự tồn tại, sự tận tụy trong việc hoạt động, sự hấp thụ trong chuyển động, sẽ biến công việc thành trò chơi." Và vì vậy, công việc của chúng ta có thể trở thành trò chơi chỉ khi những giáo lý về đạo đức làm việc - những nguyên tắc dạy chúng ta trở nên những công cụ tạo ra năng suất làm việc hiệu quả - được thay thế bằng kiến thức mà chúng ta thật ra đã có từ thuở nhỏ nhưng dần bị mất đi theo năm tháng.
Schlick cũng hiểu rằng lời kêu gọi đến việc vui chơi (playfulness) của mình không phải là một công tắc tâm lý mà tự mình có thể bật và tắt được. Bởi điều này đòi hỏi sự thay đổi cấu trúc để loại bỏ công việc mang tính chất "cơ khí, làm hại tinh thần, làm mất phẩm chất" hoặc loại công việc mà chỉ phục vụ cho việc "toàn chỉ sản xuất ra rác và những thứ xa hoa trống rỗng". Điều này dẫn tới chủ nghĩa tư bản, điều mà đặt người lao động vào các yêu cầu về năng suất nghiêm ngặt và gây ra các cuộc khủng hoảng về sản xuất thừa thãi, là trái ngược với một xã hội vui chơi (playful society). Miễn là chủ thể trong xã hội thành tựu vẫn là sản phẩm của đạo đức lao động tư bản, thì 'chủ thể vui chơi' sẽ phải nảy sinh từ một tập hợp các điều kiện kinh tế mới.
Sống một cách vui vẻ hơn sẽ có nghĩa là gì? Trước hết, điều đó đòi hỏi chúng ta phải từ chối những công việc không có động lực nội tại và xây dựng những điều kiện làm việc mang tính thú vị. Thứ hai, điều đó đòi hỏi chúng ta phải giảm bớt sự quan trọng của công việc trong việc tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân và ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Mặc dù công việc chính là trung tâm của bản thân mỗi con người và cách chúng ta có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, nhưng tự chúng ta đang đặt cao một cách quá mức tầm quan trọng của công việc trong cuộc sống của chính mình. Thứ ba, điều đó đòi hỏi một sự chuyển biến khỏi việc đặt hiệu suất và năng suất như các chỉ số chính để đo phúc lợi xã hội. Cuối cùng, điều đó đòi hỏi chúng ta phải phát triển kỹ năng và khả năng để chơi - dành tâm huyết của ta cho những điều mang trong nó một động lực nội tại, những điều không "bị che khuất bởi đám mây tối tăm của mục đích".
Việc chơi có thể dễ dàng bị coi là trẻ con, không có trách nhiệm và không phù hợp với sự nghiêm túc mà chúng ta, những người là chủ thể của xã hội thành tựu hiện đại, cần phải có. Nhưng yêu cầu về cuộc sống vui vẻ thực sự là một yêu cầu từ chối các điều kiện của một xã hội thành tựu. Chấp nhận chơi là một sự phản kháng mạnh mẽ đối với khẩu hiệu phải làm việc năng suất không ngừng nghỉ của xã hội thành tựu. Nhưng chúng ta cũng cần phải cẩn trọng để không sa vào bẫy của self-help. Những lời kêu gọi về việc 'tìm kiếm đứa trẻ bên trong bạn' hoặc 'tìm kiếm tính cách chơi của bạn' mà không có sự thay đổi về mặt cấu trúc đều có nguy cơ trở thành một hành động không có tác dụng. Để việc vui chơi là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta không chỉ là một hành động phản kháng cá nhân mà còn là một trách nhiệm xã hội. Lời kêu gọi đến việc vui chơi (playfulness) không phải là một chỉ định mang tính tâm lý cá nhân - đó là một lời kêu gọi đến hành động tập thể phản kháng lại xã hội thành tựu.
P/S1: Mình không phải chuyên dịch nên sẽ có những đoạn có thể dịch nhầm ý tác giả. Đây chỉ là 1 sự cố gắng cá nhân để hiểu thêm về chính bài đọc về một nội dung đọc đúng vào thời điểm mình gặp khủng hoảng về công việc. Cảm ơn sự góp ý của mọi người. P/S2: Tình cờ vừa đọc xong bài này thì thấy 1 bài khác same same chủ đề gửi cho mọi người cùng đọc ở đây The Problem With Our Need to Achieve