Vùng Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing News
Đây là đoạn trích từ Chương 4 - Thủ Thiêm Future Past: A Short History of Seeing without Seeing trong sách Luxury and Rubble: Civility and Dispossession in New Saigon (tạm dịch: Xa Hoa và Gạch Vụn: Sự Văn Minh và Mất Mát ở Thành Phố Sài Gòn Mới). 
Tác giả sách là Erik Harms, Phó Giáo Sư ngành Nhân Loại Học và Nghiên Cứu Đông Nam Á, Đại học Yale. Sách được xuất bản năm 2016 bởi Nhà xuất bản Đại học California. 

NHỮNG BẢNG HIỆU CHO TƯƠNG LAI

Trong một vài năm ngắn ngủi, khoảng giữa năm 2009 và năm 2012, những tấm biển quảng cáo vốn đã chắn tầm nhìn của vùng Thủ Thiêm từ bên kia sông suốt nhiều năm qua lần lượt bị dỡ xuống. Đối nghịch với ấn tượng về vùng đất hoang vắng được vẽ ra trong các bản đồ và kế hoạch quy hoạch cho vùng, những vùng đất đằng sau các tấm biển ấy không phải là vùng đất hoang mà là một khu dân cư nhộn nhịp, ôm ấp bởi Nhà thờ Công Giáo lâu đài nhất ở thành phố, vốn được giữ gìn rất kỹ lưỡng và thường được biết với tên gọi là Dòng Mến Thánh Giá. Dọc suốt ba phường của khu vực là rất nhiều đền thờ, đình, nhà thờ tổ, chùa, trường học, ba trụ sở Ủy Ban Nhân Dân, hàng ngàn hộ gia đình, một con đường thủy vốn rất sống động bởi các chuyến ghe tàu đi lại.
Suốt hơn một thế kỷ qua, phà Thủ Thiêm đưa những người dân đi qua lại sông Sài Gòn, cứ lặp đi lặp lại nhịp điệu 5 phút mỗi chuyến đều đặn từ Quận Nhất đến bến Phà Thủ Thiêm ở phường An Khánh. Khi đến nơi, các hành khách sẽ thấy ba lối đi: đi bên trái là về những khu dân cư dày đặc dọc theo đường Cây Bàng, còn đi dọc bờ sông cong cong là nhà thờ, tu viện, và những căn nhà cũng như đền thờ ven sông, hay là đi thặng theo đường Lương Định Của nhộn nhịp, vốn có những cửa tiệm tạp hóa, nhà hàng hay là nhà dân nằm trải dài từ bến phà cho đến phần còn lại của Quận 2.

Tuy nhiên, chỉ ngay sau đêm giao thừa ngày 01/01/2012, bến phà chính thức ngừng hoạt động, và như thế chấm dứt một lối sống truyền thống ở Thủ Thiêm. Suốt hai năm liên tiếp, tốc độ phá dỡ từng căn nhà dân một đã tăng lên một cách kinh ngạc. Tuyên bố chính thức của chính quyền Quận 2 vào năm 2010 nói rằng họ mong muốn đẩy nhanh dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm. Điều đó thể hiện rõ nhất ở việc dọn dẹp mặt bằng. Đến thời điểm đó, những hộ dân nào còn chưa đồng ý rời khỏi nhà sẽ bắt đầu nhận được thông báo rằng nhà của họ sẽ bị “cưỡng chế thu hồi đất”, và áp lực càng lúc càng dâng cao theo từng ngày. Một vài nhóm dân cư tổ chức biểu tình trước tòa nhà chính phủ ở nội đô Sài Gòn, và thậm chí dám viết tường thuật lên blog cá nhân và tạo các trang báo chí trên mạng để chỉ trích hành động mà họ gọi là “cướp đất” và chất vấn mặt hợp pháp của chính quyền. Tuy nhiên số đông người dân hoặc là đầu hàng hoặc là im lặng chờ đợi, ngồi thương lượng với chính quyền với mong muốn đạt được kết quả tốt nhất. Trong khi điều đó đang diễn ra, những đoàn xà lan chở đầy cát lất từ sông Đồng Nai, nằm xếp hàng bên bờ sông ở Thủ Thiêm. Những cái ống dài từ các xà lan đó bơm và phóng ra một hỗn hợp cát và nước sông để san lấp các vùng trũng, nâng cao đất nền và làm bằng phẳng mặt đất. Đến hè năm 2013, phần lớn nhà dân ở Thủ Thiêm đã được cào bằng để phục vụ cho việc “giải tỏa”, mà đôi lúc còn gọi là “giải phóng mặt bằng” hay là “thu hồi đất”. Bỏ hết những mỹ từ ra khỏi câu chữ, tất cả những từ đó đều có chung một nghĩa: lấy đất.



Phần lớn người dân bị áp lực phải im lặng ký giấy tờ, chấp nhận các điều khoản thỏa thuận và rời đi. Đến tháng 05 năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo chính thống của Đảng Cộng Sản ở Thành phố Hồ Chí Minh là Sài Gòn Giải Phóng, Trang Bảo Sơn, phó giám đốc của Ủy Ban Đầu Tư và Xây Dựng Thủ Thiêm nói rằng: “Đến thời điểm này, có thể nói rằng công việc bồi thường và hỗ trợ cho các cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án đã xong xuôi.” Lúc lời phát biểu này được đưa ra, phần lớn công việc phá hủy và cưỡng chế đất đã được thực hiện xong và chỉ còn lại vài công trình kiến trúc sót lại có thể nhìn thấy được từ bên kia sông ở Quận Nhất là nhà thờ Công giáo và Dòng Mến Thánh Giá. Hai đình cũng được giữ lại ở phường An Lợi Đông và phường An Khánh, nhưng phần lớn chúng đã bị che đi bởi các lớp cỏ mọc cao, vốn sinh sôi mạnh trên khu đất trước đây là nhà dân. Sâu hơn trong lòng Thủ Thiêm, dọc đường Lương Định Của, Chùa Liên Trì vẫn đứng vững, lãnh đạo chùa kiên quyết chống lại việc cưỡng chế. Trong khi đó, cổ trâu, cây dừa nước và bụi cỏ dại mọc cao lên che đi những đống đổ nát của nhà ở. Sự thờ ơ của dân chúng kết hợp với máy ủi tạo đã tạo nên sức mạnh cho việc cưỡng chế. Vào tháng Tư 2013, một ngọn lửa lớn bùng phát và thiêu rụi khu đất hoang đầy cỏ. Vào mùa hè năm 2014, những đàn bò đi dọc rìa Thủ Thiêm, gặm những bụi cỏ mọc trên những khu đất trước đây là nhả ở. Đến năm 2015, những con đường đã được xây trên vùng đất bằng phẳng và những cột móng bê tông đầu tiên đã được đóng xuống, đánh dấu giai đoạn đầu của khu đô thị mới.
Năm 2014, sau khi mặt bằng đã được dọn dẹp, chính quyền thành phố cho dựng 8 bảng hiệu cổ động mới, thay thế cho những bảng hiệu quảng cáo đã biến mất 3 năm trước đó. Bốn trong số bản hiệu đó được thiết kế với hình ảnh người lao động, người lính, giới tri thức, nhà khoa học và người dân đang đứng chào, tất cả được tô màu sắc truyền thống của các tranh tuyên truyền. Một trong số bốn bảng hiệu đó vẽ hình một nhóm thủy thủ đang nghiêm chào từ cụm đảo mà Việt Nam đang tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ khỏi sự lấn chiếm của Trung Quốc. Còn những bảng hiệu khác thì đầy khẩu hiệu. Một bảng hiệu ghi như sau:
NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
TRONG VIỆC THỰC HIỆN TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, XÃ HỘI CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ, VĂN MINH”
BIỂU HIỆN CỦA SỰ ĐỒNG THUẬN VÀ ĐOÀN KẾT,
TẬP HỢP SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT CỦA DÂN TỘC
ĐỂ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ THÀNH PHỐ VÀ ĐẤT NƯỚC
Một bảng hiệu khác ghi:
NGƯỜI DÂN THÀNH PHỐ CHUNG TAY XÂY DỰNG
MỘT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VĂN MINH, HIỆN ĐẠI VÀ NHÂN VĂN
Bên cạnh các khẩu hiệu, bốn bảng hiệu còn lại đăng những số điện thoại để liên hệ quảng cáo. Đến năm 2015, những tấm biển này đã được che phủ bởi những quảng cáo của Heineken.

NHỮNG LỜI HỨA HẸN VÀ CÁI GIÁ CỦA KẾ HOẠCH

Khi những vùng đất đã được san bằng cho việc xây dựng khu đô thị mới, Thủ Thiêm trở thành vùng đất của những sự đối lập lớn. Một mặt là đống gạch vụn khổng lồ của hơn 14,600 hộ gia đình đã bị ép phải rời khỏi nơi họ ở, còn mặt khác là những tấm bảng hiệu khơi dậy tinh thần dân tộc, những bảng hiệu quảng cáo và một loạt các lời hứa về thiên đường mới. Những đống gạch vụn và sự đổ nát cho thấy rõ rang rằng hàng nghìn hộ gia đình Việt Nam đã bị yêu cầu, kèm với việc sử dụng vũ lực, để chấp nhận sự hy sinh khổng lồ này nhằm giúp thành phố đạt được lời hứa trên bảng hiệu tuyên truyền. Không có gì bị giấu diếm ở đây cả. Suốt gần một thập niên qua, ngay cả báo chí Việt Nam, vốn thường được hiểu đơn giản là bị kiểm soát bởi Đảng, đã liên tục đăng bài về sự khó khăn mà người dân Thủ Thiêm phải đối mặt. Mặc dù không bao giờ dám công khai chỉ trích dự án, các phóng viên và biên tập viên đôi lúc dám vượt qua lằn ranh được vạch ra bằng cách viết các bài báo điều tra mà họ gọi là phóng sự; không biên tập chỉnh sửa mà đưa tin trực tiếp về cuộc sống của người dân, một vài bài viết nói về những mất mát mà người dân đang chịu đựng và sự tức giận, cũng như những buổi gặp mặt căng thẳng giữa người dân và chính quyền. Người dân không giấu diếm sự tức giận của họ. Khi tôi nói chuyện họ nói rằng họ bị ép bởi chính quyền để chấp nhận những điều khoản bồi thường mà họ thấy không hài long, và tôi ghi lại hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về những tranh chấp trong việc đo đạc đất đai, giấy tờ cũng như phân loại đất đai. Các trang mạng và blog liên tục đăng hình và video người dân bị cưỡng ép rời nhà, cùng với những lời chỉ trích về cách chính quyền hành xử. Người dân tỏ ra bức xúc và dường như phát điên. Họ viết đơn kiến nghị, lên tiếng, đứng dậy và thậm chí tổ chức vài buổi biểu tình ngắn trong thành phố.

TỨC GIẬN VÀ NGUYỆN VỌNG, HY SINH VÀ KHAO KHÁT

Tuy nhiên mặc cho phải chịu cực khổ, và mặc cho những sự bất đồng giữa người dân và chính quyền về cách họ bị đối xử, họ thường trút sự tức giận của họ lên những vấn đề “đong đo đếm được”. Cụ thể hơn họ nói là mức độ đền bù và diện tích đất họ được hưởng đề bù là chưa thỏa đáng. Tôi sẽ nói rõ hơn ở chương sau về việc đền bù, nhưng có một điểm cần phải làm rõ ở đây: mặc cho những lời buộc tội tham nhũng dành cho chính quyền thành phố, chính quyền quận và chủ dự án, các buổi phỏng vấn với người dân cho thấy phần lớn người dân Thủ Thiêm và dọc khắp Thành phố Hồ Chí Minh không hề chống đối lại ý tưởng cốt lõi của dự án, mà thậm chí họ còn nghĩ rằng dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm là một thứ đáng để đánh đổi, thậm chí là rất đẹp và nên làm. Khi họ chống lại sự cưỡng chế, họ không hề chống lại ý tưởng xây dựng “một Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại và giàu tính nhân văn”; mà thực sự là họ tức giận với cách họ bị đối xử khi dự án diễn ra. Trong suốt các buổi phỏng vấn, ngay cả những người dân phản đối mạnh mẽ nhất về việc tái định cư không thỏa đáng vẫn khẳng định rằng họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho những điều mà họ nghĩ là tốt đẹp cho thành phố và quốc gia – miễn sao là họ được bồi thường thỏa đáng.
Khi bàn luận về dự án, người dân thường dùng cụ thể từ hy sinh để miêu tả việc họ bị mất chỗ ở - đây cũng là từ được dùng để chỉ những người đã mất trong rất nhiều cuộc chiến mà Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ 20. Hy sinh có hàm ý nhắc đến sự đoàn kết của dân tộc, một ý chí sẵn sàng gạt đi lợi ích cá nhân cho những lợi ích chung to lớn hơn. Từ đó cũng khơi lên các vấn đề về đạo đức, tạo ra một mối quan hệ về nợ tình cảm và sự trao đổi qua lại. Giống như gia đình của các liệt sĩ, hay còn được gọi là “mẹ anh hùng”, việc dùng từ này cho thấy ngay cả các hộ gia đình cũng có thể chấp nhận những sự hy sinh đáng trân trọng và được vinh danh. Ngay cả những cư dân không ủng hộ cuộc Cách mạng Cộng Sản suốt cuộc chiến, hay là những người có các lý do riêng để nghi ngờ chính quyền Việt Nam hiện tại, cũng dùng từ này. Những gia đình bị mất đất không muốn sự hy sinh của họ là vô nghĩa, và họ nói rằng sự hy sinh mà học gánh chịu không phải là để cho không chính quyền và các cơ quan của họ. Khi nói đến sự hy sinh, họ không phải đang nói rằng họ tin tưởng mù quáng chính quyền, họ đang nói đến việc họ thuộc về một cộng đồng lớn hơn: sự hy sinh là dành cho thành phố, cho Việt Nam, cho tương lai.
Thậm chí, ngay cả khi người dân cho thấy họ sẵn sàng hy sinh, những người bị mất nhà thường đồng nhất lên tiếng nghi ngờ về nhà nước và các nhân viên chính phủ, những người họ hay gọi là mấy ông. Đôi lúc họ dùng từ xưng hô miệt thị để nói về chính phủ là nó. Nhưng những nghi ngờ và phàn nàn của họ không có nghĩa là họ chống lại ý tưởng phát triển đô thị mà chính phủ đang khuyến khích. Bằng cách nhìn theo góc độ rằng hành động của họ là một sự hy sinh, họ cho thấy họ sẵn sàng làm để đạt được những kết quả ghi trên các bảng hiệu tuyên truyền và đúng với tuyên bố của chính phủ. Sử dụng một thành ngữ mà các học giả nghiên cứu về nông thôn ở Trung Quốc gọi là “sự phản kháng đúng đắn”, những người dân Thủ Thiêm thường đưa ra luận điểm chung khi nói chuyện với tôi là họ ủng hộ mục đích ghi trên các bảng hiệu, về việc xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ, công bằng, trách nhiệm và văn minh. Với lòng tự hào về dân tộc Việt Nam và niềm tin sâu sắc về ý tưởng đại đoàn kết dân tộc, họ nói rằng họ sẵn sàng chung tay với nhau để xây dựng thành phố hiện địa, văn minh. Và họ nói rằng họ không phản đối việc xây dựng một thành phố chỉ cho người giàu – miễn sao thành phố đó bao gồm cả họ. Cái mà họ thực sự muốn là: hiện thực phải khớp với lời hứa.
[….]

NHỮNG GÓC NHÌN PHẢN BIỆN VỀ KẾ HOẠCH

Là một người ngoài, rất dễ cho tôi để đặt câu hỏi về những câu khẩu hiệu trên các bảng hiệu cũng như nghi ngờ về sự “liên minh bất đắc dĩ” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Sự tương phản quá lớn giữa lời hứa trên các khẩu hiệu và bộ mặt bị phá hoại của khu vực đòi hỏi phải có những phản biện phân tích sâu sắc. Ở Việt Nam, cũng như ở những quốc gia hậu chủ nghĩa xã hội khác, ai cũng biết rằng mối quan hệ mật thiết giữa một chính quyền chủ nghĩa xã hội với một nền kinh tế có hình thức tích lũy tư bản đã tạo điều kiện sản sinh ra những cách thức kinh doanh bất động sản vô đạo đức, nhiều người trong số đó sử dụng thông tin nội bộ và mối quan hệ với nhà cầm quyền để sở hữu tài sản. Những hình thức chiếm hữu này là “tích lũy thô sơ” vốn thịnh hành trong thời kì đầu của chủ nghĩa tư bản ở khắp nơi, mà Marx đã mô tả là “không khác gì hơn là quá trình lịch sử của việc tách rời nhà sản xuất ra khỏi công cụ sản xuất”, và hơn thế nữa, nó là một câu chuyện đầy bạo lực “viết trong dòng chảy lịch sử loài người dưới những câu chữ của máu và nước mắt”. Những hình thức chiếm đoạt đó đã được chỉ ra bởi các học giả là có mối quan hệ với việc chiếm hữu đất trên toàn cầu và những hoạt động tước đoạt đất đai vốn đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy việc phát triển đô thị ở các quốc gia mới nổi ở Châu Á, đặc biệt là ở những nền kinh tế “đang chuyển đổi” và đất đai đang dần dần được chuyển thành hàng hóa. Dựa trên góc nhìn này, các học giả đã chỉ ra rằng thời điểm tốt nhất để chiếm đọat đất là giai đoạn đầu của việc tư nhân hóa, khi mà đất đai lần đầu tiên được mở ra cho việc sở hữu tư và khi những người có mối quan hệ, tài sản, hay là có cả hai bắt đầu có thể tích trữ được đất đai với cái giá là khiến người kém may mắn hơn bị mất đất. Một ý khác nữa là, các học giả ở châu Á và các nơi khác đều đã chỉ ra những lỗ hổng liên quan đến việc để doanh nghiệp thực hiện đô thị hóa, hay còn gọi là “tổ hợp siêu dự án phát triển đô thị”, những dự án vốn bị lợi dụng để trục lợi cá nhân mà ở đó, tiền quan trọng hơn các mối lo xã hội.
Ở một vài khía cạnh, những chỉ trích về mối quan hệ chính trị - kinh tế này phản ánh góc nhìn của người dân Thủ Thiêm, những người đặt câu hỏi về sự phân chia lợi ích không công bằng của quá trình đô thị hóa – về việc ai được nhận tiền và đất, và nhận bao nhiêu. Nhưng sự phàn nàn của họ khác với các học giả ở một điểm: không ai nhắc đến sự phân tích của Marx về chủ nghĩa tư bản hay là chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) vốn thường là nền tảng của các lý thuyết về đô thị hóa ở các nơi như Bắc Mỹ, Châu Âu, Nam Á, hay là Châu Mỹ La Tinh. Thay vào đó, sự phản kháng mà các cư dân tạo ra thường gộp cả ba yếu tố “chính phủ”, “chủ nghĩa cộng sản” hay “tham nhũng” vào làm một. Trong nhiều buổi nói chuyện, người dân thường xuyên lên án chính quyền cướp đất của dân và lên tiếng về những nhân viên chính phủ bị nghi ngờ là trục lợi từ dự án. Mặc dù bằng chứng họ có được chủ yếu chỉ là tin đồn và suy đoán, những cư dân hay nói về sư chênh lệch giữa giá đền bù và giá mà các nhà đầu tư nước ngoài phải trả để mua lại đất. Nhưng trong khi sự khác biệt về giá đó là điều cốt lõi trong mọi việc giao dịch đất đai trong chủ nghĩa tư bản, tôi chưa từng một lần được nghe người dân chỉ trích chủ nghĩa tư bản hay là mô hình quản lý đất đai. Họ cũng không phàn nàn về việc các nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận. Thay vào đó, họ tập trung chỉ trích vào việc họ không được hưởng các lợi nhuận đó vì các cán bộ đã ôm hết cho riêng mình.
Tất nhiên là có lý do để các cư dân lên tiếng về vấn đề này, và họ thường nhắc đến một vụ tham nhũng lớn đã được lên báo. Một trong số đó là vụ xử ông Vũ Huy Hoàng, một chủ sở hữu bất động sản có mối quan hệ với chính quyền, ông nhận ra rằng đất của ông đã bị lấy bởi chính quyền địa phương, những người sau đó đã bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài với món hời lớn. Vụ đó là tượng trưng cho các vấn đề mà người dân cảm thấy họ đang gặp phải. Nhiều cư dân cũng nói ra các nghi ngờ (và ít khi có chứng cứ) về vị Thủ tướng đương thời (khi đó), một người mà ai cũng hiểu là chỉ chăm lo đến lợi ích bản thân. Ai cũng ngầm nói rằng vị này, và con gái ông ấy, cùng con rể người Mỹ gốc Việt có cha làm trong chính phủ chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ, đã được hưởng khoản lợi nhuận khổng lồ từ dự án Thủ Thiêm này, nhưng chi tiết như thế nào thì không ai nói rõ được. Tuy nhiên không có chỉ trích nào được cho là nhắm đến việc tư nhân hóa đất đai hay là chủ nghĩa tư bản, mà thường là nhắm vào việc các cán bộ Cộng Sản đã dùng quyền lực của mình một cách bất công để tham gia vào dự án và kiếm lời dựa trên sự đau khổ của người dân.
Những mối lo về việc tham nhũng không chỉ dựa trên các tin đồn mà có cả các vụ xử chính thức. Ví dụ như năm 2010, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông và cựu lãnh đạo của Đơn Vị Quản Lý Dự Án Đại Lộ Đông Tây (PMU), đơn vị nhận trách nhiệm xây dựng đường cao tốc đi xuyên Thủ Thiêm, đã bị kết án tù cùng với trợ lý Lê Quả vì đã nhận hối lộ 262,000 đô la Mỹ từ các doanh nghiệp Nhật bản để cho các đơn vị này trúng thầu. Nhưng số tiền này chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề. Một tòa án Nhật Bản đã tuyên án phạt các doanh nghiệp này vì đã hối lộ ông Sĩ 2.3 triệu đô la Mỹ từ năm 2002 đến năm 2006 để giúp họ trúng thầu dự án. Nhưng ở Việt Nam ông Sĩ chỉ bị kết án bởi chính quyền vì nhận 262,000 đô la Mỹ, do đó không khó hiểu khi người dân tự hỏi phần còn lại của số tiền đã đi đâu. Việc thiếu câu trả lời cho các câu hỏi trên dẫn tới nhiều đồn đoán rằng còn nhiều vụ tham nhũng khác chưa được khám phá hết. Và sự thật, việc thiếu bằng chứng lại chính là bằng chứng cho thấy các dự án này thiếu minh bạch đến thế nào. Nhưng cứ mỗi bằng chứng hiện có lại được dùng để tạo ra các thuyết âm mưu mới – nhưng vẫn có cơ sở - về những vụ tham nhũng của chính quyền và cán bộ. Cụ thể trong một buổi nói chuyện, một cư dân gửi tôi một xấp tài liệu nhằm chứng minh sự tham nhũng đang tàn phá Thủ Thiêm. Những tài liệu này nói đến hàng loạt các vụ bê bối trong thời gian qua, bao gồm các tuyên bố về việc lãnh đạo quốc gia bán đất ở vùng cao nguyên cho các doanh nghiệp bô-xít Trung Quốc. Trong khi những cáo buộc này không nhắm đến ai cụ thể ở Thủ Thiêm, hàm ý ở đây là nhân viên chính phủ không đáng tin – và nếu những vấn đề này đang xảy ra ở đó, thì họ chắc rằng nó cũng đang xảy ra ở Thủ Thiêm.
Sách bản gốc:
Bản điện tử của sách có thể được tải về miễn phí từ trang sau:


Đóng góp cho tác giả

Các bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả để có động lực đọc và viết nhiều hơn.
Địa chỉ đóng góp: Đặng Hoàng Liên Anh
VP Bank: 101721728 Chi nhánh Sài Gòn
Rất cám ơn những bạn ủng hộ!

Bài viết tương tự