-"Để bố nói cho mà nghe,..bla bla... mày ạ!"
Tùy văn cảnh mà ta sẽ có những quánh giá khác nhau cho mô-típ phát ngôn đó về mặt thái độ và đạo đức .
Nếu cảm thấy bài viết ngang phè khó trôi, bạn cứ đọc như thể đang đọc thử một tản văn ngắn về trải nghiệm cuộc yêu của tôi với một cô gái (tôi đang tập "chơi less").
Tôi không phải người dịu dàng, tôi rất tranh thủ chửi thề và tỏ ra vô duyên một cách cố ý (thôi thì giới thiệu chút cho dễ vào vấn đề). Rồi... tôi gặp em. Em, ánh mắt không hiền nhưng miệng duyên, mặt trái xoan lốm đốm tàn nhang, nói câu nào là ken "dạ vâng" câu ấy. Em hay cười nụ, đôi khi em cười thành tiếng khúc khích nghe trong trẻo như đá trắng lạo xạo đáy cốc thủy tinh. 
Em là kẻ chuyên cầm về những thứ đồ người khác bỏ quên rồi hôm sau đem trả lại. Khi nói chuyện, em hay xài thán từ. Em nhăn nhó uốn éo khi buộc lòng phải góp ý cho ai đó, em chẳng tiếc lời khen và theo quan sát của tôi, em đã ngẫm rất lung để thốt ra một lời trầm trồ chân thực. Giá như có thật nhiều em ý trên đời, à không, ở nơi này, để tôi còn... được về làm người lương thiện.

Tôi nghe người ta chưởi nhau là "thảo mai", tôi biết mình không thể mở từ điển để tra nghĩa cái từ không rõ là danh hay tính từ ấy. Thảo mai là giả tạo, vờ vịt hiền lành? Nếu định nghĩa đó đúng, thực lòng tôi cũng ghét thảo mai.
Nhưng thảo mai là gì? Tôi cố quan sát những kẻ anti- thảo mai (cho phép tôi dùng từ chế), họ ghét người ý tứ, họ ghét người hỏi mượn khi cầm lên một cây bút hay cuộn băng keo của người khác, họ ghét người dẹp chướng ngại vật một cách nhè nhẹ, họ ghét người hay làm mặt tươi tắn trước người mới quen, họ ghét, họ ghét người... duyên ngầm. 
Chao ôi! Thật may là không còn nhiều duyên tồn tại trong cái thứ tôi, tôi đã tích góp được kha khá thô bỉ vừa đủ "lót dạ"  mà sống trên cái- cuộc- đời- này, dù lâu lâu tôi cũng phải quay về chui vào kén ngủ mà "tuyệt thực"... cứ quay vòng cho đến khi tôi thành bướm bay lượn giữa không gian luân hồi (ý tôi không phải là tự khen mình đẹp á).

Bên cạnh em (em ấy tên là C), tôi cũng may mắn gặp các anh con trai hài hước thích cà khịa, nhưng cách cà khịa của họ thấm đẫm EQ chứ không phải nhân cơ hội tỏ ra hiểu biết (mà thực ra toàn trưng những mệnh đề khái quát ẩu lấy căn cứ duy nhất từ sự tự tin với những gì mình đếch có) , chớp thời cơ cắt đặt thần tốc cho kẻ đối diện vào vị thế có vẻ như là phải ngẩng cổ lên mà tiếp thu. Nếu đám đông định nghĩa EQ là thứ khiến người ta có nhiều mối quan hệ thì tôi cho rằng EQ là thứ giúp người ta lách qua mọi ca khó trong giao tiếp và cơ bản là khiến người khác có cảm giác thoải mái lâu bền và thật tâm yêu mến.
Ôi cái thế giới này, nếu người như em C ấy gọi là thảo mai thì tôi mong số lượng kẻ thảo mai trên đời tăng 10 lần, 100 lần. Bạn có nghe các cậu học sinh xuất sắc bị chê đờ đần ngáo đụt không, người ta có suy nghĩ trước khi đánh giá về kẻ giỏi hơn mình ở một lĩnh vực nào đó để thể hiện rằng trừ cái khía cạnh abc xyz ra thì bản thân tốt hơn người ta mọi mặt đó không (xin phép cười một phần tư miệng).
Bạn iêu ơi, người người căng thẳng âu lo bực mình, tưởng chừng tôi quý bạn chỉ để có đồng đội cùng ghét con kia... (mệt quá!) thì xin người, xin đời hãy cứ thảo mai cho nhau vui.
Thực ra, tỏ vẻ cá tính mạnh trong khi bên trong là một tâm hồn dễ tổn thương kích động cũng giả tạo lắm á.