Trong thời đại thông tin được đổi mới hàng giây, việc biết sử dụng ngoại ngữ để tiếp cận với những thông tin mới nhất trở thành điều tất yếu trong mọi lĩnh vực. Mặc dù, ngoại ngữ là môn học bắt buộc ở chương trình giáo dục phổ thông, nếu không phải là tiếng Anh sẽ là tiếng Pháp, không phải ai cũng thực sự tìm được cách học hiệu quả để có thể sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống hàng ngày thay vì chỉ học thuộc làu làu "Hello! How are you, I'm fine thank you!"
Nguồn: Unsplash
Nguồn: Unsplash

VÌ SAO VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ LẠI KHÓ NHƯ VẬY?

Trong Tâm lý học Phát triển, một trong những mục tiêu đầu tiên của việc học ngôn ngữ mẹ đẻ ở trẻ nhỏ đó là để phát triển thứ công cụ giao tiếp tối quan trọng. Chỉ có thể qua ngôn ngữ, trẻ có thể nói cho cha mẹ biết trẻ đang cần gì, muốn gì và cảm thấy gì. Khi trẻ càng lớn, thế giới quan càng được mở rộng, nhu cầu ngày một phức tạp hơn, thì vốn từ vựng và mẫu câu của trẻ cũng gia tăng đáng kể. Tới 8 tuổi, hầu hết các trẻ sẽ có khả năng hội thoại như một người trưởng thành với những câu chuyện đi từ quá khứ cho tới tương lai, với đầy đủ những nhân vật có thật hay hư cấu. 
Với ngoại ngữ, mục tiêu học lại không rõ ràng như vậy. Không phải học sinh nào cũng có cơ hội được “sử dụng" ngoại ngữ vào những mục đích cụ thể. Khi không được sử dụng thường xuyên, bộ từ vựng hay mẫu câu dù có hay ho đến mấy cũng nhanh chóng bị đẩy ra khỏi trí nhớ dài hạn. Ở trường học, cũng không phải giáo viên ngoại ngữ nào cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng để khơi gợi cảm hứng và duy trì động lực học của học sinh trong điều kiện không có cơ hội để sử dụng ngoại ngữ thường xuyên. Bởi rất có thể, các thầy cô cũng đã từng chỉ học ngoại ngữ như một cái nghề để đi dạy mà không có quá nhiều hứng thú với nó.
Trong các nghiên cứu Tâm lý Giáo dục, động lực vẫn được cho là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành bại của việc học ngoại ngữ ở mỗi cá nhân. Không có động lực, sẽ chẳng có nguồn năng lượng nào thúc đẩy bạn xây dựng phương pháp học tập phù hợp, tìm kiếm môi trường thực hành, hay thu thập các tài liệu hay ho để theo dõi.
Vậy…

ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY BẠN HỌC NGOẠI NGỮ LÀ GÌ?

Trong rất nhiều cách phân loại động lực, cách phân chia động lực nội tại - ngoại tại hay intrinsic - extrinsic của hai nhà tâm lý học Deci và Ryan là cách mình thấy hữu dụng nhất khi ứng dụng vào việc học ngoại ngữ. Trong đó:
Khái niệm động lực nội tại [instrinsic motivation] được xây dựng dựa trên nguyên lý cơ bản rằng con người là những sinh vật chủ động với nhu cầu xây dựng sự tự chủ cao và bản năng tò mò rõ rệt. Trong việc học ngoại ngữ, động lực nội tại có thể được biểu hiện như sau:
- Bạn chủ động tham gia các hoạt động liên quan tới ngoại ngữ mà không cần bị thúc ép bởi bất kỳ ai hay bất kỳ phần thưởng nào. Bản thân việc được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới đã đem lại cho bạn niềm vui mãnh liệt.
- Bạn sẽ kiên trì với những bài tập khó đến cùng mà không vì mục đích điểm số hay sợ thất bại.
- Bạn liên tục tìm kiếm cơ hội để trau dồi năng lực ngoại ngữ ở mọi hoàn cảnh mà không cần bằng cấp.
Ngược lại, động lực ngoại tại [extrinsic motivation] là các yếu tố bên ngoài khiến bạn bắt buộc phải học ngoại ngữ, có thể là điểm số, học bổng, du lịch khám phá, nhu cầu được chứng tỏ bản thân với người khác, hoặc sự ép buộc từ cha mẹ hay thầy cô. 
Nhìn chung, không dạng động lực nào là tốt hơn dạng động lực nào. Việc gia giảm một trong hai loại động lực trên khi học ngoại ngữ tuỳ thuộc vào 1) mục tiêu của việc học và 2) những tài nguyên hỗ trợ việc học ngoại ngữ hiện có. 
Đối với những bạn chưa tìm kiếm được động lực nội tại hay niềm vui với việc học ngoại ngữ, việc đặt ra một số mục tiêu và phần thưởng để hướng tới và tạo động lực cho bản thân trong tiến trình học tập là vô cùng quan trọng. Dù vậy, nếu hướng về tương lai xa hơn, khi bố mẹ và thầy cô không còn ở đó để bắt ép bạn học, công việc cũng không yêu cầu bạn cần có chứng chỉ IELTS hay SAT, sẽ chẳng có gì yêu cầu bạn phải học ngoại ngữ ngoài mong muốn được phát triển và tìm hiểu thế giới của bạn. 
Nhưng nếu chờ tới lúc đó, có thể việc học “lại từ đầu" sẽ trở nên quá mệt mỏi và phiền hà, vậy vì sao, chúng mình không tìm cách cải thiện động lực nội tại của bản thân từ ngay lúc này?

ĐIỀU GÌ ẢNH HƯỞNG TỚI ĐỘNG LỰC HỌC NGOẠI NGỮ?

Trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới động lực, sau đây là một số yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng tới động lực học ngoại ngữ của bất kỳ ai.

Bạn có thích ngoại ngữ hay không?

Sở thích khiến ta thấy một số chủ đề hoặc hoạt động thú vị hơn hẳn. Thông thường, việc có sở thích với một bộ môn nào đó được biểu hiện qua sự hứng thú mong muốn được tìm hiểu và những cảm xúc tích cực như hào hứng và thỏa mãn. Bản thân sở thích có thể được coi là một nguồn động lực nội tại to lớn. 
Trong các nghiên cứu Tâm lý Giáo dục của hai nhà tâm lý học Hidi và Renninger, những học viên có hứng thú với một chủ đề cụ thể sẽ chủ động dành nhiều thời gian hơn cho nó. Họ cũng sẽ tự mình tìm tòi và đào sâu về chủ đề đó bằng cách kết nối tri thức mới với những điều đã biết, liên hệ các kiến thức mới học được với nhau, tự đưa ra những kết luận mới, tự đưa ra các ví dụ cụ thể và nhận ra những ứng dụng tiềm năng của tri thức. 
Cũng theo các nghiên cứu trên, sở thích cá nhân có thể được khơi gợi từ môi trường, qua những tài liệu học mang nhiều màu sắc cảm xúc hoặc liên quan tới các chủ đề như con người & văn hoá, tự nhiên, hoặc các sự kiện đang xảy ra. Chính vì vậy, đôi khi, việc tìm kiếm những chủ đề mà bản thân bạn thực sự yêu thích hoặc quan tâm tới là bước tiến quan trọng trong việc học một ngôn ngữ thứ hai.

Bạn có nghĩ rằng mình có thể học ngoại ngữ hay không?

Bản thân mỗi chúng ta đều được thúc đẩy bởi mong muốn được làm chủ môi trường và nâng cao giá trị bản thân. Đồng thời, mỗi người cũng có những hiểu biết và nhận định chung về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình, qua đó hình thành mong đợi của họ về khả năng thành công của mình trong các lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, cảm nhận về năng lực bản thân của một người hay self-efficacy sẽ ảnh hưởng tới cách học của chính họ. 
Theo nhà Tâm lý học Hành vi Bandura, những học viên có niềm tin cao về năng lực bản thân có xu hướng chủ động và kiên trì hơn trong các môn học họ cho rằng mình có thể đạt kết quả tốt. Họ cũng có sự chú tâm cao hơn và quản lý thời gian học tập tốt hơn. 
“Niềm tin của mỗi người về những năng lực họ sở hữu có ảnh hưởng sâu sắc tới chính bản thân những năng lực đó.” - Bandura
Nếu nhìn lại tiến trình học ngoại ngữ của chính bản thân mình, nếu ngay từ đầu, bạn cho rằng, mình chỉ có thể giỏi các môn như Toán, Lý, Hoá và không giỏi các môn ngoại ngữ, rất có thể, bạn đã tự hạn chế tiềm năng của chính mình. 
Đặc biệt nguy hại hơn, khi đối diện với những nhiệm vụ một cá nhân nghĩ rằng họ không thể làm tốt, cá nhân này có thể vô thức thực hiện các hành vi làm gia tăng nguy cơ thất bại, trước cả khi nhiệm vụ này kịp đánh bại họ. Chính vì thế, các nhà tâm lý học như Anderman và Westerfield đã gọi đây là các hành vi tự bại. Các hành vi này bao gồm:
- Ngừng cố gắng, đằng nào cũng không học được thì mình sẽ học lớt phớt ngay từ đầu. 
- Đưa ra những mục tiêu không thể đạt được, nhằm chứng tỏ rằng nếu có thất bại thì lỗi nằm ở mục tiêu chứ không phải tại họ. 
- Trì hoãn cho tới khi thời gian để học còn gần như bằng không.
- Lừa dối, lấy cắp ý tưởng và kết quả của người khác làm của mình.
- Sử dụng rượu bia và chất kích thích, những thứ suy cho cùng cũng sẽ làm giảm khả năng học của một người. 
Thoáng nghe, bạn sẽ thấy những hành vi trên thật kỳ lạ, vì sao một người đang muốn thành công lại tự làm hại mình như vậy? Tuy nhiên, nếu như một người đã tin rằng đằng nào họ cũng sẽ thất bại, họ sẽ muốn đưa ra các lý do để giải thích cho sự thất bại của mình mà không phải là chấp nhận rằng năng lực của mình chưa đủ. 

Bạn nghĩ rằng việc học ngoại ngữ có giá trị hay không?

Một học viên sẽ có nhiều động lực hơn nếu như họ nhận ra những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc học ngoại ngữ. Điều này khá dễ hiểu, bởi mỗi chúng ta, khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cũng nhanh chóng tính toán bài toán được - mất. Nếu những điều chúng ta nhận lại khi học ngoại ngữ không vượt quá những thứ ta sẽ phải hy sinh, bao gồm thời gian, tiền bạc, công sức, ta sẽ khó lòng tiếp tục với bộ môn này. 
Ta cũng cần lưu ý một điều rằng, những điều ta có thể nhận lại qua việc học ngoại ngữ không chỉ là điểm số hay sự thượng đẳng, mà ngoại ngữ chính là công cụ để ta tìm hiểu về thế giới đầy thú vị đang liên tục thay đổi mà không cần chờ đợi hay dựa dẫm vào bất kỳ dịch giả nào. 

Bạn nghĩ rằng việc không thể học ngoại ngữ là do năng lực bẩm sinh hay nỗ lực cá nhân?

Một số người sẽ cho rằng, họ không đạt điểm cao môn ngoại ngữ là do họ kém may mắn hoặc do giáo viên dạy không tốt. Đây chính là lúc năng lực hiểu mình trở nên vô cùng quan trọng. Liệu, nguyên nhân của sự thất bại thực sự nằm ở đâu? Theo các nghiên cứu về xu hướng giải thích sự thành công hay thất bại cá nhân, thông thường, người học sẽ cho rằng thành công sẽ đến từ chính tiềm lực bản thân trong khi nguyên nhân của sự thất bại lại đến từ người khác. Tuy nhiên, khi liên tục thất bại trong khi người khác lại thành công, người học sẽ quy ngược lỗi về bản thân mình. 
Việc nghĩ rằng sự thành công trong việc học ngoại ngữ là do tài năng hoặc bẩm sinh có thể khiến bạn ngày càng trở nên lười biếng và không còn dành nhiều thời gian cho bộ môn này. Đồng thời, nếu bạn nghĩ rằng việc bạn không thể học ngoại ngữ là do cha mẹ không tạo điều kiện, nhà trường không biết cách giảng dạy, chính bạn đang tự giới hạn sự phát triển của bản thân mình thông qua nhiều con đường khác. 
Những cách lý giải nguyên nhân bên trên hoàn toàn là quan điểm chủ quan của học viên và không thể phản ánh đúng sự thực nếu như người đó không làm chủ tiến trình học tập của bản thân. 

CÁC PHƯƠNG PHÁP GIA TĂNG ĐỘNG LỰC HỌC NGOẠI NGỮ TỪ BÊN TRONG

Nguồn: Unsplash
Nguồn: Unsplash

1. Quan tâm hơn tới các nhu cầu tâm lý của bản thân 

Hai nhà tâm lý học nghiên cứu chuyên sâu về động lực Ryan & Deci cho biết, ba nhu cầu tâm lý căn bản sau đây, nếu được thoả mãn, sẽ làm gia tăng đáng kể động lực nội tại:
Thứ nhất, nhu cầu sở hữu một năng lực cụ thể, ví dụ “tôi có thể nói tiếng Anh tốt". 
Thứ hai, nhu cầu được kết nối và xây dựng các mối quan hệ, ví dụ, được chào đón và chấp nhận bởi một cộng đồng nói tiếng Anh. Cộng đồng này có thể là những người cùng chung sở thích, cùng chơi một trò chơi hay cùng hâm mộ một đội bóng.
Và cuối cùng, nhu cầu được tự chủ trong việc học ngoại ngữ, biểu hiện qua việc được tự mình lựa chọn ngoại ngữ để học, tự mình tìm kiếm các tài liệu thú vị để xem, hay tự mình làm chủ tiến trình học tập của bản thân. Nhu cầu này được nhà Ngôn ngữ học Dornyei đúc kết như sau “Ta sẽ có nhiều động lực hơn để làm một điều gì đó nếu như ta được chủ động chọn làm nó thay vì bị một ai đó khác bắt ép phải làm.”
Trong tiến trình học ngoại ngữ, bạn:
- Hãy để tâm tới những khoảnh khắc vui thích và mãn nguyện khi hiểu được một mẩu thông tin nào đó sau rất nhiều cố gắng. 
- Hãy dành thời gian cho những mối quan hệ mới được xây dựng thông qua việc sử dụng thứ ngôn ngữ mới học được.
- Hãy nắm quyền tự chủ trong việc học, bạn không còn là đứa học sinh thò lò mũi xanh đang chờ cô giáo tới kiểm tra bài nữa rồi!

2. Tìm kiếm niềm vui trong việc học ngoại ngữ

- Hãy thử sử dụng ứng dụng học ngoại ngữ trên điện thoại. Các ứng dụng được thiết kế như những trò chơi có thưởng sẽ hỗ trợ duy trì động lực ngoại tại của bạn trong khi vẫn cùng bạn xây dựng mối quan tâm với ngoại ngữ.
- Hãy lập một danh sách 3 chủ đề thú vị nhất bạn muốn tìm hiểu mà không thể học được bằng tiếng Việt bởi sự thiếu chính xác trong việc dịch thuật, hạn chế trong việc phổ biến tri thức hay chậm trễ trong việc cập nhật thông tin. Gợi ý nhé: tâm lý, chính trị, kinh tế.
- Nêu ba lý do vì sao ba chủ đề này lại quan trọng đối với bạn, để đảm bảo rằng, bạn sẽ không quên mất lý do vì sao bạn lựa chọn ba chủ đề này khi bạn bắt đầu nản chí.
- Tìm 1 website/youtube channel/podcast uy tín cho mỗi chủ đề trên. Hãy chọn các trang dành cho trẻ em trước nếu như trình độ ngoại ngữ của bạn chưa cao. Đừng mắc vào chiếc bẫy tự bại! Sau một thời gian, bạn có thể nâng trình sau!
- Xếp lịch theo dõi các kênh bạn vừa tìm được, có thể là mỗi sáng hoặc mỗi tối. Hãy dành toàn tâm toàn ý để theo dõi, ghi lại các từ mới, mẫu câu mới, và thậm chí tự nói hoặc viết lại những điều bạn mới thu nhận được bằng chính cách diễn đạt của bạn (ngoại ngữ, không phải tiếng Việt nhé). Nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà không tương tác với thông tin, sẽ rất khó để bạn thực sự học được điều gì mới.
- Chia sẻ lại những điều bạn mới học được cho bạn bè hoặc qua Spiderum để duy trì niềm đam mê mới những chủ đề mới và ngoại ngữ mới!
*LƯU Ý: Các phương pháp trên cần được kết hợp với các chương trình học ngoại ngữ căn bản. Chỉ khi có những kiến thức cơ bản nhất về từ vựng và ngữ pháp, bạn mới có nền tảng để phát triển và mở rộng. Việc tiếp cận ngay với các tài liệu bằng tiếng nước ngoài mà không có bất kỳ kiến thức nền tảng nào để hiểu chúng thậm chí có thể làm bạn nản chí và ghét học ngoại ngữ hơn.
Chúc các bạn học ngoại ngữ thành công! Bản thân bạn có bất kỳ lời khuyên hay tài liệu thú vị nào để học ngoại ngữ không? Hãy chia sẻ ở phần comment nhé!
Tác giả: Keira Ngo
Tham khảo:
Nicholson, S. J. (2013). Influencing motivation in the Foreign Language Classroom. Journal of International Education Research (JIER), 9(3), 277–286. https://doi.org/10.19030/jier.v9i3.7894
Ormrod, J. E., & Jones, B. D. (2023). Essentials of educational psychology: Big ideas to guide effective teaching. Pearson.