Thật vui vì chúng ta là con người, chúng ta rất khác nhau và cũng rất giống nhau.
1. Quá trình tâm lý/ phản ứng cơ bản sau khi bị xâm hại tình dục:
* Sợ hãi và ám ảnh: Mình thường thu mình, ngại tiếp xúc với nhiều người, gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Hình ảnh, ký ức về sự việc ấy luôn rất rõ ràng, dù mình đã được về nhà, đã ở cạnh những người an toàn hơn. (Trong tình huống tệ hơn, khi kẻ xâm hại vẫn trong khoảng cách gần, thường là người thân, hàng xóm, ... thì càng khiến cho quá trình này kéo dài).
Câu chuyện của mọi người xung quanh bây giờ luôn có những chi tiết gợi nhắc cho bản thân mình đến sự việc ấy (dù đôi khi nó không có liên quan gì) khiến mình liên tục cảm thấy bất an, sợ hãi, đau khổ, lo lắng.
Giai đoạn này, mình gặp khó khăn trong những sinh hoạt bình thường của cuộc sống. Mình thường xuyên mất ngủ, mình dễ nghiện ngập, có hành vi tự ngược đãi bản thân như rạch cổ tay, nhịn ăn uống, hoặc ăn vô tội vạ, cố gắng làm bất cứ việc gì để trông bản thân trông khó gần, xấu xí, nhạt nhẽo hơn, mọi người càng xa lánh/ không nhìn tới mình càng tốt. (Nếu vết thương về thể chất nhiều hơn, quá trình sợ hãi và ám ảnh sẽ kéo dài lâu hơn).
* Chối bỏ, lờ đi, và "chế độ xóa ký ức tự động":
Sau khi vết thương về thể chất đã lành, mình cũng đã dần nguôi ngoai sự việc trên theo cơ chế tự vệ tinh thần của bản thân, mình đã quên đi nhiều phần về mặt cảm xúc, mà chỉ nhớ về mặt hình ảnh/ ký ức nhưng cũng rất mơ hồ và phân mảnh. Mình biết mình không thật sự tha thứ, hay quên đi, cơ thể mình đã tự động làm phần việc này để giúp mình vượt qua giai đoạn sợ hãi, lo âu kéo dài ở trên.
Đối với mình, đây là giai đoạn "nhạy cảm" nhất, ở giai đoạn này, mình không thật sự còn khả năng kết nối với cảm xúc của mình chân thật, mình rất khó có thể xây dựng và giữ gìn một mối quan hệ lâu dài vì không thật sự hiểu bản thân, không có niềm tin bền vững vào các giá trị yêu thương, chia sẻ, tha thứ...
Mình nhìn nhận sự việc, các mối quan hệ dựa trên những tiêu chuẩn chứa nhiều định kiến, đánh giá, phán xét và bóp méo dữ kiện. Mình không thật sự yêu thương ai, hoặc có yêu thương ai, mình cũng sẽ vô thức có những lời nói, hành động kháng cự và giữ khoảng cách nhất định, nhất là với người khác giới, dù là người thân. Giai đoạn này rất dày vò, mình có xu hướng tự nhìn nhận bản thân là "một người cũng có lỗi" với sự việc cũ, cũng như tự chối bỏ bản thân nhiều hơn khi nhìn thấy quá nhiều "góc tối" của bản thân dần dần xuất hiện.
Dù mình đã có vẻ cởi mở hơn trong việc chia sẻ sự việc đó với người khác, thì nó cũng không thật sự là chia sẻ, bản ngã - phần tối trong con người mình muốn đem câu chuyện trên để lôi kéo mọi người chú ý, nhằm thỏa lấp bớt những thiếu hụt trong việc cảm thấy an toàn, yêu thương và thấu hiểu của mình mà thôi. Giai đoạn này, mình sống đúng với câu: "Tự lừa mình, dối người".
Mình nhớ, sau khoảng thời gian dài trượt dài trong sợ hãi, khép mình, mình lên cân nhiều, bị cuồng ăn, nghiện đường, để bao biện cho sự chối bỏ đó trước sự quan tâm của mọi người, mình bảo mình đồng tính, vô tính, mình yêu cơ thể mập của mình,...để đẩy mọi người ra xa. Ở một số mặt khác, mình lại tỏ vẻ yếu đuối, đáng thương, khiến cho mọi người xung quanh dễ dàng tiếp cận, ai cũng đang là người hùng trong công cuộc đưa mình trở lại "bình thường" như: Xinh đẹp hơn, hòa nhập hơn, làm quen các mối quan hệ mới, ... Mọi việc thời gian đầu thường rất tốt đẹp, tạm ổn, cho đến khi một ai đó mới vô tình phạm vào vết thương cũ, như việc họ đã không xin phép mà lao vào ôm chầm mình từ phía sau để tạo bất ngờ chẳng hạn. Mình lập tức sẽ lặp lại quá trình trên: sợ hãi, ám ảnh, từ bỏ mối quan hệ đó, chối bỏ nó, lờ đi và tự động xóa ký ức.
Mình đã gặp rất nhiều trường hợp những người xung quanh cũng không thật sự có sự ổn định và thấu hiểu về mặt tâm lý, khi mình chia sẻ câu chuyện của mình, họ tự động lờ đi hoặc khuyên mình với đại ý: "Đừng nhắc / nhai lại vết thương cũ nữa, cho qua được thì cho qua", hoặc sẽ thể hiện sự phóng chiếu sự việc lên bằng góc nhìn cá nhân của họ như: "Đổi lại là anh/chị/em sẽ a, b, c... chứ không thể nào như em mà x, y , z... được đâu". Và sau đó, mình tiếp tục đem "dữ liệu" mới thu nhận được trên để thử nghiệm/ tra tấn bản thân mình và bất kì ai có mối liên hệ với mình thời điểm đó.
Thật sự mà nói, rất khó để vượt qua giai đoạn này, bản thân mình đã sống trong giai đoạn này gần 5 năm vì lý do đơn giản, mình không hề biết bản thân mình như thế, một phần là nó gần giống như quá trình từ "teen sang trưởng thành", một phần là vì sự "lừa mình, dối người" này tinh vi, tinh vi đến nỗi có nhiều người khác mà mình biết, họ đã mắc kẹt lại ở giai đoạn này mãi về sau. Họ vẫn có thể hẹn hò, yêu đương, kết hôn, sinh con, thành công trong cuộc sống,... nhưng họ sẽ không thật sự cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc hay an toàn. Nếu trong quá trình đó, vô tình họ bị gợi lại vết thương tâm lý cũ, họ sẽ lại ám ảnh, sợ hãi, hoặc họ sẽ dần bước sang giai đoạn mới mà mình gọi là giai đoạn "Giận dữ và đổ lỗi".
* Giận dữ và đổ lỗi:
Khi giai đoạn "chối bỏ, lờ đi, tự động xóa ký ức" không thể giúp mình nữa, mình dần đưa mình vào giai đoạn mà mình không/ dừng/ hoặc chưa từng chia sẻ sự việc ấy với ai khác nữa. Lúc này, mình dễ dàng cáu kỉnh, bực bội, và sẵn sàng nổi điên, nghênh chiến với bất kì ai, bất chấp lý do. Mình cảm thấy không còn ai đủ khả năng để khiến mình phải tin tưởng, bao dung, yêu thương họ nữa.
Mình thậm chí có đủ khả năng để tính toán hại người khác, sự nhạy cảm khiến mình quá tải với chính mình và có xu hướng muốn "thay trời hành đạo" hay tìm cách "tự tử".
Đây là giai đoạn bản thân mình mong manh nhất, cũng là giai đoạn mình khiến nhiều người xung quanh đau khổ với mình nhất.
* Thỏa hiệp và chết tâm:
Khi mình "giận dữ và đổ lỗi" đủ lâu, mình dần nhận ra sai lầm của bản thân, nhất là trong những tương tác đặc biệt (với những người thật sự đặc biệt trong lòng mình). Ở giai đoạn này, thường thì mình đã tiến rất sâu vào "lãnh cung" tự tạo của bản thân rồi. Mình hoang mang, lạc lối, rối ren,... Mình vẫn tồn tại, nhưng không thật sự sống, mình không thể tha thứ cho bản thân, và khó lòng tha thứ cho người khác, trong khi đó mình lại rất muốn mình tha thứ, rồi lại không thể. Giai đoạn trên giữ mình tiếp tục tồn tại, nhưng rất thoi thóp, rất thoi thóp,...và mình "chọn chết tâm" - cố quên đi con người cũ, tiếp tục thoi thóp, thoi thóp tồn tại. Dù thoi thóp, thì đã đến giai đoạn này, mình cũng không còn đủ sức mạnh để làm gì khác hơn, hay nói cách khác - mình trầm cảm...
.
.
Mình thật lòng cảm ơn bạn, vì đã kiên nhẫn ở đây với mình, đến tận dòng chữ này. 
Hy vọng sau khi bạn đọc những dòng tâm sự trên của mình, bạn có thể dần hiểu hơn sự phức tạp của những tổn thương tâm lý, những di chứng mà bản thân nạn nhân đã chịu đựng và gây ra cho người khác, mong bạn có thể kiên nhẫn hơn, để giúp đỡ bản thân và những người khác, bằng tình yêu thương, lòng bao dung và trí tuệ. 
2. Cách để chữa lành: 
# # Tổn thương tâm lý là tổn thương của con tim, ngôn ngữ của tim là cảm xúc, vì thế, bạn cứ thể hiện, tôn trọng và chấp nhận tất thảy cảm xúc mà bản thân có, nhất là khi bạn trong giai đoạn" sợ hãi, ám ảnh"
Tuy nhiên, trong môi trường sống của hầu hết chúng ta, thật khó có thể cho phép bạn bộc lộ như thế, ví dụ như bạn đang buồn và muốn khóc, việc bạn "rớt nước mắt"  thường làm khó cho người chứng kiến và cả bản thân bạn.
Để giảm bớt phần bối rối cho đối phương và chính mình, mình thường lập riêng cho mình một danh sách gồm list nhạc, phim ảnh, sách báo, vật dụng, địa điểm ...  khiến mình có thể khóc một cách hợp lý nhất. Mình giữ gìn cẩn thận bản kế hoạch dành riêng cho việc buồn và khóc đó. Bất cứ khi nào trong lòng mình bị khơi lại vết thương tâm lý cũ, mình tìm về bản kế hoạch đó, và đắm chìm vào nó, khóc cho thật đã, rồi ngủ, rồi lại bước tiếp...
Tương tự vậy, khi bạn đã có một bản kế hoạch cho việc buồn rầu, khóc lóc, thì hãy lập thêm những bản kế hoạch cho những cảm xúc cá nhân khác như vui, bình an, bình thường, ... , chẳng hạn. 
Việc này giúp ích cho mình ở chỗ,  mình ít bị chi phối hơn nếu đem cảm xúc cá nhân gắn với người khác, vì đối phương cũng là con người, họ cũng như mình, cũng đều đang vật lộn với cảm xúc cá nhân của chính họ, tỷ lệ lắng nghe, chia sẻ thường không đạt/ không có ích cho người tổn thương tâm lý nặng như mình.
## Hãy viết xuống:
Mỗi khi vết thương tâm lý cũ tái phát, mình thường tìm ngay chỗ yên tĩnh, và viết, mình viết liên tục, không dừng lại đọc, không để bất cứ phán xét nào xen vào, mình viết liên tục cho đến khi nào bản thân tự muốn dừng thì thôi, đặc biệt là, mình tự hứa với lòng, không đọc lại.
* Nếu bạn muốn đọc lại, chỉ đọc lại khi bạn có tâm lý ổn định hơn.
* Bạn nên viết tay, trong một không gian bạn thấy an toàn.
## Chia sẻ và lắng nghe:
Việc chia sẻ và lắng nghe câu chuyện của bản thân và người khác sẽ giúp bạn có nhiều vốn từ vựng hơn trong việc bày tỏ câu chuyện của bản thân.
Trong quá trình chia sẻ, đôi lúc bạn sẽ gặp những tình huống không như ý, bạn có thể không kiểm soát được kết quả, và bạn cũng không cần như thế. Bạn cứ chia sẻ, lắng nghe và tận hưởng quá trình thôi, rồi dần tập bớt và dừng từ từ việc trông đợi câu trả lời giống với những gì "bạn vẽ sẵn" cho bản thân và đối phương, học cách dùng những câu nói truyền tải thông điệp mang tính không dán nhãn, phán xét, định kiến, áp đặt chính mình và người lắng nghe bạn.
Việc chia sẻ và lắng nghe đã giúp mình rất nhiều trong việc giải tỏa gánh nặng tổn thương và tìm được sự giúp đỡ, yêu thương, nâng đỡ từ mọi người.
Nếu bạn cảm thấy việc trò chuyện với những người chuyên môn sẽ tốt hơn, hãy cứ đi tìm bác sĩ tâm lý, nhà tư vấn trị liệu, bạn tin mình đi, bạn luôn là cố vấn tốt nhất cho bản thân bạn, hãy lắng nghe - tất cả những điều con tim bạn lên tiếng.
## Bước tiếp:
Hành trình chữa lành này, có thể ngắn, có thể dài, hoặc rất dài, có thể mau, có thể lâu hoặc rất lâu, cũng có thể khi bạn vượt qua rồi, khái niệm thời gian và công sức bạn đã dành cho chúng, dường như gói gọn trong vài khoảnh khắc mà thôi.
Mình tin vào việc thời gian sẽ chữa lành tất cả, chứ không phải là xóa nhòa tất cả. Nên bạn lòng ơi, nếu chính bạn, bạn bè của bạn, người thân của bạn, có ai đó cần được sự giúp đỡ, sẻ chia, và yêu thương của bạn để chữa trị cho vết thương tâm hồn của họ như mình, mong bạn đừng chùn bước, mong bạn đừng thoái lui, mong bạn mạnh mẽ và dũng cảm, để cùng nhau tận hưởng trải nghiệm này.
Những điều trên đều là những trải nghiệm mình góp nhặt từng chút một trong suốt hành trình chữa lành, nâng đỡ "đứa trẻ nội tâm" của bản thân. Mình rất vui, nếu được đọc thêm, trao đổi và lắng nghe những góc nhìn khác từ các bạn.