Tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, thay vì chọn công việc ngàn đô, Phạm Hữu Thịnh quyết định gắn bó với dự án giảng dạy tiếng Anh, mong muốn bình đẳng giáo dục cho học sinh khiếm thính. Có thể nói, anh tiêu biểu cho hình ảnh người trẻ Việt dám sống hết mình với ước mơ.
Vừa là “thầy”, vừa là “bạn”
Ban đầu, Phạm Hữu Thịnh (cựu sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) làm trợ giảng cho “Hear.Us.Now” (dự án dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính). “Đối với mình, công việc giảng dạy trẻ khiếm thính không hề đơn giản. Để làm được điều đó, mình cần phải biết nhiều kỹ năng: Nắm bắt tâm lý trẻ, cách trao đổi với phụ huynh… Kiến thức về dạy trẻ khiếm thính còn ít ỏi, mình phải trải qua rất nhiều lớp tập huấn về giáo dục chuyên biệt, học hỏi kinh nghiệm từ anh Lê Đình Hiếu (người sáng lập “Hear.Us.Now”)”, các anh chị đồng nghiệp dạy trẻ chuyên biệt và tự tìm tòi kiến thức mới”, Thịnh cho biết.
Để tiết học trở nên sinh động, Thịnh và các cộng sự sử dụng phương pháp màn hình chiếu kết hợp hình ảnh minh họa cùng các hoạt động nhóm… giúp học sinh khơi gợi niềm ham học hơn.Trong quá trình giảng dạy, Thịnh tập trung mạnh vào kỹ năng đọc và viết, bởi vì, các em khiếm thính không có khả năng nói hoàn chỉnh một câu hoặc phát âm chưa rõ một từ. Để giúp các em hiểu bài học mới, Thịnh thường xuyên hướng dẫn các em làm bài tập đọc hiểu văn bản, dịch thuật nhiều đoạn văn từ tiếng Anh sáng tiếng Việt và ngược lại. Anh nhận thấy, mỗi tuần với ba buổi lên lớp chưa giảng dạy hết kiến thức. Nên Thịnh và các giảng viên dạy ngôn ngữ ký hiệu thực hiện quay lại những video để chia sẻ thêm kiến thức, giúp các học sinh ở nhà vẫn có thể tiếp thu bài học mới.

Phạm Hữu Thịnh - thầy giáo dạy trẻ khiếm thính
Quá trình dạy và học luôn có những khó khăn trong giao tiếp, cả thầy và trò đều phải học cách hiểu lẫn nhau qua ngôn ngữ ký hiệu. Mỗi buổi đến lớp, Thịnh vừa là thầy, vừa là người bạn của các bạn học sinh khiếm thính. “Mình dạy các bạn từ vựng về quả cam, yêu thương, chúc mừng… bằng tiếng Anh thì các bé chỉ dạy mình diễn đạt những từ ngữ đó bằng ngôn ngữ ký hiệu. Để giúp các em ghi nhớ lâu, mình thường minh họa các ví dụ, trò chơi vui nhộn bằng tiếng Anh để các em học dễ dàng hiểu bài học. Mỗi buổi học, nếu các bạn có vướng mắc thì sẽ ghi vào tờ giấy và chạy đến đưa cho mình để tìm cách giải quyết. Mỗi lớp học tối đa là 12 học sinh, tạo kết nối giữa giảng viên với học sinh. Khi giảng dạy, mình quan sát thấy, các bạn rất thương nhau, các bạn giỏi ngồi xen kẽ hỗ trợ các bạn học yếu hơn, cùng nhau tiến bộ”, Thịnh vui vẻ nói.
Trưởng thành và lan tỏa điều tốt đẹp
Nhớ lại những ngày đầu tham gia dự án, những ngày giáp Tết, Hữu Thịnh loay hoay tìm công việc tình nguyện để trải nghiệm và nộp thử vào vị trí trợ giảng của dự án. May mắn, anh đậu vòng phỏng vấn và được nhận làm tình nguyện viên. “Bây giờ, mình nghĩ lại thật xấu hổ. Hai tuần đầu trợ giảng, mình cảm thấy công việc khó nhằn, đâm ra nản chí. Bởi vì, lớp học rất đặc biệt, chẳng có tiếng thì thầm to nhỏ của học sinh. Và thấy mình là người mới toanh, các em thường múa tay quay cuồng để ghẹo mình. Mặc dù giữ mình và các em gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Nhưng càng tiếp xúc, trò chuyện, mình cảm thấy các em rất ngoan và chăm học. Điều đó tạo cho mình có động lực để gắn bó lâu dài với dự án và đến nay đã hơn 3 năm. Khi tham gia giảng dạy, mình thấy bản thân anh đang dần trưởng thành, kết nối nhiều bạn bè mới để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm”, anh chàng sinh năm 1994 chia sẻ.
Khi thấy Thịnh làm giáo viên tại dự án, nhiều bạn bè của anh không khỏi thắc mắc: “Dạy tiếng Việt cho trẻ khiếm thính còn khó, làm sao có thể dạy tiếng Anh?”. Có cơ hội tiếp cận với các bạn khiếm thính, anh nhận thấy, nhiều bạn không có điều kiện tiếp cận với nền tảng giáo dục chính quy. Nếu may mắn được đi học thì phần lớn các bạn khiếm thính cũng học không quá lớp 5, vì phải trải qua nhiều kỳ thi và có cả môn thi là tiếng Anh. Từ đó, Thịnh gạt ngoài tai những định kiến của mọi người, tiếp tục gắn bó dự án và mong muốn truyền dạy kiến thức để giúp các học sinh có cơ hội phát triển bản thân. Theo Thịnh, khi làm việc và hỗ trợ giảng dạy các bé khiếm thính, người giảng viên phải có tính chịu khó và tâm hồn yêu trẻ thì mới gắn bó với dự án lâu dài. Chẳng hạn, trong 1 lớp, giáo viên tổ chức trò chơi. Kết thúc trò chơi, thầy cô phải chia phần thưởng cho cả nhóm thắng và nhóm thua. Bởi vì, các bé thua không có phần thường sẽ rất buồn, không thể tập trung học được…
Phạm Hữu Thịnh (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) cùng các em học sinh
Để cân bằng chi phí cuộc sống và duy trì gắn bó dự án, Thịnh sắp xếp thời gian hợp lý để lên lớp giảng dạy các em. Những thời gian rảnh, anh làm những công việc bán thời gian: Dịch thuật, dạy kèm, trợ giảng tại trung tâm anh ngữ… để trang trải chi phí cuộc sống. Khi đặt vấn đề, kiến thức ngoại ngữ khá tốt, tại sao Thịnh không chọn công việc mức lương ngàn đô mà dành thời gian để làm giáo viên tình nguyện”. Anh bày tỏ: “Khi làm công việc tình nguyện, mình cảm thấy thực sự yêu thích, hiểu hơn về văn hóa giao tiếp và thế giới của người khiếm thính thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Đến bây giờ, mình cũng chỉ hiểu khoảng 30 - 40% thông điệp. Các bạn nhỏ diễn đạt ký hiệu nhanh lắm, mình quan sát không kịp. Nhiều lúc, mình diễn đạt ký hiệu bị sai, tạo ngữ nghĩa khác, thế là, cả lớp cười phá lên. Mình mong muốn sẽ đồng hành, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cần thiết, tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho các em khiếm thính. Các em nhỏ tham gia học tập cùng dự án đã chứng minh được rằng, khi có niềm tin thì con người sẽ làm được những điều tuyệt vời và thức hiện hóa ước mơ của mình. Mình hy vọng sẽ có nhiều người biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hơn và mở ra nhiều cơ hội học tập bình đẳng hơn cho các em khiếm thính”.
Y Bình (Edit by Wishare)
Ảnh: NVCC 
Phạm Hữu Thịnh cho biết, “Hear.Us.Now” là dự án phi lợi nhuận, được bảo trợ kinh phí bởi học viện GAP (đơn vị xã hội hoạt động ở lĩnh vực giáo dục). Dự án ra đời, mục tiêu chính là dạy tiếng Anh và tin học miễn phí cho trẻ em khiếm thính từ 8 - 15 tuổi. Anh cho biết, cuối năm 2017, dự án đã đào tào hiệu quả cho 10 học sinh khiếm thính (thuộc trường Giáo dục chuyên biệt Anh Minh TP. Hồ Chí Minh). Trong đó, ba học sinh tốt nghiệp loại giỏi và bảy em tốt nghiệp loại khá.
Từ lớp học chỉ vẻn vọn 10 học sinh, hiện tại, dự án đang hỗ trợ giáo dục cho hơn 80 học sinh, với hơn 10 lớp học. Học viên của “Hear.Us.Now” không chỉ có trẻ khiếm thính nữa, mà cả người điếc trưởng thành và cả người bình thường muốn học ngôn ngữ ký hiệu.
Độc giả quan tâm đến dự án “Hear.Us.Now” có thể liên hệ tại địa chỉ: https://wishare.com/group/hear.us.now.pro