Thỉnh thoảng tối ngủ, vắt tay lên trán, mình hay nghĩ lại xem vào được Học viện Ngoại giao đã là một may mắn lớn thế nào với một người có xuất thân và năng lực bình thường như mình. 

Vì chưa làm được gì đáng kể, mình sẽ kể lại ba câu chuyện đã được quan sát trong ba năm ở đây của mình và bạn bè. Ở Học viện Ngoại giao, bọn mình đã bắt đầu thế nào, thay đổi ra sao và DAV đã ở đâu trong hành trình ấy để trả lời cho câu hỏi #WhyDAV. 

Câu chuyện thứ nhất: Ở đây, em được làm thủ lĩnh.

“If not me, then who. If not now, then when.
Because leaders are not born, they are made."
12 năm học phổ thông dạy ta ý thức về sự bình đẳng, rằng những cơ hội là chia đều cho tất cả mọi người và bất kỳ ai cũng có quyền được học, được phát triển và vươn lên trong cuộc sống. Nhưng giáo dục phổ thông hiện nay lại hiếm khi dạy ta rằng mỗi chúng ta còn có cơ hội để trở thành người thủ lĩnh. Rằng mặc dù ta vẫn bình đẳng nhưng ta cũng có thể tiến thêm một bước (hoặc là lùi ra sau một bước) để gánh vác một trách nhiệm lớn hơn, cùng đẩy tất cả tiến về phía trước. Đặc biệt là khi xuất thân từ một tỉnh lẻ, mình càng ý thức được sự hiện hữu về việc thiếu hụt tư duy này. 
Ở Học viện Ngoại giao thì khác, ngay ngày đầu tiên bước chân vào trường, tất cả bọn mình được tiếp cận với một cuộc thi cực kỳ xịn có tên là “DAV's Leaders - Thủ lĩnh Sinh viên Học viện Ngoại giao" mà ở đấy, mỗi cá nhân đều có cơ hội để tham gia và đều có cơ hội để đứng lên, được cất tiếng nói và thực sự tham gia “tranh cử" để trở thành thủ lĩnh tiếp theo của Khoá sinh viên này. 
Tạo dáng tranh cử Thủ lĩnh ngầu như này.
Câu chuyện không phải là liệu ai sẽ trở thành thủ lĩnh hay người thủ lĩnh làm được gì. Mà sau đó, mình được thấy những người bạn dám bước lên và thử sức ấy đã dần tiến bộ như thế nào, hoàn thiện ra sao trước - trong - sau cuộc thi. Mỗi cá nhân đều mang trong mình nhiều tiềm năng lớn, nhưng cũng chính trong mỗi cá nhân với những nỗi sợ rất riêng khoá chặt tiềm năng ấy. Những cơ hội để đối mặt với áp lực vì vậy cũng là cơ hội để mở khoá chính mình. Thử một lần, thay đổi một cuộc đời. 
Điều quan trọng nhất để lại sau các cuộc thi có lẽ là những hi vọng được thắp lên. Hi vọng rằng ta làm được, ta có cơ hội để làm và ta sẽ còn làm được nhiều hơn thế. Ở Ngoại giao, bọn mình có cơ hội ấy. Chúng ta hay nói về áp lực như một vấn nạn của thời đại ngày nay. Nhưng thực ra, nếu nhìn nhận khách quan, vai trò của áp lực cũng quan trọng như bất kỳ yếu tố nào khác để tạo ra sự hoàn thiện trong mỗi con người. Chỉ có lửa mới thử được vàng, gian nan sẽ thử sức. Nên mình thấy bọn mình rất may mắn khi được “quăng” vào cơ hội chịu áp lực sớm như thế mà không đơn độc. Đó cũng là dẫn mở cho câu chuyện thứ hai. 

Câu chuyện thứ hai: Ở đây, mọi người tự biết rằng ai cũng nên có trách nhiệm. 

Mình hay nghe bạn bè vật lộn vì những câu chuyện rằng làm việc nhóm khó khăn thế nào ở môi trường mới. Đó là khi mà mỗi chúng ta đều chỉ gặp nhau vài lần trong một lớp, ngẫu nhiên gặp một người xa lạ và đánh vật để thuyết phục ai đó cố gắng thực hiện bài tập chung. Ở Ngoại giao, bọn mình không hay gặp phải vấn đề này. Không phải vì ngôi trường này có kỉ cương hà khắc mà ở đây bọn mình tôn trọng bản thân và hiểu rằng tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình. 
Dường như đó là một suy nghĩ và tư duy mà bất kỳ ai trong bọn mình cũng tự nhiên có từ khi bước chân vào môi trường mới. Rằng ý thức về việc mình là một sinh viên Ngoại giao không biết tự khi nào đã ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi người, rằng "sinh viên Ngoại giao thì phải như nào" chứ. 
Bên cạnh đó, yếu tố ngoại vi cũng vô cùng quan trọng vì ở đây bọn mình học chung một lớp trong suốt bốn năm, hệt như cấp ba nên ý thức về tập thể của mỗi cá nhân cũng lớn hơn nhiều. Không ai muốn mình trở thành một ví dụ về ý thức kém. Vì vậy, cái tôi bên trong cũng thôi thúc mỗi cá nhân phải làm việc và hợp tác có trách nhiệm hơn.
Học online ở trường mình cũng được chỉ dẫn về văn hoá.
Điều này, mình tin là một điểm cộng lớn cho mỗi người vì trong cuộc sống bên cạnh năng lực thì thái độ cũng rất quan trọng. Sự trách nhiệm tạo ra kỷ luật cá nhân. Nếu như bạn cũng hay tìm hiểu về những con người thành công, có một sự thật không thể phủ nhận là họ luôn rất đề cao kỉ luật cá nhân. Thực vậy, chỉ có kỉ luật cá nhân mới tạo ra quá trình tích luỹ và giúp cho việc luyện tập được liên tục, đây là một cơ sở thiết yếu của thành công. DAV cho bọn mình môi trường như thế, một điểm cộng to đùng. 

Câu chuyện thứ ba: Đây là thương vụ hời nhất nếu coi việc học đại học là một thương vụ.

Nếu bạn đã chán nghe những câu chuyện có vẻ nặng về lý thuyết ở trên, đây là câu chuyện dành cho bạn. Xét theo góc độ kinh tế học hay chủ nghĩa thực dụng, mình chưa bao giờ hối hận vì “đầu tư" vào Học viện Ngoại giao. 
Về chi phí, bọn mình chỉ phải trả khoảng gần 4 triệu cho mỗi học kỳ ở hệ tiêu chuẩn. Nếu thi vào và học ở lớp Chất lượng cao, học phí cũng chỉ là 10 triệu mỗi học kỳ. Mỗi cuối kỳ, 10% có điểm trung bình cao nhất sẽ nhận được học bổng với mức vượt trên học phí hệ tiêu chuẩn. Nói cách khác, nếu bạn có cố gắng trong việc học, bạn sẽ luôn có cơ hội được học Đại học miễn phí (với hệ tiêu chuẩn) hoặc giành học bổng 50% (với hệ Chất lượng cao). 

Vậy, bọn mình sẽ nhận lại gì với thời gian và chi phí bỏ ra như thế? 

Đầu tiên là khả năng ngoại ngữ, cũng là đặc thù lớn nhất của việc học tại DAV. Mỗi môi trường sẽ có một đặc thù khác nhau và ở trường mình thì học Ngoại ngữ tốt gần như là yêu cầu bắt buộc, điều mình thấy rất may mắn. Học lớp chuyên xã hội ở môi trường cấp ba nên ngoại ngữ của mình khi vào trường rất bập bõm. Việc phải học rất nỗ lực mới đủ để được điểm Khá môn này đặt ra thách thức lớn và ép mỗi cá nhân phải cố gắng hơn nhiều. Đằng nào cũng phải đối mặt với thách thức nhất định của từng môi trường. Thách thức này vừa giúp bản thân cố gắng hơn vừa là kỹ năng - công cụ thiết yếu trong thời buổi hiện nay, mình không có gì để chê. 
Thứ hai, bọn mình có một cơ hội tiếp cận với hệ thống câu lạc bộ và thử thách đa dạng. Ngày năm nhất, mình có thử sức và thi vào 7 câu lạc bộ khác nhau. Khi ấy, mình đã rất may mắn khi đậu vào cả 7 và có được những trải nghiệm khác biệt nhưng mang tính gợi mở lớn. 
25 câu lạc bộ và Đoàn Hội với 25 kiểu mẫu hình, đủ nhạc cho ai cũng được nhảy ở DAV.
Cuộc thi Thủ lĩnh dạy mình biết tập thể thực sự là gì và sở hữu một năng lực chưa phải là nhân tố quyết định để lãnh đạo tập thể. Câu lạc bộ Giả định Liên Hợp Quốc MUN giúp mình tiếp cận với những khái niệm về Chính trị, về Quan hệ Quốc tế, trong một môi trường mà ở đây ai có thể cũng đi nói chuyện thời sự vô tư (bản lĩnh chính trị vững vàng là một điểm cộng to đùng mình thấy ở các sinh viên Ngoại giao). Câu lạc bộ MC giúp mình tự tin hơn trước đám đông, linh hoạt hơn trong giao tiếp. Trải nghiệm ở Câu lạc bộ Lễ tân giúp mình được tham gia phục vụ những sự kiện rất quan trọng của ngành Ngoại giao nước nhà. Ở đây, mình được tận mắt quan sát và học hỏi từ các bác lãnh đạo trong và ngoài nước. Câu lạc bộ Tình nguyện thì lại cho mình cơ hội học hỏi cách tổ chức và đặt bản thân vào suy nghĩ của số đông đại chúng cùng niềm vui rất bình dị, không hề "ngoại giao". Những câu lạc bộ thể chất như Bóng đá, Cầu lông thì giúp bọn mình kết nối với nhau và phát triển sức khoẻ…
Trong một sự kiện khi bọn mình đi khánh thành Cung văn hoá ở Mỹ Đình với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thứ ba và cuối cùng, DAV cho mỗi người bọn mình một sự tự do rất lớn để dành thời gian phát triển bản thân bên ngoài việc học. Ở đây, bọn mình không phải đi học quá nhiều vì thế có khoảng không gian trống để thực sự phát triển bản thân theo mong muốn của mỗi cá nhân. Nhìn sang bên trái, ông bạn cùng lớp vừa thành DJ Việt Nam đầu tiên kí hợp đồng với Spinnin Records. Nhìn sang bên phải, nhóm bạn học tốt vừa vô địch Việt Nam Moot court và chuẩn bị đại diện nước nhà đi thi đấu quốc tế. Nhìn ra sau, bạn nữ mới uống Milo cùng hôm qua đang thành MC đắt show, đã nhẵn mặt trên truyền hình. Còn rất nhiều những tài năng khác mà mỗi khi nhìn quanh, mình cũng tự hào khi được sát cánh cùng những con người tuyệt vời như thế.
Ở Ngoại giao, bọn mình được làm và được phát triển thực sự, không phủ nhận là có những sự cạnh tranh giữa mỗi cá nhân. Dù vậy theo góc độ tích cực, mình tin đó cũng là điều thúc đẩy bọn mình cố gắng hơn. 
---
So, Why DAV? Why not DAV.