Tâm trạng của mình tuần trước luôn trong trạng thái bực bội, và khi nhận được chiếc hẹn đi nhậu, nơi sẽ có bia và rượu và đồ có cồn nói chung và lẩu, mình đã vui mừng khôn tả xiết. Và lúc mình được uống chúng, thì mình cảm thấy vui thật, vui nhắm. Xong đến lúc về nhà trong đầu lại hiện câu hỏi vì sao bia rượu đồ có cồn được chứng minh là có hại cho sức khỏe đến như thế, nào là số lượng người chết lên tới hàng chục trăm triệu người mỗi năm, rồi là các loại bệnh từ trong ra ngoài, nhưng nó lại làm mình vui và làm mình chỉ muốn uống nó thêm vậy? Và mình tìm thấy câu trả lời ở cấp độ “phân tử” cho việc vì sao rượu (alcohol dịch ở đây là đồ có cồn bia rượu nói chung nhưng mình để là rượu cho gọn) lại làm chúng ta vui?
    1. Cơ chế hoạt động của chất cồn Ethanol trong rượu
            Cơ chế hoạt động của sự say rượu còn khá là mơ hồ, vì chúng ta đang đề cập tới những phân tử nhỏ tên là ethanol tồn tại trong rượu mà sẽ chạy khắp toàn bộ bộ não của mình khi chúng ta uống rượu vào. Ethanol phá vỡ các màng tế bào của tế bào thần kinh (membranes of neurons). Cho dù nó phá vỡ một cách nhẹ nhàng và tạm thời đến đâu thì các tế bào thần kinh cũng lại rất mong manh dễ vỡ, cho nên ko thể tránh khỏi ảnh hưởng lên chức năng của chúng. Và cũng vì mọi chức năng của não đều dựa trên các tế bào thân kinh, theo tính chất bắc cầu, rượu cũng làm ảnh hưởng lên toàn bộ chức năng của bộ não.
            Khi chúng ta uống rượu, ethanol sẽ xâm nhập vào máu và não và làm thay đổi 2 loại hoá chất trong não là “glutamate” và “GABA”. Ethanol sẽ can thiệp vào hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau (neurotransmitters), hay những chất hóa học mà tế bào thần kinh dùng để gửi tín hiệu cho nhau. Nó làm ức chế hoạt động của glutamate – đại khái là máy phát sự kích thích chính của não (như là làm chúng hoạt động hay tăng hoạt động của chúng). Thêm vào đó, nó cũng làm tăng hiệu ứng của GABA – chất dẫn truyền thần kinh “ức chế” mạnh nhất của não (như là làm giảm/ngăn chặn hoạt động ở một số vị trí nhất định trong não). Và tất cả những điều trên làm ảnh hưởng tới suy nghĩ, cảm xúc và sự phối hợp trong não của chúng ta

    2. Các nghiên cứu về rượu và sự vui vẻ của người uống rượu, từ đó dẫn tới căn cứ về nghiện rượu
               Ngoài ra, uống rượu còn kích thích sự sản sinh của Endorphins – hóa chất tồn tại ở một số vị trí nhất định trong não, có khả năng tạo ra cảm giác vui vẻ, sung sướng.
            Nhà nghiên cứu, trợ lý giáo sư về thần kinh học tại trường Đại học California Jennier Mitchell cùng một giáo sư nữa đã thực hiện một nghiên cứu (xuất hiện trên Tạp chí Science Translational Medicine vào tháng 1 năm 2011), sử dụng máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET – Position Emission Tomography) để theo dõi phản ứng tức thì của rượu lên bộ não của 13 người nghiện rượu và 12 người ko nghiện rượu (heavy drinkers). Trước khi uống rượu, các tình nguyện viên được tiêm thuốc phóng xạ carfentanil (radioactively tagged carfentanil), một loại thuốc dạng như thuốc phiện (opiate-like drug) mà liên kết với các vị trí trong não, hay còn gọi là thụ thể opioid, nơi mà endorphins cũng được liên kết. Điều này giúp các nhà nghiên cứu lập bản đồ theo dõi những gì xảy ra trong não khi uống rượu (các vùng thụ thể opioid sẽ sáng lên trên các bản chụp PET). Sau đó tất cả các tình nguyện viên đều uống rượu, rồi được tiêm carfentanil phóng xạ lần thứ hai và quét lại bằng hình ảnh PET. Khi endorphins tự nhiên được giải phóng nhờ uống rượu, chúng sẽ bị ràng buộc với các vị trí của thụ thể opioid, từ đó xác định được vị trí của endorphins. Và bằng cách so sánh các vùng phóng xạ trong hình ảnh PET đầu tiên và thứ hai, các nhà nghiên cứu có thể lập bản đồ các vị trí chính xác – các vùng có hoạt động phóng xạ thấp – nơi endorphins được giải phóng từ việc uống rượu.
            Uống rượu dẫn đến việc giải phóng endorphins tự nhiên, và chúng được tiết ra từ hạt nhân accumbens (nucleaus accumbens) – nôm na là một nơi trong não có nhiệm vụ tạo ra cảm giác tích cực và vui sướng (feelings of pleasure and reward). Và khi càng uống nhiều rượu, endorphins càng được tiết ra, mỗi người uống lại càng có cảm giác khoái cảm. Tuy nhiên khi mức endorphin được giải phóng trong vỏ não trước (orbitofrontal cortex) tăng lên, những người thuộc nhóm nghiện rượu lại cảm thấy say hơn người ko thuộc nhóm nghiện rượu. Giáo sư Mitchell cho rằng đây có thể là đầu mối cho thấy ván đề nghiện rượu phát triển như thế nào. Khi càng có cảm giác khoái cảm, họ lại càng uống nhiều rượu. Các chuyên gia cho rằng khi nghiện rượu, chức năng của những vị trí trong não như hạt nhân accumbens và vỏ não trước trở nên bị rối loạn (dysfunctional) và làm người uống ko điều khiển được hành vi mà sẽ bị uống quá nhiều.


            Ở một nghiên cứu khác bắt nguồn từ một dự án ở Trường Kinh tế London, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được từ hơn 31.000 người ở Vương Quốc Anh trong khoảng thời gian 2010-2013 qua một ứng dụng tên là “Mappiness”. Ứng dụng này “xuất hiện” một cách ngẫu nhiên trên điện thoại của người dùng (kêu beep) 2 lần một ngày trong khoảng từ 8h sáng đến 10h tối và hỏi họ “Đang cảm thấy vui như thế nào?” tại ngay thời điểm đó, cùng với các câu hỏi “Bạn đang ở cùng với ai?”, “Bạn đang làm gì?”. Trong đó có một đáp án là “Uống rượu”. Người dùng sẽ đánh giá mức độ từ 1-100.
            Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người đang uống rượu tại thời điểm đó có mức độ hạnh phúc tăng lên tới 10.79 điểm. Thêm vào đó, bởi vì việc uống rượu thường xảy ra trong các sự kiện thú vị (pleasurable events), chúng được coi vào là các yếu tố bên ngoài và làm tăng 4 điểm – một lượng điểm khá lớn. Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra việc uống rượu có tác dụng lớn nhất khi chúng đi kèm với các sự kiện ko thú vị (unenjoyable events) như đang di chuyển trên đường hay đang chờ đợi; và chỉ làm tăng mức độ hạnh phúc của sự kiện thú vị đang xảy ra lên một lượng nhỏ. Và từ đó đi tới kết luận việc uống rượu có thể làm tăng mức độ vui vẻ hạnh phúc, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn (short term).

    3. Ảnh hưởng của rượu
            Một trong những ảnh hưởng cơ bản của rượu là “thuốc giảm đau”. Rượu làm giảm đi các hoạt động của não ở vỏ não trước trán (prefrontal cortex) và thùy thái dương (temporal lobes). Vỏ não trước trán chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ hợp lý (rational thought), lập kế hoạch (planning), đánh giá (assessment) và ức chế sự tức giận (anger suppression). Còn thùy thái dương là nơi đặt khu vực xử lý bộ nhớ (memory processing regions). Nói chung là làm chúng ta ko phải suy nghĩ nhiều tới những thứ làm ta đầu đầu bực mình.
            Ngoài ra, rượu có ảnh hưởng “lưỡng pha” (biphasic effect). Đơn giản hơn là rượu vừa có thể làm ta cảm thấy vui vừa có thể làm ta cảm thấy tồi tệ, nhưng việc này xảy ra tùy vào mức độ say (intoxication) của cơ thể. Theo các bằng chứng, tác động kích thích của rượu sẽ rơi vào khoảng khi nồng độ cồn trong máu có từ 0,05 – 0,06%. Vượt qua ngưỡng này, tác dụng tích cực của rượu sẽ biến mất và ảnh hưởng tiêu cực sẽ tăng lên và ảnh hưởng tới các cơ quan chức năng. Có một số vị trí bên cạnh thùy thái dương, nằm ở phía cuối não và sau đầu, mà cũng bị rượu ảnh hưởng là các tiểu não (cerebellum). Các tiểu não chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát chuyển động của cơ thể. Rượu đi vào não sẽ làm tê liệt chúng, làm các chuyển động cử chỉ trở nên mất cân bằng, tất cả mọi cơ từ chi tới cả miệng và mắt đều bị ảnh hưởng. Đó là vì sao mà chúng ta mắt mờ, nói linh tinh ú ớ, đi mất thăng bằng sau khi uống rượu.

            Kết luận, những khám phá trên có sự trợ giúp rất lớn trong việc tìm ra các phương pháp trị liệu cho người nghiện rượu. Đồng thời làm các nhà hoạch định chính sách (policy makers) phải ra các luật lệ phù hợp về việc uống rượu, bởi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của mỗi người đóng vai trò rất lớn trong việc họ quyết định uống rượu hay không.
            Ý kiến riêng của mình là cảm thấy ổn, cảm thấy vui thì cứ uống, hại thì hại thật nhưng thi thi thoảng thoảng mới nốc thì cũng ko chết được. Mình ko phản đối việc uống bia rượu (vì mình cũng uống hihi), nhưng dù thế nào thì vẫn phải tự biết lượng sức mình, cảm thấy người hay hay đầu bay bay là phải dừng ngay, cho dù có bị “ép” uống vì “kiêng nể” ai đi chăng nữa. Mạng sống là của mình nên ko cần phải kiêng nể bố con thằng nào cả. Mình chết thằng mời uống cũng ko sống hộ mình được. Nói chung là làm bản thân vui nhưng đừng để nhiều người thân buồn. Nốc cho lắm xong chẳng may gặp chuyện gì rồi lại rách việc ra. Vui thì cũng chỉ vui lúc đấy thôi, tác dụng của rượu mấy tiếng sau là nó như dồ như dại ấy mà chả vui vẻ gì nữa đâu.

-----------------------------------------------------------------------------------
References
Begley, S. (2016, May 25). This Is How Happy Alcohol Makes You, Researchers Say. Retrieved July 27, 2017 from Time: http://time.com/4347687/alcohol-happiness-boost/
Burnett, D. (2016, November 29). Drink and be merry: why alcohol makes us feel good, then doesn’t. Retrieved July 27, 2017 from The Guardian: https://www.theguardian.com/…/drink-and-be-merry-why-alcoho…
Hope, J. (2012, January 12). Cheers! Drinking DOES release the feelgood factor in our brains. Retrieved July 27, 2017 from Dailymail UK: http://www.dailymail.co.uk/…/Drinking-DOES-make-feel-happy-…
Thrasybule, L. (2012, January 11). Alcohol Releases the Brain's 'Feel-Good' Chemicals. Retrieved July 27, 2017 from Live Science: https://www.livescience.com/36084-alcohol-releases-endorphi…
Walton, A. G. (2012, March 13). Why Alcohol Makes You Feel Good. Retrieved July 27, 2017 from The Atlantic: https://www.theatlantic.com/…/why-alcohol-makes-you…/254315/
Whiteman, H. (2016, May 8). Drinking alcohol makes us happy, but not for long. Retrieved July 27, 2017 from Medical News Today: http://www.medicalnewstoday.com/articles/310019.php
Wighton, K. (2015, December 18). Why alcohol makes your brain feel good... and very bad. Retrieved July 27, 2017 from Imperial College of London: http://www3.imperial.ac.uk/newsandeventspggrp/imperialcollege/newssummary/news_18-12-2015-13-17-15