Trong một vài năm qua, tôi đã luôn có ý tưởng về một bài viết self-help trào phùng có tiêu đề: "Bí mật về sự năng suất của Adolf Hitler." Bài viết này sẽ miêu tả mọi khía cạnh phổ biến của các chủ đề self-help, bao gồm các mục tiêu, việc hiện thực hoá nó hay các thói quen mỗi sáng-ngoại trừ việc nó sẽ được thể hiện qua "trải nghiệm" của Hitler. 
"Hitler bắt đầu ngày mới mỗi 5 giờ sáng với một vài bài tập Yoga đơn giản và dành 5 phút cho việc viết nhật ký, hắn có khả năng tập trung suy nghĩ của mình vào những mục tiêu vô cùng tham vọng. "
"Hitler phát hiện ra mục tiêu của đời mình vào những năm 20 tuổi trong một quán bia và theo đuổi mục tiêu từ đó. Sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy thúc đẩy một cuộc đời đầy say mê và truyền cảm hứng cho hàng triệu người giống như hắn ta."
"Hitler cũng là một người có chế độ ăn chay vô cùng nghiêm ngặt. Dù bận rộn với những kế hoạch  diệt chủng và thống trị thế giới, Hitler vẫn luôn sắp xếp thời gian để khám phá sự sáng tạo của mình: hắn luôn dành ra vài giờ mỗi tuần để nghe nhạc giao hưởng và vẽ lại những cảnh đẹp mà bản thân ấn tượng."
...
Tôi biết là tôi sẽ thấy bài viết trên rất thú vị, chắc bởi tôi bị hâm, haha. Nhưng rồi, tôi cũng chẳng bao giờ có đủ dũng cảm để xuất bản một bài viết kiểu ấy, vì những lý do hiển nhiên.
Tôi đã gắn bó với nghiệp văn chương đủ lâu để hiểu rằng:
a) Một đám đông sẽ nhanh chóng cảm thấy bị động chạm và sẵn sàng dành cả tuần của họ để làm phiền tôi với những email và những bài viết "bóc phốt" trên mạng xã hội.
b) Những lời chế nhạo ấy sẽ đến tai rất nhiều người khác nữa, rồi mọi người sẽ nghĩ tôi thực sự là một Đảng viên Quốc xã. 
c) Một số toà soạn dở hơi ở đâu đó sẽ chớp ngay lấy tiêu đề: "Cây bút bán chạy tự thú nhận việc anh ấy là một Đảng Viên Quốc Xã" hoặc một số cái gì đó rác rưởi khác. Rồi toàn bộ sự nghiệp của tôi thế là hết. 
Vì vậy, tôi đã không bao giờ viết bài đó. Có thể gọi tôi là kẻ hèn nhất cũng được, nhưng tôi là thế đấy.
Dù vậy, nghĩ về điều này cũng làm tôi trăn trở ít nhiều. Việc châm biếm năng suất phi thường và khả năng truyền cảm hứng đến mức hoàn hảo của Hitler chính là ví dụ hoàn hảo cho một quan điểm quan trọng tôi đã luôn khẳng định về những quy tắc của self-help: "Việc đạt được thành công trong cuộc sống không quan trọng bằng việc bạn định nghĩa thành công là gì." Nếu như định nghĩa của chúng ta gắn với những giá trị tồi tê như là thống trị thế giới và sát sinh hàng triệu người thì chuyện làm việc chăm chỉ, thiết lập và nỗ lực theo đuổi mục tiêu hay cố gắng cải thiện kỉ luật cá nhân, tất cả đều trở thành một điều xấu xa. 
Việc xác định được tính đúng đắn trong mục tiêu quan trọng hơn nhiều cách thức ta dự đinh đạt được đó
Việc xác định được tính đúng đắn trong mục tiêu quan trọng hơn nhiều cách thức ta dự đinh đạt được nó. Nếu bạn xoá đi phần đạo đức tồi tệ khỏi Hitler, thì dưới đánh giá khách quan, hắn chắc chắn là một trong những độc tài tự thân thành công nhất lịch sử nhân loại. Từ việc không một xu dính túi, một nghệ sĩ thất bại tới việc thống lĩnh cả một đất nước và đạo quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ trong gần 2 thập kỷ. Hắn ta cũng đã truyền cảm hứng và thúc đẩy hàng triệu người. Hắn ta luôn làm việc không ngơi nghỉ, và luôn tập trung cao độ vào mục tiêu của mình.
Chỉ tiếc là...mọi nỗ lực đó đều hướng tới các mục tiêu điên loạn và huỷ diệt. 10 triệu người đã phải chết vì những mục tiêu sai lầm mà Hitler đặt ra cho cuộc đời mình. 
Vì vậy, bạn không thể nói về việc phát triển bản thân mà không nhắc tới những giá trị (bạn theo đuổi). Điều đó không đơn giản là chuyện "tiếp tục phát triển" hay "trở thành một người tốt hơn". Bạn phải thực sự định nghĩa được một người tốt hơn chính xác là gì. Bạn phải quyết định bản thân sẽ muốn phát triển theo hướng nào. Bởi vì, bạn biết đấy, chúng ta đều sẽ có lúc lạc lối thôi. 
Rất nhiều người không nhận ra điều này. Quá nhiều người ám ảnh với việc cố gắng để  "luôn hạnh phúc" và "luôn cảm thấy vui vẻ"-mà không nhận ra nếu những giá trị họ theo đuổi là sai trái, việc cảm thấy luôn vui vẻ sẽ chỉ làm khổ họ hơn là giúp đỡ họ. Nếu điều làm bạn cảm thấy trân trọng nhất trên đời là giây phút rít vài hơi "keo chó" (một dạng heroin) qua ống hút xoắn, bạn biết đấy, vậy thì việc "cảm thấy vui vẻ" chỉ làm cuộc đời bạn tệ hơn thôi. 
Khi tôi viết ra cuốn sách: "The Subtle Art of of Not Giving a F*ck", gần như toàn bộ nội dung thực ra chỉ là một cách tinh tế giúp mọi người dần nhìn nhận lại những giá trị họ đang theo đuổi một cách rõ ràng hơn. Có cả triệu cuốn sách self-help ngoài kia dạy bạn làm thế nào để đạt được mục tiêu, nhưng hiếm hoi trong đó thực sự đặt ra câu hỏi mục tiêu nào bạn nên đặt ra cho mình. Mục tiêu của tôi khi ấy chính là viết nên cuốn sách giúp bạn trả lời câu hỏi đó. 
Trong cuốn sách của mình, tôi chủ động né việc đi quá sâu vào việc định nghĩa những khái niệm tốt/xấu được hiểu như thế nào hay liệu nó có khả thi hay không-một phần bởi tôi không muốn áp đặt những giá trị của tôi lên người đọc. Sau tất cả, bạn vẫn là người xác định những giá trị của mình mà, chắc chắn không phải bởi một gã nào đấy với "quyển sách bìa cam" bảo bạn phải làm như thế. Nhưng thành thật mà nói, tôi không đi quá sâu vào việc định nghĩa những giá trị bởi thực ra đây cũng là một chủ đề rất khó để truyền đạt chính xác.
Giờ đây, bài viết này chính là nỗ lực của tôi để thực sự làm điều đó! Để nói câu chuyện của những giá trị. Và không chỉ là chuyện "chúng là gì" mà còn "bởi sao chúng lại là như thế", và làm thế nào chúng ta có thể thay đổi việc chúng ta xác định chúng trước nay. Bài viết này khá dài đấy. Thôi tôi luyên thuyên thế cũng đủ rồi, đi vào vấn đề nào.

Chính xác thì giá trị bản thân bạn đang theo đuổi là gì?

Mỗi phút giây , mỗi ngày trôi qua , dù bạn có nhận ra hay không, bạn đang đưa ra quyết định về việc sử dụng thời gian của mình như thế nào, chú ý hay dành năng lượng bản thân cho điều gì.
Ngay lúc bạn, bạn đang chọn việc đọc bài viết của tôi. Có hàng vạn thứ bạn có thể đang làm, nhưng ngay lúc này, bạn đang chọn ở đây với tôi. Có thể vài phút nữa, bạn quyết đinh rằng mình sẽ phải đi tè. Hoặc ai đó nhắn tin và bạn sẽ phải dừng đọc. Khi những điều đó xảy ra thật, bạn đang đưa ta một quyết định đơn giản nhưng cũng gắn liền với những giá trị: điện thoại (hoặc là nhà vệ sinh) đáng giá với bạn hơn là bài viết này. Và hành vi của bạn cũng tuân theo những giá trị kiểu như thế. 

Những giá trị chính là sự phản ánh trực tiếp cách chúng ta hành xử

Điều này vô cùng quan trọng-bởi chúng ta đều có một số thứ mà chúng ta nghĩ là chúng ta đề cao, nhưng lại không bao giờ song hành với hành động. Tôi có thể luôn miệng bảo mọi người tôi quan tâm tới môi trường hay sự nguy hiểm của mạng xã hội, nhưng nếu tôi dành cả ngày lái chiếc SUV "ăn xăng" của mình và vô tư kéo newsfeeds, hành vi của tôi rõ ràng đang kể một câu chuyện khác. 
Những hành động của chúng ta không nói dối
Chúng ta tin rằng chúng ta muốn công việc đó, nhưng khi mọi thứ đạt đến giới hạn, chúng ta lại thường lo lắng sẽ không có ai ở đó để hỗ trợ, thế là chúng ta lại quay về với trò chơi điện tử như mọi khi. Chúng ta luôn miệng nói với bạn gái của mình rằng rất muốn gặp cô ấy (dù vô cùng bận rộn), nhưng vào giây phút mà anh bạn gọi rủ đi chơi, lịch của chúng ta cứ rảnh đến thần kỳ! 
Hầu hết chúng ta nói về giá trị mà chúng ta ước mình đặt ra như là một cách để che đi những giá trị mà chúng ta đang thực sự có. Chính vì vậy, khát vọng đôi khi cũng dễ trở thành lý do cho sự tránh né. Thay vì chủ động đối mặt với việc chúng ta thực sự là ai, chúng ta đánh lừa chính mình trong con ngươi chúng ta muốn trở thành.
Đôi khi, chúng ta lại lừa dối chính mình bởi tự bản thân không thích những giá trị đã đặt ra, hay nói cách khác chúng ta không thích một phần trong mình. Chúng ta không muốn thừa nhận rằng bản thân đang theo đuổi những giá trị nhất định và lại mong ước mình đang theo đuổi thứ khác. Chính sự mâu thuẫn giữa nhận thức và thực tại này là điều thường đẩy ta vào rắc rối. 
Bạn biết đấy, thực ra thì những giá trị của mỗi cá nhân chính là phần mở rộng của mỗi người. Chúng chính là điều định nghĩa nên con người chúng ta. Khi một điều tốt đẹp xảy ra với ai đó mà chúng ta trân trọng, niềm vui cứ như đang xảy đến với chính bản thân ta vậy. Chúng ta cảm thấy thật tuyệt khi mẹ có một chiếc xe mới hay khi chồng được thăng chức, khi đội tuyển thể thao yêu thích dành chức vô địch: bạn cảm thấy thật tuyệt cứ như là điều tuyệt vời này đang xảy ra với bạn vậy. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn không xem thường một giá trị nào đó, bạn cũng sẽ cảm thấy thật tuyệt khi điều gì tồi tệ xảy ra. Mọi người ra đường ăn mừng khi Osama Binlađen bị giết, mọi người tổ chức tiệc ở ngoài nhà tù khi kẻ giết người hàng loạt Ted Bundy bị tử hình. Sự chết chóc với một số người, những người được nhìn nhận là xấu xa giờ được xem như thắng lợi to lớn về mặt đạo đức trong trái tim của hàng triệu người
Vì vậy khi chúng ta mất kết nối với những giá trị của chính mình, ví dụ như việc chúng ta ham thích việc chơi điện tử cả ngày mặc dù chúng ta cũng tin vào sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ: niềm tin và lý tưởng của chúng ta bị tách biệt khỏi hành động và cảm xúc.

Bạn chính là giá trị mà bạn theo đuổi

Chúng ta đều biết một câu chuyện quen thuộc của những người ở tầng lớp trung lưu Những người có học thức và một công việc ổn định mà thỉnh thoảng họ có những giây phút phát rồ bé bé và quyết định sẽ dành một tuần hoặc 10 ngày (hoặc 10 tháng) cắt liên lạc với thế giới bên ngoài rồi trốn tới một vùng hẻo lánh nào đó và cố gắng để “tìm lại bản thân.”
Trời đất có khi đây cũng chính là bạn ở một thời điểm nào đó nhỉ. Tôi biết vì tôi cũng đã từng như thế trong quá khứ.
Thực ra thì,  đây mới chính là những điều mà mọi người đã nghĩ tới khi mà họ nói  họ cần “tìm lại bản thân”: họ đang tìm kiếm những giá trị mới để theo đuổi. 
Khi mà họ nói  họ cần “tìm lại bản thân”: họ đang tìm kiếm những giá trị mới để theo đuổi. 
Bản thân chúng ta, điều mà chúng ta nhận thức và hiểu là cái tôi thực ra chính là sự đồng thuận với mọi giá trị chúng ta đang theo đuổi. Vì vậy khi bạn chạy trốn tới nơi nào đó, thật ra là bạn đang trốn đi đâu đó để xem xét lại những giá trị của bản thân.
Thường thì mọi thứ sẽ diễn ra như thế này:
  • Bạn phải chịu một lực lớn áp lực trong đời sống thường ngày.
  • Vì những áp lực kể trên bạn cảm thấy như bạn đang mất đi sự kiểm soát với cuộc đời mình. Bạn không biết bạn đang làm gì, vì sao bạn làm như thế. Bạn bắt đầu cảm thấy rằng mong ước và quyết định của bản thân không còn quan trọng nữa. Có vẻ như bạn muốn dành thời gian đi uống rượu, chơi đàn banjo.. Nhưng những trách nhiệm đè nặng từ trường học/công việc/gia đình/đối tác làm cho bạn cảm thấy bạn không thể thực hiện được những mong ước ấy.
  • Đây chính là cái tôi mà bạn cảm thấy mất. Một cảm giác rằng bạn không còn là người định hướng con thuyền cuộc đời của chính bạn. Thay vì đó bạn như đang chênh vênh giữa đêm giông cuộc đời, giữa  những cơn gió của trách nhiệm hoặc của những vấn đề sâu xa khác.
  • Bằng việc tách bản thân khỏi những áp lực này giờ đây bạn có cảm giác bạn đã lại có thể kiểm soát cuộc đời mình. Giờ đây chính bạn một lần nữa chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của mình mà không chịu ảnh hưởng của hàng triệu yếu tố ngoại vi khác.
  • Không chỉ dừng lại ở đó, việc tách bản thân khỏi những thế lực điều khiển cuộc sống mỗi ngày của bạn, bạn có cơ hội để nhìn lại và xác định xem đâu là thứ bạn thực sự muốn có trong đời. Liệu đây có phải là bạn không? Liệu đây có phải là điều mà bạn quan tâm? Giờ là câu hỏi của bạn và quyết định cũng nằm ở bạn.
  • Sau đó, bạn quyết định rằng sẽ có một số thứ phải thay đổi. Có một số thứ bạn nhận ra rằng bạn đang bỏ quá nhiều tâm sức và bạn muốn dừng lại. Có một số thứ khác thì bạn nhận ra bạn nên dành nhiều thời gian hơn và tự hứa với bản thân sẽ ưu tiên chúng hơn trong tương lai. Lúc này, bạn đang xây dựng một “con người mới”.
  • Cuối cùng, bạn thề là bạn sẽ trở lại với “thế giới thật” và sống với những ưu tiên mới của mình, trở thành một “con người mới”- nhất là bởi giờ bạn đã có một động lực mạnh mẽ.
Cả quá trình này, dù được thực hiện trên một hòn đảo hoang, một con thuyền thám hiểm, ở sâu trong rừng hoang hay là một hội thảo self-help nào đó-về cơ bản đều chỉ là một cuộc đào tẩu nhằm điều chỉnh những giá trị của một cá nhân.
Bạn rời đi, có được nhận thức về những thứ đáng để quan tâm trong đời, thứ gì đáng để trân trọng hơn, cái gì nên bớt quan tâm rồi sau đó trở về (một cách lý tưởng nhất) và hiện thức hoá những suy nghĩ đó. Việc trở lại và thay đổi hệ thống ưu tiên của bản thân chính là cách bạn thay đổi những giá trị đang theo đuổi, và bạn trở lại “như là một con người mới”.
Hệ thống giá trị là những yếu tố thiết yếu cấu thành nên tâm lý và con người chúng ta. Chúng ta là những gì chúng ta xem là quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta được định nghĩa bởi chính những ưu tiên cá nhân. Nếu tiền là thứ đáng quan tâm hơn bất kỳ thứ gì khác, vậy thì điều đó sẽ quyết định con người bạn. Tương tự với việc hút hít, nó cũng sẽ quyết định con người bạn là ai. Và nếu chúng ta cảm thấy thật tồi tệ về bản thân và không tin rằng chúng ta xứng đáng được yêu thương, sự thành công hay sự quan tâm thì những điều đó cũng sẽ định nghĩa cuộc đời chúng ta – thông qua cách chúng ta hành động, những lời nói ta phát ra và những quyết định trong cuộc đời.
Bất kỳ sự thay đổi nào trong mỗi cá nhân chính là sự thay đổi trong cách chúng ta xác định những giá trị mình theo đuổi. Mỗi khi có điều đau buồn xảy ra, nó làm chúng ta cảm thấy tuyệt vọng không chỉ bởi nó làm chúng ta thấy buồn mà còn bởi chúng ta đã đánh mất đi thứ mà bản thân trân trọng. Rồi đến một lúc, khi chúng ta đã mất đi đủ nhiều những giá trị mà bản thân theo đuổi, chúng ta bắt đầu tự chất vấn lại chính những giá trị của cuộc đời. Chúng ta trân trọng người yêu của mình, nhưng họ đã rời bỏ ta rồi. Và điều đó thực sự hạ gục chúng ta. Nó gợi nên câu hỏi về việc chúng ta là ai, những giá trị của chúng ta với tư cách là con người và chúng ta thực sự hiểu đến đâu về vạn vật. Nó ném chúng ta vào một cuộc khủng hoảng của sự tồn tại, của chính bản thân ta, khi ta còn không biết đâu là điều để tin tưởng, để hành động nữa. Vì vậy, thay vì đặt ra những câu hỏi đó, chúng ta sẽ ngồi ở nhà với bạn gái mới, chắc là cùng một gói bánh Oreos.
Điều tương tự cũng đúng với những niềm vui trong cuộc sống. Khi một điều gì đó phi thường xảy ra, chúng ta không chỉ trải nghiệm niềm vui chiến thắng đơn thuần hay việc đạt được một thành tựu mới, chúng ta cũng đang trải qua một sự thay đổi trong cách ta xác định hệ thống giá trị của mình-chúng ta cảm thấy bản thân trở nên giá trị hơn, có ích hơn. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn nhiều, điều đó thực sự có ý nghĩa mạnh mẽ.  

Tại sao một số giá trị lại tốt hơn một số khác

Trước khi chúng ta đi vào việc chính xác làm thế nào để thay đổi những giá trị bạn đang theo đuổi, hãy nói về những giá trị tốt đẹp và những giá trị tồi tệ. Trong cuốn sách của mình, tôi xác định giá trị tốt và xấu theo cách sau:
Những giá trị tốt đẹp nghĩa là:
  1. Dựa trên căn cứ cụ thể
  2. Có tính xây dựng
  3. Có thể kiểm soát được
Những giá trị xấu là:
  1. Dựa trên cảm xúc
  2. Có tính phá hoại
  3. Không thể kiểm soát được

Dựa trên căn cứ so với dựa trên cảm xúc

Nếu bạn chú ý quan sát trang web của tôi trong suốt 5 năm vừa qua, bạn sẽ thấy một tư tưởng xuyên suốt: việc chỉ dựa trên cảm xúc thực sự là điều khó tin cậy nhất và gây ra những hậu quả tồi tệ nhất. Đáng tiếc thay, hầu hết chúng ta đều dựa quá nhiều vào cảm xúc mà không nhận ra điều kể trên.
Các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng hầu hết chúng ta, trong hầu như mọi hoàn cảnh, ra quyết định và được thúc đẩy hành động bởi cảm xúc, thay vì dựa trên kinh nghiệm cá nhân hay thông tin chính xác. Các nhà nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra cảm xúc của chúng ta thường có xu hướng tập trung vào chính nó, sẵn sàng bỏ qua những lợi ích lâu dài và chọn những lợi ích ngay trước mắt, chính vì vậy mang tính chủ quan và suy đoán. 
Những người sống dựa trên cảm xúc thường cảm thấy bản thân luôn trong guồng quay vô định, luôn đòi hỏi nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Và cách duy nhất để bước xuống khỏi đó: chính là quyết định có thứ đáng để trăn trở hơn là cảm xúc của bạn-nói cách khác, một nguyên nhân, một mục tiêu, một ai đó mới là điều đáng để bạn cảm thấy đau khổ.
Chính “nguyên nhân” đó thường là thứ mà chúng ta xem như “mục đích của đời mình” và nhận thấy đó là một trong những yếu tố quan trọng định đoạt sức khoẻ và hạnh phúc của chúng ta. Nhưng mục đích của chúng ta không nên chỉ dựa trên những thứ gì đó “có vẻ tốt”. Nó cần phải được cân nhắc và có lý do rõ ràng. Chúng ta phải xác định được chính xác những lập luận ủng hộ mục đích đó. Bằng không, chúng ta sẽ dành cả cuộc đời để theo đuổi mục tiêu hư vô.

Có tính xây dựng so với Có tính phá hoại

Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng sẽ làm bạn phát khùng nếu bạn cân nhắc đủ sâu về nó.
Chúng ta không muốn theo đuổi những giá trị làm hại đến ta hoặc người khác. Vì vậy, chúng ta muốn theo đuổi những điều cải thiện cuộc sống của bản thân và mọi người. 
Xem nào, 
thực ra thì việc quyết định được điều gì đó thực sự giúp chúng ta và điều gì làm hại chúng ta xem ra lại có thể trở nên vô cùng phức tạp. Tập hùng hục ở phòng gym về cơ bản phá hoại cơ thể của bạn, nhưng đồng thời cũng giúp cơ bắp bạn phát triển hơn. Dùng thuốc lắc có thể thực sự cải thiện cảm xúc của bạn trong một số thời điểm, nhưng nếu bạn đều làm thế mỗi tuần, có thể bạn đang tạo ra nhiều cảm xúc tồi tệ hơn là thứ gì đó tốt đẹp. Quan hệ tình dục ngoài luồng cũng có thể xem là một cách để cải thiện sự tự tin cá nhân nhưng cũng có thể là cách để tránh né tình cảm chung thuỷ hay việc trưởng thành trong tính cách. 
Luôn là một ranh giới mong manh giữa thứ giúp bạn phát triển và gây hại. Thường thì điều đó được nhìn nhận như hai mặt của một đồng tiền.
Một ranh giới mong manh giữa thứ giúp bạn phát triển và gây hại. Thường thì điều đó được nhìn nhận như hai mặt của một đồng tiền.
 Chính vì vậy, giá trị mà bạn theo đuổi thường không quan trọng bằng lý do bạn theo đuổi giá trị đó. Nếu bạn yêu thích võ thuật vì bạn thích làm tổn thương người khác, vậy thì đó là một giá trị tệ. Nhưng nếu bạn theo học võ vì bạn đang ở trong quân đội và bạn muốn học cách để bảo vệ bản thân và những người xung quanh-vậy thì đó là một giá trị tốt. Sau tất cả, mục đích chính là yếu tố quyết định nhất.

Có thể kiểm soát và Không thể kiểm soát

Nếu bạn theo đuổi những giá trị nằm ngoài tầm kiểm soát, về cơ bản bạn đang tự trao quyền quyết định cuộc đời mình cho những giá trị đó. 
Ví dụ cơ bản nhất ở đây chính là đồng tiền. Đúng, bạn có sự kiểm soát nhất định với số tiền bạn có thể kiếm được, nhưng không hoàn toàn. Nền kinh tế có thể sụp đổ, các công ty đi xuống hay sự chuyên môn hoá bị thay thế bởi máy móc. Nếu như tất cả mọi thứ bạn làm đều là vì tiền, vậy thì khi điều bi kịch xảy đến và tất cả tiền bạc của bạn bị ngốn sạch bởi tiền viện phí, bạn sẽ đánh mất còn hơn cả mất đi một người yêu thương-đó là: tất cả những gì bạn nhìn nhận như mục đích sống của mình trong suốt cuộc đời.
Tiền bạc là một giá trị tệ vì bạn không thể luôn kiểm soát nó. Sự sáng tạo hay tác phong công nghiệp hay một thái độ làm việc nghiêm túc chẳng hạn, chúng đều là những giá trị tốt vì bạn CÓ THỂ kiểm soát chúng – và theo đuổi những giá trị đó suy cho cùng cũng sản sinh tiền bạc như là một tác dụng bổ sung.
Chúng ta cần theo đuổi những giá trị mà mình có thể kiểm soát được, bằng không chính các giá trị đó sẽ kiểm soát chúng ta. Nếu thế thì chẳng tốt tí nào. 
Một số ví dụ của những giá trị tốt đẹp, lành mạnh như: sự chân thành, xây dựng thứ gì đó bền vững, cố gắng tự đứng trên đôi chân của mình, đứng lên vì quyền lợi của những người khác và tự trọng của bản thân. Đó còn là xây dựng sự tò mò, làm từ thiện, lòng nhân ái hay hướng tới sự sáng tạo.
Một số ví dụ của những giá trị xấu như: cố gắng thống trị ai đó qua việc làm nhục họ hoặc bằng bạo lực, cố gắng để “quan hệ” với thật nhiều người, cố để luôn cảm thấy thật ổn, cố gắng luôn là trung tâm của sự chú ý, không bao giờ phải ở một mình, được tất cả mọi người yêu quý, luôn là đỉnh của đỉnh trong giàu sang, hiến tế những động vật vô tội cho những dị giáo mê tín.

Làm thế nào để tái xây dựng lại bản thân bạn?

Dưới đây là một trong những bài nói chuyện truyền cảm hứng nhất tại TED mà tôi đã từng xem. Nó không có những ý tưởng phi thường. Bạn cũng sẽ không thể tìm thấy những lợi ích tức thì to lớn có thể áp dụng được ngay vào cuộc sống hàng ngày. Người đàn ông này thậm chí còn không phải là một diễn giả quá xuất sắc.
Nhưng những gì mà ông ấy mô tả thì thực sự sâu sắc:

Daryl Davis là một nhạc công da đen đã chu du và chơi nhạc Blues khắp miền Nam nước Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, ông đã tiếp xúc với vô kể những người phân biệt chủng tộc. Và thay vì cố gắng tranh cãi với họ, ông đã chọn một giải pháp khó ngờ: ông trở thành bạn của họ.
Điều này nghe có vẻ điên rồ. Có vẻ nó thực sự là như thế. Nhưng đây là những điều còn kinh ngạc hơn: ông đã thuyết phục hơn 200 thành viên KKK từ bỏ bộ y phục của họ.
Có một điều mà hầu hết mọi người đều quên về việc thay đổi hệ giá trị: bạn không thể tranh cãi với ai đó về giá trị của họ. Bạn không thể làm họ thấy xấu hổ bằng những giá trị khác(việc này thực ra thường mang lại kết quả ngược lại- họ còn càng lún sâu hơn vào những giá trị ấy).
Không hề! Việc thay đổi giá trị cần sự mềm mỏng nhiều hơn thế. Dù chính Daryl Davis có thể không nhận ra, rằng ông thực sự là một chuyên gia trong việc đó.

Bước 1: Giá trị ấy phải sụp đổ

David bằng trực giá đã hiểu một điều mà hầu hết chúng ta chưa nhìn nhận ra: những giá trị đều dựa trên trải nghiệm cá nhân. Bạn không thể tranh cãi với ai đó mà kệ đi những giá trị của họ. Bạn không thể đe doạ họ để bắt họ rời xa những niềm tin sâu thẳm bên trong. Điều đó chỉ càng làm họ thêm thiên hướng phòng vệ và thậm chí là chống lại việc thay đổi bản thân họ. Thay vào đó, bạn cần tiếp cận họ với sự đồng cảm.
Cách duy nhất để thay đổi giá trị của ai đó chính là giới thiệu với họ một trải nghiệm đối nghịch với những giá trị của họ. Những thành viên KKK theo đuổi một tư tưởng phân biệt sâu sắc. Vì vậy, thay vì cố gắng chỉ trích và nhìn nhận ho như một thể đối nghịch-cách sẽ khiến giá trị của họ càng trở nên mạnh mẽ của hơn-David chọn việc tiếp cận họ theo một cách hoàn toàn khác: như một người bạn. Và chính sự thân thiện, tôn trọng đó khiến các thành viên đặt ra câu hỏi với chính những điều họ tưởng như đã quá nắm rõ.
Để rời bỏ một giá trị nào đó, tự nó phải trở nên sai lầm thông qua trải nghiệm cá nhân. Đôi khi sự nhận thực này xảy ra bằng cách đưa giá trị đó tới những kết luận mang tính logic. Quá nhiều tiệc tùng sẽ làm cuộc đời bạn trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Quá cố gắng theo đuổi tiền bạc cuối cùng sẽ làm bạn stress và  dần tha hoá. Còn quan hệ tình dục nhiều quá sẽ làm bạn đau lưng mỏi gối.
Đôi khi, một giá trị bị phản bác bởi chính thế giới thực tế. Nhiều thành viên KKK trước khi gặp Davis chưa gặp bất kỳ người da đen nào, chứ đừng nói là tôn trọng một ai đó như thế. Vì vậy, đơn giản là ông ấy gặp họ và giành được sự tôn trọng của họ.

Bước 2: Chúng ta phải có sự tự nhận thức để nhận ra những giá trị mình theo đuổi đã sụp đổ.

Khi những giá trị chúng ta theo đuổi sụp đổ, điều đó thật tồi tệ. Đó là một trải nghiệm buồn bã. Vì những giá trị định hình nên chúng ta, việc rời bỏ một giá trị giống như ta đang tự rời bỏ một phần bản thân mình vậy.
Dù vậy, chúng ta cần cưỡng lại cảm giác thất bại đó. Chúng ta cần nhìn nhận và phủ định đó, trước khi đi đến những kết luận hợp lý. Davis nhắc đi nhắc lại những điều đó hàng tháng trời, những người bạn KKK của ông vật lộn để nhìn nhận tính đúng đắn trong tình bạn với ông. Họ sẽ nói những điều như: “Anh biết đấy, anh khác Daryl à” hoặc đưa ra những đánh giá kĩ lưỡng giải thích vì sao họ tôn trọng ông.
Khi những giá trị của chúng ta sụp đổ, chúng ta sẽ có hai điều thừa nhận: hoặc là thế giới tệ, hoặc là ta tệ.
Cứ xem như là bạn dành cả đời để đuổi theo tiền bạc. Vào tuổi tứ tuần, bạn đã tích luỹ được một lượng tiền đủ lớn. Nhưng thay vì bơi trong vàng thỏi như ngài Scrooge MC Duck, số tiền này không mang lại hạnh phúc cho bạn. Nó chỉ mang lại thêm phiền phức cho bạn. Bạn phải cố suy nghĩ cách để đầu tư. Bạn dường như phải trả thuế cho mọi thứ. Bạn bè và gia đình của bạn chỉ cố tiếp cận bạn mong được trợ giúp hay vay mượn.
Nhưng thay vì cân nhắc và nhìn nhận ra sự tệ hại của bản thân giá trị đó, hầu hết mọi người quay ra chỉ trích thế giới xung quanh họ. 
Đó là lỗi của chính phủ vì dường như họ trừng phạt sự giàu có và thành công. Thế giới toàn là những kẻ vô công dồi nghề và lười biếng cả ngày, chỉ mong được ai đó giúp đỡ. Thị trường chứng khoán thì chẳng khác gì cái ổ chuột, sẽ chẳng thể nào thắng được.

Một số thì quay ra chỉ trích chính bản thân họ. Họ nghĩ: “Tôi đáng lẽ đã có thể xử lý được việc này. Tôi chỉ cần cố gắng kiếm nhiều tiền hơn và mọi việc sẽ ổn thôi.” Họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn trong việc cố gắng đạt được mục tiêu tiền bạc và ngày càng lún sâu vào đó.
Một số ít bình tĩnh để nhìn nhận lại những giá trị ấy như những sai lầm. Chính số tiền yêu quý đang đẩy bạn vào tình huống này, nó cũng chẳng thể cứu bạn ra.

Bước 3: Đặt lại câu hỏi về những giá trị và suy ngẫm xem điều gì có thể mang lại kết quả tốt hơn

Trong một bài viết trước đây của mình, tôi đã từng chia sẻ về quá trình trưởng thành thực chất chính là thay thế những giá trị thấp, mang tính thô sơ thành những giá trị cao, phức tạp hơn. Vì vậy, thay vì cố gắng đuổi theo đồng tiền, bạn có thể theo đuổi tự do. Thay vì cố gắng được tất cả mọi người yêu quý, bạn có thể tập trung vào việc phát triển mối quan hệ thân thiết với một số lượng cụ thể. Thay vì cố luôn là người chiến thắng, bạn có thể tập trung vào việc thực sự nỗ lực hết sức mình.
Những mục tiêu cao, có tính cô đọng này tốt hơn nhiều đơn giản bởi nó tạo ra những vấn đề tốt hơn. Nếu mục tiêu cuối cùng trong đời của bạn là chuyện bạn kiếm được bao nhiêu, thì bạn sẽ luôn cần thêm tiền. Nhưng nếu mục tiêu bạn hướng tới là tự do cá nhân, thì bạn sẽ chỉ cần tiền trong một lúc thôi, nhưng rồi sẽ có lúc bạn cần ít tiền hơn. Hay thậm chí, có lúc tiền sẽ không còn liên quan đến mục tiêu của bạn nữa.
Cuối cùng, những mục tiêu mang tính cô đọng, cao cấp như thế là thứ bạn có thể điều khiển. Bạn luôn có thể điều khiển cảm xúc: khi nào bản thân bạn đang thành thật hay không. 
Bạn không thể kiểm soát được việc liệu mọi người có đang yêu quý bạn. Nhưng bạn luôn có thể kiểm soát khi nào thì bạn đang nỗ lực hết sức. 
Bạn không thể kiểm soát việc liệu sẽ chiến thắng hay thất bại. Nhưng bạn cũng luôn có thể kiểm soát việc bạn có đang làm điều ý nghĩa, dù bạn không thể luôn kiểm soát việc sẽ được trả bao nhiêu tiền.

Bước 4: Sống với những giá trị mới của mình

Đây là điểm mấu chốt: ngồi và suy tưởng về những giá trị tốt hơn cũng ổn đấy. Nhưng sẽ không có gì được hiện thực hoá cho tới khi bạn chịu đứng lên và dấn thân vào những giá trị ấy. Những giá trị thực sự được quyết định thông qua những trải nghiệm cuộc sống của bạn, không phải qua niềm tin hay cảm giác. Nó phải được thực thi và phải là trải nghiệm gắn liền với bạn.
Điều này thường yêu cầu sự can đảm. Để ra ngoài kia và sống với một giá trị tương phản với những giá trị cũ của bạn nghe có vẻ thật đáng sợ. Tôi tưởng tượng những anh chàng KKK đã khiếp sợ thế nào khi phải dành thời gian với một người da màu. Nó có lẽ cũng đáng sợ khi họ nhận ra họ đã yêu quý và tôn trọng anh ấy. Họ đã có thể dựng lên những bức tường và tránh né ông ta.
Chúng ta cũng làm những điều tương tự trong cuộc sống. Thật dễ khi nói bạn mong muốn sự chân thành trong một mối quan hệ. Nhưng lại thật khó để thực hiện điều đó. Chúng ta tránh né điều đó, chúng ta đổ cho những lý do hay chúng ta bảo sẽ làm điều đó vào lần sau. Nhưng rồi “lần sau” đó kết thúc dưới dạng những đau khổ và thất vọng này đến thất vọng khác.
Bước 5: Gặt hái những lợi ích của những giá trị mới
Khi bạn dám dũng cảm để sống với những giá trị mới của mình, một điều điên rồ xảy ra: chà, cảm thấy thật tuyệt đấy! Bạn được trải nghiệm những lợi ích mới. Một khi bạn được thực sự trải nghiệm những lợi ích đó, việc sống với những giá trị mới không chỉ dễ dàng hơn mà bạn thậm chí còn tự hỏi mình sao không làm điều này sớm hơn.
Nó giống như cảm giác tuyệt vời sau khi hoàn thành một cuộc chạy dài. Hay sự thoải mái sau khi nói ai đó một sự thật. Haha, thật là tự do nhỉ.
Giống như nhảy vào một bể bơi lạnh, những sự kinh hãi và kinh ngạc sớm qua đi để bạn lại với một cảm giác tuyệt vời. Và một sự thấu hiểu sâu sắc, mới mẻ về chính bản thân bạn, về việc: 
bạn thực sự là ai.
-------------
Link bài viết gốc tại đây. 
Vì là lần đầu tiên dịch bài dài như thế này nên mình cũng rất mong nhận được những ý kiến của mọi người, về chất lượng nội dung bài cũng như chất lượng bản dịch, chân thành cảm ơn mọi người nhiều và chúc cuối tuần bình yên cho tất cả chúng ta.