Disclaimer: Vì mình đọc bản tiếng Anh nên xuyên suốt bài review, mình sẽ trích dẫn tiếng Anh kèm theo bản dịch của mình bằng tiếng Việt. Mong rằng cách diễn đạt này sẽ không làm khó các bạn.


Với bản thân mình thì đó phải là một cuốn sách lớn hơn cả chữ “đại”(大), nó phải kèm cái “vĩ”(偉) trong đó. Nói như thế nghe có hơi "huề vốn" nhưng mình sẽ giải thích thêm. Một cuốn sách mang danh “đại”, với mình, là có thể đem đến cho bạn một hay một vài suy nghĩ, cách nhìn mới lạ. Chẳng hạn như trước kia mình đọc quyển “Lấp Lánh”, tác giả đã búng lên một cách nghĩ mới về sự kỳ vọng. Đó là khi ta càng mong muốn một điều xảy ra, đồng nghĩa là ta cũng đang lo sợ điều ngược lại sẽ xảy đến. Nói thế để các bạn có một hình dung cụ thể về cái cách nghĩ mới mà sách có thể đem lại. Quay trở lại với khái niệm sự vĩ đại của một quyển sách, nó vượt ra hẳn cái biên giới của chỉ một suy nghĩ, mà ảnh hưởng đến cả một góc, một mảng trong hệ tư tưởng của một người.
Thường thì cái vĩ đại của sách sẽ đến trong cách mà người viết sách nhập vai vào nhân vật để giải quyết một vấn đề xuyên suốt, vấn đề này có thể liên quan đến cốt truyện, thậm chí là cách xây dựng cốt truyện đó. Để từ đó đem đến một làn suy nghĩ mới trong người đọc. Mình lấy điển hình là quyển Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời của Haruki Murakami. Ba phần tư quyển sách là những cảm xúc của nhân vật Hajime trước những dằn vặt trong quá khứ. Nhưng điểm sáng lại nằm ở một phần tư cuối khi anh tìm được cách để xoá đi những dằn vặt đó. Nhưng hài hước (hoặc bi ai) thay, vấn đề trong quyển sách này là ung thư, là cái chết. Và như Benjamin Franklin từng nói và mình xin dịch thô lại: Mọi thứ trên đời này đều không chắc chắn, mọi thứ trừ thuế và cái chết. Vậy thử hỏi còn cách giải quyết nào khác ngoài chấp nhận nó. Nhưng nếu tác giả khóc lóc, than vãn như hầu hết teen 9x, 0x trước cuộc đời sắp tàn thì liệu có ai muốn tìm đọc quyển sách không? Hiển nhiên là tác giả sẽ hiên ngang chấp nhận nó, nhìn thẳng vào mặt cái chết mà tuyên bố rằng mình không sợ nó. Chính sự vĩ đại trong cách mà tác giả nhìn nhận cái chết đã làm nên sự vĩ đại của cuốn sách.
Những người bị bại liệt thần kinh, mất nhân dạng, thì chính thân thể của họ cũng đã có vai trò như một cỗ quan tài bằng xương thịt

Thân là một bác sĩ thần kinh, những gì Paul phải đối diện thậm chí là khác xa đơn thuần sống và chết. Đối với những bệnh nhân chịu di chứng của bệnh thần kinh, họ không chết, họ chỉ sống như người chết mà thôi. Nếu so với cái chết thì mới thấy người chết còn sướng chán. Liệu bạn có muốn mắc phải một căn bệnh mà phần đời còn lại của bạn chỉ có thể nói không gì khác ngoài những con số, vĩnh viễn mất kết nối với thế giới, xã hội? Bệnh thần kinh nó không chỉ đơn thuần là tô lên cho nạn nhân một sắc trắng hoặc đen. Nó có thể tạt đủ thứ màu lên người họ, làm cho họ mất đi Identity (nhân dạng) của chính mình. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp thì quyền quyết định sống chết của một bệnh nhân lại thuộc về tay Paul. Trước kia ông chưa bao giờ hình dung mình lại làm cái nghề này. Nhưng vì có mong muốn được tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống, cho tất cả, nên ông đã quyết định đi theo con đường đấy. Paul cho rằng, y học thần kinh là nơi giao nhau của triết học, y học, đạo đức và con người. Có rất nhiều câu chuyện thương tâm mà Paul phải chứng kiến, nhưng đến cả chiếc hộp Pandora cũng còn chứa một hạt hy vọng ở trong đó. Được làm nghề này, với Paul, nó vượt trên cả những mong muốn vật chất tầm thường hay cái hào quang của nó. “It felt to me as if the individual strands of biology, morality, life and death were finally beginning to weave themselves into, if not a perfect moral system, a coherent worldview and a sense of my place in it” (Tôi có cảm giác như từng sợi dây sống của sinh học, đạo đức, sự sống và cái chết bắng đầu đan vào nhau, nếu không thành một hệ thống đạo đức toàn bích, thì cũng thành một cái nhìn phủ toàn về thế giới cũng như vị trí của tôi trong đấy.) Paul làm nghề này ngoài do động lực cá nhân thì cũng còn là vì sự linh thiêng vốn có của nó. Có một từ được Paul nhấn mạnh khi nói về tính chất của nghề: transcendence (siêu việt). Siêu việt ở đây là vượt ra ngoài mọi bờ cõi, tự thân nó tạo ra cho mình một giới hạn riêng. Có thể khái niệm đó quá xa vời trong chúng ta, nhưng rồi sẽ đến những lúc mà ta đối mặt với cái chết, biết đâu lúc đấy ta sẽ thấy những lời của Paul trở nên có nghĩa. 

Nơi nào có sự cố gắng, nơi đó có sự sống
Vậy Paul truyền đạt mớ bòng bong sinh tử siêu việt đó như thế nào? Vốn là một sinh viên Ngữ Văn Anh, khỏi phải bàn cãi là ông đã có sẵn cái tài để diễn đạt, mà cùng lúc đi vào được lòng người. Đấy là chưa kể đến lượng trích dẫn về triết học, văn học, tôn giáo và ngôn ngữ xuyên suốt quyển sách. Bởi có một trường phái khoa học mà qua nó, người học không bồi bổ thêm nhiều về trí lực, nhưng lại bồi bổ thêm về tâm lực. Tuy rằng có nhiều thuật ngữ y học cũng làm cho nhiều đoạn bị khó nuốt, nhưng mình nghĩ nó không thừa. Sự bay bổng và ấm áp của câu từ nên được cân bằng lại bằng sự thực tế của y học và sự lạnh lẽo của một phòng khám bệnh viện. Để lấy ví dụ, “The defining characteristic of organism is striving. Describing life otherwise would be like painting a tiger without stripes.” (Tính chất đặc trưng của một sinh vật sống là sự vươn mình. Nếu miêu tả sự sống thiếu đi sự vươn lên đấy thì chẳng khác gì vẽ một con hổ thiếu vằn đen). Đây là một ý niệm được đúc kết từ quan điểm của Nietzsche và Darwin. Hoặc “No amount of effort can help Oedipus and his parents escape their fates” (Oedipus có nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì cả anh ta và cha mẹ đều không thể thoát khỏi số mệnh của mình), lời nguyền Oedipus nổi tiếng. Ở đây Oedipus chính là Paul và Paul không thể thoát khỏi lời nguyền về cái chết của mình, lời nguyền của bệnh ung thư, hay theo chính ông miêu tả: “the claws of the crab holding me back” (Cặp càng cua đang níu giữ ông lại - Cancer: Cung Cự giải; Bệnh ung thư). Nhưng câu làm mình thấy bị lay động nhiều nhất là khi ông nói cuộc đời ông đã biến đổi từ việc làm một chủ ngữ (subject) thành việc làm một tân ngữ trực tiếp (direct object), suốt phần đời còn lại mãi mãi chỉ biết chịu tác động.
Có lẽ chúng ta và ông nên coi cái chết đến với ông như một món quà. Mình từng đọc ở đâu rằng, phản ứng của một người trước thềm cái chết chính là cách đánh giá cuộc đời và con người họ tốt nhất. Cái chết cận kề mới thực sự nâng ông lên một cái tầm cao hơn. Tuy rằng nó tước đi của ông thứ cốt yếu nhất – mạng sống – nhưng đồng thời nó cũng để lại cho ông một thứ bất diệt – di sản. Có một sự thực là khi tiếp xúc với tri thức khoa học đủ nhiều, ta sẽ thấy cuộc đời chả có mấy ý nghĩa. Ý nghĩa là thứ do con người chúng ta tạo nên. Bất cứ điều gì, khi ta đào đủ sâu thì ta sẽ phát hiện bên dưới đấy chẳng có gì quá tốt đẹp. Chẳng qua việc ta có mặt trên thế giới tại thời điểm này là kết quả của rất nhiều sự trùng hợp, và rồi chúng ta nghĩ mình đặc biệt, tự mình thêu dệt nên những câu chuyện về chính bản thân. Năm ngoái khi đọc cuốn “Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu” thì lời chốt đó đã đến với mình thông qua quyển sách. Nhưng rồi mình nghĩ, nếu không có ý nghĩa và mục đích thì ta cố gắng làm gì? Và nếu không có ý nghĩa, tại sao con người ta vẫn cứ tiếp tục tìm? Bởi vì chúng ta không phải là sinh vật thuần lý trí. Thực chất thì chúng ta không khôn ngoan là mấy, nhưng chúng ta chấp nhận rằng mình ngu dại một cách có tính người. Càng về cuối truyện, quyển sách càng lớn dần lên về ý nghĩa nhân văn, xa rời những thứ hàn lâm, trở về với cuộc sống và trả lời cho một câu hỏi lớn. “Science may provide the most useful way to organize empirical, reproducible data, but its power to do so is predicated on its inability to grasp the most central aspects of human life.” (Khoa học tuy cung cấp những cách thức hữu hiệu nhất để tổ chức dữ liệu có được từ đời sống, nhưng khả năng đó lại phải dựa trên sự bất khả nắm bắt của khoa học với những mặt quan trọng nhất của đời người). Có một đam mê về khoa học và mưu cầu trí thức nhân loại, đó không phải điều xấu. Nhưng hãy luôn nhớ ta là con người, và điều duy nhất tách biệt con người với những loài vật khác nằm ở cái công cuộc truy tìm ý nghĩa này. Và Paul cảm nhận như mình đã đạt đến đích của cuộc truy tìm đó. Việc có những người thân cận, bạn bè trong cuộc sống, việc có một thế hệ nối dõi mình, việc để lại những dấu ấn cho cuộc đời đã là những khía cạnh quan trọng của công cuộc truy tìm đó. Bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ là đủ, ta sẽ không bao giờ cố gắng đủ, nhìn thấy đủ, làm đủ, sống đủ, cống hiến đủ, trở thành một điều gì đó đủ trong cuộc sống này. Nhưng điều tạo nên ý nghĩa nằm ở cái cố gắng của chúng ta để asymptote (tiệm cận) the big T (truth – sự thật) đó.
Mình đã có nói về di sản mà Paul để lại. Thì đến cuối quyển sách chính là lời ông dành cho cô con gái mà mình chỉ mới sống chung được 6 tháng. Paul gạt qua một bên những điều xa vời mà tìm về một điều xứng tầm với cô con gái bé nhỏ của mình. Nó chỉ đơn giản là một lời nhắn nhủ rằng nếu ta dành ra một phần nỗ lực của bản thân ta để làm một người vui lên, dù cho họ là ai, dù cho ta trong hoàn cảnh nào, thì điều đó cũng đã là một điều enormous (偉大 - vĩ đại) rồi.
Một quyển sách rất nhân văn, giàu ý nghĩa và màu sắc. Một sự tiếp cận mới mẻ với lằn ranh sống chết. A 9.5 out of 10 by me.
P/s: Nếu bạn đã tìm đọc bản tiếng Việt rồi thì hãy thử với bản tiếng Anh xem, chắc chắn cách dùng từ ngữ trong bản gốc của tác giả sẽ làm bạn cảm thấy khác hẳn đi. Rất mong nhận được đóng góp của các bạn *tim again*
Bài viết cùng chủ đề: