Đã có những lúc tôi nghĩ, việc thấu cảm ai đó cũng na ná như những cái hình xăm trên người tôi vậy. Kha khá người nghe về chúng, vài người biết chính xác tôi có bao nhiêu hình xăm. Thậm chí, là nằm ở đâu trên cơ thể. Nhưng chỉ 1-2 cá nhân, thật sự, được lắng nghe câu chuyện đằng sau nó. Và có thể, là không một ai đồng cảm/có khả năng đồng cảm cho thứ tôi đã trải qua để đưa đến quyết định sống cùng nó suốt phần đời còn lại của mình.
Đó chính là lí do tôi viết dành tặng cho bản thân là chính, bài viết này

*Tiêu đề được lấy từ bài hát Lost stars - Adam Levin

1. Viết cho những câu chuyện còn đang dang dở

Khi còn trong Đội tuyển văn Thành phố, mỗi lần tới tiết chuyên đề về một tác giả nào đó, tôi lại ngao ngán khôn cùng. Vì nó chán. Tại sao lại phải tìm hiểu về cuộc đời của một người trong khi vật nghiên cứu của mình là tác phẩm? Nhưng rồi đến một ngày, tôi nhận ra, mọi thứ đều có nguồn cội của nó. Mỗi hành động, sự lựa chọn, hành vi, thái độ, biểu hiện thậm chí là thành tựu đều mang trong mình những câu chuyện riêng biệt.
Những điều còn chưa dám thổ lộ mới chính là thứ định hình rõ ràng nhất một con người, không phải bởi những nhãn dán, danh xưng, phần thưởng hay ảo vọng chỉn chu mà xã hội đặt lên một ai đó.
- Trường chuyên lớp chọn
- Đội tuyển, giải A, giải B, giải C
- Sinh viên Đại học quốc gia
- Tập đoàn Đa quốc gia
- Thông minh, dễ thương, cởi mở, tự do, năng động, gần gũi, phóng khoáng,.. Vô cùng vô cùng những nhận xét khác nhau được thêm vào mỗi ngày. 
Tất thảy nghe đều thật chuẩn mực, nhưng nếu giấu đi tất cả. Chúng ta còn lại gì?
Chỉ còn những câu chuyện để nói cho cả thế giới, đâu mới chính là tôi. Chúng ta đều không phải concept hay idea của một ai đó. Có thể mọi người đều giấu cho riêng mình những nhạy cảm, cáu gắt, ích kỉ, yếu đuối, lười biếng, bê tha và muôn vàn những tính cách phiền nhiễu khác. Nhưng cho dù là gì đi nữa thì chúng ta vẫn đau đáu giữ cho mình những câu chuyện chưa được lắng nghe thật chân thành, những điều chưa được sẻ chia, hoặc chờ để một được thấu hiểu.

2. Viết cho những tổn thương chưa định hình


Con mèo của tôi đã chết cách đây mấy hôm.
Có những ngày, tất thảy điều tôi thương yêu, có thứ rời đi vì những yếu tố chủ quan, có thứ rời đi vì những yếu tố khách quan, có thứ đã đang và sẽ rời đi vì cuộc sống chỉ hữu hạn đến thế. Việc tôi biết duy nhất, là khi mình cho ai đó bước vào những câu chuyện của mình, phải luôn chuẩn bị sẵn tâm thế rằng, một ngày nào đó họ sẽ bước ra. Mãi mãi.


Có những ngày, tôi cảm thấy thời gian của mình là không đủ, để hiểu và yêu thương lấy những người ở bên cạnh đang cố gắng dành cho mình những điều tốt đẹp nhất. Những ngày đó thật buồn, vì tôi biết mình không phải đấng cứu thế, để có thể dang tay ôm trọn lấy tất cả. Thời gian hữu hạn. Chọn yêu tất cả và nhận về mình những niềm xót thương. Hay đừng yêu ai cả. Tôi không biết.
Có những ngày thế giới của tôi không thể dung nạp thêm bất kì ai, hay duy trì được những mối quan hệ hiện tại, thậm chí, muốn gặp mặt bất cứ ai. Việc là một INFP - một Healer là một trọng trách quá lớn đối với tính cách tôi. Khi cứu rỗi cho chính mình còn chưa xong huống hồ luôn khao khát cứu rỗi cho người khác.
Chúng mình là những người trẻ trong thế giới người lớn. Cũng đến lúc trách nhiệm và hi sinh là thứ nên đặt vào từ điển của chính mình. Cơn đau nào cũng là một sự lựa chọn. Chúng ta phải  tự mình chịu lấy trách nhiệm với những người/vật chúng ta mang vác vào câu chuyện cuộc đời mình. Ấy thế nên, đôi khi, chúng ta cho rằng mình không có quyền yếu đuối. Sự kêu khóc được xem là không đáng mặt quân tử. Nỗi đau chỉ có thể câm lặng mà cất cho mình.
Nhưng bạn không thể chữa lành được điều gì, nếu bạn chưa thật sự gọi tên được nó. Đó mãi mãi là vết thương trong tâm hồn, nếu chúng ta không can đảm để ai đó bước vào và thay mình xóa chúng đi.

3.  Viết cho những con người bé nhỏ

Tôi đã gặp gỡ và chọn tin tưởng rất nhiều người
Có những người chỉ gặp vài lần đã cho tôi cảm giác muốn san sẻ tất thảy khổ đau của mình. Có những người vừa gặp, đã muốn kể cho tôi toàn bộ những tháng ngày qua chất chứa những điều họ đã câm lặng giấu kín. Có những người cởi mở và có thể trao nhau nụ hôn sau vài lần gặp gỡ, rồi không còn gì để chia sẻ với nhau. Có những người dù một cái nắm tay cũng chưa từng có. Nhưng họ ở đó suốt ngày dài tháng rộng. Khi nắng khi mưa. An yên và tĩnh lặng song hành. Điều đó thật đẹp, cũng thật buồn. Khi suốt một đời người chỉ gặp đôi ba người như thế. Mà thường thì tôi và họ lại không thuộc về nhau.
Tôi vẫn luôn quan niệm, không cần phải cho cả thế giới biết được những thành tựu mình đạt được, hoặc nói cho cả thế giới biết việc mình đang hạnh phúc như thế nào. Thứ quan trọng nhất, là cảm nhận của chính mình mỗi khi thức dậy, là đau đớn hay an nhiên. Ừ, nhưng  có ai đó  lắng nghe những điều bé bỏng sẽ là một thứ gì đó tốt đẹp biết bao.
Đôi khi, 1% số người ở lại trong cuộc đời chúng ta làm nên 99% phần còn lại của thế giới.

Cách đây 6 7 năm, tôi có M. bầu bạn lúc 1-2h sáng, để nói nhau nghe về nhân sinh quan, để cứu rỗi tâm hồn nhau trên hành trình tìm kiếm thế giới. Hiện tại, tôi bận ngủ để sáng ra tự đi tìm bản thân mình. Nhưng những câu chuyện lúc 1-2h sáng ngày xưa mới là thứ định hình chính tôi bây giờ.
Tôi đã không còn mang vác niềm tin ngây thơ trong trẻo về một hình dung luôn sẵn sàng ở đó với mình. Nhưng đối với tôi, M. vẫn là tất cả những gì tôi trân trọng nhất. Không phải vì những câu chuyện anh đã chia sẻ với tôi qua những tháng ngày dài. Mà bởi vì chúng tôi đã trưởng thành cùng nhau, ủi an nhau suốt một quãng niềm tin, cùng nhau nhìn người kia thay đổi mà vẫn sẻ chia cho nhau những câu chuyện chân thành như ban đầu. Anh đã thật sự để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi, không phải là những vết cắt sâu và rỉ máu. Mà là bằng vô vàn những câu chuyện tốt đẹp.

Những người như M. và cả tôi đều là những sinh vật kì lạ. Những cụm màu hồng trôi lơ lửng trong những toà nhà cao tầng san sát nhau. Chúng tôi là những sinh vật vừa đáng chán vừa thú vị. Ai đó sẽ nói vậy nếu nghe được những đoạn đối thoại không đầu không cuối suốt 11 năm vào lúc 1 2, thậm chí là 3h sáng của cả 2 đứa.
Những con mèo, những cơn mưa đầu mùa, cái xe lật bánh lúc chiều, những vết thương tỉnh thức, cái cây vừa ra hoa, chiều nay có một người vừa biến mất. Những điều vừa thơ vừa triết, những lo lắng nối đuôi nhau trên hành trình tìm kiếm chính bản thân mình. Tất thảy đều có thể an nhiên mà sẻ chia.

Tôi có những bài nhạc không muốn san sẻ với ai, chỉ với anh. Và anh cũng vậy. Đó không đơn giản là một bài nhạc. Đó là niềm tin. Tin rằng người ta sẽ không phản bội mình và trao nó cho một ai đó khác. Đó là một lời hứa sẽ cất giữ những điều của riêng 2 đứa cho nhau. Là một sự đảm bảo rằng mình san sẻ điều duy nhất đáng giá cho một người. Và người ta, cũng như mình, trân trọng nó. Cho dù sau này mọi thứ có trở nên phổ biến. Thì tôi vẫn vui vì ở đâu đó còn có người nguyện giữ, dù chỉ là những điều bé nhỏ nhất, dành riêng cho mình
Có những thứ bất thành văn, không nói thành lời nhưng rất đẹp. Và dễ chịu.

“We are speck of dust within the galaxy?”, nhỉ, M?


4. Viết cho việc lắng nghe


Tôi. Cũng như đối với những bài nhạc với M. Giữ những câu chuyện xưa cũ của mọi người như báu vật của chính mình.
Tôi lắng nghe về căn bệnh trầm cảm của một số người, lắng nghe về việc muốn gục ngã hay chết đi, về sự đơn độc, về những điều buồn bã và độc địa thế giới này đổ ập lên 1 người, về vô số lần tự tử nhưng bất thành, về những vết sẹo trong tâm hồn chưa bao giờ có thể phai nhạt. Và im lặng. Chúng ta xứng đáng có một nơi để sẻ chia và cất giữ những nỗi buồn trong lòng.
Việc lắng nghe thật sự rất khó. Phải mở lòng, phải đồng cảm, phải day dứt nỗi đau của người kia, phải thấu hiểu thì mới sống bên trong câu chuyện được. Có những người nghe cho qua chuyện. Có những người nghe nhưng không hiểu. Có những người chỉ chăm chăm đợi kể câu chuyện của mình. Bạn có quyền không trân trọng nó. Nhưng thay vì vậy, hãy chọn đừng lắng nghe. Đôi khi việc chấm dứt sẽ tốt đẹp hơn là giả vờ lắng nghe một ai đó.
Qu. đã nói với tôi, anh đã kể một bí mật lớn của mình cho người yêu cũ, và mọi thứ sau đó trở nên không thể kiểm soát. Thật tệ khi chia sẻ điều gì cho một người, rồi ước rằng giá mà mình đã im lặng. Sự bội phản trong cuộc sống, đôi khi chỉ đơn giản như thế- việc mong muốn được thấu hiểu từ người mình yêu thương nhất, những giao tiếp chân thành nhất - bị phủ nhận, không được hồi đáp hoặc nhận được sự hồi đáp theo cách hờ hững tiêu cực.
Có một thời gian tôi sợ những câu chuyện. Và cũng sợ làm một người lắng nghe. Đi đôi với việc đồng cảm, tôi chấp nhận mất đi một phần chính mình. Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ những câu chuyện của người khác. Suốt một thời gian dài, tôi né tránh lắng nghe những câu chuyện uỷ mị, bi kịch và sầu đau từ bạn mình bằng cách từ chối trực tiếp và chân thành. Cũng có lúc, suốt một thời gian dài, tôi thấy mình đang bị lợi dụng. Người ta thường “take it for granted” những gì quá dễ dãi có được. Ở đây, là sự lắng nghe và chia sẻ từ tôi. Tôi không muốn mình trở thành một nơi để người khác lợi dụng và dựa dẫm, để xả cơn đau trong lồng ngực rồi bỏ đi. Trong khi để lại cho mình những nỗi buồn từ cuộc sống của họ. Tôi gọi đó là những nỗi buồn còn sót lại.
Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục đặt câu hỏi cho mọi người và chờ nghe câu trả lời. Vì tôi biết có những người thật sự cần mình.
Ai cũng có một câu chuyện phía sau của mình. Chúng ta không thể thay đổi câu chuyện của người khác, hoặc ép buộc một ai đó cho mình tham gia vào câu chuyện của họ. Thứ duy nhất có thể làm là trở thành một nơi an toàn để một người có thể dễ dàng chia sẻ nơi sâu kín nhất trong tâm hồn. Quan trọng hơn cả, là chấp nhận nó. Và đừng phản bội lại niềm tin. Chỉ vậy thôi!  

5. Viết cho công việc

Tôi đã không nghĩ một ngày mình lại thích HR, khi bản thân luôn luôn thấy loài người thật sự đông đúc, chật chội, lúc nhúc, phá hoại, phiền phức và ồn ào. Tôi ghét những mối quan hệ có sự giao tiếp bình bình, thiếu đi chiều sâu hay sự gắn kết mạnh mẽ.
Nhưng tôi nghĩ mình thích lắng nghe và ghi nhận. Điều quan trọng nhất giữ tôi lại với HR trong suốt gần 2 năm làm việc.
Tôi khao khát hiểu những câu chuyện phía sau một cá nhân, hơn là đánh giá chủ quan một người dựa trên hành vi của họ.
Những câu chuyện quan trọng gấp ngàn lần thứ chúng ta đang nghe thấy, trông thấy, nhìn thấy mỗi ngày. Việc gặp một con người lần đầu tiên và nhìn vào brand của họ để hành xử, là một điều đã luôn cố gắng tránh nhất có thể.
Tôi chưa làm HR đủ lâu để có thể chiêm nghiệm một điều gì đó quá lớn lao. Nhưng tôi vẫn quan niệm, phỏng vấn nên là nơi để cả 2 trao đổi và chia sẻ thật lòng xem chúng ta có thuộc về nhau không, chứ không phải là một cuộc đấu trí xem ai sẽ thắng. Việc phù hợp, đôi khi còn quan trọng hơn rất nhiều những lời hứa suông và những tiêu chí. Sếp cũ từng nói, là một HR, em không được bias trước khi tiếp xúc trực tiếp với bất kì ai. Sếp mới cũng nói, trực giác luôn luôn là rất tốt, nhưng cảm nhận được rồi phải luôn biết đặt những câu hỏi để kiểm chứng lại.
Để thấu hiểu một con người cần rất nhiều sự cố gắng và chân thành.
Đó là lí do, tôi luôn mong muốn người ta cởi mở và hạ bức tường phòng vệ xuống khi trao đổi với mình. Dù nhiều khi, mong muốn này là con dao 2 lưỡi, có thể cứa đứt chính niềm tin của đôi bên bất cứ lúc nào. Nhưng nó đáng để thử. Giao tiếp là một điều kì diệu, giao tiếp chân thành là một điều kì diệu hơn cả.
TPHCM 26/06/2020