Wabi-sabi: Sự hoàn hảo trong vẻ đẹp không hoàn hảo
Một trong những triết lý sống mà mình tâm đắc nhất của người Nhật là wabi-sabi. Wabi-sabi là một từ ghép mà đến chính bản...
Một trong những triết lý sống mà mình tâm đắc nhất của người Nhật là wabi-sabi.
Wabi-sabi là một từ ghép mà đến chính bản thân những người Nhật Bản cũng khó có thể định nghĩa nó một cách dễ dàng qua lời nói. Wabi có nghĩa là việc tìm kiếm vẻ đẹp trong sự giản đơn, một sức sống tinh thần dồi dào và bình yên, rời xa khỏi thế giới vật chất. Sabi là dòng chảy của thời gian, về việc vạn vật khởi sinh và lụi tàn, cũng như vẻ đẹp của chúng khi trải qua năm tháng. Wabi được kết hợp với sabi, như sự kết nối giữa trái tim với những vẻ đẹp thuần túy của tự nhiên. Cũng một cách tự nhiên, người Nhật thấm nhuần Wabi-sabi trong từng hơi thở. Với họ, Wabi-sabi là một trạng thái cảm nhận, không phải một thứ hữu hình.
Người Nhật có một mối quan hệ giao thoa gần gũi với tự nhiên. Yếu tố tự nhiên xuất hiện trong thơ ca, âm nhạc, trong nghệ thuật trà đạo, trong cả những thiết kế kiến trúc của người dân xứ hoa Anh đào. Được mở lòng với thiên nhiên, người Nhật nhận ra được vẻ đẹp bình dị trong những bản chất vốn có của vạn vật. Tất cả mọi thứ đều thay đổi, như một lẽ tất yếu. Từng giây, từng phút trôi qua, mọi thứ đều dịch chuyển và biến đổi. Trong tích tắc, nhành cây đâm chồi và cũng chỉ trong chớp mắt, lá đã ngả màu già nua. Khi đã quen với sự vô thường, người Nhật dần hình thành sự thích nghi với những biến chuyển. Cũng là lẽ thường của tự nhiên, họ biết cách trân trọng cuộc đời hơn và cùng trở nên bình tâm hơn trước mọi sóng gió.
Theo trang Japanology: ‘’Wabi-sabi là quan niệm Phật giáo về những điều thực tế về sự tồn tại: Cuộc đời và nghệ thuật đều đẹp đẽ, không phải vì chúng hoàn hảo và vĩnh hằng, mà bởi chúng đầy khiếm khuyết và chỉ là ở cõi tạm.” Một trong những ví dụ điển hình cho triết lý sống này là nghệ thuật “kintsukuroi’’ hay “kintsugi’’ – nghệ thuật phục chế gốm sứ bằng một lớp sơn phủ vàng hoặc bạc, với tâm niệm rằng món đồ sẽ trở nên đẹp đẽ và có giá trị hơn khi chúng đã trải qua đổ vỡ, trải qua dòng chảy thời gian.
Kintsugi bắt nguồn từ cuối thế kỷ 15, tướng Ashikaga Yoshimasa đã gửi một chén trà bị hỏng sang Trung Quốc để phục chế. Khi nhận lại, chiếc chén đã được sửa chữa với những mảnh ghim bằng kim loại thô sơ. Lúc này, những nghệ nhân Nhật Bản đã nảy ra những ý tưởng phục chế mang tính thẩm mỹ cao hơn.
Khi đến tay các nghệ nhân Nhật Bản, các món đồ vỡ được nâng niu và như được đem lại một sức sống mới. Không chỉ đơn giản là giấu đi những vết rạn nứt của những món đồ gốm, họ còn quyết định sử dụng các kim loại quý như vàng, bạc để phủ lên lớp sơn, với mong muốn hãnh diện phô bày vẻ đẹp sau những đổ vỡ.
Những thay đổi là lẽ tất yếu của tự nhiên, và những đổ vỡ cũng tương tự. Thay vì gạt đi những điều không hoàn hảo trong cuộc sống, người Nhật đón nhận chúng như những người bạn. Họ thẳng thắn nhìn vào những khuyết điểm ấy, chấp nhận và mạnh mẽ để biến chúng thành những điều tuyệt vời hơn trong tương lai. Vì sự dịch chuyển liên hồi, việc níu kéo quá khứ hay lo lắng cho tương lai là vô nghĩa. “Sự linh hoạt là sức mạnh, hãy sống vươn lên như những thân tre!” – tác giả Beth Kempton đã viết như vậy trong cuốn sách viết về wabi-sabi của mình.
Wabi-sabi hay nghệ thuật kintsugi đều là những chiếc la bàn tuyệt vời chỉ dẫn con người đến với quan điểm rằng, mọi thứ đều ngắn ngủi, không hoàn hảo hay hoàn thiện. Nhìn vào một chiếc bát được phục chế kintsugi, người ta càng thấy trân trọng hơn quãng đường mà nó đã trải qua, và nó đã tỏa sáng như thế nào sau những đổ vỡ. Wabi-sabi là một dấu lặng giúp chúng ta sống chậm lại, chấp nhận và yêu thương bản chất thuần túy của tự nhiên, hay của chính chúng ta, trân quý những điều đã cũ, cả những điều tốt đẹp và cả những thứ không hoàn hảo, biết ơn những gì đang hiện hữu và hướng bản thân tới ánh sáng phía trước.
Trong quãng thời gian nghỉ dịch này, mình càng thấm thía hơn triết lý sống ấy. Mới vài hôm trước, mọi thứ vẫn bình yên. Ấy vậy, Covid đã lại quay lại, lần thứ tư, và mạnh bạo hơn trước. Không biết ngày mai mọi chuyện sẽ ra sao. Vì vậy, mình cần phải sống tốt hơn, cho ngày hôm nay. Khoảng thời gian này là thời điểm tốt để mình sống chậm lại, bớt khắc nghiệt với bản thân hơn, trân trọng những thứ đang có và đã trải qua, và tìm cách phủ những lớp vàng lên những vết nứt mà bao lâu nay mình đã cố gắng gạt bỏ ra khỏi tâm trí. Nhìn mọi thứ qua lăng kính của wabi-sabi, mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng hơn, bình tâm hơn. Wabi-sabi là một dạng tình yêu – thứ tình yêu với tự nhiên, với vẻ đẹp bình dị, những điều không hoàn hảo, với chính bản thân, cộng đồng, và với cả cuộc đời mà chúng ta được ban tặng.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất