Image for post

I, Tác động của WYSIATI đến nhận thức của chủ thể
WYSIATI ( What you see is all there is) hay tất cả những gì bạn thấy thì bạn biết, một khái niệm được định nghĩa lần đầu tiên bởi Daniel Kahneman trong cuốn: “ Tư duy nhanh và chậm”, từng đạt giải Nobel về tâm lí học hành vi năm 2002. Có thể nói đóng góp của khái niệm này vào thực tế đã giúp cho con người ta hiểu rõ được góc khuất trong nhận thức và nguồn gốc của hàng loạt những quyết định hời hợt và cảm tính. Con người được khai sinh ra với vai trò là một sinh vật kể chuyện. Và chúng ta thực hiện điều ấy giỏi đến mức có thể sáng tạo ra một câu chuyện mạch lạc và nghe có vẻ hợp lí hơn cả việc ngồi lại nghiêm túc và phân tích thông tin.
Trong bài viết tôi sẽ đề cập đến những điểm lợi, hại và tác động thực tế của loại suy nghiệm này thay vì là đi sâu vào việc phân tích khái niệm như rất nhiều bài trên mạng mà tôi đã đọc. Nhưng để cho bài viết hoàn thiện và cũng là để phục vụ nhu cầu của một số bạn ham tìm hiểu kiến thức nhưng lười hoặc không có thời gian đọc sách mà chỉ đọc một số bài viết mì ăn liền trôi nổi trên mạng xã hội, tôi sẽ khái quát hóa khái niệm và cách thức hoạt động của một loại suy nghiệm phổ biến nhưng khó tránh này.
Trong cuốn sách của giáo sư Daniel Kahneman, hai khái niệm được nhắc đi nhắc lại và có thể coi là nhân vật chính xuyên suốt chủ đề mang tên Hệ thống 1 (System 1) và Hệ thống 2 (System 2). Trong khi Hệ thống 1 được miêu tả bằng các tính từ như bản năng, nhanh nhạy, quyết đoán, cảm tính và không đòi hỏi nỗ lực tư duy của chủ thể, thì Hệ thống 2 lại ngược lại chậm chạp, tư duy, logic, chọn lọc và tập trung. Hệ thống 1 vô cùng nhạy cảm với các thông tin mà nó được cung cấp như phép tính 2+2, bộ não ngay lập tức nghĩ đến số 4 là kết quả thay vì số 0, bạn không thể ngăn cản quá trình tự động này bằng ý chí. Thậm chí, khi nghe đến từ: “Trời xanh”, Hệ thống 1 cũng có thể vẽ ra tức thì một khung cảnh được định hình sẵn trong nó với bầu trời không gợn mây nào và nắng chiếu qua các tầng lá cây. Và thật ngạc nhiên là ngay cả những cụm từ phi lý, vô nghĩa cũng được Hệ thống 1 vạch ra một cách chi tiết, cụ thể và hợp lí nhất. Ví dụ: “Con đường là con rắn”! Ấn tượng ban đầu của bạn là hình dung ra hai sự vật được đề cập và sau đó thì cố gắng liên kết các dữ liệu (thông tin) được gợi ý. Như các bạn đã thấy, câu văn trên là vô nghĩa nhưng chúng ta chẳng thể nào ngừng tưởng tượng về một con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với những khúc cua quanh co chứ tuyệt nhiên không phải một con đường cao tốc thẳng tắp nối liền hai thành phố. Đặc biệt với những người có nỗi sợ với rắn, theo phản ứng tự nhiên, họ sẽ nheo mắt, tim đập nhanh, toát mồ hôi và đẩy máy tính hay điện thoại ra xa!
Một điều quan trọng trên đây góp phần hình thành nên hiệu ứng WYSIATI, đó là khả năng bịa ra một câu chuyện quá xuất sắc từ Hệ thống 1. WYSIATI, đúng như tên gọi, bạn chỉ biết những gì mà bạn thấy, hay bạn chỉ biết những câu chuyện mà Hệ thống 1 vẽ ra một cách chớp nhoáng mà bỏ qua các yếu tố về chất lượng, số lượng thông tin được cung cấp. Điều đáng buồn là các câu chuyện từ Hệ thống 1 luôn luôn có sự can thiệp của cảm xúc. Mà do mỗi người có một cảm xúc, đức tin và cách nhìn nhận vấn đề khác nhau nên câu chuyện mà Hệ thống 1 của họ vẽ ra được điều khiển bởi cảm xúc cũng khác nhau, từ đó dẫn tới những hành vi và thái độ khác nhau. Mặc cho tất cả bọn họ đều được tiếp cận đúng một nguồn thông tin duy nhất.   
II, WYSIATI tốt hay xấu
Để có thể đánh giá toàn diện về bất kì một vấn đề nào đó, ta luôn luôn phải xem xét xem trong sự vật, hiện tượng ấy tồn tại hai mặt đối lập như thế nào. Và tôi không thể phủ nhận rằng cho dù những hiệu ứng tiêu cực hay “chết tiệt” nhất, thì bản thân trong nó cũng tồn tại những mặt đóng góp tích cực. WYSIATI cũng thế!
Trước hết WYSIATI mang đặc điểm nhanh nhẹn và không do dự của hệ thống 1. Do đó trong một số các tình huống nguy hiểm, con người ta hoàn toàn có thể tránh né được từ trước hoặc cũng đã xây dựng phương pháp đối phó với nó thông qua các DẤU HIỆU NHẬN BIẾT ban đầu. Tức là, con người sẽ hình thành một phản xạ vô điều kiện với những nguy hiểm tiềm tàng trong môi trường sống, đặc biệt là nó đã được cảnh báo từ trước hoặc xảy ra trực tiếp với chủ thể. Mặc dù chỉ với những thông tin có sẵn ít ỏi nhưng chúng chính là lý do chính mà nhân loại đã tồn tại đến ngày hôm nay. Ví dụ, chúng ta biết rằng khi có gió lớn thì nên gia cố lại nóc nhà, di dời các chuồng trại vì đó là dấu hiệu của một trận cuồng phong sẽ ập đến không lâu sau đó. Tương tự, khi nhận ra được dấu hiệu của những cơn gió mạnh bất thường, chúng ta sẽ liên tưởng tới những cơn bão và đó là lí do để các ngư dân ở yên trong nhà vào khoảng thời gian đó thay vì nghĩ đó là thời điểm thích hợp để ra khơi đánh cá. Chỉ một tiếng sấm vang lên ở phía đằng xa chân trời cũng bất giác khiến cho bạn liên tưởng đến hình ảnh của những người chết do bị sét đánh, và thế là bạn cất điện thoại vào trong túi quần và tránh xa cái cây khô mà bạn đang đứng dưới đó, càng nhanh càng tốt. Những tín hiệu đe dọa trực tiếp đến tính mạng hoặc của cải của con người sẽ dễ dàng lấn át và đánh bật mọi suy nghĩ khác đang tồn tại trong đầu trước đó, Hệ thống 1 bắt đầu vẽ ra những viễn cảnh tồi tệ nhất có thể mắc phải và ép chúng ta phải đứng trong vòng an toàn của mình. Đó là lí do tại sao tôi nói nhờ có WYSIATI mà nhân loại có thể tồn tại đến ngày nay
Nhưng còn cái dở của hiệu ứng này mang lại thì quả thật không thể bỏ qua! Như tôi đã phân tích ở trên, khi con người tiếp nhận bất cứ một nguồn thông tin nào, dù rõ ràng hay mơ hồ, vô nghĩa, đầy đủ hay chỉ là một phần, đáng tin cậy hay không, thì Hệ thống 1 ngay lập tức liên kết các mẩu thông tin rời rạc trước đó nghĩ ra một câu chuyện mạch lạc và hợp lí nhất có thể. Đặc biệt, câu chuyện này luôn được Hệ thống 2 lười biếng “phê duyệt” và cho là đúng thay vì phải bỏ thời gian để suy ngẫm lại từng tình tiết và khía cạnh của một câu chuyện. Chỉ có những người đủ tỉnh táo và kiến thức mới phát hiện ra rằng câu chuyện được xây dựng lên là có vấn đề, và sau đó họ sẽ bỏ thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn về nó cho đến khi tìm ra được sự thật. Phần còn lại, đa số là những người thiếu lý trí và hành động theo bản năng mách bảo thường không có đủ kiên nhẫn mà vội vàng đặt ra các suy diễn, các thuyết âm mưu được “giật dây” bởi cảm xúc. Cho nên những con người này thường có cái nhìn không đầy đủ, và tồi tệ hơn là phiến diện về các vấn đề. Tất cả bài báo lá cải và đôi khi một số trang chính thống rất thích lợi dụng yếu tố này để đánh vào thị hiếu cảu người xem. Họ cố tính nói ra MỘT NỬA SỰ THẬT nhằm mục đích kích thích trí tưởng tượng của người đọc thay vì phải thực hiện đúng vai trò của ngành báo chí, đó là đưa thông tin chính xác về một sự việc nào đó.
          Chắc các bạn vẫn chưa quên vụ bạo động ở NewYork ngày 30 tháng 5 năm nay chứ? Trong khi các bài báo thi nhau đưa tin về sự việc hai xe cảnh sát lao vào hai tấm barrier giữa đám đông hỗn loạn, và không ít trong số đó lên án, chỉ trích hành động đàn áp bạo lực đó. Cụ thể tôi sẽ trích dẫn một bản tin từ TIME như sau.
          “ Trong diễn biến cuộc biểu tình ngày 30/5/2020, các xe cảnh sát điên cuồng xếp dọc thành phố sau cái chết của George Floyd. Người ta quay lại được cảnh hai xe từ Cục cảnh sát Thành phố NewYork tông thẳng vào nhóm những người phản đối ở Brooklyn vào thứ Bảy, sự việc này đã thổi bùng lên làn sóng căm phẫn của dư luận. Một số video ghi lại vụ tai nạn theo nhiều góc độ khác nhau cho thấy hai chiếc xe lao vào một nhóm đông những người phản đối đang đứng giữa đường phố. Một trong số họ có trang bị rào chắn kim loại và ném những cọc tiêu chắn đường, chai nước,.. về phía cảnh sát,…”

Và sau đó, bài báo đưa thêm một số những chia sẻ của một số người .
“ NYPD chỉ biết dùng xe lao vào đám đông. Những cảnh sát thậm chí đã có thể cướp đi mạng sống của họ, và chúng tôi cũng chẳng nhớ là có bao nhiêu người đã bị thương. Không ai có thể ngăn cản được họ. @NYCMayor phải được đưa ra ngoài công lí,...”
“Lạy chúa, @NYCNews đang làm cái quái gì vậy,…”

TIME
Nhưng đa số những chia sẻ bài báo đưa ra đều là những chia sẻ một chiều, và phiến diện gây bất lợi cho chính quyền Trump! Mặc dù họ có đưa diễn biến ở hiện trường vụ bạo động nhưng lại cố tình giấu đi một chi tiết rằng các người biểu tình quá khích đã quẳng những túi lửa lên trên xe của phía cảnh sát, thứ dẫn đến nguyên nhân đương nhiên là các xe cảnh sát phải lao vào để giải tán đám đông dường như đã mất ý thức kia. Một hành động chỉ là tự vệ bằng một cách thần kì như vậy đã biến thành bằng chứng cho thấy giải quyết vấn đề yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, bạo lực và độc tài của phía cảnh sát hay chính quyền Trump.
                                    DANGEROUS STREETS NYPD cars
Còn việc các bài báo tương tự như vậy cố tính đưa những thông từ lập lờ kiểu một nửa sự thật có mục đích gì thì tôi không rõ. Tôi cũng không đưa những thuyết âm mưu gì đó vào bài này để bài viết sẽ mang đúng tính chất của nó là cung cấp thông tin cho người đọc về hiệu ứng WYSIATI, còn các vấn đề xung quanh chính trị Hoa Kì thì tôi xin phân tích ở trong một bài viết khác.
          Hiệu ứng WYSIATI được một số các tờ báo lá cải hay các bài báo có mục đích chính trị rất ưu thích sử dụng nhằm mục đích đánh lừa người đọc hoặc cố ý gài gắm vào trong đầu họ nhiều suy nghĩ, thuyết âm mưu khác nhau. Vì thứ các bài báo lá cải muốn đó là lượng tương tác bài viết từ người xem hiếu kì, hiệu ứng WYSIATI hoàn toàn có thể cung cấp được, tương tự việc điều hướng dư luận cũng trở nên hết sức dễ dàng nếu bạn cố gắng che đi một nửa sự thật thứ có thể gây bất lợi cho quan điểm cá nhân. Nếu không phải là một người trực tiếp chứng kiến sự việc hoặc một chính trị sắc sảo hay ít nhất là một người có một chút ít tư duy phản biện trong tiềm thức, bạn hoàn toàn có thể bị các bài báo như thể này điều hướng suy nghĩ và dắt mũi theo mục đích cá nhân của họ. Tức là trước khi kịp đưa ra một kết luận về một sự việc, nhất là khi bạn tiếp nhận luồng thông tin ấy từ một nguồn không rõ ràng hoặc đáng tin cậy, bạn nên đặt lại câu hỏi: “Liệu còn có thông tin gì bị bỏ sót ở đây nữa không?” từ đó Hệ thống 2 lười biếng sẽ bắt buộc phải tư duy, từ đó bạn sẽ có một cái nhìn hoàn hiện hơn. Hoặc tốt nhất là bạn nên tham khảo nhiều nguồn kiến thức từ nhiều trang thông tin có những quan điểm khác nhau, nhờ vậy thì tư duy của bạn mới phát triển tránh tình trạng lười tư duy.
          Còn một vấn đề khác, khi chúng ta một số liệu thống kê không đầy đủ và mang tính tương đối, hiệu ứng WYSIATI sẽ ngay lập tức kêu gọi Hệ thống 1 làm đúng với chức năng của chính nó, đó là hoàn toàn tin cậy và nghe răm rắp con số đó. Kể cả khi con số đó là đúng đắn được đưa ra từ một nguồn xác tín, vẫn chỉ có một số lượng rất ít những người đặt lại câu hỏi con số ấy mang ý nghĩa gì và còn thông tin nào đó ẩn sau đó hay không. Những người con lại đa số đều tin tưởng và đưa ra những nhận định sai lầm, đó là lúc họ rơi vào nghịch lí SimpSon.
          Hãy tưởng tượng một ví dụ sau, bạn bị thoát vị đĩa đệm và cần phẫu thuật nội soi. Bạn nghe lời khuyên của người thân và bạn bè rằng trong thành phố bạn sống có hai vị bác sĩ nổi tiếng A và B có thể giải quyết vấn đề của bạn. Không có chút kiến thức y học, bạn quyết định tìm kiếm thông tin để biết xem bác sĩ nào giỏi hơn để “chọn mặt gửi vàng”. Thông tin cho thấy với các ca bệnh nặng bác sĩ B có tỉ lệ chữa khỏi thành công cao hơn, và số ca bệnh nhẹ thì tỉ lệ chữa thành công của bác sĩ B cũng cao hơn. Tất nhiên bạn nghĩ bác sĩ B có trình độ chuyên môn giỏi hơn và liên hệ với ông ta. Nhưng khoan?! Liệu đó có phải là một quyết định khôn ngoan? Rõ ràng một số liệu thống kê mơ hồ như vậy lại có thể được Hệ thống 2 của rất nhiều người thông duyệt và hệ quả là chưa chắc người bác sĩ đã chọn phù hợp với bạn. Như đã được đề cập ở trên, một số liệu thống kê tương đối không thật sự lúc nào cũng phản ánh đúng bản chất của vấn đề, nhất là khi nó được tổng hợp ra từ những số liệu cụ thể thực tế, và thường mang tính chất tham khảo hơn là việc dựa vào con số ấy để đưa ra các quyết định mang tính nghiêm túc. Quay lại vấn đề của bạn. Giả sự trong số liệu bạn tham khảo là trong một năm vừa rồi, cả hai bác sĩ đều thực hiện 100 ca phẫu thuật. Bác sĩ A chữa 10 ca bệnh nặng, cứu sống 5 người, tỉ lệ thành công 5/10=50%. Bác sĩ B có 60 ca bệnh nặng, cứu sống 40 người, tỉ lệ thành công 40/60~67%. Rõ ràng bác sĩ A có tỉ lệ thành công nhỏ hơn so với bác sĩ B. Cùng năm đó, bác sĩ A có 90 ca bệnh nhẹ, cứu sống 85 người, tỉ lệ thành công 85/90~94%. Trong khi bác sĩ B có 40 ca bệnh nhẹ và cứu sống tất cả trong số họ. Tỉ lệ thành công 40/40=100%.Như vậy một lần nữa bác sĩ B lại hơn bác sĩ A. Nhưng nếu xét về tổng thể, tỉ lệ thành công của bác sĩ A trong năm đó là (5+85)/100=90%, và bác sĩ B là (40+40)/100=80% !. Rõ ràng nếu xét tổng thể bác sĩ A có tỉ lệ thành công cao hơn.

III, Tổng kết
Như trong bài tôi đã điểm qua hai ứng dụng cũng là hai nhược điểm tai hại của hiệu ứng WYSIATI, nó mang đến không ít những thiên kiến sai lệch cho người tiếp nhận nguồn thông tin. Dù muốn hay không thì trong cuộc sống, không bao giờ chúng ta thoát khỏi một số những trường hợp sa vào những sai lầm tương tự như thế này. Nhất là khi bạn vừa đi làm về hoặc sau một bài học căng thẳng ở trường, bạn sẽ dường như còn rất ít sức lực để có thể tỉnh táo mà phân biệt được những bản tin chính trị nào cung cấp những thông tin chính xác hay chỉ đưa ra những thông tin lập lờ kiểu một nửa sự thật. Và hãy luôn cảnh giác với những số liệu thông kê thuần túy, vì đơn giản chúng chính là những dấu hiệu nhận biết rằng bạn có thể bị đánh lừa bởi người đưa ra nó và cả trực giác của bạn. Tôi chỉ muốn nói là khi bạn nhận được một thông tin dù trái chiều hay cùng quan điểm với bạn từ bất cứ nguồn nào hãy dặt cho mình câu hỏi:” Liệu còn có thông tin nào đó vị ẩn giấu ở đây không?”, một câu hỏi bất giác theo bản năng như vậy đã có thể giúp bạn tránh được quá nửa những thông tin thiếu xác thực rồi.
          Cảm ơn các bạn đã bỏ chút thời gian đến dòng này, bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót mang tính quan điểm cá nhân vì vậy mong các bạn cùng đóng góp ý kiến để tôi sẽ rút kinh nghiệm về sau.