"Vứt bỏ tất cả để theo đuổi đam mê" là một trong những câu slogan mà ta gặp hàng ngày, trên khắp các phương tiện truyền thông đi cùng với phong trào startup nổ ra trên mọi miền của tổ quốc. Từ những hình ảnh ca ngợi về những vị CEO tài giỏi dám bỏ học để theo đuổi đam mê, làm nên những doanh nghiệp to lớn như Bill Gate, Steve Job,... Nhưng thực sự thì liệu nếu ta vứt bỏ tất cả mọi thứ, dồn hết mọi thứ của bản thân vào "đam mê" thì ta có thành công?
Sự huyễn hoặc
            Ngày nay, khi hầu như phần lớn thanh niên, học sinh ở Việt Nam ta đi đâu cũng hô hào về đam mê, từ than vãn phải đi học / đi làm những thứ không đúng đam mê của mình cho đến những người theo đuổi nó nhưng mãi vẫn chẳng kiếm được tiền để sống từ nó. Vậy câu nói "Vứt bỏ tất cả để theo đuổi đam mê" được hô hào khắp nơi cùng những ví dụ về những người doanh nhân tài ba trên khắp thế giới có đúng như ta vẫn nghe? Trước hết, ta luôn nghe về những người doanh nhân ấy, họ tài giỏi ra sao, họ trở thành gì sau khi họ bỏ mọi thứ họ đang có lại phía sau. Nhưng đó chỉ là một mặt nhỏ của một bức tranh lớn hơn, như một câu nói mình từng nghe được "Con người chỉ nghe những gì họ muốn nghe, họ thích nghe những câu chuyện cổ tích về một người sau khi làm 1 chuyện gì đó thì bùm, người đó thành công và sống hạnh phúc suốt đời". Đó là những gì chính bản thân chúng ta luôn tự huyễn hoặc bản thân mình - những câu chuyện cổ tích. Nhưng thực tế mọi thứ không đơn giản như vậy, chúng ta chẳng bao giờ chịu nghe "tiếng bùm" trong câu chuyện cổ tích ấy đã chứa những thứ gì, hi sinh, mất mát, chuẩn bị gì và đánh đổi gì để họ có thể được như vậy, liệu mọi thứ có đơn giản chỉ là cắm đầu làm trâu cày lao thẳng vào "đam mê" rồi tự khắc thành công sẽ đến? Bạn luôn nghe về những con người vứt bỏ mọi thứ theo đuổi đam mê và thành công, nhưng bạn có bao giờ tự nghĩ: Thế giới có 7 tỉ người, không lẽ chỉ có 100-200 người dám vứt bỏ tất cả để theo đuổi đam mê? Vậy những người khác đâu rồi? Đơn giản và thực tế, họ thất bại, be bét, lăn lộn và rồi cuối cùng trở thành không ai cả, giống như người xưa có câu " Hồng nhan thì bạc phận ", bạn biết vì sao không? Vì đơn giản chả ai quan tâm đến người xấu thì có bạc phận hay không cả. Và thực tế lịch sử đã chứng minh rằng phụ nữ thời đó rất khổ, không phải đẹp thì mới khổ mà ai cũng khổ cả. Vì vậy việc nhìn nhận mọi thứ đơn giản và mù quán chạy theo sự dắt mũi của truyền thông thường sẽ kéo bạn xuống vũng lầy thay vì tương lai đầy sắc màu mà người khác vẽ nên trước mặt bạn.
Thực tế
            Chính từ những sự rối bời trên đã đưa mình đến một câu hỏi thực sự quan trọng, thế nào là đam mê? Liệu nó có thực sự đáng giá đến mức mà bản thân chúng ta có thể tự huyễn hoặc bản thân đến mức đó? Liệu truyền thông đang hủy hoại chúng ta? Như các bạn đã đọc phía trên sẽ thấy mình liên tục bỏ đam mê vào trong ngoặc kép vì đơn giản, mình cho rằng chúng ta không thực sự hiểu đam mê là gì. Có một người thầy đã nói với mình rằng một thứ ta cho rằng đó là đam mê, nhưng ta phải trả tiền để làm nó thì nó chỉ là sở thích, giống như việc khi bạn "đam mê" bóng đá nhưng đá mãi vẫn chỉ ở chế độ tự bạn phải trả tiền thuê sân thuê bóng để đá trong khi người thực sự đam mê nó thì được người khác trả tiền để đá bóng vậy. Đam mê thực sự là khi ta có cả sở thích và năng lực ở trong nó, ta có thể thích cái gì đó nhưng không giỏi nó và ta cũng có thể giỏi cái gì đó mà ta không thích nó nhưng đam mê thì phải có cả hai. Việc cố gắng huyễn hoặc bản thân ta về những gì ta thích làm nhưng làm mãi mà chẳng nên việc chỉ dẫn ta đến một kết cục duy nhất là gục ngã, thất bại, lăn lộn mãi vẫn đói và trong khi đó nếu ta theo đuổi việc ta giỏi nhưng không thích thì ta sẽ mãi sống trong sự hối tiếc, tiếc nuối nhưng chẳng biết phải giải quyết ra sao. Việc mọi người mọi nơi đều hô hào làm việc vì đam mê nó mang rất nhiều hàm ý, nó không chỉ là sự huyễn hoặc của truyền thông, người thuê lao động để khai thác sức lao động của bản thân chúng ta mà còn là sự sai lệch trong định nghĩa thế nào là đam mê của chính bản thân ta.
Kết luận
 Những hình ảnh, câu nói hô hào khắp nơi về đam mê, đầu tư hết sức, làm việc không ngừng nghỉ vì đam mê, v.v. đó chỉ là những hình ảnh mơ hồ, những mặt cắt nhỏ của bức tranh lớn được vẽ nên. Việc ta mù quán, sai lệch trong đánh giá những bức tranh ấy sẽ đó dẫn đến những hình ảnh mà chúng ta thấy hằng ngày - chạy theo đam mê rồi phá sản hay cứ mãi tiếc nuối vì đam mê. Thực sự, việc ta nên làm không phải là chạy theo phong trào, chạy theo những khẩu hiệu đầy mơ hồ nhưng chẳng có giá trị thực tế một cách mù quán mà là tự nhìn lại bản thân mình, biết mình muốn gì, cần gì, mình là ai và thực sự đam mê của mình là gì thì lúc đó ta mới có thể đưa ra được lựa chọn thực sự của mình cho bản thân ta, không phải là lựa chọn của người khác.
PS: Đây là những gì mình kết luận được sau khi quan sát và suy nghĩ về những gì đang sảy ra hàng ngày xung quanh mình. Hãy nêu lên ý kiến của các bạn và đừng ngại đưa ra ý kiến trái chiều nếu bạn cảm thấy ý kiến của mình sai hoặc thiếu sót.
Dương Quốc Cường