Giữa tầng lớp tường cao của cung điện Trung Hoa phong kiến uy nghi và trầm mặc, có những dòng kinh Koran lặng lẽ khắc trên bức tường bằng đá đại lý. Những dòng kinh ấy là món quà của hoàng đế nhà Thanh dành cho người vợ theo đạo Hồi, để nàng dù ở phương xa vẫn ngày ngày có thể hướng về quê hương và cầu nguyện. Nàng đến từ ốc đảo Kashgar, và có lẽ sẽ không bao giờ nhìn thấy những khu chợ bazaar, sa mạc và cây ô liu lần nữa. Đôi lúc, giữa bốn bức tường vàng son, vị vương phi xoay mình trong điệu múa, những cánh bướm dập dờn quanh nàng như một giấc mơ hư ảo.


Một mùa Trung Thu nữa đã qua chợt làm tôi nhớ tới bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao về những nàng công chúa dân gian lưu lạc giữa chốn cung đình. Trong phim, người con gái có mùi hương như cây táo, sống cùng những dòng kinh Koran chính là Hương Phi. Lần đầu nhìn thấy cô qua chiếc ti vi nhỏ bé, tôi hãy còn là học sinh tiểu học, luôn mặc váy xanh đồng phục tới trường và dán đầy ảnh các nhân vật hoạt hình, phim truyện vào hộp bút và sách vở. Hương Phi rất đẹp, cô là đóa hoa kiều diễm nhất trong cung điện của hoàng đế. Nụ cười và điệu múa của cô ngọt ngào như gió xuân, và chiếc vương miện trên đầu cô luôn lộng lẫy.
*
Tuổi thơ từ lúc nào đã lùi lại phía sau thật xa, như sân ga cũ kĩ vụt khỏi cái ngoái đầu của hành khách. Còn chúng ta là những đoàn tàu cứ mải miết lăn bánh về phía trước, tịnh tiến theo thời gian, không bao giờ chạy lùi được về sân ga thuở nhỏ năm nào.
Sân ga ấy là một bảo tàng chật ních kí ức thấm đầy trong hình hài của những món đồ cũ kĩ và bé mọn, như con voi đồ chơi màu đỏ, quyển truyện tranh cất giấu trong ngăn bàn, những chiếc áo len mẹ luôn bắt mặc vào sáng mùa đông, chiếc đèn lồng đung đưa vào mùa Trung thu cả lũ trẻ con theo đám múa lân đi khắp phố xá, có cả đôi dép lê từng đi cùng tôi vào buổi trưa hè trốn nhà lang thang thang đi chọc sấu cùng tụi bạn.
Sân ga ấy còn giữ lại một chiếc ti vi hình hộp từng chiếu bộ phim cổ trang khiến mấy góc bàn học xôn xao vào mỗi giờ ra chơi, giữ cả chiếc vương miện hóa trang mô phỏng theo món trang sức cầu kì của nàng vương phi Hồi giáo. Từng có một mùa rước đèn ngày rằm tháng Tám, tôi đội chiếc mũ miện kiểu trẻ con ấy, đi theo tiếng trống gỗ giòn giã dưới ánh trăng, thích thú nghĩ đến vị vương phi xinh đẹp và điệu múa đầy tự do của cô giữa khu vườn đầy ánh nắng. Khi ấy, tôi không biết rằng cô rất cô đơn giữa Tử Cấm Thành.
Cũng như tôi đã không biết rằng đến một lúc những mùa Trung Thu như thế, với vương miện, đèn lồng, mặt nạ, những miếng bánh nướng, bánh dẻo được cô giáo phát vào cuối buổi học, với vẻ đứng ngồi không yên mỗi khi nghe tiếng trống gọi đi rước đèn, đều sẽ biến thành kí ức. Và tôi sẽ không còn mãi mặc bộ váy đồng phục màu xanh, ngồi trong lớp học cũ kĩ, ăn bữa cơm trưa một cách chậm chạp và ước gì nhà bếp bỏ món chả cá ra khỏi bữa ăn, rồi mơ về khu vườn và cung điện.
*
“Những lá thư này sẽ không đến nơi được đâu con.” Bố mẹ nói với tôi khi phát hiện ra những bì thư đề tên người nhận là các nhân vật trong phim Hòan Châu Cách Cách. “Con phải viết tên thật của diễn viên và địa chỉ của họ tại Trung Quốc thì thư mới có cơ hội được chuyển đi.”
“Nhưng con chỉ muốn viết cho những công chúa và vương phi trong phim.” Lẽ ra tôi đã nói điều này.
“Chà, như vậy lại càng không được.” Hẳn là bố mẹ tôi sẽ đáp như vậy, giống như cách bố mẹ đã từng phản đối giấc mơ làm nhà khảo cổ học của tôi.
Nhưng tôi chỉ im lặng. Tôi nghe loáng thoáng bố mẹ thì thầm rằng tôi đã xem nhiều tập phim quá, tưởng tượng nhiều quá và đã ngây thơ quá. Tôi đã không biết đến nỗi cô đơn của vị vương phi, cũng như không biết được rằng mình không bao giờ trốn chạy được khỏi dòng thời gian để mà luôn bé nhỏ với chiếc ti vi hình hộp, với vương quốc tưởng tượng và những lá thư không bao giờ được gửi tới nơi cần tới.

Những mùa Trung Thu vẫn đều đặn nối tiếp nhau, chỉ có những vương miện và mùa rước đèn của tôi dần dần biến mất. Chúng từ biệt tôi và tôi từ biệt chúng, như Christopher Robin và Rừng Trăm Mẫu rời xa nhau. Dù cho gấu Pooh có nói rằng:
“Luôn luôn là một ngày nắng đẹp
Khi Christopher Robin ghé đây chơi.”
Thì Christopher vẫn phải lớn lên, và tôi cũng vậy. Nhân vật Hương Phi trong những bộ phim cổ trang sau này vẫn cứ luôn yêu kiều đứng giữa khu vườn mùa xuân, còn tôi không thể nào ngưng đọng mình giữa dòng thời gian vùn vụt, cứ thế mà băng băng về phía trước.
*

Cuối cùng, Hương Phi rời bỏ cung điện, để lại nỗi cô độc phía sau kinh thành. Tử Cấm Thành tráng lệ mãi mãi không níu giữ được trái tim tự do luôn hướng về sa mạc và ốc đảo, nơi có người cô yêu và những dòng kinh Koran trôi trên bãi cát. 
Một ngày nọ, Lưu Đan – diễn viên đóng nàng Hương Phi trong Hoàn Châu Cách Cách cũng rời bỏ cuộc đời trần thế vào năm 25 tuổi, sau một tai nạn ô tô. Không có phép màu nào làm cho cô hồi tỉnh, như tôi đã từng hy vọng, nên tôi đành phải tin rằng cô đã hóa thành cánh bướm bồng bềnh trôi trên những thảo nguyên xinh đẹp, một cánh bướm rạng rỡ như chính vai diễn tuyệt vời nhất cô từng đóng,
Sau này, tôi mới biết rằng nguyên mẫu của nhân vật Hương Phi trong lịch sử - Dung Phi Hòa Trác thị thực ra đã sống ở kinh thành, bên cạnh nhà vua cho đến cuối đời. Có thể tự do chỉ là giấc mộng mà Quỳnh Dao đem tặng cho con người của thời đại phong kiến, như cách bà để cho Ngũ A Ca Vĩnh Kì rời hoàng cung và ngôi báu để rong ruổi cả đời khắp cùng trời cuối đất với người con gái chàng yêu, trong lúc hoàng cung công bố rằng chàng vì bệnh nặng mà ra đi khi còn rất trẻ. Nhưng như vậy cũng đâu có sao, bởi đã có rất nhiều đứa trẻ như tôi từng tin vào giấc mộng ấy và để nó trở thành một phần kí ức thân thuộc trong chuyến tàu xuôi về thế giới người lớn.
Trên chuyến tàu ấy, nhờ có kí ức mà dù 50 hay 60 tuổi, tôi vẫn có thể bằng cách nào đó nắm tay chính mình năm 7 tuổi, 10 tuổi, để trở về những ngày nắng đẹp đẽ và hồn nhiên nhất trong đời.
Việt Anh