Vua Fred, hay cách mà vị vua chưa từng lên ngôi định hình nền quân chủ hiện đại (phần đầu)
Luận án này nghiên cứu chế độ quân chủ nước Anh thế kỷ XVIII và triết lý của Frederick, Thân vương xứ Wales đã giúp hình thành chế độ quân chủ đó như thế nào.
Vào đầu tháng 6 năm 2022, Đại lễ Bạch Kim của Nữ vương Elizabeth II được tổ chức để kỷ niệm 70 năm bà cai trị Vương quốc Liên hiệp Anh Bắc Ireland. Khi trở thành quốc chủ vào đầu năm 1952, Nữ vương Elizabeth II đã có người thừa kế của mình là Thế tử Charles (khi ấy mới hơn 3 tuổi). 70 năm kể từ thời điểm đó, người thừa kế của bà vẫn đang héo mòn chờ đợi khoảnh khắc kế vị ngai vàng. Nhiều người lo ngại rằng ông sẽ qua đời trước mẹ mình, và do đó không thể lên ngôi. Những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, bởi trước ông đã có nhiều Thân vương xứ Wales qua đời trước khi kịp nối ngôi, dù người gần nhất phải trải qua điều kinh khủng này này đã sống từ thời kỳ George. Đó là Thế tử Frederick, con trai của George Đệ Nhị và là cha của George Đệ Tam. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đến với nghiên cứu của Austin W. B. Hilton về cách mà ông định hình nền quân chủ đế quốc Anh như thế nào.
Tóm tắt
Luận án này nghiên cứu chế độ quân chủ nước Anh thế kỷ XVIII và triết lý của Frederick, Thân vương xứ Wales đã giúp hình thành chế độ quân chủ đó như thế nào. Những vị vua nhà Hanover đầu tiên thường bị chế giễu là những người ngoài cuộc thiếu hiểu biết và bị nhiều người dân coi thường. Họ thờ ơ với người dân và văn hóa Anh. Tuy nhiên, Thế tử Frederick, trưởng tử của George II, đã thay đổi tất cả. Triết lý của ông về vương quyền, chịu ảnh hưởng từ tác phẩm Vị quân vương ái quốc của Henry St John, Tử tước Bolingbroke thứ nhất, đã giúp thay đổi nhận thức về triều đại Hanover. Khi Thế tử Frederick qua đời vào năm 1751 mà chưa kịp lên ngôi, tầm nhìn của ông được thực hiện hóa bởi con trai ông, Vương tôn George. Với tư cách là George III, ông này đã hoàn thiện triết lý và trở thành hiện thân của một vị vua ái quốc. Điều này dẫn đến sự nổi tiếng ngày một gia tăng của nhà Hanover, củng cố vị trí của gia tộc này trên ngai vàng nước Anh.
Chương 1: Giới thiệu
Ở Anh, chế độ quân chủ là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của đất nước. Vị quân chủ đương nhiệm là Nữ vương Elizabeth II không chỉ đơn giản là một nguyên thủ theo nghi thức. Bà là người được nhân dân vô cùng tôn kính với tư cách là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia - một biểu tượng của để nước Anh vượt qua những tranh cãi của các đảng phái chính trị. Những tổ tiên của bà, Nữ vương Victoria và Vua George III, là hai trong số những người nổi tiếng nhất từng ngồi lên ngai vàng. Nữ vương Victoria đã cai trị Đế quốc Anh ở đỉnh cao quyền lực vào thế kỷ XIX trong 63 năm. Ông nội của Victoria, Vua George III, cũng đã trị vì trong sáu thập kỷ, mặc dù thập niên cuối cùng ông đã trải qua bệnh tật và trưởng tử của ông làm Nhiếp chính vương trong khoảng thời gian 1811-1820. Khi George III qua đời vào năm 1820, ông không chỉ được tôn vinh là một vị vua vĩ đại mà còn là vị quốc phụ. Ông là biểu tượng của tất cả những gì làm nên sự vĩ đại của nước Anh - sức mạnh, sự kiên cường, sự uy nghiêm và nghệ thuật. Thật khó để tin rằng, chỉ một vài thập kỷ trước đó, đã có thời gian gia tộc ông có thể bị truất ngôi và ông đã có thể không bao giờ trở thành vua.
Nước Anh thay đổi với tốc độ chóng mặt trong thế kỷ XVIII. Đế chế đang phát triển, kéo theo những cơ hội kinh tế mới và những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài. Tuy nhiên, cấu trúc chính trị ở quê nhà cũng đang thay đổi. Cuộc cách mạng Vinh Quang năm 1688 chứng kiến James II bị phế truất vì niềm tin vào chủ nghĩa quân chủ chuyên chế và niềm tin vào Công giáo, và cuộc cách mạng này đã ủng hộ con gái và con rể ông là Mary II và William III lên ngôi. Khi em gái của Nữ vương Mary II là Nữ vương Anne qua đời năm 1714, triều đại Stuart kết thúc sau một thế kỷ cai trị. Nước Anh chuẩn bị bước vào bài kiểm tra mà trước đây họ chưa từng gặp. Giờ đây ngai vàng được truyền cho người anh bên họ ngoại của Nữ vương Anne là George, Tuyển hầu tước xứ Hanover. Một người đến từ từ lục địa châu Âu chỉ biết một chút tiếng Anh giờ đã trở thành người đứng đầu của một Đế chế Anh đang trỗi dậy.
Việc một vị vua không sinh ra ở Anh không phải là điều lạ trong lịch sử. Trong một thiên niên kỷ trước đó, nước Anh đã nhiều lần bị cai trị bởi một quân vương ngoại quốc. Trong thời kỳ Anglo-Saxon, những người đội vương miện Anh là người Đan Mạch, với các vị vua như Sweyn, Canute và Harold Chân Thỏ. Năm 1066, Nhà Chinh Phạt William (vốn là Công tước xứ Normandy ở Pháp) đã giết Harold Godwinson trong trận Hastings và lập nên nhà Normandy. Khi Elizabeth I qua đời, người gần nhất trong thứ tự kế vị ngai vàng của bà là James VI của Scotland đã thừa kế vương miện Anh và trở thành James I của Anh (đó là lý do vì sao ông thường được gọi là “James VI và I”). Cuối cùng, trong cuộc Cách mạng Vinh Quang, James II bị phế truất và những người thay ông ngồi lên ngai vàng là con gái và con rể ông, Mary và William (tức Mary II và William III). Như vậy, có thể thấy rằng, người Anh đã quá quen với việc một người nước ngoài là vua nước mình. Tuy nhiên, nhà Hanover rất khác với những những triều đại trước.
Cách mạng Vinh Quang đã để lại hậu quả về cách người ta nhìn nhận vương quyền, cũng như sự thừa kế ở Anh. Trước đây, quốc vương được xem như một người cai trị nhờ quyền lực thần thánh (devine right of kings). Họ đứng đầu trong trật tự xã hội chỉ đứng dưới Đức Chúa Trời. Các vị vua như James I và Charles I là những người ủng hộ niềm tin này, và điều này là một phần lý do nội chiến Anh nổ ra và hậu quả là sự hành quyết Charles I năm 1649. Ở lục địa châu Âu, các vị vua Công giáo thậm chí còn ủng hộ ý tưởng về quyền lực thần thánh một cách mạnh mẽ hơn. Họ cũng là những nhà cai trị tuyệt của chế độ quân chủ chuyên chế, trái ngược với hệ thống quân chủ lập hiến của Anh, vốn ràng buộc ngai vàng với các quy tắc của quốc hội. Sự chuyên chế này, và nỗi sợ hãi nó, là lý do chính khiến quốc hội Anh coi James II, người theo Công giáo, là người không thể cai trị và phế truất ông năm 1688. Cuộc Cách mạng Vinh Quang đã chấm dứt tranh luận về quyền lực thần thánh ở Anh một cách hiệu quả.
Không những thế, cuộc cách mạng này cũng thay đổi luôn luật kế vị. Kể từ đó, chỉ có một người Kháng Cách mới có thể kế thừa ngai vàng của người Anh, tức bất kỳ người Công giáo nào trong danh sách kế vị đều bị truất quyền thừa kế ngai vàng. Điều này tạo ra một hệ thống nơi từng người có thể bị loại bỏ một cách đơn giản để có được người thừa kế phù hợp hơn (ví dụ: hiện nay nhà thiết kế thời trang Eddy Downpatrick là người có thứ tự cao nhất bị loại khỏi danh sách kế vị ngai vàng Anh do là người Công giáo La Mã. Bản thân khi sinh ra đã xếp thứ 18 trong danh sách kế vị, hiện ông sẽ xếp thứ 43 nếu không cải đạo). Trong một xã hội được xây dựng xung quanh trật tự và quy tắc nghiêm ngặt, đây là một sự thay đổi lớn. Trước kia, những kẻ tranh ngôi báu củng cố vị thế của mình bằng cách giết chóc trên chiến trường, sử dụng chiến thắng để làm bằng chứng cho thấy đấng tối cao đã ủng hộ họ và giờ đây họ là người có quyền lực thần thánh để cai trị. Giờ đây, quyền lực thần thánh không còn tồn tại và có khả năng xảy ra tình huống mà nhiều người thừa kế với quyền cao hơn có thể đe dọa ngai vàng. Điều này đã tạo ra thứ có thể được coi là một hình thức quân chủ mới, một hình thức chế độ quân chủ đứng trên một nền móng yếu hơn nhiều. Lúc này, những người cai trị nước Anh không còn có thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự, hay dòng máu, hay sự ưu ái của Chúa để cai trị. Thay vào đó, họ phải dựa vào sự ủng hộ của quốc hội, sự chấp nhận từ người dân Anh, sức mạnh cũng như hình ảnh trong lòng công chúng để duy trì thời gian ngồi trên ngai vàng. Với việc Nữ vương Anne qua đời năm 1714, trách nhiệm này thuộc về Vua George I và gia tộc Hanover.
Nhà Hanover là gia tộc ít phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này. George I được nhiều người trong giới tinh hoa chính trị coi là không có tư cách vua chúa. Họ thấy ông là một kẻ có cả IQ lẫn EQ đều thấp. Ông bộc trực và ít khi xuất hiện trước công chúng, khác xa với hình ảnh uy nghiêm của người đội vương miện Anh rất được người dân mong đợi. Tình yêu với xứ Hanover và những chuyến về quê liên miên chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, với người Anh, việc quốc vương hiếm khi ở trong nước không phải là điều xa lạ. Cuối thế kỷ XII, Vua Richard I đã cai trị nước Anh trong nhiều năm, nhưng chỉ dành một vài tháng ở nước mình và dùng hết ngân khố cho các cuộc chiến ở Pháp. Ông không bị chế giễu vì điều đó, và thậm chí còn được đặt biệt danh là Richard Mang Trái Tim Sư Tử vì sự dũng cảm của mình.
Tuy nhiên, điều này đã xảy ra trong một thời kỳ quyền lực thần thánh vẫn rất mạnh. Richard cũng là người thừa kế của cha mình, tức Henry II. George không có những lợi thế này. Ông không ngồi trên ngai vàng bởi vì sự mong muốn của Đức Chúa Trời mà bởi nguyện vọng của quốc hội. Nhiều người xếp trên ông trong thứ tự thừa kế nhưng ông đã thắng họ vì sự khác biệt tôn giáo (George I là người theo đạo Tin Lành). Chính những yếu tố này đã khiến hành động của người nhà Hanover trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân đối với người dân Anh. George II không được dư luận đánh giá tốt hơn cha mình. Khi còn là Thân vương xứ Wales, cả hai đã nhiều lần bất hòa với nhau. Khi đã là lên ngôi, George II dành nhiều thời gian ở Hanover hơn ở Anh giống hệt cha mình, khiến thần dân của ông tức giận. Khi ở Anh, ông đã xua đuổi những người bảo trợ tiềm năng của vương thất với những câu chửi rủa tiếng Đức về việc ông ghét các nhà thơ, họa sĩ và bất cứ điều gì liên quan đến việc học như thế nào. Hai vị vua George này cũng phải cạnh tranh với phe Jacobite, phe ủng hộ những người thừa kế của James II. Vương triều non trẻ đã hai lần chống lại một cuộc xâm lược toàn diện của phe Jacobite - một lần vào năm 1715 và lần còn lại là năm 1745.
Khi George III lên ngôi năm 1760, chiếc ngai vàng Anh của nhà Hanover không hề vững chãi. Vẫn còn đó mối đe dọa xâm lược, không chỉ từ phe Jacobite, mà còn từ người Pháp, và những năm đầu trong thời kỳ cai trị của ông được đánh dấu bằng những vấn đề lớn. Tuy nhiên, vào thời điểm ông qua đời vào năm 1820, mọi mối đe dọa đối với nhà Hanover đã bị loại bỏ. Chiếc ngai của họ đã vững chãi như mọi triều đại trước kia. George III đã thành công trong việc làm này bằng cách tự biến mình thành vị quân vương mà những người tiền nhiệm của ông không thể trở thành. Ông là vị vua nhà Hanover đầu tiên sinh ra ở Anh và không thể hiện tình yêu quê gốc Hanover như hai vị tiên vương. Ông thậm chí chưa bao giờ đến thăm nơi này khi đang ở ngôi. Ông cũng là một người bảo trợ lớn của các ngành nghệ thuật, và ngay từ đầu trong triều đại của mình, ông đã tự coi mình là một vị vua yêu nước - một biệt danh mà ngày nay đã gắn liền với ông. Một vị vua yêu nước là hiện thân của quốc gia và sự hy sinh cá nhân vì lợi ích của nhân dân. Ý tưởng của George về vị quân vương ái quốc phần lớn là nguyên nhân dẫn đến sự nổi tiếng của ông, nhưng chúng không bắt nguồn từ ông. Đó là một thành viên khác của vương thất Hanover, người đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa khởi đầu không thuận lợi của những vị vua George đầu tiên và quyền lực vững như bàn thạch dưới thời George III.
Cha của George là Frederick, Thân vương xứ Wales, ban đầu là người được định sẽ kế vị George II, đã qua đời năm 1751, chín năm trước khi cha ông mất. Vì không bao giờ ngồi trên ngai vàng, phần lớn những điều mà Thế tử Frederick làm đã bị lịch sử lãng quên. Một số nhà sử học nghiên cứu tiểu sử ông, nhưng đa phần người ta bỏ qua ông khi thảo luận về nhà Hanover và vai trò của họ trong việc định hình lại nước Anh. Cống hiến của ông cho triều đại Hanover bị đánh giá thấp và đáng được kiểm tra kỹ hơn. Những hành động và ý tưởng của Frederick với tư cách là Thân vương xứ Wales nên được coi là nguyên nhân chính cho việc vương triều có bước chuyển mình mạnh mẽ dưới thời trị vì của George III. Chính Frederick là người đầu tiên tự cho mình là người phù hợp với hình ảnh của một vị quân vương ái quốc, mặc dù ông vẫn chỉ là Thân vương xứ Wales. Thế tử Frederick cũng là người đầu tiên trong số những người nhà Hanover thể hiện sự quan tâm đến nghệ thuật và khoa học, trở thành người bảo trợ lớn cho cả hai ngành này. Ông cũng đã gặp gỡ với mọi loại người khi ở nơi công cộng, thậm chí gặp một tù nhân đã tiếp tay cho những kẻ xâm lược thuộc phe Jacobite.
Những cách mà ông công khai phản đối George II đã thể hiện được sự đồng tình và phàn nàn của phần đông người dân Anh. Việc ông qua đời trước khi lên ngôi có nghĩa là con trai ông có quyền thực hiện hóa những ý tưởng về vương quyền. Kết quả là tầm quan trọng lớn lao của ông trong việc đưa nhà Hanover từ những kẻ soán ngôi kém cỏi đến từ Đức thành những vị vua yêu nước của Anh hầu như không được chú ý. Kết quả này là giải thích về triều đại của họ cho thấy George III mang tính cách mạng hơn nhiều. Nếu có thành viên nào trong gia tộc xứng đáng với cách giải thích đó, thì đó là Frederick, Thân vương xứ Wales. Chính Thế tử Frederick là nhân tố chủ chốt, với những ý tưởng đã trở thành chìa khóa thành công của nhà Hanover ở Anh. Nếu không có ông, không ai chắc chắn về sự tồn vong của vương triều; và George III có thể sẽ giống như người tiền nhiệm: không có gì nổi bật và tiếp tục khiến gia đình bị khinh miệt. Đó là một triều đại đang gặp khó khăn, không biết gì về người Anh và không quan tâm đến việc được coi là người Anh. Thế tử Frederick với mong muốn hòa nhập vào nền văn hóa đã thay đổi điều này. Ông đã biến người nhà Hanover trở thành người Anh. Ông tạo cho gia tộc này một không khí uy nghiêm. Khả năng khiến mình được nhìn thấy và sự thể hiện tính cách trước công chúng đã giúp ông được yêu mến. Sự bảo trợ nghệ thuật của ông khiến ông trở nên vương giả. Khi truyền những phẩm chất này cho người con trai sinh ra ở Anh của mình, Frederick đã giúp xoay chuyển tình thế chính trị và dư luận theo hướng có lợi cho nhà Hanover, tạo ra một triều đại được coi là người Anh.
Chương 2: Triều đại non trẻ chìm trong gian khó
What, shall a German cuckold and his fool, an ox and ape ore generous Britons rule…
Rạng sáng ngày 1 tháng 8 năm 1714, Nữ vương Anne của Vương quốc Anh hôn mê rồi qua đời. Mặc dù đã mang thai mười tám lần, nhưng không đứa con nào của Anne thọ hơn bà. Cái chết của bà đã kết thúc sự thống trị kéo dài hàng thế kỷ của Nhà Stuart. Cánh cửa này đóng lại là cánh cửa khác mở ra, sự kết thúc của nhà Stuart là sự bắt đầu của nhà Hanover, và triều đại này sẽ kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Nếu nói rằng họ gặp khó trong việc cai trị nước Anh, thì đó là cách nói giảm nói tránh. Trong mười ba năm cai trị của mình, tân vương George I phải đối mặt với vô số vấn đề và hiểm họa đối với tân triều. Về đối ngoại, nước Anh đã bị đe dọa và phải hứng chịu nhiều cuộc xâm lược nhằm tìm cách chấm dứt quyền lực của nhà Hanover và đưa người nhà Stuart theo Công giáo trở lại ngai vàng. Về kinh tế, nhiều người trong giới tinh hoa đã đánh mất khối tài sản khổng lồ khi đầu cơ vào thị trường. Về chính trị, Vương quốc Anh chứng kiến sự nổi lên của Ngài Robert Walpole với tư cách là Thủ tướng đầu tiên. Bản thân điều này rất có ý nghĩa vì nó cho thấy sự phân tán quyền lực dưới thời trị vì của George I từ chế độ quân chủ xuống chính phủ nội các. Xu hướng quyền lực được chuyển giao từ quân vương trở xuống là một xu hướng diễn ra từ Vương triều Hanover và tiếp tục cho đến ngày, với việc Nữ vương Elizabeth II đóng một vai trò mang tính chất nghi lễ hơn là thực tế. Tổng thể của những vấn đề này, kết hợp với việc George bị cho là thiếu uy nghiêm trước công chúng cũng như nhiều tin đồn thất thiệt về vợ và tình nhân của ông, đã làm suy yếu nghiêm trọng hình ảnh và uy tín của vương quyền. Chính những vấn đề này đã làm hình ảnh của người kế vị của ông là George II trở nên suy yếu. Mãi cho đến sau cái chết của vị vua thứ hai, sự đảo ngược trong quan điểm về chế độ quân chủ và sự gia tăng trong nhận thức về sự uy nghiêm mới xảy ra.
Ngày 29 tháng 9 năm 1714, gần hai tháng sau cái chết của Nữ vương Anne, cuối cùng George I đã đến được Anh. Sự chậm trễ của ông xảy ra, phần vì đoàn tùy tùng đã rước ông đi một cách chậm chạp trên khắp châu Âu, phần do thời tiết không thuận lợi khiến ông không thể vượt qua eo biển Anh. Khi ông xuất hiện trên đất Anh, thứ ông nhận được không phải là sự đón tiếp náo nhiệt và tôn vinh xứng với một quốc vương Anh. Bị trì hoãn bởi thời tiết xấu và sương mù dày đặc, sau khi chèo thuyền trên sông Thames, nhà vua đã đến Greenwich khi màn đêm buông xuống. Tân triều, được lựa chọn do đức tin, đã đến lãnh thổ của mình dưới sự bao phủ của bóng đêm như thể bản thân là những điệp viên nước ngoài chứ không phải là các vị vua tương lai.
Quá khứ kỳ lạ của vị tân vương này có thể thú vị hơn chính bản thân ông. Ngoài việc là một người Đức sinh ra và lớn lên trên lục địa, biết rất ít hoặc không biết tiếng Anh, George I là người đầu tiên lên ngôi với tư cách là một người đàn ông đã ly hôn. Trước đó, ông đã có cuộc hôn nhân dài mười hai năm (1682-1694) với Sophia Dorothea xứ Celle. Khi ông lên ngôi, họ đã ly hôn trong hai thập kỷ do bà bị cáo buộc ngoại tình với Bá tước Philip Christoph xứ Königsmarck, một người đàn ông đã biến mất khỏi hồ sơ lịch sử sau khi vụ ngoại tình bị phanh phui và được cho là đã bị giết. Về phần Sophia, bà bị nhốt trong lâu đài Ahlden trong ba mươi hai năm cho đến khi qua đời, không bao giờ được gặp lại chồng con mình, kể cả Vua George II tương lai. Những hoàn cảnh kỳ lạ trong cuộc hôn nhân của George I giống với thời kỳ Tudor hơn bất cứ thời kỳ nào của nước Anh trước thế kỷ XVIII. Kết quả là, nó cho phép các triều đình khác ở châu Âu những lời đàm tiếu, dẫn đến nhiều tin đồn về George được cho là con người nham hiểm, hoặc thậm chí có thể là kẻ giết người.
Lễ đăng quang của George diễn ra vào ngày 20 tháng 10 năm 1714, chưa đầy một tháng sau khi ông đến Anh. Sự kiện này đã nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ người dân Anh. Các nhà sử học đã khẳng định rằng nhiều lễ hội đã diễn ra trên khắp đất nước. Một số lễ hội diễn ra dữ dội đến mức có báo cáo về việc người ta đốt hình nộm của cả Giáo hoàng và lẫn kẻ đòi ngai vàng phe Jacobite là James Stuart. Sự phản đối Công giáo, theo quan điểm của nhiều người, đã bị đẩy khỏi đất nước và người theo đạo Tin Lành trung thành với George I là người bảo vệ chống lại sự trở lại của nó. Những lễ hội tràn ngập niềm vui này đã được nhiều người sử dụng để thể hiện sự nổi tiếng của người kế vị đến từ Hanover và vẽ nên một bức tranh rằng nước Anh đã chào đón tân vương của mình với vòng tay dang rộng.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy khác biệt rõ rệt. George đến từ Hanover, một nơi không được nhiều người Anh, đặc biệt là phe Jacobite, coi trọng. Họ coi Hanover là một vũng lầy. Đó là một nơi toàn lũ nhà quê, thực tế chẳng có gì hay ho ngoại trừ việc trồng được rau. Một trong những loại rau đó là củ cải và chính loại rau này đã được nhiều người sử dụng như một biểu tượng xúc phạm tân vương. Trong lễ đăng quang, một khán giả đã bị bắt vì vung vẩy củ cải lên đầu một cây gậy. Việc sử dụng củ cải vào ngày đăng quang cũng không chỉ là một sự cố. Gia sư tiếng Anh của ông là Tiến sĩ Stratford viết trong một lá thư ngày 31 tháng 10 năm 1718 gửi Edward, Nam tước Harley, đã đề cập đến một sự kiện khác diễn ra cùng ngày:
Bọn nhà quê ở cái xứ này rất dai và xấc xược. Một số thẩm phán trung thực đã gặp nhau để canh giữ ngày Đăng quang tại Wattleton, và khi sự thờ cúng đến hồi kết vào buổi tối, chúng đốt lửa trại. Khi thấy điều này, vài tên nhà quê có một củ cải rất lớn và cắm ba ngọn nến, và đi và đặt nó trên đỉnh đồi ngay phía trước nhà của ông Chetwynd ... Khi chúng làm xong, chúng đến và nói với những người thờ cúng rằng để tôn vinh ngày Đăng quang của Vua George, một ngôi sao rực rỡ sẽ xuất hiện tại nhà của ông Chetwynd. Sự thờ phượng của chúng đủ khôn ngoan để dắt ngựa đi xem kỳ quan này, và chúng không hề thất vọng chút nào, khởi đầu và kết thúc bằng một củ cải.
Điều này rõ ràng đã được thực hiện để tôn kính câu chuyện Ngôi sao Bethlehem, báo trước sự xuất hiện của Chúa Jesus với tư cách là thiên chúa. Ở đây, ngôi sao báo trước sự xuất hiện của vua nướcAnh hóa ra là một loại rau. Thông điệp trong điều này rất rõ ràng: Vua George không phải là vị vua hợp pháp của Vương quốc Anh và những người ủng hộ ông đang bị dẫn dắt bởi một người ngoài. Ở những nơi khác trong nước, bất đồng chính kiến không phải là trò đùa. Thay vào đó, những người khác đã đi theo con đường bạo lực để trút giận.
Bạo loạn dữ dội ở ít nhất hai mươi thị trấn trên khắp nước Anh nhằm phản đối các lễ hội ủng hộ nhà Hanover. Ba ngày sau lễ đăng quang, một báo cáo trực tiếp mô tả một lễ hội ở Chippenham, Wiltshire đã bị một đám đông giận dữ làm gián đoạn. Một đám rước lớn đang diễn ra “với sự vui vẻ tột đỉnh, cho đến khi bị cắt ngang bởi một đám đông ủng hộ phe Jacobite, những kẻ mang súng ống và gậy gộc, diễu hành với nhịp trống, tấn công và lạm dụng các thẩm phán, những người đã nhìn thấy những kẻ xấu xa này đã vi phạm biết bao nhiêu luật, mà lại không có biện pháp cưỡng chế nào để trấn áp chúng…” Ở Norwich, người ta tập hợp thành những đám đông và kêu lên “Tiên sư Vua George!” Tình hình tương tự xảy ra ở Birmingham. Tại Castle-Tavern, nơi một nhóm người đã đến để cử hành lễ đăng quang, những kẻ bạo loạn giận dữ đã ném vỡ các cửa kính, buộc cư dân trong đó phải ra ngoài. “Tại một khu vực khác của thị trấn, một quý ông tiếp đãi bạn bè tại nhà riêng, và để một ngày vinh quang như vậy thêm trang trọng, hãy cắm một lá cờ với biểu tượng của Vua George. Ngôi nhà này cũng chịu chung số phận với Castle-Tavern”. Người ta còn nói thêm rằng bất cứ ai trong thành phố cầu Chúa độ Vua George đều gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay năm sau, đảng Whig đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội. Cay cú, nhiều đảng viên Tory đối lập đã quay sang ủng hộ người Công giáo đòi quyền kế vị là James Francis Edward Stuart, người em trai cùng cha khác mẹ đang sống lưu vong của Nữ vương Anne. Những người ủng hộ ông, phe Jacobite (“Jacob” là từ Latin hóa của “James”), phải chịu trách nhiệm cho cả việc xúi giục và thực hiện các cuộc bạo loạn trong lễ đăng quang. Được khuyến khích bởi sự ủng hộ và nhận thấy đây cơ hội để nhanh chóng trung hưng cựu triều, James Stuart quyết định tiến hành cuộc xâm lược, và bắt đầu loạn Jacobite năm 1715. Đó là một thảm họa chiến lược và cuộc nổi loạn nhanh chóng kết thúc, phe Jacobite chỉ có thể tiến vào Preston, Lancashire, nơi họ bị đánh bại. Trong một bức thư gửi cho thị trưởng Edinburgh, Robert Corbet đã mô tả như sau: “Dường như một cuộc thảm sát đã diễn ra sau khi Tướng Wills đề nghị chúng từ đầu hàng để đổi lấy sự khoan hồng của nhà vua nhưng bị từ chối”. George I đã dễ dàng dẹp tan cuộc nổi loạn đầu tiên nhằm lật đổ ông. Tuy nhiên, nó đã cho thấy chiếc ngai vàng vẫn đang lung lay và vẫn còn nhiều người trong tầng lớp quý tộc ủng hộ nhà Stuart. Nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng thời đó đã ủng hộ phe Jacobite, bao gồm cả Tử tước Bolingbroke, người đã chạy trốn sang Pháp sau khi thất bại và không được phép trở về nước trong gần mười năm.
Bốn năm sau, năm 1719, một nỗ lực xâm lược khác của phe Jacobite với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha thất bại còn thảm hại hơn. Nguyên nhân của thất bại này nằm ở thời tiết chứ chẳng phải là của người Anh. Không nản lòng, phe Jacobite tiếp tục âm mưu và lập kế hoạch. Điều này dẫn đến việc người Anh phát hiện ra nỗ lực đảo chính thứ ba, đó là sự kiện Âm mưu Atterbury năm 1722. Tên đầu sỏ Francis Atterbury là Giám mục xứ Rochester kiêm người đứng đầu Tu viện Westminster. Phe Jacobite quyết định thực hiện âm mưu cùng lúc với cuộc bầu cử năm 1722. Những cuộc bầu cử này đã được lên lịch trước nhờ Đạo luật Bảy Năm Một Lần năm 1716 cho phép một nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài bảy năm sau cuộc bầu cử năm 1715. Do đó, phe Jacobite đã thời gian để chuẩn bị, và trong một bức thư gửi cho James Stuart ngày 22 tháng 4 năm 1721, Atterbury có vẻ hoàn toàn tự tin: “Với một chút trợ giúp từ bạn bè ở nước ngoài, con đường về nhà của ngài đã an toàn hơn bao giờ hết”.
May mắn thay cho đức vua, các đặc vụ của chính phủ đã biết được toàn bộ âm mưu ngay trước khi nó được thực hiện. Mặc dù Atterbury thoát án trong gang tấc và chịu đi đày ở lục địa châu Âu như Tử tước Bolingbroke, nhiều người khác đã bị treo cổ và xé xác. Âm mưu Atterbury chứng tỏ rằng sự phản đối chính trị đối với triều đại của George không chỉ đơn giản là đại diện cho một cuộc chiến lớn hơn của những người Công giáo chống lại những người Tin Lành. Bản thân Atterbury không chỉ là một người theo đạo Tin Lành, mà còn là một giám mục Anh giáo, chưa kể đến việc ông là người đứng đầu Tu viện Westminster. Thời kỳ cai trị của Vua George chứng kiến ba nỗ lực nổi dậy và xâm lược trong vòng chưa đầy bảy năm, một dấu hiệu cho thấy khả năng nắm giữ quyền lực của ông yếu như ra sao, và có vẻ như vương triều Hanover có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngay cả sau nỗ lực thứ ba này, sự phản kháng của phe Jacobite vẫn còn và sự tuyên truyền ủng hộ chính nghĩa của họ tiếp tục lan rộng. Một ví dụ khá xúc phạm là một bài hát xuất hiện vào năm 1722 như một bài thánh ca cho James. “No more shall foreign scum pollute our throne; No longer under such we’ll blush and groan; But Englishmen and English King will own. What, shall a German cuckold and his fool, an ox and ape ore generous Britons rule, whilst under them like dogs we sneak and howl”. Lời tuyên truyền của phe Jacobite vừa thúc đẩy, vừa duy trì phong trào hoạt động như một mối đe dọa thường trực với George và vương quốc của ông.
Bên cạnh bạo loạn và những mối đe dọa quân sự đối với quyền lực của mình, George I còn phải đối mặt với những cuộc tấn công cá nhân vào ngoại hình, trí tuệ và thậm chí cả những người tình của ông. Một số ý kiến về nhà vua thậm chí còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Nhà sử học J. H. Plumb mô tả ông là “tối dạ và chẳng quan tâm đến nghệ thuật, ngoại trừ âm nhạc”. Những người cùng thời với George I có lẽ là những người ít khoan nhượng nhất khi họ đánh giá về tính cách và vóc dáng của ông. Phu nhân Mary Wortley Montagu viết: “Có thể gói gọn về nhà vua trong một vài từ. Trong cuộc sống riêng, ông ta là một kẻ tối dạ”. Bà tiếp tục gọi ông bằng những từ như là “chính xác là một thằng đần” và tuyên bố rằng ông không bao giờ có thể từ chỗ là Tuyển hầu tước của Hanover trở thành Quốc vương của Vương quốc Anh, ngoại trừ tham vọng của những người xung quanh ông. Cuốn Memoirs of the Life and Administration of Sir Robert Walpole của William Coxe, xuất bản năm 1800, vẽ một bức chân dung không mấy nổi bật về nhà vua khi ông lên ngôi: “Ông 54 tuổi, và đã sống lâu trong một triều đình khác triều đình Anh, với phong tục và lối cư xử hoàn toàn khiến thần dân Anh ghê tởm. Ông có chiều cao thấp hơn trung bình, và dù có vóc dáng cân đối, nhưng không gây ấn tượng về phẩm giá hay sự tôn trọng”. Cuốn hồi ký tiếp tục mô tả George “căm ghét sự huy hoàng của sự vương giả” và là “người lãnh đạm và buồn tẻ khi xuất hiện trước công chúng”.
Chắc chắn sự ác cảm đối với những cạm bẫy của sự vương giả đã làm hoen ố danh tiếng và hình ảnh của George I trong lòng người Anh hơn là sự tối dạ của ông. Tác giả Lewis Saul Benjamin đã tóm tắt điều đó hay nhất vào đầu thế kỷ XX khi ông viết: “Họ không quan tâm liệu rằng ông có phải là một kẻ ngốc, nhưng họ phẫn nộ với sự thật hiển nhiên rằng ông không có phong thái quyến rũ và vẻ ngoài điển trai của người nhà Stuart; họ cảm thấy khó chịu vì ông không thích cuộc diễu hành của nhà nước; họ phàn nàn rằng ông không thường xuyên xuất hiện trước công chúng, tiện thể quên rằng khi làm như vậy ông đã bị công chúng chào đón bằng những tiếng huýt sáo giễu cợt”. Về những nhân vật lịch sử mà nhiều người nghĩ là hai tình nhân của nhà vua, Sophia von Kielmansegg và Ehrengard Melusine von der Schulenburg, công chúng đã bày tỏ sự khinh bỉ và hoàn toàn căm ghét họ. Hai người này liên tục bị chê bai bởi những kẻ phỉ báng nhà vua, những người đặt biệt danh cho họ lần lượt là “con voi” và “cây cột đá”. Nhiều người thậm chí còn buộc tội họ lợi dụng nhà vua để trục lợi. Hóa ra, chỉ có một trong hai người phụ nữ là tình nhân của nhà vua. Hầu hết mọi người đều không biết, Sophia von Kielmansegg là em gái cùng cha khác mẹ ngoài giá thú của ông, nhưng những tin đồn dai dẳng rằng cả hai đều là tình nhân và luôn kiểm soát ông vì lợi ích của mình đã nhan nhản trên báo chí vào thời điểm đó. Rõ ràng là nhiều người trong nước cảm thấy rằng George không chỉ là một cái lý do bào chữa tồi tệ cho một vị vua, mà còn khuất phục trước những ý tưởng bất chợt và ảo tưởng của những người trong nội bộ của ông. Nhiều người đổ lỗi cho các “tình nhân” của ông về những vấn đề mà đất nước đang đối mặt, tin rằng ý kiến và mong muốn của họ đang ảnh hưởng đến quyết định của nhà vua. Trong suy nghĩ của nhiều người, nhà vua không chỉ là một con rối, mà ông còn là một con rối được điều khiển bởi những người phụ nữ ngoại quốc đầy mưu mô. Nhận thức về George là người nhu nhược đã làm suy yếu vương quyền của ông. Một người không thể vừa uy nghiêm vừa yếu đuối. Những lời buộc tội rằng George không phải là người thực sự nắm quyền kiểm soát là những cáo buộc chính xác trong những năm cuối đời ông. Tuy nhiên, người trực tiếp nắm quyền cai trị không phải là tình nhân hay em gái cùng cha khác mẹ của ông. Đúng hơn, đó là vị Thủ tướng đầu tiên, Ngài Robert Walpole.
Việc Walpole lên nắm quyền là kết quả trực tiếp của sự khủng hoảng kinh tế của Công ty South Sea. Khi George mới lên ngôi, một trong những vấn đề lớn trong ngày là nợ quốc gia ngày càng gia tăng. Trong nỗ lực xoa dịu tình hình, chính phủ đã có một phương pháp sáng tạo để thoát khỏi khoản nợ. Việc này liên quan đến việc bán nợ cho một thực thể khác - Công ty South Sea mới thành lập. Công ty được thành lập vào năm 1711, ba năm trước khi George lên ngôi, với tư cách là một công ty cổ phần và được độc quyền kinh doanh tại Nam Mỹ. Trong suốt thời kỳ đầu trị vì của George, giá cổ phiếu tăng phi mã (từ 128 bảng lên hơn 1000 bảng) khiến người dân từ mọi tầng lớp xã hội đã hùa nhau cùng tham gia kiếm lời. Nhà văn châm biếm nổi tiếng Alexander Pope đã viết thư cho Phu nhân Mary Montagu để thúc giục bà đầu tư. Trong một bức thư ngày 22 tháng 8 năm 1720, ông viết:
Tôi đã được làm quen vào tối hôm qua, rằng tôi có thể dựa vào đó như một khoản lợi nhuận nhất định, mua cổ phiếu của South Sea với mức giá hiện tại, chắc chắn sẽ tăng trong vài tuần nữa, hoặc thậm chí thời gian còn ngắn hơn. Tôi có thể chắc chắn về điều này, vì bản chất của bất kỳ điều gì như vậy sẽ cho phép, từ những người đầu tiên và tốt nhất: và do đó, đã điều động người mang với tốc độ nhanh nhất đến chỗ bà.
Thật không may, chỉ vài tuần sau khi ông gửi thư, giá cổ phiếu giảm mạnh (từ 1000 bảng xuống còn 160 bảng) trong sự kiện Bong bóng South Sea. Nhiều người đã mất hàng nghìn bảng chỉ sau một đêm trong một trong những vụ sụp đổ kinh tế nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Anh. Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, nó gần như hoàn toàn là do một âm mưu tài chính gian lận liên quan đến giao dịch nội gián trong số nhiều hành vi bất hợp pháp khác. John Aislabie, Thống đốc Ngân khố, bị cách chức rồi bị bỏ tù. Nhiều người khác bị luận tội tham nhũng.
Điều khiến cho Vua George gặp khó là sự liên quan mật thiết của ông với South Sea. Hội đồng quản trị công ty đã bầu ông làm Tổng giám đốc vào tháng 2 năm 1718. Tệ hơn nữa, ông không những không thanh toán số cổ phần mình nắm giữ trong công ty mà còn coi chúng như một khoản thanh toán cho việc quảng bá công ty. Trong khi nhiều người thuộc tầng lớp giàu có bị hủy hoại bởi vụ nổ bong bóng, ông đã kiếm được hơn 45 nghìn bảng. Phe Jacobite, bao những người luôn chờ đợi cơ hội, đã dễ dàng phát hiện ra vị trí bấp bênh của nhà vua. Tháng 12 năm 170, James Stuart nói rằng “ở Anh, dường như thời cơ đã chín muồi”. Điều James Stuart nói đến hẳn là điều này. Vua George I đã trị vì được bảy năm. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, những hành động của ông hoặc sự thiếu sót đó đã tạo cho phe Jacobite cái cớ để xâm lược cũng như tạo ra chính nghĩa cho họ. Sự nghiệp của nhà Hanover ở Anh đã có một khởi đầu gian nan và mọi thứ đã chẳng thể trở nên tốt hơn.
Do hậu quả trực tiếp của vụ nổ bong bóng, Vua George (bất đắc dĩ) phải dựa vào Ngài Robert Walpole để vừa khôi phục trật tự, vừa che chở ông khỏi vụ bê bối. Năm 1721, Nam tước Carteret viết, “Nhà vua đã quyết định rằng Walpole sẽ không cai trị, nhưng điều này khó có thể ngăn lại.” Bị nhiều người nhìn với cả sự nghi ngờ và khinh thường, Walpole đã kiếm được nhiều tiền khi “bắt đỉnh” thành công. Điều này khiến nhiều người tin rằng người được nhà vua tin tưởng phó thác giải quyết vấn đề cũng đã tham gia vào vụ lừa đảo. Nhìn chung, sự sụp đổ của Công ty South Sea là một vấn đề đã tệ càng tệ hơn đối với Vua George I. Một mặt, dường như ông đã có mối liên hệ chặt chẽ với công ty, và điều này đã làm hoen ố hình ảnh của nhà vua. Mặt khác, quyền lực của Ngài Walpole ngày một tăng và nhiều người coi ông là vị Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh. Bong bóng South Sea đã trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực, từ chiếc vương miện của Quân vương, sang hội đồng bộ trưởng do Thủ tướng đứng đầu. Chắc chắn George I không thể bị đổ lỗi hoàn toàn về những gì đã xảy ra với công ty hoặc những người điều hành công ty này.Tuy nhiên, mọi việc xảy ra dưới sự theo dõi của ông và khiến quyền lực của ông bị suy yếu. Sự bất ổn và suy yếu quyền lực vương quyền đã thúc đẩy phe Jacobite hành động. Trong khi đó, quyền lực của Walpole tiếp tục tăng lên và gần như không suy giảm trong triều vua tiếp theo.
Cả Vua George I và Walpole đều thấy mình bị chỉ trích và châm biếm trong nhiều cuốn sách nhỏ và ấn phẩm, đặc biệt là cuốn Gulliver du ký của Jonathan Swift xuất bản năm 1726. Câu chuyện đề cập đến vương quốc hư cấu Lilliput, với mục đích châm biếm nước Anh. Lilliput được cai trị bởi một hoàng đế, người có một vị đại thần thân tín là tổng trưởng tài chính Flimnap, và mọi độc giả có thể thấy rõ hai nhân vật này lần lượt đại diện cho Vua George I và Thủ tướng Walpole. Trong một miêu tả về Flimnap trong truyện, Swift viết (theo góc nhìn của Gulliver): “Người ta nói với tôi, trước đây một hay hai năm, Flimnap đáng lẽ đã ngã gãy xương nếu không rơi vào cái gối của nhà vua, tình cờ lại ở ngay đó, làm cho vị tổng trưởng đỡ đau”. Đây là một cách nói táo tợn của Swift, rằng Walpole sẽ không bao giờ vươn từ vị trí bất lợi ở thời điểm George I mới lên ngôi đến vị trí tối cao năm 1726 nếu không có những âm mưu chính trị, cụ thể là sự hỗ trợ và ảnh hưởng của nhà vua.
Chưa đầy một năm sau khi tác phẩm của Swift được xuất bản, Vua George I đã qua đời. Trong chuyến về thăm quê nhà Hanover, George bị đột quỵ và mất vào ngày 11 tháng 6 năm 1727. Ông đã ở Hanover khi loạn Jacobite nổ ra, và cũng đã ở Hanover khi bong bóng South Sea nổ tung. Thật hợp lý làm sao, khi ông ở Hanover vào thời điểm qua đời, nơi mà ông đã bị chỉ trích vì đã quan tâm hơn cả vương quốc của ông. Với sự qua đời này, người ta có hy vọng về một triều vua khác dưới thời Vua George II - một triều vua có lẽ sẽ mang “chất Anh” hơn và yêu nước hơn so với George I. Thật không may cho người dân Anh, phần lớn những hy vọng đó đều kết thúc trong thất vọng. Nhiều vấn đề khác nhau, từ xâm lược quân sự đến những khiếm khuyết tính cách cá nhân, những điều đã làm khó George I nay lại làm khó cho trưởng tử của ông hơn. Chưa kể, triều Vua George II khiến vị tân vương phải đối mặt với những vấn đề và chỉ trích tương tự cha mình trong thời gian dài gần gấp ba lần người tiền nhiệm.
Now Dunce the second reigns like Dunce the first.
Ông thậm chí còn không giấu giếm sự chống đối bằng cách lập ra một triều đình đối lập. Theo lời của nhà sử học Ragnild Hatton, ngụy triều này “đã tạo ra một ấn tượng tồi tệ và buồn tẻ tới mức không thể nào sánh nổi với triều đình của George I”. Mặc dù vậy, việc ông kết thân với nhiều đối thủ chính trị lớn nhất của George I khiến họ hy vọng rằng bản thân sẽ được hưởng nhiều ân điển khi Thân vương xứ Wales lên ngôi. Cuối cùng họ cũng đã có dịp được kiểm chứng những điều mình mong đợi vào năm 1727. Theo lời của J. H. Plumb: “Giống như cha mình, George ngốc nghếch nhưng phức tạp. Những cảnh không rõ nét là một phần khuyết điểm của ông”. Nhà văn châm biếm nổi tiếng XVIII Alexander Pope đã ám chỉ sự kế vị của George II trong tác phẩm The Dunciad của mình. Được xuất bản ẩn danh chỉ một năm sau khi George II lên ngôi, tác giả đã có câu châm biếm nổi tiếng: “Bây giờ Dunce đệ nhị trị vì như Dunce đệ nhất”. Bằng giọng văn gần như tiên tri, Pope đã tiên đoán chính xác sự xoay vần của lịch sử đã xảy ra trong triều vua kế tiếp.
Như cha mình, George II đã phải đối mặt với mối đe dọa xâm lược của phe Jacobite. Phe này đã coi George I là một kẻ phải bị loại bỏ để đưa nhà Stuart trở lại ngai vàng. Trong mắt những người ấy, George II cũng không khác gì cha mình, mục tiêu cũng vẫn vậy; và giống cha mình, George II sẽ phải đối mặt với một cuộc xâm lược quân sự. Điều đó đã xảy ra, và được lưu danh sử sách với tên gọi Loạn Jacobite 1745. Được lãnh đạo bởi Vương Tử Anh Tuấn Charlie (tức Charles Edward Stuart), trận chiến quan trọng đầu tiên là trận Prestonpans (ban đầu được gọi là trận Gladsmuir) vào ngày 22 tháng 9. Sau một chiến thắng quan trọng của phe Jacobite (khi quân của George II bị đánh tan), Charles Edward Stuart đã viết một lá thư cho giới quý tộc Anh vào ngày 2 tháng 11. Trong bức thư này, y so sánh hành động hào phóng của mình trái ngược với cách cư xử của George I trong trận Preston năm 1715. “Hãy so sánh sự khoan hồng của ta (tức Charlie) đối với tất cả các tù binh và thương binh trong trận Gladsmuir, với những vụ hành quyết, giam cầm và trục xuất bởi lũ người Đức (ám chỉ nhà Hanover) sau chiến thắng của chúng trong trận Preston vào 1715, và tình cảm của ngươi sẽ cho ngươi biết ai mới là người cha đích thực của nhân dân”. Vương Tử Anh Tuấn Charlie đã mô tả bản thân là người giàu trắc ẩn và tràn ngập lòng nhân ái, trái ngược với những người Hanover, và sự khắc họa bản thân đó là điều khiến y trở nên xứng đáng với ngai vàng hơn.
Công tác tuyên truyền đã giúp Charles Stuart ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ hơn. Loạn Jacobite 1745 đã tiệm cận thành công đến mức khiến cho việc phòng thủ Manchester bị bỏ lại và khiến London rơi vào tình trạng hoảng loạn trong một thời gian ngắn. Ngày 15 tháng 12, Điện Whitehall gửi một lá thư đề cập đến việc chia nhỏ quân đội ở xứ Essex và xứ Kent để bảo vệ kinh đô. Tuy nhiên điều này là không cần thiết, bởi quân Jacobite không thể tiến vào London. Thay vào đó, chúng bị đẩy trở lại Scotland trước khi bị con trai út của George II là Vương tử William Augustus, Công tước xứ Cumberland đánh bại trong trận Culloden. George II đã suýt nữa để mất vương quốc của mình.
Những lời gièm pha về George II được buông ra không phải là điều lạ, bởi khi Loạn Jacobite 1745 diễn ra, nhà vua đã không ở London khi cuộc nổi loạn bắt đầu. Thậm chí ông còn không ở Anh, bởi ông đang về quê nội Hanover. Cũng như với George I, điều này đã trở thành một chủ đề để người ta chế nhạo ông. Giống như cha mình, George II thường bị người Anh chế giễu vì sự thờ ơ của ông đối với đất nước. Trên thực tế, có thể lập luận rằng sự khinh thường của người Anh đối với hành vi này về bản chất thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với dưới thời George I. Vào năm 1736, chín năm trước cuộc nổi loạn, khi nhà vua đang về quê, một quảng cáo châm biếm được treo trên cổng của Điện Thánh James, nội dung đại thể là người chủ ngôi nhà này đã mất tích, để lại vợ và sáu đứa con. Hành vi cực đoan này đã cho thấy sự bất khoan dung của người Anh đối với người nhà Hanover thường xuyên rời vương quốc đến để về thăm quê.
Như thể điều này vẫn chưa đủ đáng quan tâm, George II nhận thấy ông còn gặp nhiều vấn đề lớn hơn. Năm 1736 cũng là năm Quốc hội thông qua Đạo luật Gin (tức Đạo luật Bán rượu mạnh) năm 1736. Đây là một trong một loạt Đạo luật Gin được thông qua vào các năm 1729, 1736, 1743, 1747 và 1751. Những Đạo luật Gin (đều được thông qua dưới thời trị vì của George II) có mục đích hạn chế cơn thèm rượu ngày càng gia tăng của người Anh đối với thứ đồ uống này - một cơn thèm lớn đến mức nó được gọi là Cơn Cuồng Rượu Gin. Phản ứng dữ dội từ người dân London chống lại Đạo luật này lớn đến mức quân đội phải được triển khai khắp thành phố để giữ hòa bình. Thủ tướng Walpole viết, “... thường dân thì xì xào và phàn nàn vì không được uống rượu, còn những người bán rượu đã phải chịu những thiệt hại to lớn, tất cả họ đều cần nhận được sự quan tâm lớn hơn ...” Các phản ứng khác đối với Đạo luật bao gồm treo biển hiệu quán rượu để than khóc, chế giễu luật pháp trong vở kịch có tên The Deposing and Death of Queen Gin, và tụ tập trên đường phố để hét lên, “Không có rượu thì không có vua!”
Nhiều người cảm thấy Vua George II không phải là người chịu trách nhiệm cho hành động này, mà là Vương hậu Caroline và Walpole. Trên thực tế, ấn tượng chung trong cả quốc gia là Vương hậu mới thực sự là người đứng sau giật dây mọi thứ và George II chỉ là một con rối của bà. Việc nhà vua bị coi là một con rối của người khác dường như đã trở thành truyền thống của nhà Hanover. George I bị nhiều người cho là con rối trong tay những người tình của ông. Tương tự như vậy, George II bị coi là một con rối dưới ảnh hưởng của Vương hậu Caroline và Thủ tướng Walpole. George II cũng không phải là không biết về những tin đồn như vậy, và thường nổi cơn thịnh nộ khi nghe những tin đồn ấy. Một lần George II đã nổi cơn tam bành khi đọc được những câu thơ như sau:
You may strut, dapper George, but ‘twill all be in vain; We know ‘tis Queen Caroline, not you, that reign – you govern no more than Don Philip of Spain. Then if you would have us fall down and adore you, lock up your fat spouse, as your dad did before you.
Sau đó, khi nỗ lực thể hiện sự độc lập của mình, nhà vua bắt đầu cư xử thô lỗ với Vương hậu ở nơi công cộng, sẵn sàng công khai những mâu thuẫn giữa họ để mọi người thấy. Hơn nữa, ông từ chối nói chuyện với Huân tước Marlborough trong vài tháng. Điều này là do Marlborough đã thừa nhận với George II rằng ông này đã biết về câu thơ, nhưng từ chối tiết lộ ai đã thông báo cho mình.
Trên hết, giống như cha mình, George II cũng gặp bất hạnh khi bị coi là một kẻ dốt nát. Tuy nhiên, trong khi George I tỏ ra thiếu hiểu biết do không quan tâm đến các vấn đề của nước Anh và cách cư xử “ngớ ngấn” trước công chúng, George II đã công khai thừa nhận rằng ông không thích bất cứ điều gì được dạy. Khi được cho xem bức tranh khắc The March to Finchley của William Hogarth, ông thốt lên bằng giọng Đức đặc sệt của mình, “Cái gì! Một họa sĩ chế nhạo một người lính? Gã xứng đáng bị loại vì sự xấc xược của mình! Hãy đưa đống rác của hắn ra khỏi tầm mắt ta!” Điều này xảy ra sau khi ông kêu lên: “Ta ghét hội họa và thơ ca! Cả người này lẫn người kia đều không làm được gì tốt cả!” Đáp lại, Hogarth, thay vì dâng tác phẩm cho nhà vua, đã thay đổi dòng chữ thành: “Vua nước Phổ, người khuyến khích nghệ thuật và khoa học”. George II luôn luôn có một lòng căm thù đối với “các nhà thơ và họa sĩ”. Ông chưa bao giờ quan tâm đến việc học, tuyên bố rằng ông “ghét tất cả những thứ đó từ khi còn nhỏ” và “cảm thấy như thể ta đang làm điều gì đó xấu xa và không xứng đáng với bản thân”.
Điều này được kết hợp bởi cách mà George II, Vương hậu Caroline và Walpole được biếm họa trong các cuốn sách nhỏ nổi tiếng thời đó. Triều đại của hai cha con ông trùng hợp với sự nổi lên của tranh tiếu lâm chính trị như một cách thể hiện sự bất đồng và làm nổi bật nhận thức của người dân về chính phủ. Dưới thời George II, nó đang đạt đến thời kỳ hoàng kim. Có lẽ bức tranh biếm họa nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là một bức vẽ vô danh xuất bản năm 1740 với tựa đề Idol Worship, or the Way to Preferment.
Ở đây, chúng ta thấy lối vào kho bạc nước Anh bị chặn bởi cặp mông trần của Walpole. Hai người đàn ông nhỏ hơn đại diện cho những người muốn lấy tiền từ kho bạc. Hành động của họ thể hiện sự thật rằng bất cứ ai muốn bất cứ thứ gì từ chính phủ trong thời kỳ này đều biết họ phải bợ đít ai đó. Bức biếm họa này cho rằng Walpole chứ không phải George II mới là người cai trị nước Anh. Thậm chí có thể ngụ ý của bức tranh này là nhà vua sẽ phải hạ mình để làm theo ý muốn của Walpole.
Một bức biếm họa nổi tiếng khác là “Sư tử Anh ốm đói” năm 1743. Trong đó, một con ngựa Hanover được vẽ như đang cưỡi một con sư tử Anh rất đói và tiều tụy. Điều này nhằm mục đích chế nhạo các chi tiêu quân sự của George II trên lục địa đang được sử dụng trong cuộc chiến chống Pháp của nhà Hanover. Con ngựa Hanover đại diện cho cả xứ Hanover và George II trong khi con sư tử Anh bị bỏ đói. Như vậy, bức biếm họa truyền đi thông điệp rằng nhà vua đang ném các nguồn lực của Anh sang lục địa, khiến quốc gia này ngày càng yếu đi. Cả chiến dịch quân sự và các bức tranh biếm họa càng khẳng định thêm ý kiến rằng George II đang làm nước Anh suy yếu để giúp đỡ xứ Hanover thân yêu của mình.
Dưới thời Hanover, nước Anh chứng kiến một đội quân xâm lược suýt tiến được vào London để phế truất nhà vua, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ thời Trung cổ. Trong khi George I chỉ phải chịu một cuộc xâm lược ngay sau khi đăng quang, cuộc xâm lược năm 1745 cho thấy sự lên án thực sự đối với nhà Hanover. George II đã cai trị gần 20, năm và do đó, có thể coi Loạn Jacobite 1745 là một lời phê bình trực tiếp đối với sự cai trị của ông. Sau 30 năm cai trị, chiếc ngai vàng của nhà Hanover năm 1745 không vững chắc hơn là mấy so với năm 1715.
Điều này không thể được giải thích một cách đơn giản với lập luận rằng những phe Jacobite có quyền kế vị ngai vàng. Thực tế là họ đã tiến hành những cuộc xâm lược liên tiếp, với lần sau thành công hơn lần trước, cho thấy rằng luôn có sự hỗ trợ đáng kể cho việc lật đổ nhà Hanover. Điều này không chỉ đến từ những kẻ thù truyền kiếp của Anh là Pháp và Tây Ban Nha. Bằng chứng là Âm mưu Atterbury, có rất nhiều sự ủng hộ dành cho Jacobite ở Anh. Nếu không có những sự ủng hộ này, Loạn Jacobite 1745 sẽ không bao giờ có thể chinh phục Scotland, tiến vào nước Anh và đe dọa toàn London trong vài tháng. Các vấn đề và mối đe dọa đối với gia tộc Đức mới lên ngôi còn sâu sắc hơn nhiều so với cuộc chiến của họ với phe Jacobite. Hơn nữa, chúng đã trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân bởi hành vi của George I và George II, cùng với sự coi thường ngày càng tăng của Thủ tướng Walpole.
(còn tiếp)
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất