Vũ Trọng Phụng –nhà văn hiện thực đáng đọc của Việt Nam
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Quê ông ở Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn...
Tiểu sử:
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Quê ông ở Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuy ông mất khi còn rất trẻ nhưng đã kịp để lại cho hậu thế rất nhiều tác phẩm hay từ tiểu thuyết, phóng sự, truyện ngắn và tác phẩm của ông luôn mang tính thời sự cho đến tận bây giờ.
Về nội dung:
Ông sống trong thời kì nửa thực dân nửa phong kiến, nên các tác phẩm của ông cũng chủ yếu nói lên xã hội thời bấy giờ. Giống như nhiều nhà văn cùng thời, ông theo trường phái tả thực, có nghĩa là đời sống xung quanh ông như thế nào thì ông miêu tả trong các tác phẩm của mình như vậy, không lãng mạn, không viễn tưởng, không cổ động tuyên truyền.
Vũ Trọng Phụng dám khai thác những khía cạnh, những lát cắt thú vị hoặc ít ai thời đó dám đụng như vấn đề me Tây trong “Số đỏ”, gái bán hoa trong “Làm đĩ”, nghề osin trong “Cơm thầy cơm cô”. Thậm chí khi phát hành “Làm đĩ”, ông còn phải chịu “gạch đá” từ dư luận thời đó. Đến nỗi Vũ Trọng Phụng phải lên một lời tựa như thay cho lời phản hồi. Xin trích một đoạn:
“ Một thiên tiểu-thuyết phụng-sự cái dâm?
Xin các nhà đạo-đức hãy khoan buộc tội! Cái dâm tự nó không những nó không xấu, mà nó còn là cái điều cao thượng, đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin đề Freud, Goethe, Schiller, Yên-đổ, Nguyễn-công-Trứ, cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có là điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng cũng đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài - ôi! hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta, như anh em ta! - tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người tự cho mình là đứng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì lại chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng?”
Nhiều người thấy những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng mang giá trị thời sự đến tận hiện tại thì nghĩ rằng ông “tiên tri” giỏi. Mình thì không nghĩ vậy, ông viết về thời của ông, chỉ thế thôi, nhưng những vấn đề mà ông đề cập thực ra lại xuất hiện ở bất kì thời đại nào, dù là 1000 năm trước hay 1000 năm sau. Suy cho cùng, cho dù con người có phát triển về công nghệ khoa học như thế nào nữa thì vẫn có những vấn đề cố hữu trong xã hội và trong mỗi con người, chỉ là bình mới rượu cũ.
Về xây dựng nhân vật:
Những nhân vật ông xây dựng không hề theo lối mòn, không phải cứ địa chủ, quan lại là tham lam ác độc, không phải cứ người nghèo kẻ khổ là đàng hoàng tử tế. Không một type nhân vật nào được hình tượng hóa hoàn hảo cả, ngay cả nhân vật chính, mỗi nhân vật như mỗi người ngoài đời, đều có điểm tốt và điểm xấu. Chính vì vậy khi đọc văn của Vũ Trọng Phụng ta thấy rất thú vị, thân thuộc, dễ đồng cảm với nhân vật. Nhân vật nổi tiếng nhất của ông có lẽ là Xuân Tóc Đỏ, nổi tiếng đến nỗi nhiều người có thể chưa đọc "Số đỏ" nhưng cũng biết tới nhân vật này.
Về phong cách:
Tuy viết về hiện thực ngay thời kì khó khăn, nhiều biến động nhưng khi đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ta không hề thấy sự nặng nề hay giáo điều, dạy đời. Đặc trưng phong cách của ông là trào phúng, rất hài hước, ngôn từ ông sử dụng rất “bình dân”, thậm chí nhiều từ địa phương. Đối với mình, sự trào phúng là điểm cộng rất lớn khi đọc thể loại hiện thực, vì nhìn gần, cuộc đời là bi kịch, nhưng nhìn xa, cuộc đời là hài kịch. Sự trào phúng làm các nhân vật thêm ấn tượng, ghi sâu trong đầu người đọc, mang một chất riêng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất