Con trai ít biểu cảm, ứng xử đúng mực và có phần khách khí với người lạ. Chàng chỉ nói chuyện, cười nói hồn nhiên với người nhà và bạn bè thân thiết. Dù đã luôn được động viên kết bạn, giao tiếp với nhiều người khác nhau, chàng vẫn thích hoặc ở một mình hoặc với người mình quý mến. Chàng bảo, con thà ở một mình  và với người con thích còn hơn phải mang khuôn mặt xã giao quá lâu, bởi nó có thể làm con dần quên mất con người thật của mình  Con muốn có thời gian suy nghĩ, có thời gian tìm hiểu những thứ con thích. Con ổn với một vòng tròn nho nhỏ ấm áp quanh mình và không cần đến đám đông.

Mình tin mỗi người thể hiện cái tôi của mình khác nhau với những người khác nhau. Mỗi người đều có cái vòng tròn thân mật mà người ta gọi là “comfort zone’, nơi họ có nhiều nhất tự tin để thể hiện mình như mình muốn. Nhưng mình cũng mong con trai dám mạo hiểm bước ra khỏi cái vòng khoan khoái ấy, tìm hiểu những gì mình còn chưa biết về cả bản thân và thế giới xung quanh qua con người, sự kiện mà mình gặp. Dám bước ra khỏi vòng an toàn, sẽ giúp con mở rộng chính nó, bởi con sẽ có thêm những người bạn tốt, hiểu mình hiểu người hơn và dần biết cách xử lý mâu thuẫn bên trong bản thân và cả với bên ngoài.  Vào những thời điểm nhất định, khi cần một khoảng không riêng, con luôn có thể trở về, vạch lại ranh giới vòng tròn nhỏ của mình, bên số ít những người con thật sự tin tưởng yêu thương.

Con trai kể, mỗi người Nhật có 3 khuôn mặt. Một khuôn mặt cho thế giới xung quanh, một khuôn mặt cho bạn bè người thân, và một khuôn mặt không ai nhìn thấy được ngoài chính người ấy. Khuôn mặt không ai nhìn thấy là hình ảnh trung thực nhất của cái tôi mà họ có, là sự thực thà tuyệt đối mà họ dành cho bản thân. Không tự nhiên mà “mặt nạ” và “vẽ mặt” là một phần của rất nhiều nền văn hóa. Cả hai đều khiến người mang nó cảm thấy an toàn, được che giấu cái tôi thật của mình, phần cuộc sống riêng tư của riêng mình bằng một khuôn mặt khác trước những lễ nghĩa và định kiến xã hội. Mình bảo, mẹ sinh con ra chỉ có một khuôn mặt, hãy luôn giữ nó là khuôn mặt thật của con. Sự riêng tư khác với giả dối. Cái tôi bên trong càng khác với khuôn mặt xã hội của một người, với con người mà người ấy muốn trở thành thì anh ta càng đơn độc và khổ sở. Còn gì khổ sở hơn không được sống thật, không cảm thấy thoải mái trong chính cơ thể của mình.

Chị bạn mình lúc nào cũng  ung dung vui vẻ. Chị  luôn tìm được những điều hay ho cả trong những tình huống bực mình. Những chuyện rất tệ hại, khi có chị đều thành ra nhẹ nhõm. Ai cũng tưởng tính cách ấy có được bởi chị mọi sự đều vui vẻ hanh thông, nhưng thực ra chị từng đau khổ vật vã nhiều năm với nghịch cảnh gia đình. Nỗi buồn này kéo chị vào nỗi buồn khác, chạy trốn cô đơn đẩy chị vào nơi thấy trống trải cô đơn hơn trong một vòng luẩn quẩn toàn nước mắt. Chị càng thu mình, cái vòng tròn nhỏ của chị càng siết chặt và nỗi cô đơn càng lớn hơn. Một ngày, chị quyết định bước ra khỏi cái vòng ấy, tìm kiếm lại bản thân  và những giá trị mà cuộc sống nhiều khúc mắc làm chị bỏ quên đâu đó,  tìm lại những điều có thể khiến chị an ổn vui vẻ,  tìm lại lòng dũng cảm giúp ứng phó với khó khăn thay vì chạy trốn. Rồi chị thay đổi dần thành người chị muốn, ít khóc và cười nhiều hơn, cái vòng nhỏ của chị mở rộng cho cả bạn bè đồng nghiệp xung quanh và chị không còn mâu thuẫn hục hoặc với bản thân mình.

Mình từng có  một đồng nghiệp rất xinh đẹp thú vị. Nàng quảng giao, xung quanh luôn có rất nhiều bạn bè, lịch của nàng luôn kín những hẹn hò ăn uống. Nàng luôn là tâm điểm của những đám đông và nàng thích vậy. Sự chú ý của đám đông giống như một thứ ma túy, ngấm dần vào đầu óc cơ thể nàng. Nó khi tạo ra sự huyễn hoặc bản thân từ dòng chảy cuồn cuộn lấp lánh của những lời khen ngợi và những cuộc vui, khi lại khiến nàng sợ hãi bị bỏ lại phía sau như một thứ đồ quá đát. Nàng sợ cảm giác bị tách biệt khỏi đám đông, sợ sự quyến rũ của nàng sẽ nhạt nhòa biến mất. Sợ đến nỗi nàng nói điều đám đông kia thích, không phải điều nàng nghĩ, quan tâm đến những việc đám đông quan tâm dù đó là điều nàng trước nay chẳng thấy mảy may thú vị. Nàng chủ động bước ra khỏi vùng an toàn, chủ động thay đổi để kết nối, nhưng nàng quên mất nhìn lại thật sâu thật kỹ xem mình là ai và thật sự muốn gì, để đến nỗi thành người lạ trong cơ thể cũ. Con người thật, tính cách vốn rất mạnh mẽ của nàng dần nhạt mất phía trong chiếc mặt nạ hoàn hảo được mang để có được sự trầm trồ  khen ngợi của nhiều người. Bước ra khỏi vùng an toàn, không có nghĩa là lao thẳng vào đám đông và biến mất, bởi mục đích sau cùng vẫn là khám phá và phát triển bản thân.

Sự trưởng thành là khả năng hiểu rõ năng lực và tính cách, điều mình muốn, không gian an toàn của mình và dám –vào những thời điểm nhất định-bước qua ranh giới của nó để khám phá cuộc sống và phát triển bản thân. Sự trưởng thành ấy, suy cho cùng, là để một người không phải mang nhiều khuôn mặt.
 Phạm Việt Hà
Tháng 11 năm 2016