Vốn dĩ tình yêu là chuyện khó nói
Tình yêu là điều khó nói. Người không cần phải gắng sức vượt qua nỗi đau, bởi đôi khi, cho phép bản thân chìm đắm trong bi thương cũng là một dạng yêu thương.
Chuyện tình yêu là chuyện khó nói. Khó đến nỗi kẻ trong cuộc thì mù mờ, còn kẻ ngoài cuộc, tưởng chừng thông thái, lại thành ra phiến diện. Cái gì tốt, cái gì xấu. Thế nào là chân thành, thế nào là giả dối. Hết thảy đều chẳng thể chỉ dựa vào điểm số IQ với mớ công thức, lý thuyết gom góp được để chứng minh hay biện luận. Như cách “O Captain! My Captain!” (Mr.Keating - Dead Poets Society) đã nói về công thức toán đo lường sự xuất sắc của một bài thơ dựa trên sự hoàn hảo và tầm quan trọng, “excrement”. Bởi sao có thể gọi là tình yêu khi chối bỏ tất cả các khía cạnh đối lập và vô lý của con tim. Bởi sao có thể gọi là tình yêu khi chối bỏ vẻ đẹp hoàn hảo được chạm khắc bằng mọi chất liệu nối liền thể xác và linh hồn.
Phần 1: Hồi tưởng và chấp nhận là vượt qua khủng hoảng.
Trái tim ta là đứa trẻ ngây ngô và là nàng Đát Kỷ tâm cơ. Bao dung trong ích kỷ. Ích kỷ trong bao dung. Nó khiến người cười trên môi nhưng đớn đau khắc tận tâm can cùng lúc. Nó khiến người khóc đỏ cả mắt song lại mở cờ trong bụng. Hồ như quang cảnh vẹn sắc niết bàn, thế mà chớp mắt lại thấy hỏa ngục hiện hữu. Vậy nên, chuyện tình yêu mới là chuyện khó nói.
Em lạc bước giữa Paris vào những năm hai mươi. Một vẻ hoài cổ và diễm lệ được ôm trọn bên trong vòng tay của tự do với ngôn từ và ý tưởng. Những buổi chiều đầu thu ở tả ngạn sông Seine (Rive Gauche), một chút nắng nhẹ vuốt ve mái tóc và làn gió lả lướt qua từng kẽ tay khỏa lấp một thể xác trống rỗng, lạc lối. Cậu nhân viên mang cả bầu trời trong đôi mắt, khẽ đặt “ly” cà phê đen xuống và rời đi. Dường như, cậu hiểu rằng: “Đánh thức một thể xác đang cố kết nối với linh hồn là một tội lỗi đáng khinh của một tâm hồn ti tiện.” Cà phê nóng hổi được đặt trong ly dùng để uống rượu vang: “Quả là một trò cười ở nơi mình sinh ra”. Một ý nghĩ như thế đã song hành cùng sự điên rồ kia. Một ý nghĩ đại diện cho cái tôi ngoại cỡ được nuôi dưỡng bởi thứ đạo đức mang tên “ánh nhìn của xã hội”. Một ý nghĩ khiến em vừa cảm thấy thương hại vừa nguyền rủa chính mình, thứ thể xác không linh hồn.
Hai đầu ngón tay chạm lên phần chân của ly, cổ tay xoay ngược chiều kim đồng hồ. Thước phim tuy ngắn ngủi nhưng sống động đến nỗi ắt hẳn nếu là đoạn quảng cáo cắt ngang bộ phim đang hồi gay cấn, người ta cũng chẳng mảy may nổi cáu như vốn dĩ. Nếu chỉ được miêu tả trong hai chữ về chuỗi chuyển động mê hoặc ấy, có lẽ sẽ không có gì hoàn hảo hơn “vừa đủ”. Không có bất kỳ động tác thừa thãi nào. Không có bất kỳ sự lãng phí, thiếu hụt hay bất ổn nào của lực tác động. Tất thảy diễn ra trong một dáng vẻ từ tốn, nhịp nhàng. Giống như một bức tranh với bố cục hoàn chỉnh, kỹ thuật nét vẽ thành thạo và màu sắc hài hòa, nó thu hút em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cảm xúc trong em tăng lên nhanh chóng. Khoảng cách giữa đầu mũi và bức tranh mỗi lúc một gần hơn. Số bước chân càng nhiều, tầm nhìn càng hẹp lại. Từ tổng thể chuyển sang chi tiết. Từ thích thú chuyển sang tò mò. Cho đến khi đôi mắt dừng lại ở góc phải dưới cùng của khung tranh, dấu chấm rơi xuống- “nội dung” HẾT.
“Đó là tất cả?”, câu hỏi vọng lên từ nơi sâu thẳm nhất trong em. Chờ! Em khắc khoải chờ đợi sự phản đối. Dẫu chỉ là một cử chỉ lắc đầu chớp nhoáng cũng không thành vấn đề. Hết thảy đều được chấp nhận miễn là sự phản đối.
“Sau đó, từ đâu đó bỗng cất lên một tiếng “Không” dõng dạc vang dội cả gian phòng.”
Một khoảng không tĩnh lặng bao trùm cả gian phòng. Không một tiếng động vang lên. Chiếc đồng hồ treo tường, loại cổ điển - màu nâu, nặng nề nhích từng chiếc kim. Không có gì. Không có gì cả. Kể cả bốn bức tường trắng xung quanh cũng không một chút tì vết. Chỉ đơn giản là trắng và không âm thanh.
Em bắt gặp tim mình đập nhanh liên hồi cùng cảm giác nhói đau nơi lồng ngực khôn xiết. Như thể mạch máu, mô cơ,... tất cả những gì gắn kết, bao bọc lấy nó đều bị kéo căng hết mức theo từng nhịp đập. Khuôn mặt trắng bệch càng làm bật lên sắc xanh, tái nhợt của đôi môi. Em bần thần cố gắng lấy lại nhịp thở, chờ đợi khoảnh khắc này qua đi. Các mảnh vỡ bắt đầu được dính kết, cũng là lúc trái tim thôi gào thét. Song dường như, nỗi ấm ức vẫn còn đó, âm ỉ cấu ngắt mảng da thịt đỏ hỏn phía đối diện. Sự hụt hẫng giam cầm ta trong căn phòng được sơn trắng, thứ màu trắng ngà trinh nguyên và cô đặc. Sự cô lập lấy đi tất cả thanh âm và sự kỳ vọng trừng phạt ta bằng cách chứng kiến thời gian trôi qua.
“People read about love as one thing and experience it as another. Well, they expect kisses to be like lyrical poems and embraces to be like Shakespearean dramas.”
Il bel far niente có nghĩa là vẻ đẹp của việc không làm gì. Không một chút mỉa mai, người Ý thật sự luôn ấp ủ một lý tưởng như thế. Không có định nghĩa nào cho ý niệm “không làm gì” vì ngay cả khi chúng ta ngủ, não vẫn không ngừng hoạt động. Nó vận hành cơ thể và đảm bảo mọi thứ diễn ra một cách hiệu quả nhất. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng “thư giãn” hay “nghỉ ngơi” trở nên xa xỉ với trí óc. Mà ngược lại, những khoảng thời gian đó chính là khi ta cho phép mình ngừng suy nghĩ, chuyển hướng tập trung nhận thức từ tâm trí sang cơ thể. Đó là cái đẹp mà Il bel far niente nói đến, không làm gì mà vẫn đạt được sự thành công đáng ngưỡng mộ.
Ta không làm gì nghĩa là ta không nghĩ, không so đo, không tính toán thiệt hơn. Ta tập trung ý thức mình vào các công cụ tương tác khác với thế giới xung quanh, với hiện tại. Cơn mưa rào chợt đến, đừng vội vàng tăng tốc. Bánh xe quay thật chậm, chẳng mảy may khoác áo. Làn da trắng và mỏng lưu giữ từng giọt nước mắt rơi. Xúc giác cảm thấu nỗi niềm Người trên cao, cùng thị giác vỡ òa, sẻ chia với hạ vũ. Hay một sớm tinh mơ, đôi chân nhịp nhàng vẽ vòng xoay của bánh xe đạp. Đoạn đường mươi cây số nối liền lòng mình với biển khơi. Mỗi một đoạn dốc cao là hồi chuông đánh thức hết thảy các nhóm cơ và hệ tuần hoàn còn mớ ngủ. Đôi tai ngập tràn trong tiếng hát vang vọng từ vực sâu thăm thẳm. Một giai điệu đau đớn của chiến thắng rền vang.
Années folles, sông Seine và những chiều hoàng hôn chưa bao giờ thất bại trong việc gột rửa tâm hồn. Thế nhưng, chẳng có ánh sáng nào tồn tại mà không cần bóng đêm. Vì lẽ đó, Années folles, sông Seine và những chiều hoàng hôn cũng sở hữu tài năng khuếch trương bi thương của bất kỳ ai.
Đắm mình trong dòng chảy vĩnh cửu, em đưa tay nắm lấy giây phút này. Một thể xác trống rỗng rảo bước vô định, ngân nga theo giọng hát của Damia vẳng lại từ đâu đó. Je le cafard là khúc ca của linh hồn trầy trật ngày qua ngày, cốt xoa dịu nỗi ray rứt, chán nản và buồn đau nơi tâm khảm. Cô mắc kẹt trong vòng lặp của bao đêm tiệc xa hoa, náo nhiệt; cocktail, champagne, Scotch; và thậm chí là mọi loại chất kích thích, như morphin hay ether. Paris về đêm là thời khắc chạng vạng hòa mình với bóng tối se lạnh. Và khi thiên đường từ từ nở những bông hoa lấp lánh, Seine sẽ đánh thức nỗi nhức nhối của ta bằng tiếng kèn saxophone dạt dào xúc cảm và một chút táo bạo. Sắc vàng óng ả từ dăm chỗ kích thích đê mê của đàn bà thắp sáng cả Rive Droite thoang thoảng Chanel No.5.
Ánh nắng mặt trời tươi mới và trong lành đánh thức cô gái rũ rượi sau cuộc mê loạn đêm qua. Cơn đau đầu khiến cơ thể bất động chỉ có thể hướng mắt về phía trần nhà. Thôi dằn vặt tâm trí, em mệt mỏi, lặng người đếm nhịp thở ngắt quãng. Bên ngoài khung cửa sổ toang hoác văng vẳng tiếng ca của chim ác, một sinh vật kỳ lạ. Nó là một cá thể sống đời thanh thản giữa lằn ranh của hạnh phúc và đau thương. Cả thảy những gì nó cần là tâm hồn của chính mình, một tâm hồn đón nhận mọi mảng sáng - tối của nghệ thuật. Có một thuở xa xưa nọ, người ta ví von phụ nữ với loài chim. Lời giải thích ngắn gọn duy nhất vỏn vẹn trong hai từ: “đồng điệu” và “sắc”. Em ngẩn ngơ, vồn vã, ngạo nghễ cùng tự tôn lục tung cả thư viện. Ngày qua đi, tuần mới đi, tay thẫn thờ buông cuốn sách cuối cùng, câu trả lời trôi vào vùng lãng quên.
Đến mãi hôm nay, ngay giây phút này, giác quan như soi sáng đoạn ký ức mù mờ. Thanh sắc là sự đồng điệu nối liền trái tim méo mó ta với trái tim rỉ máu người. Thanh sắc cất lên vào lúc bình minh và hoàng hôn là để chữa lành những tâm khảm khiếm bằng những tâm khảm khuyết khác. Thật tệ vì chúng ta đã quên điều đó và phần còn lại của sự sống vẫn nhớ. Thật mừng vì ai đó trong chúng ta đã sớm tỉnh thức và phần còn lại của sự sống chưa rời đi.
Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tồn tại định nghĩa hoàn chỉnh cho “âm thanh đẹp” hay “âm thanh hay”. Cũng như chẳng có bất cứ quy định nào rằng động từ “cất giọng” biểu thị cho việc ngân nga theo phổ nhạc được viết sẵn. Và tiếp nhận tri thức không chỉ là câu chuyện của bộ não quằn quại hàng giờ, giữa biển hồ của mớ chữ thô kệch. Trước lúc vẻ đẹp của chúng tràn ngập trong ta, bất kỳ chú chim nào cũng chật vật tìm tiếng hát của mình. Nàng Josephine Baker, người khiến trái tim ta rơi lệ mỗi lúc “Bonsoir, Mon Amour” được mở, không phải ngoại lệ.
“They’re not that different from you, are they? Same haircuts. Full of hormones, just like you. Invincible, just like you feel.”
Em tìm về Dead Poets Society, nơi em thấy mình là một trong tất cả. Tụi em mê mẩn lắng nghe thầy hát. Tụi em sợ hãi khi lần đầu đặt chân lên bàn học và thật sự phấn khích với thế giới mới, từ góc nhìn mới trước cảnh vật cũ kỹ. Cuộc đời là thế! Chỉ vậy thôi. Chúng ta sẽ không biết cánh cửa tiếp theo mình mở sẽ dẫn đến đâu. Chúng ta sẽ không biết phải cố gắng bao nhiêu nữa và đến bao giờ bi thương sẽ qua đi. Chúng ta không biết. Không một ai biết cả.
Có thể, em sẽ mãi mãi đau đớn, khó thở và cầu xin hàng đêm.
Có thể, em sẽ đánh mất cảm xúc, linh hồn rời đi và mọi thứ thật tuyệt vời. Cho đến một ngày, em thấy mình vẽ lên tay bằng thứ mực đỏ sẫm.
Hóa ra, sự trống rỗng cũng không khác gì quỷ dữ.
Bởi tương lai không thuộc về bất kỳ ai. Tất cả những gì em có chỉ là hiện tại và cảm xúc trong mình. Đó là tình yêu, một loại tình yêu khó nói, khó chịu và khó hiểu. Nhưng vốn dĩ, tình yêu không có định nghĩa và khủng hoảng sẽ luôn là một phần, hay cả cuộc đời. Vậy nên, em có quyền đặt tên cho thứ thuộc về em, riêng em mà thôi. Vậy nên, vượt qua khủng hoảng chỉ là cụm từ hoa mỹ ẩn giấu ý nghĩa thật sự của nó, ỨNG PHÓ và SỐNG CHUNG.
“You must strive to find your own voice. Because the longer you wait to begin, the less likely you are to find it at all. Thoreau said, ‘Most men lead lives of quiet desperation.’ Don’t be resigned to that. Break out!”
WorromotdaM
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất