Võ ... nhìn bằng bản chất. 

Tôi là một trong số ít những "blogger" đang viết về võ hiện tại, hay đúng hơn, là số ít còn hứng thú với công việc viết lách về võ, một khía cạnh khá đối lập - võ phải là đánh đấm, phải lăn mình vào tập luyện, tại sao lại dùng ngôn ngữ văn chương.
Không, sự khẳng định mà tôi muốn truyền tải với mọi người không phải là tính thực dụng của võ, cũng chẳng phải những giá trị nhân văn, những giá trị truyền thống hay bất cứ giá trị cao cả nào của võ cả, tôi viết, mà theo tôi định nghĩa, là cách viết bằng tư duy, bằng sự lí giải, dựa trên bản chất bao lâu nay không thay đổi về võ - đó là tính bạo lực.
Không sai, đó là khía cạnh khiến những người tập võ luôn bị đặt ra ngoài sự đánh giá thông thường. "Học võ có đánh nhau được không ... Mày học võ đừng đánh tao nhé .... Học võ có ...", tất cả đều là những câu nói thường gặp mỗi khi tôi chia sẻ về sở thích của mình. Vì thế, đôi lúc, để tránh sự chú ý, tôi thường nói :"Tôi tập thể thao", hay như anh bạn tôi, một PT Kickfit, anh dạy võ, anh đánh đấm tốt, nhưng :"Ai hỏi anh dạy gì, anh bảo anh dạy ...... thể dục." 
Tôi luôn cố gắng không vòng vo khi thể hiện ý kiến, nhưng thực tế thì luôn ngược lại, chữ nghĩa của tôi luôn dài dòng và thậm chí gây chán nản - nhưng quan điểm của tôi về võ thì vẫn đơn giản, và nhất quán : 

Học võ là học cách chiến đấu, những thứ xuất hiện sau đó, là hệ quả của quá trình tập luyện và thể hiện cá nhân. 

Đúng vậy, một cách nghĩ đơn giản, và khi nhắc tới, người ta sẽ nhìn thẳng vào thứ bản chất nhất của võ : bạo lực. 
Nhưng đã mấy người hiểu rằng, cái bạo lực đó là bản chất của những thứ chúng tôi tập luyện hàng ngày, chứ không quyết định rằng nó sẽ hướng con người đi theo con đường mà nó muốn. 
Nói đến đây, chắc chắn lời phản biện đầu tiên :"Nhưng hãy tao thấy mấy thằng giang hồ xăm trổ toàn đi tập Tán Thủ, ngay cả bọn võ sĩ, cũng đầy thằng hay đánh người"
Vậy có ai nghĩ rằng, 

        Bản thân tính ưa bạo lực của những con người đó, hướng họ đến với võ, vì võ có cái bản chất đáp ứng được nhu cầu thể hiện bạo lực trong họ.

Tôi không phủ nhận, thời điểm hiện tại, tính bạo lực trong từng môn võ được thể hiện khác nhau, và bản thân cộng đồng người tập cũng quyết định hình ảnh của môn võ đó. 
Nhưng, đó là sự tương quan thu hút qua lại. 
Không sai, môn võ có tính bạo lực cao sẽ thu hút nhiều cá nhân có cá tính mạnh mẽ, môn võ thể hiện được sự khoa học về kĩ thuật sẽ thu hút những cá nhân có tư duy. Vấn đề là sự lựa chọn, họ lựa chọn nó vì đáp ứng được nhu cầu cá tính, và tập hợp những con người có chung cá tính, sẽ tạo dựng đặc trưng hình ảnh của môn võ đó.
Vậy, để môi trường quyết định cá tính, hay lựa chọn đó chỉ là thể hiện 1 phương diện cá tính của bản thân, hoàn toàn ở bạn. 
Một bài báo trên webthethao.vn

"UFC quảng cáo MMA của họ là “võ thuật kiểu Mỹ”, một môn thể thao máu me đầy sức mạnh. Hãy nhìn dàn sao của UFC: McGregor, Ronda Rousey, Jon Jones. Đó là những ngôi sao hiếu chiến và khoe mẽ. Họ có thể lái Rolls Royce, thách đấu với bất kỳ ai, ném chai nước trong buổi họp báo và buông lời miệt thị đối thủ của họ. Điều này để lại tiếng xấu cho MMA ở Châu Á."

“Chúng tôi thì khác. Những sản phẩm của chúng tôi là những sản phẩm mang đậm chất Châu Á. Đó không chỉ đơn thuần là những trận đấu gay cấn, đó còn là những câu chuyện mang đậm tinh thần võ thuật. Giá trị của võ thuật, của võ đạo, của người tập võ đóng vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa Á Đông, và đó là điều chúng tôi luôn muốn bảo đảm.”
                                                            

                                                            Chủ tịch Chatri Sityodtong

Ở giữa "MMA và Boxing kiểu Mĩ" kiếm được hàng trăm triệu đô, đưa giá trị của võ sĩ và trận đấu lên cao nhất bằng mọi cách, chính xác, bằng mọi cách, chưa có ai làm tốt điều đó bằng các ông bầu từ Tân Thế Giới. Và Chatri Sityodtong quyết định đưa ONE Championship và đội ngũ võ sĩ đi theo con đường khác, mà theo ông, đó là "sản phẩm đậm chất châu Á".
Ông quyết định hình ảnh của giải đấu bằng cách xây dựng tư cách cá nhân lên trên bản chất những gì họ thể hiện. Ai cũng thấy những trận đấu của ONE có gì đó căng thẳng, áp lực hơn UFC, có thể là do luật đấu, cũng có thể do lối đánh, kĩ thuật, nhưng cách thể hiện ngoài sàn đấu thì ngược lại, võ sĩ của ONE thường có hình ảnh thân thiện, hài hòa hơn UFC. Đó có thể là bản chất của họ, cũng có thể là yếu tố marketing mà Sityodtong quyết định.  
Tôi sử dụng ví dụ này, có thể đó chỉ là chiến lược marketing, nhưng cũng thể hiện thực tế ở UFC : võ sĩ giỏi - chưa chắc họ đã kiếm ra nhiều tiền, họ phải có những màn trashtalk, phải biết sử dụng cái miệng như một công cụ truyền thông để PR bản thân. Điều này chưa bao giờ sai, nhưng đặt nó bên cạnh sàn đấu tạo dựng cho UFC một hình ảnh "những ngôi sao hiếu chiến và khoe mẽ". 
Không khẳng định UFC hay ONE mới là lựa chọn đúng, vì mỗi bên có mục tiêu phát triển khác nhau, UFC cũng có những cá nhân đáng kính trọng, và ONE cũng có thời gian tính bạo lực che lấp đi những gì Sityodtong muốn truyền tải. Đó là con đường của họ, và họ đang thành công, ít nhất là tới thời điểm hiện tại.
Bản chất bạo lực trong võ cũng vậy, nó vẫn ở đấy, vẫn xuất hiện mặc kệ tư tưởng của bạn có cao cả đến đâu. Đây có thể là "thành kiến" giống như bao trào lưu khác, vấn đề là cách thể hiện do bạn quyết định. 
Tôi viết về võ, tôi viết về kĩ thuật, tôi cũng hứng thú với những trận đấu máu me (Doo Hoo Choi vs Cub Swanson, Jeremy Stephen hay những trận đấu của Dos Anjos), những trận đấu đầy máu lửa và cũng đầy kĩ thuật. Tôi không phủ nhận bản chất bạo lực trong đó, tôi đơn giản chỉ chấp nhận nó, và nhìn vào khía cạnh khoa học, để cái tính bạo lực kia không nuốt chửng suy nghĩ của mình.