'Vỡ mộng': Thêu dệt một ảo mộng về ái tình
"Khi người bảo tôi làm khúc bi ca về cõi hoang phế gió lộng ngoài kia..." cũng là khi câu chuyện hoài vọng về một quá khứ bắt đầu....
"Khi người bảo tôi làm khúc bi ca về cõi hoang phế gió lộng ngoài kia..." cũng là khi câu chuyện hoài vọng về một quá khứ bắt đầu.
Câu chuyện của một cậu thanh niên, một nhà nghiên cứu, và một kẻ ôm mộng trở thành nhà viết tiểu thuyết trong cuộc hành trình truy vấn của anh, diễn ra tại lâu đài Quartfoutche.
Câu chuyện diễn ra chỉ trong một thời điểm rất ngắn nhưng nó đã dựng nên một bức tranh đầy sống động về những viển vông của con người, tự tâm trí thêu dệt nên rất nhiều những bi kịch, diễm lệ và trắc trở, về tình ái, về danh vọng, và ở đó còn biểu hiện những tâm tư sâu xa của tác giả về một khát vọng văn chương cao quý.
Lacase đang làm một luận án thạc sĩ về Bossuet, giáo sư hướng dẫn của anh đã giới thiệu anh đến lâu đài Quartfoutche, để gặp gỡ ông Floche, người được xem là chuyên gia và có rất nhiều tài liệu về Bossuet.
Cuộc sống ở lâu đài dường như rất tẻ nhạt. Và lập tức Lacase đã vấp ngay phải sự “vỡ mộng” đầu tiên khi được tiếp cận với số tài liệu quá ít ỏi so với tưởng tượng của anh. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, anh đã thấy không còn gì để tìm kiếm thêm.
Anh tìm lý do để rời đi, nhưng ngay lúc đó, một giấc mộng thứ hai bắt đầu cuốn anh vào. Giấc mộng đầy bí hiểm, và cũng sặc mùi ái tình, mang tên nàng thiếu nữ Saint – Aureol.
Đó là người mẹ của cậu bé Casimir, một đứa trẻ ngây ngô và có phần quấn quýt với Lacase. Vì những tâm sự bất chợt của cậu bé mà anh đã dần khám phá, và thêu dệt nên một câu chuyện ái tình rất đẹp, về một người phụ nữ đã biến mất khỏi lâu đài.
Anh ôm ấp hình ảnh về nàng, mộng tưởng về những bi kịch mà nàng trải qua, và nhen nhóm tình yêu ngày một mãnh liệt trong trái tim dành cho nàng. Anh không ngừng chờ đợi, tìm kiếm nàng, để rồi anh đi đến một sự kinh ngạc, và rơi vào một cơn vỡ mộng tiếp theo.
Được viết vào năm 1911, tác phẩm Vỡ mộng nồng lên mùi của ham mê tuổi trẻ, của những mụ mị đượm màu tiểu thuyết, vương đầy những hoài vọng hoang vắng ở một thời đại khác.
Vỡ mộng có thể được xem là tiền thân cho sự ra đời của cuốn tiểu thuyết Bọn làm bạc giả nổi tiếng của André Gide. Với sự xuất hiện của một chàng trai ôm mộng tiểu thuyết gia, câu chuyện được lồng ghép đan xen giữa trần thuật và tưởng tượng, là khởi nguyên của lối viết truyện lồng trong truyện thông qua việc viết những tưởng tượng của Lacase về chuyện tình nàng Saint – Aureol, chỉ qua vài chi tiết nhỏ mà anh thu thập được. Lối viết truyện lồng truyện này sẽ được André Gide triển khai sâu rộng trong cuốn Bọn làm bạc giả.
Sự thật khác xa với chuyện tiểu thuyết mà Lacase đã viết ra, nó đem lại cảm giác tan hoang, và mất mát. Nó bao trùm xuống câu chuyện một không khí ẩm ướt, buồn thảm và đầy mất mát, nhưng lại khẳng định tài năng của André Gide. Với kỹ thuật viết chặt chẽ, vừa lan tỏa ái tình mê mụ lại vừa bí ẩn, Andre Gide khiến độc giả nôn nao, và cũng rơi vào vùng tưởng tượng diễm tình như chàng trai Lacase.
Một cuốn sách đích thực về ái tình, nhưng không chỉ thế, André Gide còn nhấn nhá nói về sự ảo tưởng của tuổi trẻ. Cái bệnh đa sầu đa cảm của tuổi trẻ nó dễ khiến tuổi trẻ ảo tưởng, nhưng cái ảo tưởng ấy mà đến mức si mê như chàng trai Lacase trong Vỡ mộng là cái ảo tưởng thú vị.
Sự si mê của anh dẫn đến lòng trắc ẩn đối với đứa trẻ khờ dại thiếu vắng tình thương của mẹ cha, sự si mê của anh cũng khiến anh nặng tình với lâu đài hoang phế, và đem lòng yêu những vụn vặt đời thường.
Dù không bày tỏ quan niệm một cách rõ ràng về văn chương, về nhà văn, nhưng ngay từ chương mở đầu André Gide đã để cho nhân vật của mình tự thú rằng:
“Ngày nay tôi hầu như khó lòng hiểu nối sự nôn nóng đưa tôi lao mình vào cuộc sống hồi đó. Tuổi hăm lăm tôi như chẳng biết gì, chỉ nhờ sách vở là cùng, và chắc có lẽ bởi thế tôi ngỡ mình là nhà văn; vì tôi vẫn không hay biết các sự việc che mắt ta một cách tai quái như thế nào khi khuất lấp cái khía cạnh đáng lẽ bắt ta quan tâm hơn, tôi không dè những sự việc ấy tỏa ra ít hấp dẫn đối với kẻ nào không biết khổ công”.
Cái cảm khái về văn chương chiết ra từ chính những điều tưởng như mộng tưởng ấy, nhưng nó thú vị, trong suốt cuộc đời của Lacase, hay ông chú trong Bọn làm bạc giả, ta sẽ thấy văn chương hiện hữu như một cứu cánh, có thể sẽ có thêm nhiều lần vỡ mộng, nhưng Vỡ mộng ở đây cũng là nguồn cơn thúc đẩy văn chương.
André Gide là nhà văn viết rất nhiều về bản thân, tức là những sự kiện trong tiểu thuyết của ông nương theo những sự kiện đời sống cá nhân của ông rất nhiều. Ngay với mối tình ôm bóng hình xa xôi mà đắp xây của chàng trai Lacase trong tiểu thuyết này, cũng có nhiều xúc cảm tương đồng với mối tình của Gide và Madelenie.
Gide yêu Madelenie từ lúc ông còn là chú nhóc 12 tuổi, và nàng 14, nhưng đấy là những tình cảm lãng mạn vu vơ, một thứ tình cảm được dệt bằng mộng tưởng. Cho đến khi lớn lên Gide mới hiểu mình không thể chăn gối vợ chồng, song ông vẫn cưới Madelenie, và đấy là một đời sống nhuốm màu tuyệt vọng.
- Dạ Vũ
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất