Nguồn tham khảo:
Hương vị trong mát và ngọt lành của tâm hồn con người là nghệ thuật. Văn chương lại chính là một trong những hình thái nghệ thuật bắt nguồn từ tâm hồn con người. Chắt lọc bao khoảnh khắc tâm đắc, bao tâm trạng khó quên, bao thay đổi thăng trầm để có cái gì đó rất riêng cho tâm hồn, nhà văn, nhà thơ dường như đã gửi gắm nỗi niềm riêng từ cái "ta" chung vào những đứa con của mình. Và bước ra từ tâm hồn con người, tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài xây đắp bao cảm xúc, suy ngẫm về diễn biến hành động và tâm trạng của nhân vật Mị cởi trói cho A Phủ trong đêm đông qua đoạn trích "Lúc ấy đã khuya...lao chạy xuống dốc núi".
Bước vào Vợ chồng A Phủ - truyện ngắn trích tập truyện "Tây Bắc" ra đời năm 1952 với thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy và cách xây dựng tình huống độc đáo, Tô Hoài thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả với sự xuất hiện của Mị. "Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra cũng trông thấy một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải hay chẻ củi, cõng nước thì mặt cô cũng buồn rười rượi". Chính cái hình ảnh Mị xuất hiện giữa khung cảnh người ra kẻ vào tấp nập ở một gia đình nổi tiếng giàu có và quyền lực thể hiện sự đối lập khiến người đọc tự vấn: "Vì sao một đứa con gái trong một gia đình có gia thế như thế thì bao giờ biết đến cái khổ mà biết khổ mà rầu?".
Nhưng có phải chăng từ những lời tự sự của Tô Hoài, Mị vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời và có tài thối sáo. Không những thế, Mị còn là đứa con hiếu thảo và đặc biệt là người có lòng tự trọng, ý thức về hạnh phúc. Bởi vậy, Mị trở thành niềm ao ước của biết bao chàng trai. Những đêm tình mùa xuân, trai ở trong làng đến "đứng nhẵn cả chân vách buồng". Là đóa hoa của núi rừng và cuộc đời hứa hẹn nhiều hạnh phúc nhưng chỉ vì nghèo, vì "món nợ truyền kiếp" với nhà thống lí nên Mị trở thành "con dâu gạt nợ". Từ đây, Mị lâm vào tình cảnh "một cổ hai tròng", thực sự bước vào hố sâu "tuyệt vọng". Bao nhiêu hi vọng về hạnh phúc, về tương lai như vụt tắt. Tô Hoài đã tái hiện rất rõ bức tranh hiện thực về cuộc sống dưới chính sách cai trị bóc lột tàn ác của bọ cường quyền quan lại càng nổi dậy khát vọng sống mãnh liệt của con người dù sinh ra trong số phận bất hạnh.
Đêm đông trên núi cao dài và lạnh lắm. Với Mị, bếp lửa là người bạn, là tri âm, là tri kỉ, là thứ hiếm hoi mang đến cho Mị một nguồn sáng ấm áp, giúp Mị vượt qua sự lạnh giá, cô đơn trên rẻo cao này. Dù đã nhiều lần, A Sử nhìn thấy Mị sưởi lửa, hắn đạp Mị ngã lăn nhưng Mị nhất quyết không bỏ thói quen này. Trong lúc sửa lửa hơ tay, chứng kiến hình ảnh của A Phủ, lúc đầu Mị vô cảm, thờ ơ trước hiện thực trước mắt: "A Phủ có là cái xác đứng đó cũng thế thôi". Nhà văn minh chứng sự tê dại trong tâm hồn Mị càng rõ nét hơn. Bởi trong hoàn cảnh đó, cô gái này thực sự quá khổ để có thể đồng cảm với nỗi khổ của người khác. Thậm chí, trái tim của Mị bây giờ như mất hết những xúc cảm vốn dĩ bình thường và giờ còn là một trái tim đóng băng, lạnh giá vô cùng.
Những dòng nước mắt được Tô Hoài tạo nên mở ra một bước ngoặt. Đêm ấy, A Phủ khóc, "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Và giọt nước mắt kia là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước trong lòng Mị. Nó đưa Mị từ cõi quên về cõi nhớ, nhớ mình đã từng bị trói, nhớ đã từng đau đớn và bất lực, cũng đã từng khóc "nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được". A Phủ, dòng nước mắt của A Phủ tác động mạnh mẽ đã giúp Mị càng nhớ ra hoàn cảnh của mình, càng xót thương cho chính mình. Từ sự thương mình, Mị dần dần có sự thương cảm với A Phủ, tình thương với một con người đồng cảnh ngộ. Nhưng nó còn vượt lên giới hạn của Mị: "Ta là thân đàn bà...chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì phải chết thế".
Nguồn: Download.vn
Nguồn: Download.vn
Mị không còn cảm thấy sợ hãi, chỉ còn cảm nhận một điều duy nhất bây giờ: "Chúng nó thật độc ác". Nghĩ thế, Mị cầm "con dao nhỏ cắt lúa" cắt dây cho A Phủ để rồi khựng lại vài giây rồi bất ngờ chạy theo A Phủ. Lòng ham sống của một con người như được thổi bùng lên trong Mị nhưng vẫn còn nỗi sợ hãi và lo lắng cho mình. Tô Hoài như tìm lại con người thật cho Mị, một con người còn đầy sức sống và khát vọng thay đổi số phận. Nhà văn hay chính Mị đã mở ra lối thoát cho mình? Đến bây giờ, tất cả những nỗi sợ như cường quyền và thần quyền đều tan biến, chỉ còn lại trong Mị là lòng ham sống vô cùng mãnh liệt và sục sôi.
Sự phản kháng mãnh liệt và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phủ qua truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là nét vẽ đẹp của người nghệ sĩ Tô Hoài đã tạo ra trong sự nghiệp sáng tác của mình. Dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, Vợ chồng A Phủ vẫn sống mãi với thời gian. Và đúng như lời nhận định: "Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết".