Ảnh bởi
Clark Tibbs
trên
Unsplash
Năm 2023, tôi đã viết được một đoạn đến giờ đọc lại vẫn thấy gật gù về mục đích sống như sau:
"Từ một fresh grad tràn đầy nhiệt huyết với tiềm năng vô hạn, tôi hôm nay như bước đi trong màn sương mù đầy bất định và thiếu phương hướng. Ý nghĩ về việc bạn đồng trang lứa tiến lên với tốc độ nhanh hơn khiến tôi sợ hãi và nghi ngờ bản thân.
Cuộc sống dắt tôi đi thay vì tôi dẫn dắt cuộc sống của mình. Thật mỉa mai khi tôi chạy theo guồng quay của xã hội (rat race) rồi tự lừa dối bản thân rằng mình đang duy trì cuộc sống công sở điển hình, rằng mình đang đi đúng hướng - nhưng đi đến đâu? Đến nơi mà tôi chưa từng là chính mình, từ những đêm mất ngủ đến những buổi sáng u ám, mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, từ sự bất mãn này đến sự bất mãn khác, cho đến khi tôi kiệt sức vì sự cô đơn do chính mình tạo ra, vì không để bản thân thật sự được nhìn thấy - tôi chưa bao giờ sống đúng với mong muốn của mình. Tôi rơi vào khủng hoảng danh tính, bị mắc kẹt trong công việc cạn kiệt tinh thần, để duy trì một lối sống lạm phát, trong một mối quan hệ với những thứ hào nhoáng mà tôi chưa bao giờ thực sự trân trọng.
Sống theo mong đợi của xã hội thật dễ dàng, tôi nhận được tất cả sự công nhận mà mình khao khát. Được yêu thương khi tôi là tất cả những gì mọi người mong đợi ở tôi thì quá dễ dàng, nhưng câu hỏi là, liệu mọi thứ có thay đổi khi tôi đi ngược lại những mong muốn đó. 
Tôi không có ý đổ lỗi, chỉ là, tự tôi đã trao cho thế giới bên ngoài trách nhiệm khiến tôi hạnh phúc. Thật may mắn khi vẫn chưa quá muộn để bắt đầu tìm ra con đường bền vững hơn. Không có danh hiệu, thành tích hay lời khen ngợi, tôi vẫn hoàn toàn đủ đầy và tôi hy vọng rằng mình giữ được sự tỉnh táo để nhận ra điều đó. Vì vậy, mục tiêu cho năm 2023 - tìm ra điều gì thực sự quan trọng.
Dù bạn định nghĩa thành công là gì, tôi hy vọng chúng ta vẫn luôn sống hết mình và trọn vẹn với lựa chọn đó, và nếu một ngày, lựa chọn đó không còn mang lại niềm vui - hãy can đảm từ bỏ.
Learn - Unlearn - Relearn , quá trình học hỏi (learn), bỏ đi những gì đã cũ (unlearn) và học lại (relearn), không ngừng tìm hiểu chính mình. Bất cứ điều gì mới cũng bất định và đôi khi rủi ro, nhưng có gì rủi ro hơn là bám chấp vào lựa chọn dù quen thuộc nhưng đã không còn hạnh phúc?
“If your success is not on your own terms, if it looks good to the world but does not feel good in your heart, it is not success at all.” - Anna Quindlen
Tôi đã từng nghĩ rằng hạnh phúc của mình gắn liền với thành công, đạt được những cột mốc mục tiêu cuộc đời, công việc ổn định, lương cao, gia đình đủ đầy, túi tiền rủng rỉnh. 
Như trong bộ phim "Đến nơi có gió" có một câu thoại cứ làm tôi nhớ mãi
"Lúc đi học, tôi chỉ học và học. Khi đi làm, tôi chỉ có làm và làm. Chăm chỉ, chăm chỉ rồi lại chăm chỉ. Không chấp nhận thất bại, không tụt lại phía sau. Mới tốt nghiệp thôi, tiền tiết kiệm đã đủ mua vài mét vuông nhà. Mới chớp mắt đã mười năm trôi qua. Số tiền tôi dành dụm lên trang web bất động sản xem thử, vẫn chỉ mua được vài mét vuông. Không nhà, không xe, không người yêu. Chỉ có bệnh tật. "
Hết cột mốc này đến cột mốc khác, tôi chờ đến thành công tiếp theo mới thật sự hạnh phúc. 
Có một người leo núi liên tục hỏi hướng dẫn viên trong trạng thái mệt mỏi: "Đã đến chưa, khi nào thì đến". Người hướng dẫn bình tĩnh mỉm cười: "Chúng ta đã đến rồi." Đích đến chỉ là ở đây.  Hạnh phúc không phải là đích đến mà là cả một cuộc hành trình.
Tất cả những điều vĩ đại đều ở đây cả rồi. 
Dù là phương Đông hay phương Tây thì ý niệm về việc sống trọn vẹn/ hạnh phúc đều có chung một ý tưởng, đại diện là tháp Maslow hoặc Luân xa. 
Tháp Maslow mô tả các nhu cầu cơ bản của con người theo thứ tự từ thấp đến cao, bắt đầu từ các nhu cầu sinh học cơ bản như thức ăn, nước uống, và chỗ ở, cho đến nhu cầu cao nhất là sự khẳng định bản thân, nơi con người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và phát triển cá nhân tối đa.
Luân xa gốc liên quan đến các nhu cầu cơ bản và bản năng sinh tồn như sự an toàn và sự sống còn, cao nhất là luân xa vương miện đại diện cho các tầng nhận thức cao hơn có thể liên tưởng đến nhu cầu khẳng định bản thân ở đỉnh của tháp Maslow, nơi con người vươn tới sự phát triển cá nhân và sự thấu hiểu sâu sắc.
Đối với những người giàu có về vật chất nhưng vẫn không hạnh phúc bởi vì họ đang xây đáy tháp rất to, rất rộng nhưng quên mất xây lên những tầng tiếp theo như cảm thấy thật sự thuộc về, khẳng định bản thân và cống hiến cho xã hội. Đáy tháp to không đảm bảo được việc sống trọn vẹn hay hạnh phúc, giống như việc đổ thêm vào cốc nước đã đầy, đổ thêm bao nhiêu cũng không đủ trong khi những tầng cao hơn/ cốc nước khác thì cạn. 
Ở đây, tôi không phủ nhận việc tích lũy tài sản là động lực tốt để phát triển, thật ra, nó là tiền đề để xây dựng tổng thể tháp to hơn, vươn xa hơn. Như tôi vẫn đều đặn bán mình cho tư bản nhưng nay đã tỉnh thức hơn, ngoài chăm kây-pi-ai cho công ty tôi đã nhớ tự chăm cây chính mình, tưới tẩm tâm hồn mình. 
Trở lại mục tiêu 2023 thì đến 2024 tôi vẫn chưa quá chắc chắn về lẽ sống của mình, nhưng tôi đã bớt vô định. Có một câu chuyện gói gọn mớ bồng bông cảm xúc của tôi trong The Boy, The Mole, The Fox And The Horse, by Charlie Mackesy
Trong một khu rừng đầy sương Cậu bé: "Tôi không thấy đường đi" Chú ngựa :"Cậu có thấy bước tiếp theo không?" Cậu bé: "Có" Chú ngựa: "Vậy hãy cứ đi bước tiếp theo đó" 
Đôi khi chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi sự bất an vô định, không hình dung được đích đến. Tất cả những gì chúng ta cần làm đơn giản chỉ là tiến từng bước một.
Tôi của 2023 có lẽ cũng không ngờ được sau 1 năm tôi đang ở đây, đã tìm được bến đỗ mới đúng với tất cả những tiêu chí tôi manifest.
Nhưng 2024 của tôi vẫn buồn. 
Tôi từng tự trách mình rằng tại sao mình không thể cứ thả lỏng và biết thế nào là đủ, tôi overthink về việc tôi đang overthink và nó là một vòng lặp không hồi kết. Nhưng rồi, tôi hiểu ra rằng áp lực tôi tự đặt lên mình chỉ là bản năng sinh tồn để không ngừng tiến hóa. 
Có một sự thật là tiến hóa hướng chúng ta đến tận 4 cảm giác tiêu cực (sợ hãi, ghê tởm, giận dữ, buồn bã) trong tổng 6 cảm xúc cơ bản, chỉ có “Ngạc nhiên” đóng vai trò trung tính, chuyển tiếp sang trạng thái tích cực là “vui vẻ”. NGUYỄN PHƯƠNG MAI (PGS.TS ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam Hà Lan)
Chúng ta sẽ luôn có thiên kiến tiêu cực hơn, đó là lý do mà sống tích cực thì quan trọng nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
"Trước đây muốn buông xuống, bây giờ không muốn nữa, cũng không thể buông. Những thứ chúng ta trân trọng trong tim đều có trọng lượng của nó. Phải tập làm quen với những gánh nặng này, mà sống thật tốt." - Tiểu Hồng Đậu trong "Đến nơi có gió"
Năm 2024 tôi chỉ mong, mình không còn buồn vì không hạnh phúc. Tôi không vượt qua nỗi buồn, chỉ là, tôi vẫn bước tiếp. (Not really move on, just move forward)
#Day2 #wotn6 Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Đọc thêm nguồn bài viết đã giúp tôi vỡ lẽ ra như trên: