Tôi có một người bố
Tôi có một người bố. Ông là một người hay say xỉn. Theo những gì mọi người hay nói, ông là một người mất trí, dở hơi, gàn dở, nhưng...
Tôi có một người bố.
Ông là một người hay say xỉn. Theo những gì mọi người hay nói, ông là một người mất trí, dở hơi, gàn dở, nhưng vẫn tốt.
Trong những lúc say xỉn nhất, bản tính thiện lành của ông vẫn được thoát ra, nhưng cũng chỉ là đôi lúc.
Nếu không có những chuyện xảy ra trong quá khứ, có lẽ mọi chuyện đã rẽ sang hướng khác.
...
Tôi vẫn nhớ, nguồn cơn của mọi việc bắt đầu từ khi ông biết mình mắc căn bệnh tiểu đường.
Tưởng tượng mà xem, một người trung niên, đang ở đỉnh cao phong độ, lãng tử hào hoa, có thể nói ông giống như Việt kiều về nước vậy, mà giờ đây phải ăn uống thanh tịnh, uống thuốc điều độ, nói không với rượu bia. Quả thật, không phải ai cũng làm được, và ông cũng không phải là một ngoại lệ.
Được một thời gian, bố tôi tìm ra một thầy thuốc nam với thứ thuốc mà theo ông là "chữa bách bệnh". Thứ thuốc tôi có cảm giác được ngâm từ những loại cây chỉ cần nghĩ tới thôi cũng rợn gai ốc, kinh dị và đáng sợ, không giúp ích cho bệnh của ông những cũng khiến bố tôi đủ tin tưởng mà thả mình vào cuộc sống bê tha rượu chè.
Rồi tôi chuyển nhà, về một khu phố khá hẻo lảnh, xung quanh là những hộ gia đình cũ, lâu lâu tôi vẫn nghe tiếng bố chửi con, con chém bố. Ngoài những lúc đó ra, nó yên bình một cách ghê rợn.
...
Ngôi nhà đầu tiên của gia đình, nó rất rộng, rất rất rộng. 100m2 nhà cấp 4 đối với một gia đình 4 người, có lẽ là quá to chăng, đủ chỗ cho rất nhiều căn phòng với những hoạt động khác nhau, nhưng lại không có chỗ cho căn phòng của tôi.
Bố mẹ tôi cãi nhau lần đầu tiên về căn nhà này, theo trí nhớ của tôi. Lý do khá đơn giản, cho tới lúc mảnh đất đã được mua đứt, đầy đủ giấy tờ, dựng thô phần gạch và móng, mẹ tôi mới được biết.
Là một người vợ, bạn sẽ nghĩ gì khi chồng bạn làm vậy? Nó là một món quà bất ngờ ư? Hay anh ý không tôn trọng mình? Tôi không dám chắc mình biết mẹ nghĩ gì, với một thằng nhóc lớp 5, thế giới của tôi chỉ có chơi và học.
Rồi, những cuộc cãi vã cứ lớn dần lên. Bố tôi thường xuyên đi đêm về muộn, những cuộc nhậu tới sáng, những ván bài xuyên màn đêm, hay những cuộc ăn chơi thác loạn. Chỉ có những tin đồn được lan truyền, đối với tôi, đó là người bố mà tôi gặp mỗi ngày 2 lần, lúc bố tôi tỉnh dậy và lúc ông về nhà.
Tôi với bố đã từng có mối quan hệ tốt đẹp. Bố thích mang tôi đi chơi, nhậu nhẹt với bạn bè, rồi khoe tôi với các bạn. Hãnh diện không, hãnh diện chứ, vừa được khen, vừa được ăn, lại còn được chơi nữa. Thú vui này ai thấu bằng. Nhưng đánh đổi điều đấy bằng tương lai như thế này, tôi không dám chắc.
...
Khi thức dậy, bố tôi thường đi tắm. Khoảng thời gian khi ông tỉnh dậy và sau khi tắm 15p, là lúc ông tỉnh táo nhất, sảng khoái, và rực rỡ nhất. Nhưng rồi "ực" "ực", một cốc rượu pha đầy ự, bằng một cốc thủy tinh, trôi nhẹ nhàng từ cổ họng xuống bụng ông. Rồi ông lại tiếp tục hành trình của mình.
Đến tối, mẹ tôi thường ngoài phòng khách, để giữ sự yên tĩnh lúc tôi đang học bài. Căn nhà 100m2, chỉ có 2 mẹ con, tôi có thể cảm nhận được những suy nghĩ của mẹ tôi về chồng của bà. Sau đó là một chuỗi hành động lặp lại mỗi ngày, tôi gọi bố lúc 10h để nghe giọng ông lè nhè hứa là sắp về, rồi lên giường đắp chăn đi ngủ, để rồi 12h mẹ bảo tôi gọi lại, chỉ để nghe tiếng thuê bao từ tổng đài.
Là một đứa trẻ, tôi có thể ngủ ngon vì nghĩ rằng ông muốn về thì về, không muốn về thì thôi. Dẫu sao, tôi cũng không muốn giấc ngủ của tôi bị gián đoạn và lúc 2h đêm chỉ để nấu mì và nghe ông "tâm sự" chuyện đời tới 4h sáng, tất cả những hôm ông say. Nhưng, với mẹ tôi, dưới cương vị của một người vợ, cảm giác đó, tôi chỉ có thể cảm nhận, không thể chia sẻ với bà.
...
Rồi biến cố đầu tiên trong cuộc đời tôi xảy ra, vào một buổi tối thứ 3, khi tôi học lớp 8.
Vì sự tự ái của đàn ông. Vì sự "thiếu nhạy cảm" của mẹ tôi. Vì thói xấu "ghét đi trễ" và làm quá của tôi. Tôi đã được cách ly với bố 3 tháng.
3 tháng liền, tôi, chị, và mẹ sống trong một căn phòng cấp 4, có một khoản sân, cùng một căn bếp và phòng tắm. Mọi đồ dùng đều tốt, không quá tồi tàn, đối với tôi, cuộc sống như thế là ổn. Tôi còn được tránh bố tôi 3 tháng kia mà. Ngoại trừ những điều "tốt đẹp" đấy, tôi không thể giở trò đọc lén truyện tranh mỗi khi học nữa rồi.
Và rồi, sau những tháng ngày "rình rập", đe dọa, chửi bới, cả gia đình tôi lại đoàn tụ, như chưa hề có cuộc chia ly.
...
Bà tôi mất, và đấy là lần đầu tiên tôi thấy bố tôi khóc.
Khóc như chưa từng được khóc. Mỗi đêm, khi ông đã đi xong hành trình tu đạo của mình, từ những quán bar, quán rượu, hay những nơi sòng bạc xa xa ở Hải Phòng - một điều mà tôi không muốn biết và cũng không cần biết. Ông lại ngồi trước ban thờ bà, và khóc, khóc tới mức lịm đi. Vì nhớ, vì thương, hay vì trong người ông đang có rất nhiề thứ chất xúc tác khác nhau, hay vì bản tính ông là như vậy? Tôi không thể biết được. Chỉ có một điều duy nhất tôi biết, những giọt nước mắt kia là thật.
Nhưng, đêm đi qua, trưa lại tới, ông lại tiếp tục hành trình của mình, mặc kệ gia đình nhỏ cho người vợ giải quyết. Ông cứ đi theo những cuộc vui mãi, cho tới khi không còn tiền nữa, ông lại quay về với gia đình.
Đó là những năm tháng lớp 9 của tôi.
...
Nhưng, một hạt giống được gây nên, sẽ phải mọc cho hết khả năng của nó. Chuyện đâu thể chỉ dừng lại ở đó.
Mẹ tôi, như những gì bà hay nói "con giun xéo lắm cũng quằn". Nói thì hơi khoe khoang, nhưng bà là người tốt bụng, tuyệt vời, chăm chỉ, kiên định nhất trên đời này. Có thể bà không có tài ăn nói, có thể bà không quá thông minh, có thể bà quá tiết kiệm, nhưng bà luôn dành những gì tốt nhất cho những người xung quanh, vượt qua những gì bản thân mình có thể có.
Thử tưởng tượng xem, cơn giận của bà sẽ lớn đến mức nào khi người chung chăn, chung gối với mình làm những chuyện như vậy? Có người đàn bà khác, phung phí tiền của, nói dối vợ con,...
Một tin nhắn, một tin nhắn trải lòng mình, dùng những ngôn ngữ mà trước đây bà chưa từng dùng, tuyệt nhiên không một lời thiếu tôn trọng. Nhưng, những gì đáp lại bà chỉ là những hành động tôi có thể nói là "khủng bố", mắng chửi, dọa nạt, đánh đập.
Và đó cũng là lúc tôi biết, một phần cảm xúc trong tôi đã bị phat nhạt dần.
...
Cho đến khi tôi lên tới cấp 3, mọi chuyện đã gần như được giải quyết. Gia đình hai bên gặp mặt, nói chuyện. Ông bà nhà ngoại, cùng với gia đình gặp mặt và nói chuyện với họ hàng bên nội. Cả hai bên quyết định vợ chồng sẽ cần nói chuyện, và giải quyết vấn đề với nhau.
Với bản tính của mẹ tôi, nhẫn nhịn và hạnh phúc gia đình là điều bà sẵn sàng hy sinh cả bản thân.
Còn với bố tôi, quả thực ông đã có sự thay đổi, sự thay đổi nhất định, cho đến khi tôi vào lớp 10.
(Còn tiếp)
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất