Thi thoảng mở lại vài bức ảnh cũ, tôi lại bất ngờ về những mảnh kí ức chợt ùa về và nhận ra là ồ, mình đã đi xa đến nhường này rồi.
"From the bottom and now we're here"
Ảnh bởi
Drew Beamer
trên
Unsplash
Thời cấp một là giai đoạn mà tôi không bao giờ muốn trở lại. Tôi thuộc hàng út éc trong lớp, sinh hẳn ngày cuối cùng của tháng 12 nên tôi không nghĩ có bạn nào đồng trang lứa nhỏ hơn mình được.
Tôi dành cả năm tiểu học để chứng kiến những đứa trẻ cùng lớp được khen là sáng dạ trong khi tôi là đứa trẻ bị bỏ lại, bập bẹ từng chữ để đánh vần hay cố từng chút để hiểu được bảng cửu chương. Những kiến thức rất đỗi căn bản tôi lại không thể tiếp thu được, dù cũng không phải kiểu ham chơi chểnh mảng gì. Mẹ tôi bị mời phụ huynh liên tục vì tội danh làm thành tích của lớp đi xuống, cô giáo khẽ tay vì điểm thấp trong khi bản thân tôi cũng không hiểu tại sao tôi không thể được như chúng bạn. Tôi còn nhớ như in có một hôm kiểm tra chép chính tả, tôi nhớ đoạn đấy khá đơn giản, vừa sức tôi nhưng vì quên một chữ "và" tôi đã tẩy hết cả câu để thêm 1 chữ ấy vào để rồi tôi quên hết toàn bộ chữ phải chép phía sau. Kể đến đây chắc bạn cũng hiểu tôi đã gian nan thế nào để lên được cấp hai.
Lên cấp hai, mọi chuyện bắt đầu khá hơn. Vì thành tích cấp một khá tệ, tôi được xếp vào lớp kém nhất trường và trở thành học sinh chăm ngoan nhất ở đó. Lúc này cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi. Những nỗ lực được đền đáp, tôi đứng nhất lớp nhờ sự siêng năng của mình. Ngay năm sau, tôi được giáo viên chủ nhiệm xin chuyển lớp để tiện ôn thi lấy giải, lớp bấy giờ là lớp khá tiếng Anh nhất trường. Kể từ đó, tôi giữ thành tích top bốn lớp và dần tin vào bản thân.
Lên cấp ba tôi cũng thi thố vào trường chuyên của tỉnh, dù thành tích không quá nổi trội nhưng môi trường ở đó khiến tôi phần nào tin vào kết quả của sự nỗ lực, mức độ chịu cày, chịu học kinh khủng. Chăm chỉ, chăm chỉ rồi lại chăm chỉ. 
Tôi nghĩ hoàn cảnh đó khiến tôi lớn lên cùng cảm giác "kẻ giả mạo", cảm giác nơm nớp lo sợ bị tụt lại luôn thường trực. Tôi khao khát sự công nhận dù biết rằng, nếu tôi không tự công nhận bản thân thì dù có bao nhiều lời tán dương cũng là không đủ. 
Trong phim Sex Education có một phân cảnh về việc Meave xuất thân từ một làng quê nhỏ được trúng tuyển vào trường chuyên năng khiếu về văn học danh giá nhưng rồi bị bóp nát ước mơ vì lời đánh giá của giáo viên "Em không thể trở thành nhà văn" - với danh nghĩa rằng "chỉ muốn tốt cho em". Meave gần như bỏ lỡ ước mơ của mình vì hai chịu hai cú sốc cùng lúc - mẹ mất và bị tước bỏ ước mơ.
- Meave: Thầy bảo em không có tố chất nhà văn. - Thầy giáo: Thầy chỉ cố thúc đẩy em hơn. - Meave: Em không nghĩ vậy. Và em suýt nữa không quay lại vì thầy. Không giống hầu hết sinh viên ở trường này, từ nhỏ chẳng có ai khen em giỏi hay xứng đáng. Nếu em mạo hiểm và thất bại, em không có gì để nương tựa, và thầy sẽ gặp những sinh viên khác giống như em, nên là… em chỉ muốn nói, là một nhà giáo, lời nói của thầy rất có sức ảnh hưởng.
Ở đây mình cũng không lên án thầy giáo hà khắt vì thật ra mục đích cuối cùng của thầy ấy vẫn là mong học sinh của mình trở nên vĩ đại, vượt lên chính mình. Ác đúng chỗ thì là thiện đấy. 
Nhưng mỗi người sẽ có một ngưỡng chịu đau khác nhau và chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được nỗi đau của một người. Trong tình yêu, nếu vẫn chưa hiểu được nỗi khổ niềm đau của người mình yêu, thì đó vẫn chưa phải là tình yêu đâu. 
Nỗi đau thay đổi muôn hình vạn trạng theo hành trình ta trưởng thành. Đôi khi, vì không được quan tâm đúng mực, chúng ta dễ bị mặc cảm. Đối mặt với nghịch cảnh hay thất bại, chúng ta thấy mình không đủ, không xứng đáng cho những điều tốt đẹp.
Ngoài việc tự chữa lành, chuyển hóa nỗi đau bằng việc viết, tái định nghĩa lại nỗi đau bằng cách kể câu chuyện cuộc đời mình khác đi, tôi cũng cần những người bạn ủng hộ tôi, cùng tôi vươn lên, bảo tôi hãy kiên cường và tiếp tục tin tưởng vào bản thân. 
Nỗi đau buộc tôi phải tiếp tục suy nghĩ, trăn trở, và bận lòng. Mỗi suy nghĩ giống như một cái dùi đẽo gọt, đào sâu và mở rộng các chiều kích trong tâm hồn, khiến tôi cảm thấy như một vùng đất mới đang dần hiện ra. Một không gian nội tâm được hình thành, những bước đầu tiên đi vào bên trong, một nơi trú ngụ an yên để trở về. Người có cái đầu lạnh đơn giản là sau khi kinh qua mọi thứ khổ đau, họ chấp nhận hơn, sống với thái độ ung dung hơn vì họ biết bản chất cuộc đời là thế. 
Như Phật nói: "Đau là không tránh khỏi nhưng Khổ là lựa chọn."
Ở trong những lúc đau nhất, ta vẫn có thể chọn không làm khổ mình, khổ người. Cốt lõi đạo Phật là của Tứ Diệu Đế (The Four Noble Truths), thừa nhận đời là bể khổ, nhưng không vì thế mà chúng ta né tránh khổ đau. 
Thế là, ta có Bát Chánh Đạo (Noble Eightfold Path) để học cách tu tâm, học để mà biết cách đối mặt với khổ đau và khiến mình bớt sợ sống hơn.
"Giống như ta cần biết bơi để tận hưởng niềm vui của nước, việc biết cách làm việc với nỗi đau cũng khiến ta bớt sợ sống hơn." - Minh Đào
Ta được dạy nhiều về cách để thành công, có cuộc sống viên mãn nhưng thành công lại nằm nhiều ở cách chúng ta đi qua khổ đau - C.G. Jung Quote: “The difference between a good life and a bad life is how well you walk through the fire.” Loài người không phải là sinh vật tìm hạnh phúc. Chúng ta đi tìm những ý nghĩa đủ lớn để vượt qua nghịch cảnh. Đau mà không khổ.