Viết về nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là một hoạt động của tâm trí chứ không hẳn chỉ là cơ thể vật lý.
Mỗi khi nhắc đến nghỉ ngơi, điều đầu tiên mình nghĩ đến, đó là những lần nhẽ ra mình nên nghỉ ngơi - nhưng, mình lại chìm vào cảm giác tội lỗi, của những ngổn ngang công việc và bận rộn với những suy nghĩ (overthink).
Cũng có những lần khác, mình thật sự được thư giãn, đến một cộng đồng mới, được chữa lành và đắm mình trong sự an lạc. Đó là lần mình đi đến Làng Mai - Biên Hoà, nơi mà mình nhận biết được niềm vui từ những thứ vô cùng giản dị, được trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Mình hát thiền ca, thiền hành, ăn trong chánh niệm và được chứng nghiệm hạnh phúc thật sự trên nụ cười của nhưng ni cô ở đây. Không mong cầu, không tham sân si.
Hai trải nghiệm đối lập đó khiến mình suy nghĩ về việc nghỉ ngơi thật sự là gì?
Có phải là chỉ cần gác lại tất cả công việc, đi đến một nơi thật xa là nghỉ ngơi không? Khi mà tâm trí mình trong lúc nghỉ ngơi đó, luôn biết rằng đống công việc chồng chất vẫn đang chờ mình, như một tảng đá đè nặng lên vai.
Cũng có những lúc mình đang làm việc rất tập trung mà vẫn cảm thấy rất sảng khoải (refreshing), rất háo hức và cảm thấy thật sự chữa lành.
Nghỉ ngơi có thật sự là không làm gì không?
Gần đây mình đọc được một nghiên cứu về hạnh phúc của hai nhà tâm lý học Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert từ Đại học Harvard. Các tình nguyện viên được nhờ cài đặt một ứng dụng trên iPhone. Ứng dụng này sẽ thỉnh thoảng phát ra âm thanh bíp bíp và hỏi họ đang làm gì, tâm trí họ đang nghĩ về điều gì và họ cảm thấy hạnh phúc như thế nào vào thời điểm đó.
Nghiên cứu này phát hiện ra rằng con người dành 46,9% thời gian để nghĩ về quá khứ hoặc tương lai thay vì tập trung vào việc họ đang làm. Tác giả gọi đây là hành vi “tâm trí lang thang”.
Việc “tâm trí đi lang thang” này có ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ hạnh phúc của họ. Mẫu số chung người tham gia thí nghiệm cho rằng họ hạnh phúc nhất khi “make love”, tập thể dục và trò chuyện. Ít hạnh phúc nhất là khi nghỉ ngơi (resting), làm việc và sử dụng máy tính tại nhà.
A human mind is a wandering mind, and a wandering mind is an unhappy mind
Trong cuốn hành trình về Phương Đông cũng có từng đề cập rằng:
“Người Âu các ông tưởng mình biết nghỉ ngơi, nhưng thật ra các ông không biết gì cả. Các ông ngồi trên ghế một lúc rồi quay bên này, ngả bên nọ. Khi thì tréo chân, lúc lại dang tay, coi thì thoải mái nhưng trí óc các ông hoạt động liên miên từ việc này đến việc nọ. Như thế chỉ là hoạt động ầm thầm chứ đâu phải nghỉ ngơi.”
Nghỉ ngơi là một hoạt động của tâm trí chứ không hẳn chỉ là cơ thể vật lý.
Theo nghiên cứu, đa số chúng ta có mặt ở hiện tại nhất là khi:
1. “Make love” vì không ai muốn suy nghĩ vẩn vơ hoặc cũng không thể nào nghĩ về chuyện gì khác ngoài việc tận hưởng.
2. Tập thể dục, đặc biệt là những môn đối kháng như đá bóng, bóng rổ hoặc những môn có tiết tấu như Yoga. Chúng đòi hỏi chúng ta phải thật sự tập trung vào các động tác, hoặc đôi lúc là bởi vì phải tập trung vào sự đau của cơ thể vật lý.
3. Trò chuyện, ý mình là thật sự có một cuộc trò chuyện ý nghĩa, mải mê quên cả thời gian.
Những hoạt động trên kéo chúng ta về hiện tại vì mức độ chú tâm dành cho hoạt động đó. “Tâm trí lang thang” như trong khái niệm của Phật giáo gọi là “The monkey mind” khi con khỉ tâm trí của chúng ta liên tục nhảy từ cành này sang cành khác, và mỗi cành là một suy nghĩ, không bao giờ ngơi nghỉ. Phật giáo có thiền để chế ngự con khỉ ấy và để sống trong giây phút của hiện tại.
Ngược lại, hoạt động ít hạnh phúc lại là nghỉ ngơi?
Mình nghĩ nếu như nghỉ ngơi không đúng cách, những khoảng thời gian trống này là cơ hội vàng để tâm trí chúng ta lang thang hết công suất, lơ đễnh mà không phải tập trung vào điều gì cụ thể, tệ hơn là lún sâu vào vòng xoáy của sự tiêu cực.
Vậy làm cách nào để nghỉ ngơi thật sự?
Như trong tập Have a Sip Đơn vị nhỏ nhất của nỗ lực là một hơi thở, mình nghĩ chúng ta có thể bắt đầu việc thư giãn bằng một thơi thở thật chú tâm, chú tâm vào những cảm nhận thật sự tinh tế của mình.
Nói với bản thân, “Tôi đang rửa bát” hoặc, “Tôi đang giặt đồ,” và sau đó thật sự chú ý đến tất cả những trải nghiệm giác quan của công việc đó. Bạn nghe thấy gì? Nó có mùi như thế nào? Cảm giác thế nào trên da của bạn? Điểm mấu chốt là phải toàn tâm toàn ý, khi chú tâm.
Ở Làng Mai của Thích Nhất Hạnh có khái niệm về Thiền Hành. Mục đích của thiền hành là sự tỉnh thức và sự an lạc. Tỉnh thức và an lạc được liên tục. Vì vậy ta sử dụng tới hơi thở, bước chân, nụ cười hay bất cứ thứ gì để neo tâm trí lại.
Khi bạn tận hưởng và đắm mình trong những khoảnh khắc ngày thường này, bạn dành ít năng lượng cho sự lang thang, bạn bắt đầu cho nhiều năng lượng hơn cho những cảm xúc vui vẻ và biết ơn - đây là lúc bạn thật sự để tâm trí nghỉ ngơi.
Day17 #wotn6 Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất