"And don't forget to say thank you to Ms. Cherry!"
Đây là câu nói mà thầy Kevin lúc nào cũng nói trước lớp sau mỗi lần kết thúc buổi học. Mỗi lần như vậy là mình lại thấy ngại, bởi vì thực sự mình cũng có làm gì nhiều đâu, mình là trợ giảng, đây đều là những gì mình nên làm. Nhưng từ ngày này qua ngày nọ, thầy vẫn kiên trì làm điều đó, và mình nhận ra là thầy vẫn luôn ghi nhận từng sự đóng góp của một cá nhân, từng hành động dù là nhỏ nhất. Và chuyện để kể về thầy thì không chỉ dừng lại ở đó, mình đã gom góp tất cả các mảnh ghép lại để hy vọng có thể vẽ nên bức tranh chân thực nhất về thầy, người đầu tiên khiến mình hiểu rằng, thế nào là đem cái tâm đặt vào công việc của mình.
Quay ngược thời gian trở về buổi đầu tiên gặp thầy. Thầy không giỏi nhớ tên người Việt, đó là ấn tượng đầu tiên của mình về thầy, hoặc có lẽ, không phải là thầy không giỏi, mà là thầy không quen. Nên mình cho thầy biết cả tên tiếng Việt và tiếng Anh của mình, thầy đã chọn Cherry để gọi, cũng dễ hiểu mà. Điều thứ hai mà mình ấn tượng đó chính là thầy sẽ sử dụng gần như toàn bộ bàn giáo viên. Bạn biết vì sao không, vì thầy mang rất nhiều handouts, handouts cho từng hoạt động trong lớp, handouts cho cả trợ giảng để họ có thể theo dõi nội dung bài giảng của thầy. Thầy còn in cả lesson plan cho mình xem, trong lesson plan, từng hoạt động rất cụ thể với time, goal, activity rõ ràng. Cầm trên tay các bản handouts đó, điều đầu tiên mình nghĩ đó chính là, ôi trời, thầy lấy đâu ra thời gian soạn mấy cái này vậy, thầy có rất nhiều lớp trong một tuần, và lớp nào thầy cũng làm như vậy! Mình đã từng soạn lesson plan cho lớp ở nhà của mình, làm qua loa thì nhanh, nhưng để làm kĩ, chi tiết và đa dạng tài liệu như thầy thì thực sự tốn rất nhiều thời gian. 
Khi mình nói với thầy về điều này, về việc thầy thật chu đáo khi in cả tài liệu cho trợ giảng, thầy bảo rằng, "It's ok Cherry. You are also learning". "Không sao cả Cherry, vì bạn cũng đang học tập mà." 
Mình đã làm trợ giảng được hơn 3 năm, chưa từng có một giáo viên nào quan tâm tới việc khi học sinh học, trợ giảng cũng học cùng học sinh. Thường thì họ sẽ yêu cầu mình dịch sang tiếng Việt, giữ trật tự, quan sát xem học sinh có hiểu bài không, chưa một ai chia sẻ với mình về việc họ sẽ làm những hoạt động gì hôm nay, tài liệu cũng chỉ giữ đến lúc hoạt động diễn ra, rồi nhờ mình phát cho học sinh. 
Sự quan tâm nhỏ nhặt ấy cũng đủ khiến mình trân trọng thầy, bởi vì thầy luôn thể hiện sự trân trọng với trợ giảng của mình. Mình đã làm trợ giảng qua cho rất nhiều giáo viên, cũng đã gặp những người giáo viên có thái độ không tốt với học sinh, chỉ cần nhàn cho mình thì đều ok hết. Mọi thứ họ làm cũng rất qua loa, thậm chí có người còn inbox hỏi mình xem nên cho tụi nhỏ chơi gì học gì, có phải chiếu video lên xem thôi không. Lúc ấy mình thực sự rất buồn, mình nghĩ bỏ khoảng 30 phút soạn lesson plan khó khăn đến vậy sao. Ở lesson plan của thầy kevin, bạn sẽ hiểu rằng, mỗi một hoạt động diễn ra đều phải mang lại giá trị cho học sinh, đó có thể là phát triển kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Và tốt nhất là, trong một buổi học nên phát huy tất cả các kĩ năng ấy của học sinh. 
Khi đi làm, mình đã từng chứng kiến một chuyện như thế này. Trong giờ thảo luận nhóm, một học sinh bỗng nhiên nôn ói ra sàn, cả lớp nháo nhào lên, mình nhờ một bạn đưa em xuống phòng y tế, còn mình thì chạy đi tìm cô lao công. Toàn bộ quá trình ấy diễn ra mà giáo viên không hề mảy may hay biết. Đến khi có cô lao công lên dọn dẹp thì người giáo viên ấy mới để ý, và khẽ cau mày. Lần đó mình mới vào nghề, mọi thứ lý tưởng đẹp đẽ trong mình sụp đổ, nhưng mình biết mình cũng sẽ chẳng thay đổi được gì, nên tốt nhất vẫn nên học cách sống hòa hợp trước. 
Nhưng khi mình làm trợ giảng cho thầy Kevin, thầy không hề ngồi. Mình chưa từng thấy thầy ngồi, đó là sự thật. Chiếc ghế giáo viên nằm trơ trọi ở đó, chờ trong mòn mỏi một ngày được tiếp đón thầy. Nhưng thầy một là đứng tại bàn giáo viên sắp xếp handouts, hai là di chuyển liên tục trong lớp học để tương tác với học sinh, dường như bất kì học sinh nào cũng có cơ hội được tương tác với thầy. Khi học sinh thảo luận, thầy sẽ di chuyển qua từng nhóm, hỏi han và hỗ trợ. Nhưng không phải chỉ mang tính hình thức, mình đã ở đó và nghe thầy hỗ trợ, thầy sẽ giúp nhóm đó đến nơi đến chốn chứ không hề qua loa. Và điều này đã làm mình hổ thẹn. Vì nhiều lúc, do nhiều học sinh, nên có một số câu hỏi mình chỉ trả lời cho có, hoặc qua loa. Thầy đã dạy mình rằng, hãy dùng sự quan tâm chân thành của mình để dạy học sinh. 
Nếu bạn đã yêu cầu, thầy đồng ý, thầy nhất định sẽ làm không chậm trễ. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, thầy sẽ ghi nhớ. Mọi yêu cầu của bạn thầy sẽ cân nhắc kĩ, nhưng nếu bạn nhận được cái gật đầu của thầy, thì bạn hãy tin tưởng rằng thầy sẽ thực hiện chúng một cách nhanh chóng và không chậm trễ. Có rất nhiều người đứng trước yêu cầu của người khác, sẽ tạm thời đồng ý, hoặc đồng ý kiểu nước đôi, sau đó một là bạn phải thúc giục thì họ mới làm, hai là họ sẽ từ chối vào phút chót, nói rằng họ đã cố gắng hết sức, nhưng không được. Lúc đó mình cũng chỉ nói không sao đâu, nhưng trong lòng mình niềm tin thực sự đã mất đi một nửa. Gặp nhiều người như thế, có lúc mình đã thực sự tin rằng bây giờ ai cũng vậy, họ sẽ nghĩ đến lợi ích của bản thân trước, họ không có nghĩa vụ phải giúp đỡ cho một ai, vậy nên cũng đừng kì vọng quá nhiều. Nhưng khi gặp thầy, mình cảm thấy bản thân rất may mắn vì đã gặp được một người vẫn giữ được các nguyên tắc tốt đẹp ấy. 
Hôm nay mình có đưa thầy Gmail để thầy gửi tài liệu cho mình, như vậy thầy không cần in thêm tài liệu cho mình nữa. Thầy có forward một mail cho mình. Hóa ra là thầy thường gửi file handouts về cho chị trung tâm, chị ấy sẽ in ra giúp thầy. Và đây là nội dung mail ấy. Đọc xong mình có nhiều cảm xúc không tên. Ngay cả chỉ là một mail nhờ in handout, thầy vẫn không quên cập nhật tình hình buổi dạy cho chị trung tâm, và ghi nhận sự đóng góp của từng thành viên trong buổi học đó. ^_^
Và cuối cùng, mình muốn nói một chuyện liên quan tới tiêu đề một chút, phải, thầy là người Úc, thầy gần 70 tuổi, và thầy đã từng phục vụ trong quân đội.