Viết về cái xấu xí
Không ít kẻ có thể tuyên bố sống chết vì cái đẹp, tận hiến cuộc đời theo đuổi cái toàn mỹ. Tuy nhiên với những thứ xấu xí - mặt bên...
Dẫn nhập
Không ít kẻ có thể tuyên bố sống chết vì cái đẹp, tận hiến cuộc đời theo đuổi cái toàn mỹ. Tuy nhiên với những thứ xấu xí - mặt bên kia của đồng xu với cái đẹp, với tầm hiểu biết hạn hẹp của cá nhân người viết bài sẽ tuyên bố rằng, chúng chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ nhận được sự nhiệt thành như vậy trong trái tim của nhân loại.
Nếu đẹp đẽ là tiên dược, xấu xí sẽ là liều thuốc độc. Nếu đẹp đẽ là một đặc ân, xấu xí sẽ là sự trừng phạt. Nếu đẹp đẽ là nơi mọi trái tim hướng về với sự ngưỡng vọng, yêu thương, thì xấu xí lại là nơi mọi sự thù ghét, ghê tởm có thể được ném vào (với một nụ cười hả hê trên mặt).
Mỹ học
Có cả một học phái triết học để nghiên cứu về "cái đẹp" - mỹ học. Triết học không phải là một khoa học chính xác, do đó tồn tại rất nhiều luận điểm khác nhau về triết học dựa trên trình độ phát triển của xã hội đương thời, tiền đề lý luận cũng như phương pháp luận của các triết gia. Tuy nhiên, cá nhân người viết bài ủng hộ sự tiếp cận khái niệm cái đẹp thông quan hai phần "con" và "người".
Phần "con" là là những hình mẫu, những động lực, tầng vô thức và tiệm tiềm thức tạo ra cơ sở cho cái đẹp. Một người mù bẩm sinh không thể thưởng thức những tác phẩm hội họa vĩ đại. Một người điếc bẩm sinh không hề bị những giai âm cuồng nhiệt mê hoặc. Các nghiên cứu về màu chỉ ra các họa sỹ tài năng thường là những người có sự nhạy cảm về màu tốt hơn mức trung bình (10 triệu màu) khi họ có thể phân biệt được từ 15 đến 20 triệu màu. Có một hiện tượng tâm lý học với cái tên Kindchenschema - đề cập đến một tập hợp các đặc điểm ngoại hình ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến chúng trở nên đáng yêu và thu hút sự chú ý, chăm sóc từ người lớn. Điểm thú vị ở chỗ hiện tượng Kindchenschema không chỉ được quan sát với con người mà còn giữa nhiều loài thú khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta lại thấy những con mèo con, chó con "đáng yêu" (và cảm thấy thất vọng vì sự "dậy thì không thành công" của đám vật nuôi)...
Phần "người" của mỹ học là tập hợp tất cả các trải nghiệm, kiến thức và nhận thức cá nhân dẫn tới sự cá nhân hóa trải nghiệm cá nhân về cái đẹp. Trong buổi bình minh của làn sóng bùng nổ AI, chúng ta đã quan sát thấy thiên kiến của thế giới hiện đại về cái đẹp. Trong những phiên bản đầu tiên của mình, khi sử dụng prompt "beautiful girl" kết quả được Midjourney (hiện tại là Stable Diffusion) trả về là một cô gái Châu Á, với khuôn mặt v-line, làn da trắng như trứng bóc cùng một mái tóc dài nữ tính. Khái niệm "cô gái đẹp" với mô hình AI được đóng chặt với hình mẫu nêu trên không thể nghi ngờ rằng đó là kết quả của quá trình marketing - thông tin của các công ty giải trí trên không gian mạng trong thời gian dài. Tuy nhiên, quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ trong chiều dài lịch sử không "nghèo nàn" như đối với mô hình AI hiện đại.

Có lẽ các bạn không còn lạ lẫm với bức ảnh này - bức ảnh về một công chúa từng là người đẹp nhất của vương quốc khiến nhiều chàng trai điên cuồng đến mức tự tử vì cô. Dù rằng đó chỉ là "truyền thuyết internet" và thiếu chính xác về mặt lịch sử, tại sứ sở Ba Tư (Persia) khi xưa, sự đầy đặn thực sự là tiêu chuẩn về sắc đẹp của một người phụ nữ. Dù cho đế chế Ba Tư đã không còn, thế nhưng trên quả Địa Cầu hiện đại, vẫn có nơi xem phụ nữ đẹp là phụ nữ đầy đặn (mà thực tế là thừa cân).

Meme nhà làm
Mỹ học về cái xấu xí
Nếu cái đẹp chẳng đứng yên, vậy cái xấu - như điện cực trái chiều của cái đẹp cũng chẳng phải là cái bất biến.
Sự tinh nghịch và sức sáng tạo của tuổi trẻ đã khiến vài học sinh cấp ba cảm nhận như thế này về Thúy Vân của cụ Nguyễn Du: "Khuôn trăng đầy đặn = mặt tròn như cái bánh bao; nét ngài nở nang = lông mày sâu róm!". Tất nhiên đó chỉ là một câu chuyện cười, nhưng qua hàng nghìn năm của lịch sử, chúng ta cũng không khó để tìm thấy những thời điểm xấu hóa đẹp, thiên nga "đột biến" thành cóc ghẻ.
Thế nhưng mỗi lần chuyển biến, đổi rời lại càng khiến chúng ta sâu sắc hơn một suy tưởng: "Vậy cái xấu xí là gì?"
Tôi sẽ tự tham vọng một chút và đặt ra định nghĩa cái xấu của mình: "Cái xấu là sự biến dạng, lệch lạc với mẫu hình ở các tầng khác nhau của nhận thức." Có những lệch lạc về mặt sinh học ví dụ như nhiều hơn một cái tay sẽ tạo ra một cảm giác ác cảm cực hạn. Có những lệch lạc về mặt nhận thức chung của xã hội, giống như cái cách người Việt từng tôn thờ rồi lại ghét bỏ hình xăm.

Bức tranh "Nữ công tước xấu xí" là một minh họa rõ ràng về bản chất của cái xấu. Một khuôn mặt không thuộc về phụ nữ đặt bên cạnh những chi tiết gợi nhắc về phụ nữ đã tạo ra "sự xấu xí" cho bức tranh. Tôi hồ rằng nếu "nữ công tước" thay một bộ đồ khác, phải chăng chúng ta sẽ chỉ thấy một người đàn ông "bình thường" thay vì một "nữ công tước xấu xí"?
Cái xấu với một người viết
Nếu toàn mỹ nằm ở biên giới xa nhất của trí tưởng tượng, vậy tột cùng của cái xấu phải chăng cũng ở bờ bên kia của thế giới tâm tưởng?Bản quyền câu nói trên thuộc về người viết
Tôi là một người đã viết rất nhiều. Do đó, tôi đã có thời gian đủ lâu đối mặt với những câu hỏi rất căn bản của việc viết về "thiện - ác", "xấu - đẹp". Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, viết về một anh hùng lý tưởng, một đóa hoa rực rỡ điểm trăng sáng vào lòng kẻ si tình đến trăm năm dễ dàng hơn nhiều để nhào nặn ra một nhân vật "ma chê quỷ hờn" đáng nhớ. Đó chính là thời điểm tôi mới nhận ra rằng, để hoàn thiện kĩ năng viết của mình, tôi phải hiểu về cái xấu nhiều như cách tôi mơ tưởng về cái đẹp. Một thế giới sặc sỡ luôn có nơi chốn cho cả cái đẹp và cái xấu. Và thế là tôi đã từ bỏ việc khoanh vùng cây bút của mình trong góc nhỏ của vườn hoa.
- TNAS.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
Nếu không có sự phân biệt đối xử xấu đẹp thì loài người đã sớm trở thành một đám quái thai dị dạng mà bạn không thể hình dung trong bất kỳ cơn ác mộng nào.
Tại sao đàn ông thích cô gái ngực bự, eo thon và mông to? Đó là biểu hiện của một cô gái đã phát dục và có khả năng sinh sản tốt. Tại sao cô gái thích trang điểm má hồng, môi đỏ, lộ nửa ngực? Vì đó là các tín hiệu sẵn sàng giao phối nên rất hấp dẫn với đàn ông. Tất nhiên vì con người sống trong xã hội chứ không phải sống trong tự nhiên nên như thế nào là đẹp cũng phụ thuộc vào đặc thù của xã hội đó, nó không ảnh hưởng đến ý kiến cho rằng vẻ đẹp phục vụ cho nhu cầu sinh tồn và sinh sản. Vì loài người càng văn minh thì yếu tố sinh học sẽ tác động càng ít dần nên tôi cũng không phủ định, chỉ là cho rằng nó ảnh hưởng ngầm tới con người nhiều hơn bạn nghĩ.
Con người có trở thành một đám quái thai dị dạng hay không đó là một câu chuyện khó khẳng định, nhưng chúng ta phải chú ý rằng lịch sử nhận thức của con người rất ngắn, ngắn hơn rất nhiều so với lịch sử tiến hóa sinh học. Trước khi nhận thức trở thành trung tâm của sự tiến hóa của con người, các động lực tiến hóa sinh học đã định hình dần con người phù hợp với điều kiện sinh tồn. Tất nhiên cũng không thể bỏ qua lý thuyết đột biến trung tính trong vấn đề tiến hóa sinh học. Do đó, trước khi con người kịp rành rọt cái đẹp một cách có ý thức, sinh học đã nhào nặn ra hình dáng tương đối của giống loài chúng ta - thứ sẽ luôn là một cỗi lõi của cái đẹp nằm trong sâu thẳm nhận thức của con người.