Bài viết (mà có khi là loạt bài viết) về những cảm nhận ngẫu hứng về Hà Nội dưới cái nhìn của một đôi mắt mở chưa đủ 18 năm

Miến lươn đúng ra là phải ăn trên phố cổ như cái cách mà người ta thường ca tụng về nó, nhưng vì điều kiện về phương tiện đi lại không cho phép nên tôi thường ghé vào con ngõ nhỏ nằm chìm dưới những biển hiệu sáng lấp lánh của đường Thái Thịnh mà gọi cho mình bát miến lươn.
Tôi không hay ăn miến lươn thay bữa tối, nó sẽ là một bữa phụ nếu chẳng may hôm đó mâm cơm gia đình không làm tôi hứng thú, những lúc như vậy tôi chỉ qua loa bát cơm vơi rồi thôi, tối đói thì tôi sẽ ra ngoài ăn thêm.
Và chính những buổi tối như vậy đã khơi lên tình yêu Hà Nội trong tôi.
Nghe thì có vẻ chả liên quan, nhưng đặt vào trường hợp của tôi thì nó đúng là như vậy dù cho điều đó có kì lạ.
Gia đình tôi không phải một gia đình kiểu mẫu. Tôi đã bị số phận hắt hủi theo một cách nào đó để có một ông bố khá tệ, một người mẹ nhận ra sự tồi tệ của chồng mình nhưng vẫn nặng cái tình nghĩa vợ chồng mà nó đằng đẵng hàng thế hệ nay ấy, một đứa em gái ngơ ngơ. Nhân tiện thì nhà tôi ở cùng với bà ngoại.
Tôi không có một cuộc sống mà vào cuối tuần được đi chơi, được lên phố, tôi cũng không có nhiều bạn đủ gần gũi để mà la cà khắp Hà Nội, hơn nữa tôi không có xe nên cũng phiền chúng nó nếu qua đón.
Vậy nên tôi trải nghiệm Hà Nội theo cách của tôi và lần này là qua món miến lươn.
Đó chỉ là quán ăn nhỏ nhưng thực sự là nơi ấm áp nhất tôi từng biết. Đi từ đường Thái Thịnh cũng phải thật tinh ý mới nhận ra một lối rẽ nhỏ ẩn dưới tán cây, dẫn vào một khu tập thể khá rộng. Có thể nói đấy là con đường vào thế giới khác cũng được bởi ở đây người dân khá giống một gia đình và nó cũng trốn được cái xô bồ ồn ào của những cung đường phố thị ngoài kia.
Chủ quán là cô Hiền, với cái gian bếp nhỏ nhỏ khum lại một cách ấm áp cạnh một gốc cây. Tôi cũng chả biết cô đã bán được bao nhiêu lâu nhưng tuổi nghề của cô có lẽ hơn cả tuổi đời của tôi, bằng chứng cho điều đó là việc cô có khá nhiều khách quen từ trẻ con cho tới người già. Tôi đang cố gắng để trở thành khách quen.
Một nhân vật song hành với cô Hiền là chú Long (gọi là cô chú nhưng cũng chỉ trẻ hơn bà tôi đôi chút). Tôi không rõ mối quan hệ của hai người là gì nhưng chắc là vợ chồng thôi. Một ông chú với vẻ ngoài khá cục chỉ ngồi lướt web trên cái tablet, đợi cô Hiền gọi thì bưng bê và thu tiền, giống với vẻ ngoài của một người trải qua thời thanh niên vướng đầy bụi trần rồi giờ đây hài lòng với cuộc sống lúc xế chiều. Chú Long và cô Hiền chắc giống như một con rồng tìm được sự hiền dịu trải vào lòng mình để rồi thôi đại náo thiên địa mà tĩnh lại.
Còn chị Yến và bà Trâm nữa, đấy là hai người mà tôi rất có cảm tình. Chị Yến phụ cô Hiền bưng bê cả rửa bát. Cho dù chị có một vóc dáng bị lệch ra khỏi gu thẩm mỹ của đàn ông con trai Việt Nam nhưng nhìn chị luôn có một cảm giác rằng chị đang hài lòng với cuộc sống và chị luôn biết cách làm tôi buồn khi bảo "Hết quẩy rồi nhé". Bà Trâm thì là bà lão bán trà đá, đó là cách mà người dân khu này nương tựa vào nhau để sống. Một cụ bà ở cái tuổi gần đất xa trời tối nào cũng ngồi ngoài cửa để xem có ai vì cái oi bức của tiết trời và hơi nóng từ bát miến mà gọi đôi ba cốc nước không. Nếu có một cái nhìn thoáng qua thì bà Trâm trông như 90 tuổi rồi ấy, đôi tay cũng run run, nếu bàn nào mà gọi từ 3 cốc trở lên, thậm chí đôi khi là 2 cốc, bà Trâm cũng lấy ra một cái giỏ y hệt trong bộ đồ hàng cho lũ trẻ mẫu giáo, đặt nhẹ cốc nước vào đó rồi xách ra. Trông hình ảnh đấy lạ lắm, nhưng cũng thú vị.
Tôi thường gọi hai bát bởi ở cái độ tuổi này thì một là quá ít. Bát đầu tiên luôn là miến trộn, nửa thìa tương ớt và thêm quả quất. Ăn bao nhiêu lần thì tôi vẫn cứ thích thú với cảm giác từng sợi miến trơn tuột vào cổ họng kéo theo đó là vị chua nhẹ của quất, không bị quá gắt như chanh nhưng vẫn đủ để lan tỏa khắp khoang miệng, làm dịu đi độ cay của tương ớt và tô thêm hương vị cho miếng lươn. Để chúng nó cùng hòa tấu trong miệng tôi rồi đọng lại một cảm giác thèm thuồng nơi đầu môi khiến tôi gọi thêm bát thứ hai.
Miến nước là bát thứ hai, phải là miến nước, nước dùng luôn là một phần tinh túy trong ẩm thực Việt Nam, nó có thể phá hủy món ăn nhưng cũng có thể làm món ăn thực sự bứt phá lên nếu được nêm nếm đúng cách. Bát thứ nhất ăn để chống đói thôi còn tôi thích bát thứ hai được thưởng thức từ từ, để hương vị của nó chậm rãi ngấm vào đầu lưỡi đồng thời cũng nghe ngóng những câu chuyện xung quanh.

Tôi nhìn Hà Nội qua những câu chuyện như thế, những câu chuyện được kể ở các quán ăn, có thể là buổi sáng hay tối muộn tuy nhiên buổi sáng thường vội vàng do họ phải đi làm, tan ca về mới là giây phút nghỉ ngơi mà bộc bạch tâm tư.
Ăn ở đây nhiều cho tôi chứng kiến nhiều mảnh đời, nhiều số phận. Đó là nhóm thanh niên tạm gạt đi những tiệm ăn hào nhoáng mà dừng lại ở quán bình dân. Đó là những bà mẹ ngại nấu cơm nên đưa con ra ngoài ăn cho đổi gió. Đó còn là những người mang vài khoản nợ nần để rồi tự vẽ cho khuôn mặt mình những đường nét khắc khổ, lo âu, những đàn chị luôn ca cẩm về đối làm ăn hay ông chồng gàn dở, phiền phức... Tôi luôn lắng nghe, để biết, để hiểu và để yêu thêm Hà Nội, thành phố đẹp mà cũng mang nhiều những tiếng thở dài. 
Nhưng thú vị ở chỗ những tiếng thở dài ấy không khiến quán trở thành một chốn nặng nề ưu tư ngày trường mà nó khiến mọi người gần nhau hơn. Luôn luôn là nụ cười ấm áp từ cô Hiền trước những câu chuyện của khách. Rồi theo đó là đôi lời bình luận của người dân xung quanh đó, mỗi người gọi một suất ăn riêng nhưng cứ như là một bữa ăn chung vậy.
"Miến của em này"
"Em xin ạ"
...
"Chị cho em thêm đĩa quẩy"
Hai bát, một đĩa quẩy, một trà đá là 58 nghìn.
Một cái giá rẻ để được nghe và ngẫm về cuộc sống.