Trước khi đọc đeo tai nghe vào nghe bài nhạc của chú Thái này, mình cũng nghe trong khi viết, nên biết đâu bạn có thể đi qua mạch cảm xúc của mình đâu đó trong này ^^ 
| Điều chưa nói - Thái Đinh |
Viết nhanh trước khi mình hết xúc cảm cho mùa đồ án vừa kết thúc.
(bài này nó là tâm huyết của mình vài ngày vì cứ mải đi làm không chịu viết hẳn hoi tử tế, vậy nên có thể đôi chỗ hơi đơ :)))) )
Mỗi đồ án qua đi, mình đều trân trọng ghi lại những gì đã học được, sau này, có có thể mình quên đi, nhưng chắc chắn những gì học được thì là bài học thật lớn giúp mình trưởng thành trong cả nhận thức và tư duy làm nghề.
Đến bây giờ nếu như ai đó hỏi “ Học TK đồ họa khó không?” thì mình lại càng khẳng định, nó thật sự khó. Có thể trước đây mình chỉ biết người ta nói thế, vì bản thân mình hời hợt với nó, với chính cái nghề của mình. Giờ mới biết, có những điều mình biết mình thiếu sót nhưng còn không biết phải học lại từ đâu.
Đồ án vừa kết thúc mình làm về bộ nhận diện thương hiệu cho một công ty về mảng dịch vụ. Đây là lần thứ hai làm về nhận diện rồi và mỗi lần chỉ cách nhau có một tháng thôi, một khoảng thời gian đúng là không đủ để mình ngồi nhìn nhận lại mình được gì và mất gì, quả thực rất nhanh.
Lại là thầy Ca, người mình phải thốt lên một từ “hoảng sợ”. Nỗi sợ về những đêm tự nhục mà thức trắng, nỗi sợ về những câu nói dù nhẹ nhưng có sức làm mình suy nghĩ hàng tuần trời, nỗi sợ về một con người khác trong bản thân mình bị thầy nhìn thấu mất... Với thầy Ca, mình vừa ngưỡng mộ, vừa sợ nhưng an tâm.
Để so sánh một cách công bằng, mình làm đồ án 1 và đồ án 4 thì đều làm về cùng một thương hiệu, đều học được từ hai người thầy những thứ bổ ích. Đồ án 1 học thầy Linh, mình được học nhiều về kỹ thuật, về cách cân bằng yêu tố nhìn và yếu tố cảm. Cũng có học về tư duy, nhưng mình không đặt được cái tâm mình vào đó, cộng thêm tâm lí làm bài đầu tiên còn bỡ ngỡ không biết phân bổ thời gian đi làm, đi học, khối lượng công việc được giao,... nên đồ án này mình lụt, đến cuối, mình chỉ còn biết tinh chỉnh lại mockup với thêm họa tiết bổ trợ mà không có một tí kiến thức hay sự tìm hiểu nào cho thấu đáo cả, bài làm tệ hại, không để lại ấn tượng gì, thứ mình còn lại chỉ là những gì đã ghi chép lại trước đó. Thế mà cũng không hiểu sao cái đồ án đó được A, đấy là còn chưa kể là in fail lòi, hic, không biết nên cười hay buồn. Đồ án 1 trôi đi nhanh hơn cả chớp mắt như vậy.
Đồ án 4, thì học thầy Ca sau đôi ba lần đổi chác với mấy thầy cô. Thật sự mình thấy, thầy Ca khá là khó tính nhưng không đến mức đáng sợ giống kiểu khắt khe mấy bà chằn khó tính. Mình thấy cách dạy mở, kiểu cưỡi ngựa xem  hoa như thế hay đấy chứ, mình lười một cái là tạch luôn. Chứ mình vẫn hay nói với các bạn mình là lên đại học có môn gì quan trọng đâu, mình thấy quan trọng thì nó là quan trọng, còn không thiết nữa thì chả có gì gọi là quan trọng cả. Cái chính là, mình phải hiểu mình làm gì, mình đang làm cái gì, làm cho ai và mục đích gì. Vậy nên nếu học với thầy, là xác định một tư tưởng, học thì học cho mình chứ không học cho thầy, nếu muốn làm thì trao đổi, không thì thôi nhưng phải đúng và hợp lý. Mình sợ thì sợ chứ mình không có dấu, vì mình biết dù gì thầy cũng nhìn ra thôi, ban đầu mình không chấp nhận nhưng thấy càng sau càng đúng với bản chất con người mình. Và một điều nữa mình rất muốn trao đổi để nghe thầy nói, kiểu như mỗi lần vậy thông được não ra thích lắm.
Ngay từ những ngày đầu học thầy Ca mình đã có linh cảm sẽ bị hành cho tới nóc, sẽ được oằn mình, được nhào nặn, rồi thì não bắt đầu xuất hiện nếp nhăn. Và đúng thật, mình chẳng yên giấc một lúc nào cả, vì vô tình mình thấy được một sự kì vọng nào đó ở thầy. Mình nghĩ có lẽ thầy sẽ đặt kì vọng cho tất cả, nhưng mình không muốn mình lại là người vứt bỏ đi sự kì vọng đấy, nên lúc nào cũng trong trạng thái như một chiến binh chuẩn bị chiến thật.
Thầy nói mình "có đủ tố chất trở thành nhà thiết kế tử tế", những mình lại giống như một đường tròn, đến một ngưỡng nào đó mình không thể làm sao với nó được nữa mình sẽ quay vòng, nếu mà mình không vượt qua được cái ngưỡng vớ vẩn ấy, mình sẽ trượt rất dài không có gì cản mình lại trở về con số 0.  Mình sợ như thế lắm vì nếu vậy, bản thân mình sẽ trượt dần trượt dần, mất kiểm soát...
Mỗi bài tập mình đều dành thời gian để tìm hiểu, xem xét đối tượng và tìm phương án cho nó, nhưng chưa bài nào mình chỉnh chu hết cả, bài nào cũng đầu voi đuôi chuột, mình luôn mắc một cái tật là không kiểm soát nổi tốc độ và kế hoạch, dù mình biết là điều đó là không tốt.
Nhược điểm lớn nhất của mình có lẽ là việc thiếu tự tin, chưa biết mình tốt ở đâu, có lẽ bắt nguồn từ thói quen không chịu tìm hiểu kĩ về đối tượng. Có chăng cũng chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu lí thuyết, không đào sâu nghiên cứu, bóc tách đối tượng và triển khai những phương án khác nhau cho mỗi đối tượng. Trước giờ vẫn hay có thói quen làm theo cảm tính, mà giờ thấy sao nó tệ đến vậy...
“Đừng lo lắng quá” một câu thầy nói làm mình muốn khóc luôn, thầy cứ vừa đấm vừa xoa thế này muốn bỏ học cũng chết chứ đừng nói là bỏ thật.
Mình có nhớ lúc hôm cuối chấm bài, cô Nhung có nói một câu: “ Nếu em làm một cái gì đó em tin nó là đúng thì hãy làm nó đúng” làm mình có động lực hẳn lên, không hiểu sao cái lúc đấy nghe cô nói mà mình nghĩ rằng mình có thể ra ngoài đời làm thuê được luôn ý. Nhưng được như vậy, được làm việc theo lí trí của mình như vậy đúng thật sự cần một khoảng thời gian đủ dài, không biết mình thế nào sau vài năm nữa nhỉ?
Thôi bài viết này mình chỉ rút ra vài điều cho những người đang học giống mình, có dịp mình sẽ ngồi nói kĩ hơn về vấn đề ngành học theo quan điểm cá nhân mình, mà tất cả những bài viết đều là quan điểm dựa trên những trải nghiệm của mình, thì đại loại là:
+ Khi mà học ý, đang đi học nhá, thì cái mình đang học kết quả không phải điểm số cao hay thấp, miễn là thái độ của bạn đừng hời hợt với nó, thì dù là trượt thì bài học bạn nhận được là thực sự quý báu.
+ mình thì luôn đặt thầy cô là những khách hàng vừa khó tình lại vừa dễ tính. Khó là vì thầy cô đòi hỏi mình cao quá, vì đấy là công việc của các giảng viên chịu trách nhiệm hướng dẫn rồi nên mình chẳng có vấn đề gì thắc mắc. Còn dễ tính thì có thể nói rằng, thầy cô là những khách hàng dễ tính nhất trong mọi loại khách hàng rồi, vì mình được sửa và được góp ý, và có cơ hội sửa sai làm lại, nếu ngoài đời không những không được sửa mà còn bonus thêm một bài tế dài 8 vạn trang nữa... Nói chung nghề nào cũng có cái khổ.
+ mỗi đồ án làm trên tinh thần, cho phép bản thân được phóng khoáng và cố gắng bỏ khuôn mẫu, làm những gì mình thích trước, mọi ý tưởng điên rồ sẽ trở nên đúng đắn khi bạn làm nó một cách nghiêm túc.
+ đặt cái tâm vào mỗi sản phẩm mình làm ra. Sau mỗi lần, vạch ra tìm cho mình một bài học gì đó bạn học được. Đừng toan tính một điều gì khi làm, mình tính toán kĩ quá nên thầy nói mình thực dụng và không thoát khỏi cái vỏ bọc của sự tự ti.
Mỗi một bài nó đều là phép thử cho bản thân, đừng tự khóa mình lại theo một khuôn mẫu nào đó. Mình chưa già nhưng thiết kế đã già thì thực sự mấy mươi năm nữa, mình chẳng còn đất diễn nữa...
Thôi nói chung nói luyên thuyên thế thôi, chuyện học, chuyện nhà, chuyện đời nói hơi nhiều rồi, bài này viết trong mấy ngày, ai đọc đến đây, mình thực sự biết ơn, không đọc thì mình đọc để rút kinh nghiệm cho đồ án tiếp theo.
Cố lên 2 năm nữa thôi là ra trường rồi tui ơi...
leang
HN 15|1|20