Chuyện là tôi dạo này tham gia cộng đồng những anh tài đồng write và có thử thách viết liên tục 30 ngày. Tôi đang không còn đối mặt với việc sợ bị quê nữa mà phải đối mặt với mặc cảm viết dở. Trong đầu tôi hiện lên quá nhiều disclaimer về việc rằng không phải tôi viết đâu, tôi bị giới hạn thời gian đấy (cụ thể là 60p) nhưng tôi đã cố dập tắt sự overthinking này để cứ viết thôi, theo mantra của hội "Viết dở và đều".
Tôi trăn trở mãi không biết 30 ngày tới sẽ viết gì, nên quyết định sẽ sắp xếp bài viết của mình như một cuốn hồi ký, về bản thân và về lý do tôi viết.
Ảnh bởi
Marissa Grootes
trên
Unsplash
Tôi bắt đầu viết từ vài năm trước, lúc đang rơi vào cuộc khủng hoảng hiện sinh sau khoảng thời gian hăm hở bươn chải với đời, bán mình cho tư bản, để rồi chợt nhận ra rằng mình đã hao mòn đến mức không còn biết lẽ sống của mình là gì, chỉ thấy mình như một cái máy được lập trình bởi xã hội.
Những suy nghĩ ấy cứ quẩn quanh và không còn dồn nén đủ trong tâm trí nhỏ bé này nữa, thế là tôi trải chúng lên trang giấy, gọn gàng và ngăn nắp. Ban đầu là viết nhật ký, nhưng sự cô đơn khiến tôi khao khát được hiểu, được tỏ bày, được đồng cảm và thôi thúc tôi viết ở đâu đấy mà tôi vẫn giữ được sự lowkey nhất định -  Spiderum.
Cảm hứng viết đến với tôi qua bộ phim "Stuck in Love", phân đoạn thoáng qua về một gia đình có truyền thống nhiều chữ.
"Writer - They’d experienced more than enough to last their creative life." "A writer is the sum of their experiences. Go get some." "Your sister is a great writer, and it's because she's courageous in her life."
Đại ý là, một nhà văn là tổng hòa của những trải nghiệm của họ. Trải nghiệm cuộc sống càng phong phú, sáng tạo càng trường tồn. Dũng cảm là sự tối cần của người viết.
Nhờ viết, tôi dấn thân hơn. Mỗi khi nỗi sợ xuất hiện, tôi tự nhủ rằng, mình đang trải nghiệm cuộc sống, đang nuôi dưỡng chất liệu viết, và từ đó tôi sống với vai trò là người khám phá, là nhân vật chính của cuộc đời mình, thay vì đơn giản chỉ là tồn tại - tôi viết và chiêm nghiệm.
Viết buộc tôi phản tư nhiều hơn, để còn có chất liệu đủ wow, đủ chạm để viết. Tôi cũng không biết phải xoay sở sao với việc phải viết 1 mạch 30 bài, phải moi móc tim gan đến cỡ nào để hoàn thành thử thách này. Tôi nghĩ rằng nếu viết đủ nhiều, cơ quan rung cảm trong tôi sẽ càng nhạy bén hơn, và tôi sẽ có nhiều cảm hứng để chấp bút hơn, trước mắt có vẻ vậy là đủ.
Mọi người thì đã quá quen với câu motto trong Ratatouille
"Everyone can cook."
Nhưng thường không nhớ đến ý sau:
"but only the fearless can be great.” - Chef Gusteau.
Ai cũng có thể viết nhưng chỉ những người dũng cảm dấn thân mới có thể trở nên vĩ đại.
Nhiều lần tôi phát rồ vì những sai lầm tuổi trẻ, chỉ ước được quay ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm. Nhưng khi nhìn lại và kết nối các điểm, tôi biết đó là hành trình đã tôi luyện tôi trở thành tôi của ngày hôm nay.
"Trăm triệu hạt mưa rơi, không hạt nào rơi nhầm chỗ."
Tôi không biết ơn những nỗi đau, nhưng biết ơn việc mình đã cho những nỗi đau một ý nghĩa, và viết là cách để tôi tái định nghĩa lại nỗi đau.
Giống như việc trị liệu tâm lý với chuyên gia, tất cả những gì chúng ta làm đơn giản là ngồi thuật lại và trả lời những câu hỏi liên quan đến nỗi đau dằn xé tâm hồn hay trải nghiệm đẩy ta đến tận cùng của sức chịu đựng. Ta kể câu chuyện của mình một cách khách quan, tái mô tả trải nghiệm, và hình thức trò chuyện với chuyên gia là một cách tái mô tả có định hướng – chuyên gia sẽ giúp bạn xoáy sâu vào gốc rễ của vấn đề.
Viết cũng vậy, nếu đắm mình trong dòng suy nghĩ đủ lâu, tôi bắt đầu hiểu ra căn nguyên của vấn đề và trả lời những câu hỏi đã dành cả đời để tránh né. Tôi viết những gì đã chạm tới mình. Và hy vọng nó cũng sẽ chạm tới người khác.
Tôi cũng đã từng sợ rằng những gì mình viết quá đỗi tầm thường và hiển nhiên. Nhưng bạn biết không, tất cả mọi ý tưởng dù mới mẻ đến đâu thì đều đã được đề cập đến – thế giới có hơn 8 tỉ người và có lẽ chúng ta không đặc biệt đến thế. Ý tưởng thì quan trọng, nhưng cách bạn truyền tải một cách hoàn toàn riêng, theo góc nhìn và quan điểm sống của bạn cũng quan trọng không kém – cái hay không chỉ đến từ sự mới mẻ mà còn từ việc người đọc có thể cảm nhận được. 
Cách dễ nhất để viết là hãy viết thật, cái gì thật đều đẹp và có giá trị. 
Như nhà phê bình Anton Ego trong Ratatouille đã ăn đủ thứ sơn hào hải vị nhưng món ăn thật sự chạm đến trái tim ông là món rau củ quả bình dị của người mẹ trong căn bếp nhỏ. Cuộc đời này sẽ đẹp nếu mình nhìn đâu cũng thấy cái đẹp, cái hay chứ không phải cứ cố tìm hay tạo ra một thứ đẹp đẽ lớn lao.
Những điều vĩ đại nhất trên đời này thực ra đều ở đây cả rồi.
Tình yêu của tôi đối với việc viết và chia sẻ quan trọng hơn những chuyện nhỏ nhặt khác, hơn cả việc bị chê cười, tôi muốn tự tay viết những sản phẩm đúng với tiêu chuẩn của tôi và tâm đắc về nó.
"Everyone can write, but only the fearless can be great.”
#Day1 #wotn6 Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.