Viết để sống hay sống để viết?
Thời cắp sách tới trường, môn học tôi thích học nhất là môn Văn. Tương ứng với điều đó, tôi rất ghét môn Toán. Ghét thì ghét nhưng...
Thời cắp sách tới trường, môn học tôi thích học nhất là môn Văn. Tương ứng với điều đó, tôi rất ghét môn Toán. Ghét thì ghét nhưng nghĩa vụ phải học. Cần cù bù thông minh, nên kết quả cũng không đến nỗi quá tệ. Có vẻ tôi thừa hưởng gen chữ nghĩa từ mẹ. Tôi còn nhớ nhiều lần mẹ viết đơn từ giùm cho mấy cô bác hàng xóm, soạn bài tập làm văn về nhà giùm cho mấy chị ở gần nhà, học lớp lớn hơn tôi. Có lần tôi chống cằm chợt nghĩ, nếu được học hành đàng hoàng, mẹ tôi có thể đã không phải chân lấm tay bùn, nuôi tôi bằng mồ hôi thánh thót trên đồng.
Nhưng thôi, hãy nói về hiện tại và tương lai. Hiện tại tôi là nhân viên văn phòng, làm một cái nghề tôi không muốn lắm, ở một lĩnh vực duyên trời đưa đẩy. Nhưng tôi làm rất tốt việc đó. Nếu hỏi tôi thích gì thì câu trả lời là thích viết, thích nhặt lên bỏ xuống, cân nhắc từng câu chữ, thích chuyển tải suy nghĩ, cảm xúc bằng ngôn từ. Viết với tôi không là cơm áo, nhưng nuôi dưỡng phần tâm được an lành hơn. Tuy nhiên, một thời gian dài tôi đã gạt việc viết ra khỏi thời gian biểu của mình, vì nhiều lý do. Bây giờ, động lực để tôi viết trở lại là sau khi đọc hết những dòng chia sẻ chân thành từ cuốn sách "Người Viết Kiếm Sống”, tác giả Hạ Chi. Nội dung chính là tự sự của một cây bút, về hành trình trở thành người viết chuyên nghiệp với kinh nghiệm 10 năm trong nghề ở đủ khía cạnh: Viết báo, viết “content”, làm quảng cáo, làm freelancer, viết sách…
"Quyển sách này sẽ giúp bạn tự tin theo đuổi nghề viết. Quan trọng hơn, bạn sẽ thấy trân trọng nhu cầu được viết của mình và từ đó có động lực để viết mỗi ngày."
Một cuốn sách rất thực, rất "người". Không chỉ cho những ai có định hướng đi theo nghề viết, mà cho tất cả mọi người...kiếm sống, định vị cụ thể hơn là giới trẻ. Thay vào dấu ba chấm bằng nghề nghiệp của bạn, thông điệp của cuốn sách cũng không hề sai lệnh. Vì xuyên suốt hành trình làm người viết, là sợi chỉ đỏ của việc làm người - đầy tranh đấu, trăn trở. Trong thời đại hiện nay, khi mà câu khẩu hiệu thường được lan truyền là hãy làm điều mình thích, hãy theo đuổi đam mê. Nhưng ít ai chỉ cho bạn thấy cái giá rất đắt của đam mê. Làm thế nào từ đam mê rèn giũa thành nghề nghiệp, sự nghiệp. Chẳng hạn như mê viết. Khởi đầu thường rất hăm hở. Muốn sáng tạo nội dung bằng chữ, viết quảng cáo, xa hơn có khi muốn thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ... Nhưng khi đối diện với thực tế "đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất", bạn sẽ dễ muốn xé nát những gì do chính mình viết ra, với sự bèo bọt của buổi đầu hành nghề bán chữ. Vậy làm thế nào để không vỡ mộng khi biết rằng cảm hứng để viết không đến như thiên thần hạ cánh mà chính là nhuận bút. Hãy sống trước khi viết. Thử tưởng tượng một ngày bác sĩ báo "em có nguy cơ bị ung thư", bạn sẽ đối mặt với điều đó như thế nào? Khi đang trên đỉnh của sự nghiệp đã gầy dựng bấy lâu, bạn nghĩ mình cần dừng lại để nghỉ chân, bạn dám buông không?
Nếu phải chọn giữa viết và sống, hãy chọn sống. Bởi vì cây viết giỏi đến đâu mà không sống ra trò, thì rốt cuộc chỉ tạo nên những con chữ mỹ ký - đẹp nhưng không có giá trị.
Bạn có cố gắng thật cật lực, lì đòn với mục đích và hy vọng bỏng cháy để đi được đến cuối hành trình làm người?
Mục đích chính là lý do, là thứ giúp ta tin rằng những thứ đang làm đây không phải là vô nghĩa. Không có mục đích thì chuyện bỏ cuộc trở nên vô cùng dễ dàng. Nhưng mục đích thôi chưa đủ. Cần có cả hy vọng. Hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay, hy vọng là mình sẽ giỏi hơn, hy vọng là mình có thể chiến thắng chính mình.
Ngày trước, mẹ tôi sớm hôm lam lũ, không gì ngoài mục đích để tôi bước được vào cánh cửa cuộc đời thênh thang hơn. Và niềm hy vọng mẹ nung nấu đó đã không dừng lại ở cây bằng lăng đầu ngõ vì tôi đã đi xa được hơn thế. Về phần tôi, bên cạnh công việc hằng ngày để kiếm cơm, tôi viết trở lại để làm gì? Để tìm được chính mình sau nhiều tháng năm đã qua mà chưa có kết luận ưng ý. Viết chỉ để giãi bày, chữa lành lại được phần "hồn" bên trong mình, đã bị mẻ mất vài mảnh trong vòng xoay vật chất khốc liệt ngoài kia. Tôi sẽ bằng lòng với một nghề kiếm sống (không phải người viết) và tiếp tục viết để sống trọn vẹn hơn.
Trong nỗ lực hàn gắn tâm hồn, tôi quay lại với việc mình giỏi nhất: viết. Tôi viết để nhìn thấu lòng mình và tìm cách xoay chuyển tình thế, hoặc ít nhất là chấp nhận được nó
Chúng ta ai cũng quen với việc tìm kiếm sự nghiệp, tìm bạn đời...mà hầu như không ai nghĩ đến điều đầu tiên và quan trọng nhất là “tìm mình”: mình là ai, có khả năng gì, giới hạn gì, mong muốn gì. Khi chưa hiểu hết, chưa chấp nhận chính mình, sẽ dễ sai đường hay vẫn sống trong vỏ bọc yên ổn, của một cuộc đời như xã hội, gia đình kỳ vọng, nhưng mãi hoài day dứt với cái tôi cứ còn đi lạc đâu đó trên đời. Nếu còn đang loay hoay, hãy thử viết.
Điểm đến cuối cùng trong hành trình của người viết, là tìm thấy chính mình.
Khi trải lòng với con chữ, đó là lúc bạn thành thật đối diện với nội tâm và dần dà bóc từng lớp vỏ, như bóc một củ hành tây. Ứa nước mắt đấy (chắc chắn), nhưng kết quả là có được củ hành trắng trơn, đẹp đẽ. Hay bạn muốn mãi ẩn mình trong lớp vỏ nâu xù trầy trụa? Tôi đã chọn bóc vỏ bằng cách viết, còn bạn?
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất