Viết cho những ước mơ rạn vỡ
Ước mơ luôn là điều gì đó rất thiêng liêng trong cuộc sống con người. Từ thuở còn lăn quăn chạy theo mẹ, mỗi chúng ta đã mang trong...
Ước mơ luôn là điều gì đó rất thiêng liêng trong cuộc sống con người. Từ thuở còn lăn quăn chạy theo mẹ, mỗi chúng ta đã mang trong mình nhiều hoài bão. Có điều thành hiện thực, có điều lại không.
Thành thì vui rồi, mình không bàn đến. Bài viết này nói về cái không. Nhất là khi cái không ấy mãi kéo dài trong vô tận.
Đó là giây phút bạn nhận ra điều mình từng khao khát và nỗ lực hết sức sẽ mãi không bao giờ đạt được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, do tuổi tác, sức khỏe hoặc sự cố…Một tai nạn đã cướp đi khát vọng trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng của chàng trai tuổi đôi mươi…Ví dụ vậy.
Dẫu lý do là gì, thì việc chứng kiến ước mơ của mình tan thành mây khói thật không hề dễ chịu.
Vào thời điểm chúng ta nhận ra sự thật này, phản ứng chung của mọi người thường là khó chấp nhận thực tế. Họ có thể khóc than trong tuyệt vọng, gặm nhấm nỗi đau một mình cho đến khi nó trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, bào mòn sức sống bản thân.
Vì sao khó chịu đến thế?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên hãy tìm hiểu một chút về cơ chế của nỗi đau.
Theo Phật giáo, khi chúng ta cầu mong một thứ gì mà không đạt được, tự khắc trong tâm sẽ nảy sinh đau khổ (Cầu bất đắc khổ).
Còn với tâm lý học, khi bị kỳ vọng sai thực tế, kết quả diễn ra không như mong đợi, con người ta đau khổ.
Như vậy, nỗi khổ, niềm đau sẽ xuất hiện khi có chuyện gì đó xảy ra không như mong muốn. Có câu “Hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn” chính là ám chỉ tình trạng này. Khi bạn kỳ vọng quá lớn lao vào một việc, rồi chợt nhận ra điều ấy mãi mãi chỉ là mộng tưởng, lúc này tự khắc cảm xúc thất vọng, thậm chí tuyệt vọng sẽ xuất hiện.
Nếu không học được cách đứng lên, chúng ta sẽ mãi bị nhấn chìm trong nỗi dày vò không dứt.
Nghe hơi nguy hiểm, vậy phải làm sao?
Có một chủ đề khá gần gũi với mọi người, đó là tình yêu. Một người khi thất tình, thông thường sẽ trải qua ba giai đoạn: Đau buồn, nguôi ngoai và chấp nhận.
Tương tự, khi bạn nhận ra một ước mơ ngoài tầm với, cũng có ba cấp bậc
Chối bỏ sự thật: Khóc than, tuyệt vọng.Nguôi ngoai: Nhận ra rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn sau đó.Chấp nhận: Chiến thắng nỗi đau và đi tìm ước mơ mới.Trong hành trình đi từ bước 1 đến bước 3, có một số người không vượt qua được, dẫn đến những hành động đáng tiếc, để lại nỗi đau vô cùng trong lòng người thân. Lại có trường hợp phải rất lâu sau mới nguôi ngoai, nhưng kèm theo đó là nỗi ám ảnh không dứt về thất bại đã qua. Họ trở thành những con chim sợ cành cong, chưa bay đã hốt hoảng bởi bóng ma quá khứ của mình
Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này một cách lành mạnh?
Tương ứng với từng cấp bậc, sẽ có những cách phản ứng khác nhau.
Đầu tiên là cảm nhận
Khi nhận ra ước mơ bất thành, bạn rất buồn. Lúc này, hãy đơn giản là cảm nhận nỗi đau. Nếu muốn khóc, cứ khóc, muốn hét, cứ hét. Hãy xả hết ra cho niềm đau vơi bớt. Dĩ nhiên, những hành động giải tỏa cần trong phạm vi pháp luật cho phép.
Kìm nén cảm xúc theo những lời khuyên như: “Đừng khóc! Mọi chuyện ổn mà” thật chẳng nghĩa lí gì. Đã bao giờ bạn muốn quát thằng vào mặt đứa khuyên mình rằng: “Đừng buồn” trong khi bạn đang rầu thúi ruột? Càng kìm nén, đến một lúc nào đó, khi quả bóng vỡ tung, mọi chuyện càng tệ hơn. Cảm xúc có ý nghĩa của nó và hoàn toàn xứng đáng được trân trọng.
Kế đến là tâm sự…
Khi đã nguôi ngoai phần nào, bạn cần tìm người tâm sự, một người bạn, người thân, hay thậm chí là con gấu bông và cuốn nhật ký. Bày tỏ nỗi buồn với ai đó là liều thuốc diệu kỳ để xoa dịu vết thương. Đừng tự gắm nhắm khi bạn hoàn toàn có thể chia sẻ. Nói ra, được cảm thông, bạn sẽ thấy mọi chuyện có lẽ không quá tệ như mình nghĩ, hoặc nếu nó có vô cùng xấu xí đi nữa thì với việc giải bày, phần nào nỗi khó chịu cũng vơi bớt.
...Và vượt qua
Vào thời điểm bạn lại có thể nhìn thấy vẻ đẹp của những tia nắng nhảy múa mỗi sớm mai, nhận ra rằng cuộc sống xung quanh vẫn vận động đều đặn, hãy đến bước cuối cùng: Nhìn nhận.
Chúng ta sẽ quan sát lại mọi chuyện vừa qua. Muốn trưởng thành thì không có cách nào tốt hơn là nhìn lại sự việc ấy và rút ra bài học cho riêng mình. Albert Einstein từng nói: “Thật ngu ngốc khi lặp đi lặp lại hành động cũ và đòi kết quả mới”. Nếu bỏ qua bước này, bạn sẽ rất dễ lặp lại sai lầm.
Hãy tự vấn bản thân bằng những câu hỏi sáng suốt:” Mình học được bài học gì từ việc này? Trong việc không may này, có điều gì tốt đẹp không?…
Những câu như vậy sẽ giúp bạn nhìn nhận sự việc thấu đáo, từ đó rút ra bài học cho chính mình.
Người Ấn độ có một quy tắc sống rất hay: “Mọi thứ xảy ra, mỗi người ta gặp đều là những thứ, những điều cần xảy ra”. Cái gì cũng có lý do riêng của nó. Vào thời điểm này, có thể bạn chưa biết, nhưng cứ kiên nhẫn bước đi, một ngày nào đó sẽ nhận ra thôi.
Lời chúc bình an!
Đến đây, chúng ta đã đi một đoạn đường khá dài trên hành trình vượt lên nỗi đau. Bạn đã rất dũng cảm, kiên cường đối mặt với thất vọng của bản thân, thậm chí tìm cách trưởng thành từ nó, đây là một việc không phải ai cũng làm được. Hãy tự hào về chính mình.
Mình kết lại bài viết bằng một lời nhắn: “Bất kể mọi chuyện có đau đớn đến đâu, chỉ cần bạn kiên nhẫn cho mình cơ hội, ngày mai trời lại sáng thôi!
Vậy nhé!
(Đọc thêm tại www.anyennhe.com)
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất