Em ah,
Mấy nay em có khoẻ không?
Xin lỗi nhé! Lâu lắm rồi anh mới lại viết cho em.
Mấy nay mọi thứ, chẳng hiểu sao, cứ khơi gợi những suy nghĩ trong anh về tình bạn. Vậy nên, tối chủ nhật thảnh thơi, tự dưng muốn viết lại vài dòng gửi cho em.
Cho một người, anh mong, có thể làm bạn, cùng anh bước tiếp trong cuộc đời này ...
***
Sự là, chiều qua ở CLB public speaking, ông bạn David của anh bắt được topic về việc nên hay không nên bắt buộc những người trẻ phải trải qua một khoảng thời gian rèn luyện, hoặc là trong quân đội, hoặc là trong một môi trường hoàn toàn xa lạ (topic impromptu mà khó vãi chưởng, tổ sư thằng organizer :)) ). Thế là, sau khi đứng thần người mất một lúc, David kể lại về trải nghiệm đi học nước ngoài từ năm 16 tuổi của ổng, sang Anh, rồi sang Đức, Bỉ, để rồi chốt xanh rờn rằng khi trở về Bắc Ailen ổng trở thành một con người hoàn toàn khác (dù không nói nhưng hiểu theo nghĩa là trưởng thành hơn, chững chạc hơn, dày dạn hơn). Để củng cố thêm, ổng cũng chia sẻ một trường hợp tương tự mà ổng biết, khi trở về sau quá trình bôn ba nước ngoài đã tâm sự với ổng: “Tao thực sự ngạc nhiên khi đám bạn tao vẫn lông bông như thế, vẫn cứ chìm trong những vấn đề từ thuở ấy. Với tao giờ chúng còn chẳng đáng bận tâm”.
Chẳng hiểu sao câu nói ổng chia sẻ lại cứ vương vấn trong đầu anh mãi.
“Tao thực sự ngạc nhiên khi đám bạn tao vẫn lông bông như thế, vẫn cứ chìm trong những vấn đề từ thuở ấy"
...
Đợt trước có lần trong một group speaking khác của anh, cũng có một ông chú già 50 tuổi chia sẻ điều tương tự. Ổng bảo hồi ở nhà ổng cũng lông bông lắm, và chỉ từ khi dứt hẳn, sang London một thân một mình lập nghiệp ổng mới thoát khỏi được đám bạn hư ở nhà mà thôi. (bài nói của ổng có thông điệp là “Get rid of toxic people in your life”).
Nhưng, ở một thái cực ngược lại, ngày hôm nay lúc ngồi nghĩ lại về thông điệp ấy, tự dưng anh nhớ đến một mẩu chuyện khá đặc biệt anh nghe được đợt theo học thầy Wes Cecil trên Youtube, trong bài giảng triết học thực hành của thầy về tình bạn. Thầy Cecil kể là ngày xưa, có ông triết gia nào ấy người Hy Lạp, khi vị vua nước láng giềng đề nghị ông sang để làm tư vấn cho vua, hưởng vinh hoa phú quý, ông triết gia đã từ chối thẳng thừng, với lý do là ổng có đủ tiền dùng cho chính ổng và bạn bè, và ổng thà chết còn hơn xa bạn bè của mình.
Đợt đấy anh nhớ mình ấn tượng với câu chuyện ấy lắm, cứ gật đầu tấm tắc mãi. Vì chẳng hiểu sao anh cứ tin rằng xa mặt chắc chắn cách lòng - bạn bè, anh em có thân thiết đến đâu mà mỗi thằng một nơi thì sẽ chẳng bao giờ có thể duy trì cái tình cảm sâu sắc ấy cả. Điển hình, những người anh em từng cắt máu ăn thề của anh (theo đúng nghĩa đen, kiểu nếu có chết thì tao chết trước mày chết sau ấy), vậy mà đến khi mỗi thằng một nơi thì tình cảm cứ dần dần nhạt phai, theo năm tháng, để đến khi gặp lại, chỉ còn là đôi ba câu xã giao thông thường...
Chẳng phải Seneca cũng đã từng viết: “Ai thường xuyên phải di chuyển (di cư) nhận thấy họ có rất nhiều nơi để về, nhưng không có những tình bạn sâu sắc và đáng trọng” hay sao?
“Ai thường xuyên phải di chuyển (di cư) nhận thấy họ có rất nhiều nơi để về, nhưng không có những tình bạn sâu sắc và đáng trọng”
Seneca - Bức thư số 2
Nhìn lại bản thân mình, tư dưng anh thấy lòng buồn lắm ...
Nhưng, hôm thứ 6 vừa rồi trong slot xem phim cuối tuần với "Mary and Max", anh thực sự cảm động trước tình bạn vừa kỳ lạ vừa đặc biệt của Mary - cô bé 8 tuổi người Úc, và Max - ông chú 44 tuổi người Mỹ, một tình bạn qua thư.
Cùng câu kết cực kỳ ấn tượng trong phim:
"God gave us our relatives; thank God we can choose our friends"
...
Lúc ấy anh mới giật mình nhớ ra: chẳng phải tình bạn giữa Seneca và Lucilius cũng là một tình bạn qua thư đó hay sao???
Vậy thì, đâu phải là không thể có những tình bạn dù xa cách, đúng không em?
Thế nên, coi như đây là một nỗ lực xây dựng tình bạn đặc biệt, một chút tình cảm âm ấm gửi cho em giữa ngày thu tháng 5 Hà Nội nhé.
Và nếu có thể, viết lại cho anh nhé, được không em?
Và bản nhạc nhẹ nhàng, cho một sáng thứ 2 đầu tuần tốt lành của em!