Trong bài hôm qua, có em hỏi là ngoài cách trải nghiệm, tiếp xúc với thực tế để nhận ra “chính mình” thì còn cách nào khác không. Hôm qua mình nói là ta cứ thay đổi khi cảm thấy cần thiết, cứ làm những điều mình cho là đúng đồng thời quan sát cảm nhận của mình khi thực hiện những thay đổi đó. Đó là một điều kiện thuận lợi để giúp mình nhận ra những hình tượng mà ta xây dựng nên đó không phải là ta. Có thể nói đó là một “đường vòng” để trở về với ta.
Tất nhiên cũng có cách khác, đó là đường thẳng, không cần phải thay đổi vòng vèo bên ngoài mà trực tiếp quay ngược lại, đi vào trong và nhận ra chính mình. Đó là con đường ngắn nhất, có khi chỉ là một khoảnh khắc mà người ta gọi là giác ngộ hay thức tỉnh.

Đường vòng thì dài nhưng dễ đi, đường thẳng thì ngắn mà khó đi hơn.

Cũng có nhiều con đường khác như thông qua các pháp môn tu luyện, đây là các dạng con đường vòng ngắn hơn một chút, khó hơn một chút.

Con đường ngắn nhất chỉ là những khoảnh khắc “khả ngộ, bất khả cầu”. Đa phần những người bình thường sống trong xã hội thậm chí chưa từng bước chân lên bất kỳ con đường trở về nào. Những người bắt đầu quan sát, bắt đầu nhận ra “chính mình” và những suy nghĩ, hình tượng của mình không phải là một xem như đã bước chân lên con đường trở về rồi.
Thật ra mỗi người đều có những khoảnh khắc “là chính mình” thật sự, ai ai cũng từng có lúc “trở về” chân chính bên trong mình để “nhập” vào “chính mình”. Tuy nhiên đó chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua chứ không phải là trạng thái thường hằng, ta không an trú bên trong mà luôn bị thu hút, hấp dẫn và chạy theo những thứ bên ngoài. Ngay cả khi ở một mình ta cũng luôn chạy theo những suy nghĩ trong đầu chứ không an ổn được.

Vậy thì trở về để được gì? Trở về rồi ta sẽ luôn hạnh phúc dù sống trong cảnh nghèo khó, bệnh tật chăng?

Không. Khi trở về rồi thì không còn gì sau đó nữa. Nếu ta bước lên một con đường nào đó mà vẫn còn mục đích trong đầu, muốn được cái gì đó, thì đó không phải là đường về.

Đến đây mình nhớ đến một đoạn trong Forrest Gump, một ngày kia khi đang lái máy cắt cỏ trong vườn, Forrest bỗng nhiên muốn chạy và anh liền chạy. Chạy ra khỏi nhà, ra khỏi thị trấn, rồi chạy hết tiểu bang, rồi chạy hết nước Mỹ, cứ thế chạy liên tục trong hai năm. Hành trình đó gây tò mò và truyền cảm hứng cho rất nhiều người, họ cũng chạy theo anh. Rồi đến một ngày không định trước, anh ngừng lại và bảo: tôi mệt rồi, tôi về nhà đây.
Tất cả những người quan sát, suy đoán, ủng hộ và chạy theo Forrest đều có mục đích, chỉ có anh thì không.

Vì sao cần phải có mục đích nào khác khi mình muốn chạy?

Và vì sao phải tiếp tục chạy khi mình muốn ngừng?

Gia đình, xã hội, đạo đức, tôn giáo, trường học… sẽ cho ta những đáp án khác nhau cho các câu hỏi đó, nhưng câu trả lời thật sự thì không tồn tại.

Mình vốn có sẵn một ít căn cơ như việc tự phân định rõ ràng giữa chính mình và những cảm xúc, suy nghĩ trong mình từ rất lâu trước khi mình nghe về nó, tất cả những giấc mơ của mình đều là những giấc mơ tỉnh (lucid dream). Sau này mình bắt đầu tìm hiểu một vài pháp môn và các quy luật vũ trụ thì lại gặp khá nhiều trở ngại, có thể do nghiệp lực còn nhiều nên cứ mỗi lần sắp tiến lên một bước lại bị đánh lùi về hai bước.
Năm nay mình bị tác động khá nhiều, nhìn đâu cũng thấy cơ hội với rủi ro, hay đó đếm các thứ bằng tiền bạc, tự nhiên lại hay tính toán chuyện mua đất, mua nhà, đầu tư, thậm chí còn chạy đi tìm hiểu về chứng khoán, suýt nữa thì lập tài khoản đầu tư luôn rồi. Lại còn nghĩ đến chuyện vợ con các thứ nữa. Cảm giác như đi tu rồi lại hoàn tục vậy. Khổ ghê.
Rồi mình đọc được bài viết giới thiệu về Tehching Hsieh và cách ông trình diễn với thời gian. Màn trình diễn một năm đầu tiên của ông vào năm 1978-1979:

“Hsieh làm một cái chuồng bằng gỗ, kích thước 2,4 x 2,7m, đặt trong studio của mình trên đường Hudson. Trong chuồng có một bồn rửa mặt, một cái giường đơn, một cái xô, đèn. Anh tự nhốt trong đó từ ngày 29-9-1978 tới ngày 30-9-1979. Trong suốt 365 ngày đó, anh buộc mình không nói chuyện, không đọc, không viết, không nghe đài, không xem TV.” (theo Tuổi Trẻ)

Hết một năm, ông lại trình diễn tiếp 1980-1981 (cạo trọc đầu, mỗi tiếng bấm giờ một lần và chụp một tấm ảnh) rồi 1981-1982 (chỉ sống trên đường phố); 1983-1984 (ông và một cô gái cột với nhau bằng một sợi dây dài 2,5m trong một năm)
Những màn trình diễn nói trên là cho công chúng xem, ông còn làm một màn trình diễn cho riêng mình kéo dài suốt 13 năm, đến năm 2000 thì thôi không trình diễn nữa.
Những điều Hseih từng làm, đa số người trong xã hội đều xem như vô giá trị, tào lao thậm chí là điên khùng. Vậy mà ông lại làm suốt 365 ngày, rồi mỗi năm lại nghĩ ra một trò mới. Cuộc đời ông có mấy lần trình diễn, còn người khác có gì ngoài cơm áo gạo tiền, công danh lợi lộc, sinh lão bệnh tử đây.
Ông anh mình nói rằng khi một người làm một việc gì đó đủ để quên đi mọi sự trên đời, thậm chí quên đi ý nghĩa của việc đang làm thì đó là một trạng thái tuyệt vời nhất, dù việc đó quái đản đến đâu đi nữa.
Có vài lần mình đã nghĩ sẽ đi đến mọi miền trên đất nước này, mỗi nơi dừng lại vài tháng để sinh sống, kiếm tiền, rồi lại đi tiếp. À, mình nghĩ nhiều thứ lắm mà chưa làm thứ nào.
Có điều đọc bài này, mình không dấy lên cảm xúc hào hứng muốn đi làm thứ gì đó quái đản tương tự mà chỉ nhận ra rằng mình đã đi quá xa. Mình thấy bản thân lại bị dẫn dắt trở ra trên những con đường của xã hội. Mình thấy mình cần trở về.
Sẽ thế nào khi người ta chỉ cần đảm bảo nhu cầu cơ bản của việc sinh tồn là đủ, còn lại thời gian, sức lực và tâm trí thì sử dụng tùy ý mình, như cách mà Hseih đã làm trong các màn trình diễn của ông chẳng hạn?
Mình cho đó là tự do.
25.02.2020