Câu hỏi này thường chỉ xuất hiện ở những đứa trẻ hoặc mấy người ngớ ngẩn, thơ thẩn, thần kinh. Ai mà chẳng biết lý do của việc họ đang làm: kiếm tiền vì ai cũng cần tiền, ăn vì thèm, mua sắm cho đẹp, cho vui, nhậu nhẹt vì buồn hoặc vì vui… mọi thứ đều có lý do nên chẳng ai cần câu hỏi “vì sao tôi làm điều tôi đang làm?” nữa.
Cũng có đôi lúc người ta bị buộc phải rảnh rỗi một khoảng thời gian, và một ít lần trong số đó họ nghĩ về câu hỏi đã bị lãng quên đó. Sau khi duyệt qua tất cả những câu trả lời mặc định như vừa nói trên, dường như có một câu trả lời khác là “Vì mình chẳng thể làm gì khác nữa”.
Từ sau giai đoạn phải đi học để lấy bằng, tốt nghiệp đại học để xin việc làm, mỗi việc mình làm đều bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao?”, rồi mới đến “Như thế nào?” và “khi nào?” Nếu không có câu trả lời, hoặc mơ hồ ở câu hỏi tại sao, mình thường bỏ qua không làm nữa. Ngay lúc đã xác định được lý do và bắt đầu làm, lâu lâu mình vẫn dừng lại và hỏi “tại sao tôi lại làm việc này, vì sao tôi muốn tiếp tục làm?”..

Có vài lần mình đã không hỏi tại sao, và lần nào cũng “hư bột hư đường” hết ráo.
Có người nói cuộc đời là gạch nối giữa năm sinh và năm mất. Khi một người chết đi, người khác sẽ nhớ về mình như thế nào, đó là kết quả của những năm tháng mình sống trên đời ra sao. Vậy mình đang sống đây, mình có nên tự hỏi mình muốn người khác nhớ về mình như thế nào không?
Có người thì hô hào các khẩu hiệu truyền động lực mà như thuốc kích thích vậy. Thanh xuân ngắn lắm, không kiếm tiền thì chừng nào; Khi nào còn chịu khổ được thì đừng chọn an nhàn. Theo họ thì tuổi trẻ là phải vắt kiệt mọi thứ đến giọt cuối cùng để đổi lấy thành công, danh tiếng, quyền lực, tiền của… rồi về sau hưởng thụ cũng không muộn. Về sau, liệu có mấy người có được cái về sau? Bao nhiêu người hăng hái lao theo những dòng cổ động đó, cảm thấy hừng hực năng lượng và thật nhiều điều muốn đạt được trong đời, cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Nếu một lúc nào đó dừng lại và tự hỏi “Tại sao tôi làm điều tôi đang làm?”. Có lẽ câu trả lời sẽ ngay lập tức bật ra “Vì tôi còn trẻ, thanh xuân ngắn lắm, khi nào còn chịu khổ…”. Mà họ cũng chẳng có thời gian để ngủ, nói gì là dừng lại nghĩ suy đâu.
Cũng có người kể câu chuyện “mỗi người đều có thời điểm thành công của riêng mình”: Obama 55 tuổi rời Nhà Trắng, Trump U70 bắt đầu làm tổng thống Hoa Kỳ, rồi những người thành công ở các độ tuổi khác nhau.. Điều này vuốt ve, xoa dịu những người “chưa thành công” được một thoáng chốc, rồi tỉnh lại họ vẫn thấy bạn bè xung quanh người mua nhà, người sắm xe hơi, người đi du lịch như đi chợ… lại sinh ra chứng ghét self-help và càng khó thương cuộc đời hơn.
Mỗi một quan điểm, một góc nhìn, một phong cách sống dù là phổ thông hay quái dị cỡ nào đều cũng có người ủng hộ, cổ động cho nó. Có thể họ có những mục đích riêng, muốn trục lợi hay hại người chi đó, cũng có thể đó chỉ đơn giản là phong cách sống mà họ thích, họ chỉ chia sẻ vậy thôi. Cuộc đời của một người, họ sống như thế nào thì chỉ đến khi họ mất đi, nhìn lại cái “gạch nối” giữa năm sinh và năm mất kia mới có thể nhìn hơi rõ. Những phong cách sống mà họ chia sẻ, ý nghĩa cuộc sống mà họ vẽ nên rất khó mà nói đúng hay sai, chỉ là cái nào thích hợp với mình nhất, và quan trọng là điều gì càng thu hút và điều khiển cảm xúc của mình càng nhiều thì càng nguy hiểm.
Vì sao bị điều khiển cảm xúc lại nguy hiểm? Khi cảm xúc của mình bị tác động theo hướng động viên hoặc áp lực từ cảm giác thua kém, mình sẽ hành động theo hướng bị điều khiển mà không có thời gian tự hỏi ý nghĩa của việc mình đang làm.
Việc mình viết bài mỗi ngày như thế này cũng vậy, mình vẫn luôn tự hỏi nó có ý nghĩa gì với mình, vì sao mình lại làm điều này. Từ bài đầu tiên thì đó là một phút ngẫu hứng, cũng là kết quả của những điều mình quan sát và yêu thích từ trước, phần nhiều là vì mình, phần khác là mong có thể có ích cho một số người nào khác. Về sau mình tiếp tục viết là vì mình có thể viết, mấy chục bài đầu tiên rất đơn giản. Sau đó mình bắt đầu thấy bài của mình có ý nghĩa với một số người khác, và nó cũng dần thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống của mình. Mỗi ngày mình đều tự hỏi câu “Sao mình lại làm điều này?” trước và sau khi viết bài xong.
Nhiều lúc nghĩ lại nếu mình được sinh ra trước 20 năm hoặc sau 20 năm thì sẽ thế nào, tránh khỏi thời điểm bùng phát của internet, cuộc đời mình sẽ thay đổi ra sao? Mỗi lần nhìn lại, mình thấy internet đã tác động lên cuộc đời mình rất nhiều, đến độ gần như chia làm hai mảnh – thực và ảo. Càng ngày thì mảnh đời ảo càng lớn, mảnh đời thực càng nhỏ hơn. Nếu mình không ngồi đây viết những dòng này, thì mình sẽ làm gì?
Mình vẫn đi làm, kiếm tiền, sinh hoạt bình thường. Xã hội là nơi mình tồn tại, và internet này cùng với tâm trí mình là nơi mình sống. Mọi thứ không hề mâu thuẫn mà hỗ tương, đan xen lại với nhau một cách hài hòa.
Hiện tại cũng còn chút bất ổn, nhưng mình rất vui vì càng lúc càng chấp nhận được nhiều thứ, hiểu ra nhiều điều. Mình không biết đến cuối đời người ta sẽ nhìn nhận “cái gạch nối” giữa năm sinh và năm mất của mình ra sao, người ta sẽ nhớ về điều gì, hay có ai sẽ nhớ không. Với mình, điều đó thật không quan trọng.
Mình không phải là người chịu khổ để an nhàn về sau. Mình không lúc nào khổ hết.
Lúc nào thì chết cũng là một điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sống mỗi phút giây này.
Mình nghĩ câu hỏi “vì sao tôi đang làm điều tôi đang làm?” là một công cụ hữu ích để định vị và định hướng cuộc đời theo cách bản thân mong muốn nhất. Nên sử dụng thường xuyên.
21.02.2020