Lúc mới bắt đầu “Viết cho em” này, mình thường mở word lên lúc 8 hoặc 9 giờ, viết trong khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng thì xong, đăng lên tầm 10 đến 11 giờ. Dạo này toàn chơi trò cảm giác mạnh, gần 11 giờ mới bắt đầu viết, có hôm đăng lên FB đúng 11:59 luôn. Ghi lại đây để ngày mai bắt đầu sớm hơn.
“Anh nghĩ gì về những điều anh nghĩ?” – trong một phút xuất thần, M.T đại nhà báo đã hỏi mình câu hỏi đó. Mình hỏi bộ em đang đọc cuốn triết học nào đó à, em ấy bảo không, em đang viết về sự hấp dẫn của đàn ông tuổi 30. Mình không tìm thấy sự liên quan nào giữa câu hỏi và chủ đề đó luôn.
Câu hỏi đó làm mình nhớ đến một cái ảnh vui nói về nguồn gốc của triết học: Một ông nào đó bỗng nhiên nghĩ ra một điều là “Thay vì suy nghĩ về sự vật, chúng ta thử suy nghĩ về việc suy nghĩ về sự vật xem sao”. Thế là triết học ra đời. Ảnh vui thôi, chứ nguồn gốc thật sự của triết học thì mình không biết.

Câu trả lời của mình cho câu hỏi trên là: anh nghĩ xem đó là mình đang nghĩ hay ai đang nghĩ.

Bạn mình không chấp nhận câu trả lời đó, bổ sung ngay rằng “Về những điều bản thân anh nghĩ ấy”. Có vẻ như bản cho rằng tất cả những gì mình suy nghĩ đều là bản thân mình nghĩ.
Thật ra, hay ít nhất theo mình quan sát, thì đâu phải như vậy. Trong đầu mình có rất nhiều suy nghĩ không phải là của mình, thậm chí ngay cả khi mình chủ động tư duy về một điều gì đó, thì những suy nghĩ đó có khi cũng không phải là của mình. Vậy nên, khi nghĩ về những điều mình nghĩ, thì trước hết mình xem xét xem những suy nghĩ đó có thật sự là của mình không, hay nó đến từ một nguồn nào khác.
Nếu cần một câu trả lời thứ hai cho câu hỏi: “Mình nghĩ gì về những điều mình nghĩ?” thì đó là câu mình viết trên phần giới thiệu facebook của mình: “Hãy làm điều mình nghĩ là đúng, đừng nghĩ điều mình làm là đúng”. Trước khi hành động cần suy nghĩ một cách chủ động để đưa ra sự lựa chọn thích hợp nhất, còn về sau đó thì không cần phải tìm mọi cách để tự thuyết phục mình rằng điều mình đã làm là đúng. Đó là tính đúng – sai khi áp dụng vào các suy nghĩ của bản thân mình.
Mình nhận ra “mình” và “những suy nghĩ trong đầu mình” là hai “thứ” khác nhau từ rất nhỏ, rất lâu trước khi mình nghe đến từ “thiền”. Sau này khi đọc các sách nói về thiền hay dạy thiền mình đều dễ dàng đồng cảm ở những mặt như “cái tôi là cái đứng bên ngoài lựa chọn xem mình nên đuổi theo dòng suy nghĩ nào trong đầu”.

Bước đầu tiên chỉ cần tập trung quan sát, ta sẽ thấy trong đầu mình có rất nhiều suy nghĩ đến và đi. Khi “ta” thấy “những suy nghĩ trong đầu” thì ta và nó đã bắt đầu tách biệt. Quan sát nhiều lần như vậy ta sẽ biết ta không phải là nó nữa. Ban đầu khi làm việc này có thể sẽ khó tập trung, mất thời gian một chút. Càng về sau thì càng tự nhiên và có thể thực hành mọi lúc mọi nơi.
Sau khi nhận ra ta và suy nghĩ không phải là một, ta biết điều gì đang đến trong đầu mình và lựa chọn một cách có ý thức rằng mình có muốn đi theo nó hay không.
Những suy tính, kế hoạch, đánh giá, phán xét, lo lắng, sợ hãi… có khi là cảm xúc, có lúc là những nhận định, tính toán… nếu ta không trải qua bước một, ta sẽ luôn đồng hóa “ta” với “tụi nó”. Ta nghĩ là ta đang nghĩ, thực tế là “ta đang chạy theo suy nghĩ trong đầu mình”.
Sau thực hành lựa chọn một cách chủ động xem nên chạy theo suy nghĩ nào trong đầu một thời gian, ta đã có thể hoàn toàn tách biệt “ta” và “nó”. Bước tiếp theo chính là quyết định xem “ta” có muốn “tụi nó” đến trong đầu mình hay không.
Lúc này “ta” đã đủ mạnh mẽ để nhận ra chủ quyền của mình đối với tâm trí, ta có khả năng để không cho bất cứ suy nghĩ nào xuất hiện trong tâm trí mình khi mình. Đó là một trạng thái đầu tiên của thiền.
Khi ta không còn chạy theo những suy nghĩ trong đầu, tâm trí trống rỗng, đó là lúc ta có thể chủ động suy nghĩ, nghĩa là chủ động gọi ra điều mà mình mong muốn xem xét trong tâm trí mình, không có điều gì khác quấy nhiễu. Lúc này mới là lúc mà ta tự mình suy nghĩ thật sự.
Nhiều người nói rằng tức giận là ma quỷ. Điều đó cũng có phần đúng. Thật ra khi giận, buồn, vui, ghét… thì đều là những lúc “ta” chìm vào những cảm xúc trong đầu ta, để nó điều khiển chính mình. Những hành động hay quyết định được đưa ra lúc đang bị cảm xúc điều khiển như vậy có khi đúng, khi sai, nhưng đều không phải ta tự đưa ra.
Những điều nói trên đều đã được rất nhiều thiền sư ở nhiều môn phái khác nhau giảng giải thông qua những cách thức khác nhau. Nói ra thì rất dễ hiểu, dễ hình dung, nhưng không phải ai cũng trải nghiệm và nắm giữ được khả năng làm chủ tâm trí của mình. Nguyên nhân của chuyện này là do người ta thực hành bước đầu tiên quá ít. Bước đó rất dễ, chỉ cần tập trung quan sát là thấy. Nhưng người ta không duy trì nó được lâu và thực hành liên tục. Họ nhảy qua bước hai, bước ba và vì nhảy vội như vậy nên họ không bao giờ đạt được trạng thái từ chối suy nghĩ xuất hiện trong đầu mình – trạng thái thiền.
Điều sai lầm cơ bản là người khác tả lại hành trình của người ta để cho mình tham chiếu, để cho mình tự đi, nhưng mình không đi, chỉ nhìn qua ảnh chụp hay video mà cho rằng mình đã đi qua tất cả rồi, thế thì đích đến cũng chỉ là một ảo ảnh mà thôi.
Việc nhìn đúng những suy nghĩ trong đầu mình và “nhận ra” cái tôi bên trong của mình, kiểm soát tâm trí có thật sự quan trọng không? Hay cứ thế mà sống cũng tốt?
Đó là việc của bạn.
19.02.2020