“Bán chim ở đền – cho đi và nhận lại” là một mẩu chuyện trong quyển sách “Uh-Oh: Some observations from both sides of the refrigerator door” (bản tiếng Việt dịch là “góc nhìn của người thông thái”) của tác giả Robert Fulghum. Tác giả kể về một lần đến thăm một ngôi đền ở Thái Lan, nơi đó người ta bán những lá bùa hộ mệnh bằng đất sét và những cái lồng chim. Lồng chim không phải để mang về nhà, mà khi mua thì người ta sẽ được phép thả con chim trong lồng ra, mang lá bùa về như một loại giấy chứng nhận đã phóng sinh. Tác giả còn được người dân địa phương dẫn ra phía sau chỗ bán chim đó, nơi có những cái lồng trống, nơi những con chim được thả ra bay trở về, chui vào đó để ăn thức ăn. Ở đó có một đứa trẻ chờ sẵn, khi nào chim vào lồng thì nó đóng cửa lồng lại và mang ra chỗ bán kia. Quá trình đó diễn ra một cách tự nhiên và công khai.
Ban đầu, tác giả cũng có một chút tâm lý lấn cấn rằng liệu đây có phải là một chiêu trò lợi dụng để kinh doanh trên tôn giáo, một sự lừa đảo hay không. Sau khi được “bật mí” và suy nghĩ, cảm nhận thêm, nhìn cả quá trình đó ở xa hơn, cao hơn một chút, ông thấy mình vẫn nhận đủ ý nghĩa của việc phóng sinh, cho đi và nhận lại.
Mình thấy điều này có nhiều điểm tương đồng với việc phóng sinh ở Việt Nam, có chăng là bên Thái họ làm chuyên nghiệp hơn, cũng như cách người Thái làm du lịch so với Việt Nam vậy.
Những năm gần đây vào mỗi mùa lễ hội, người ta thả cá, thả chim càng nhiều, dần dần hình thành nên những điểm chuyên “bán chim phóng sinh”, rồi đến năm nay thì còn có hiện tượng người trên bờ thả cá, người dưới sông, dưới hồ chờ sẵn để vớt. Người thả leo lên thuyền chèo ra giữa sông, người bắt cũng chèo thuyền theo như hình với bóng. Cảnh tượng đó không biết nên khóc hay cười.

Theo Phật giáo, mọi sự trên đời đều đi theo trình tự Thành – Trụ - Hoại – Không. Sáng nay là hoa, chiều là rác, rác lại thành phân để tạo nên những bông hoa mới. Đức Phật đến với thế giới này để giáo hóa chúng sinh, thời điểm ngài giảng pháp là hơn hai ngàn năm trước. Tại thời điểm đó, ngài chọn dùng những phương cách diễn giải phù hợp nhất với quan điểm, nhận thức, kiến thức của người thời đó để giúp họ hiểu và tu tập giác ngộ, giải thoát. Theo thời gian, chỉ nói riêng về ngôn ngữ, dịch thuật cũng đã có nhiều sự thay đổi, thay đổi lớn hơn là nhận thức của con người và hoàn cảnh xã hội xung quanh. Những thứ người xưa có thể hiểu, người ngày nay sẽ hiểu khác đi. Chính đức Phật cũng đã tiên đoán đạo của ngài chỉ có thể truyền trong thời gian hữu hạn.
Để học đạo thì ngoài kinh điển còn phải có những ví dụ, dẫn chứng thực tế. Kinh điển thì mỗi người hiểu theo một cách, diễn giải theo một hướng, ví dụ và dẫn chứng thì càng nhiều phiên bản hơn. Đạo của Phật ngày xưa còn bảo lưu được mấy phần, còn được mấy người hiểu đúng là một câu hỏi lớn của chính những người thật tâm hướng Phật.
Đã vậy còn không ngừng có những kẻ chủ động phá hoại. Thời Phật còn không thiếu, huống chi ngài đã đi rồi.
Cùng một từ hay cụm từ nào đó, nếu mình viết đi viết lại nhiều lần, tự nhiên mình sẽ có cảm giác nghi ngờ không biết từ đó đúng hay sai, hoặc mình biết là nó đúng nhưng vẫn có cảm giác sai sai như vậy. Những điều vốn là đúng đắn nhưng lại làm một cách “công nghiệp”, làm hàng loạt rồi dẫn theo cả một hệ thống dịch vụ cung cấp như việc phóng sinh, có thể sẽ khiến ta cũng có cảm giác như vậy.
Làm một việc gì đó quá nhiều, hoặc quá nhiều người cùng làm thì có thể tạo ra hiệu ứng đám đông, nhưng cái lực của đại chúng đó chỉ là năng lượng mà người tu nương theo để tự mình tu tập, chứ không phải để trôi lăn trong đó. Khi người ta bắt đầu làm một thứ quá nhiều, thậm chí là có nhiều biểu hiện sai lệch trong đó, thì chính bản thân của việc đó sẽ mất đi ý nghĩa trong mắt của chính những người đang thực hiện kia.
Trong Tây Du Ký, Đường Huyền Trang vô tình gặp được người bắt con cá chép, động lòng thương nên xin đổi lấy con cá rồi mang ra sông thả. Đó là phóng sinh, là từ bi. Ông đúng dịp gặp con cá đó, đúng dịp có thể đổi lấy nó, đó là tùy duyên. Ông không suốt ngày chạy đến chợ đòi người ta thả hết cá, chim, cũng không quyên góp tiền để mua hàng tấn cá đem thả xuống sông để được công đức.
Có lẽ ở Việt Nam mình, hoạt động phóng sinh chỉ mới bước vào thời kỳ “công nghiệp hóa”, còn chưa được “chuyên nghiệp” như bên Thái, nên đâu đó vẫn có những điều lố bịch, mang đến sự phản cảm cho người xem. Qua vài năm mọi thứ sẽ được cải tiến đến trình độ cao hơn, khiến cho cả người thả, người xem, người cung cấp dịch vụ đều vừa lòng đẹp ý, đều cảm nhận được giá trị “cho đi là nhận lại” như tác giả đã cảm nhận trong bài viết nói trên. Người ta có thể cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, thoải mái, yêu đời hơn khi thả cá, thả chim…

Nhưng đó có còn là phóng sinh trong đạo Phật nữa không?

Người ta cho đi cái gì, và nhận lại cái gì? Cho ai, và nhận từ đâu? Có lẽ chính cái buổi giao thời nhiều trắc trở này là dịp để ta quan sát và suy ngẫm tốt nhất.
17.02.2020