Đôi lúc, chỉ là đôi lúc thôi, mình nhìn lại những ngành nghề được sinh ra cho những nhu cầu ở tầng trung của tháp Maslow, từ những ngành như thời trang, điện ảnh, âm nhạc, cho tới những nghề mới như youtuber hay streamer.. mình lại cảm thấy mấy ngành đó chẳng cần thiết gì cho cuộc sống cả.
Nói qua về cái tháp Maslow, với mình thì nó chỉ là một bảng số liệu thống kê chứ không phải là một chuẩn mực của xã hội. Mình thấy nhiều người nhầm chỗ này khi cho rằng sau khi giải quyết các nhu cầu cơ bản để tồn tại thì người ta phải hướng tới nhu cầu cao hơn là nhu cầu được công nhận, nhu cầu hưởng thụ… Ông Maslow ổng chỉ thống kê là con người thường làm như vậy mà thôi. Điều đó có giá trị để tham khảo, không phải để đem ra làm định hướng cho cuộc đời mình. Vì sao? Vì con người ai cũng khổ theo những cách riêng, khổ thì triền miên vui thì tạm bợ, nên con đường mà mọi người đều đi chính là đường khổ. Mình nhìn vào con đường đó chỉ để biết mình đang ở đâu và tốt nhất đừng đi theo những người khổ trước.
Trong các phim về tai nạn, tận thế… những người sống sót và trở thành thủ lĩnh thường là người có các nghề nghiệp cơ bản để duy trì sự sống như bác sĩ, quân nhân, đầu bếp, thợ máy. Các nhà khoa học, giáo sư có nhiều tri thức thì được bảo vệ để sử dụng về sau, còn những người khó thích nghi nhất và có những phản ứng quái dị, chết sớm nhất chính là giới văn, nghệ sĩ.
Ở quê mình ngày trước, mọi sự ăn chơi không có gì ngoài đi cà phê, đi ăn, đi dạo phố, đi nhậu, đi karaoke. Thường khi người ta gặp nhau sẽ chọn 2,3 hoạt động trong đó rồi cùng nhau thực hiện. Hai, ba năm nay mới có thêm rạp chiếu phim. Trong đó thì karaoke là một điểm thường có trong chuỗi hoạt động giải trí. Hồi lúc còn nhiều bạn bè ở đây, hồi trẻ ấy, mình cũng hay đi ca lắm, có khi 2,3 đứa cũng ca, phần vì thích hát, phần là không có gì khác để làm.
Hồi tết, ông anh mình comment một câu đại ý là: thảm họa là khi người ta chế ra loa kẹo kéo. Nhu cầu ca hát của người dân được hỗ trợ một cách tối đa, từ dàn loa cho đến micro có bluetooth. Các gameshow ca hát cũng mọc lên như nấm sau mưa, từ người trẻ, người già, trẻ con, ở đâu cũng có những tài năng ca hát, các thể loại nhạc khác nhau, các hình thức chơi khác nhau.. Người ta mở TV lên coi người khác hát, rồi mở karaoke tự mình hát, rồi đi hát với nhau.. xã hội trở thành một ban nhạc lớn. Diễn viên cũng hát, người mẫu cũng hát, hoa hậu cũng hát… mọi người cứ rảnh là hát, không biết làm gì khác biệt là hát.

Còn bạn, bạn có biết hát không?

Tính đến thời điểm này, mình biết 3 người chưa bao giờ hát karaoke: hai nam, một nữ. Họ vẫn nghe nhạc, vẫn đi karaoke chung với mọi người khi được rủ, nhưng chưa bao giờ ca một bài nào. Bạn có biết người nào như vậy không? Bạn có phải là người đó? Lý do của bạn là gì?
Mấy hôm trước có người soạn ra một bài ca cổ động chống dịch: “Đại dịch Corona đang tràn vào trong nước ta…” Mình nghe được nửa bài mà cười muốn xỉu. Cảm giác như nghe mấy bài nhạc thời kháng chiến vậy. Sau khi cười xong, nghĩ lại thì thấy chuyện đó cũng hay, ít ra là tốt hơn những bạn suốt ngày share tin giả gây hoang mang sợ hãi.
Đối với việc ca hát, có hai dạng người khó hiểu: một là những người không bao giờ hát như trên, hai là những người hát siêu dở mà siêu nhiều, siêu lớn. Dạng thứ nhất thì khá hiếm, còn dạng thứ hai thì vô cùng phổ biến đến nỗi ông Fujiko Fujio đã dùng nó như là một đặc điểm nhận dạng của Chaien. Bạn có bao giờ thử thông cảm với những “Chaien” trong đời thực chưa? Vì sao họ lại hát nhiều, hát lớn như vậy? Họ không biết mình hát dở sao?
Nhà văn Mark Twain có câu “Hãy hát như không ai đang lắng nghe, yêu như chưa từng bị tổn thương, nhảy như không ai nhìn và sống như thế giới này là thiên đường vậy.” Mình thấy có nhiều người đã áp dụng triết lý này cho cuộc sống của họ, nhưng theo nghĩa đen một chút. Người tự tin về ngoại hình thì thích để mặt mộc, ăn mặc đơn sơ để tỏ ra mình tự tin, người hát dở thì hát thật nhiều để tỏ ra mình tự tin… hoặc những biểu hiện tương tự. Những người tỏ ra tự tin thường không hề tự tin. Và họ có tự tin thật hay không thì khó nói, nhưng vấn đề là những biểu hiện, cụ thể là tiếng hát của họ, thì không phải không có ai đang nghe. Có rất nhiều người đang đau khổ chịu đựng.

Vậy có nên hát không?

Trong các phim thảm họa, tận thế, sau những lần vượt qua sinh tử, những phút bình yên hiếm hoi, sau khi được ăn, được uống một chút, ngồi lại bên bếp lửa, một khoảng lặng giữa những kinh hoàng vừa trải qua và tương lai mịt mờ phía trước, điều khiến cho khoảnh khắc lặng yên đó không trở thành chết chóc là một bài hát. Có thể là một bài hát mới, hoặc một bài hát quen thuộc, nhưng một bài hát tại thời điểm đó là thứ không thể thay thế được.
Mình vẫn còn nhớ rõ ấn tượng mạnh mẽ khi lần đầu xem Susan Boyle hát ca khúc “I dream a dream” tại chương trình Britain's Got Talent. Một phụ nữ lớn tuổi, thấp, béo, có một giọng hát như trên trời đã chinh phục chương trình đó ở tuổi gần 50 và trở thành ca sĩ. Không gì là không thể.
Sự thật thì những nghệ thuật gia: ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ… tuy không sản xuất ra của cải vật chất nhưng cũng là những người tạo ra nhiều giá trị, thế nên họ mới được công nhận và trao đổi giá trị với thương nhân, nông dân. Nhân loại cần lương thực và sự bảo vệ như một nhu cầu để tồn tại, còn để sống, họ vẫn cần những giá trị tinh thần.
Tuy nhiên lương thực khi có quá nhiều đường hoặc những hóa chất kích thích khẩu vị khiến người ta ăn thật nhiều sẽ dẫn đến chứng béo phì, ca hát hay các loại hình văn nghệ khác cũng vậy, phát triển quá đà với một lượng lớn thì trở thành lố bịch.
Hãy hát lên, đủ vui cho mọi người.
16.02.2020