Trước đây mình hay nói là không thích việc ai đó dùng cụm từ “ảo tưởng sức mạnh” để hình dung người khác, nhất là với những người bạn thân vừa mới đưa ra một dự định hay cảm xúc tích cực nào. Mình cũng không đồng cảm với những người hở ra là chê self-help như một cái gì xấu xa ghê gớm cần tránh.
Tuy vậy, cái gì quá cũng không tốt cả, mọi thứ phải dùng đúng lúc, đúng nơi và đúng liều lượng thì mới tốt. Có nhiều trường hợp ban đầu là tốt, tích cực thật, song về sau người ta cứ muốn duy trì sự tích cực đó một cách miễn cưỡng trong khi bản thân họ không có năng lượng tích cực, thế là họ phải đi vay mượn, chắp vá, dẫn đến biến đổi tính chất và sai lệch với mục đích ban đầu (trừ khi mục đích là câu view). Hoặc là có nhiều người thấy người khác cũng viết sách, làm video “truyền động lực”, thế là họ cũng làm, và thường là chắp vá, làm lại nhữn gì đã có bằng một cách thức khác, nhiều lúc chỉ là đổi ngữ cảnh, thay diễn viên, nên cũng lợi bất cập hại.
Không phải lúc nào cũng cần phải tích cực, vì năng lượng bên trong của mình đâu phải lúc nào cũng sáng, vẫn có lúc âm u, lúc tối mà. Không nên ép mình luôn vui vẻ để làm gì mà điều cần làm là cảm nhận đúng cảm xúc của mình và độc lập với nó, kể cả vui hay buồn. Chỉ nhận biết thôi chứ không hòa nhập vào trong cảm xúc. Vui thì vui, buồn thì buồn, tự nhiên thôi.
Tự nhiên là cảm xúc nhé, còn hành động thì phải kiểm soát, nếu không thì vui quá hóa buồn, buồn càng buồn hơn.

Chuyện là tối qua mình xem hai clip “truyền cảm hứng” của một page gần 10 triệu like. 

Clip thứ nhất kể về câu chuyện “trân trọng những gì mình đang có”, nhưng bằng cách như sau: Một chàng trai ngồi trong xe “gì đó siêu xịn”, nhìn vào điện thoại thấy người bạn mua chiếc phi cơ riêng và tỏ ra buồn rầu. Anh ta nói rằng phải chi anh có được chiếc phi cơ thì hẳn anh hạnh phúc lắm. Có chàng trai khác đến gõ cửa và tỏ ý hâm mộ chiếc xe xịn của anh này, bảo rằng thật hâm mộ vì anh có thể sở hữu xe xịn như vậy, còn anh ta chỉ có chiếc xe cùi. Chàng trai thứ nhất nghĩ một chút rồi “nhận ra bài học” và hạnh phúc hơn. Chàng trai thứ hai đi về chiếc xe của mình, đá một đá, tỏ ra ngán ngẩm. Một cô gái đi đến và hỏi anh ta xe hư à? Anh nói nó vẫn chạy tốt, có điều đã rất lâu rồi tôi không thể đổi xe mới đây. Cô gái lại nói anh còn có xe, tôi phải đi xe bus đi làm mỗi ngày đây. Rồi cô gái đi về bến xe bus, còn chàng trai thứ hai lận “nhận ra bài học và hạnh phúc hơn. Tại bến xe bus, do nhiều chuyện nên cô gái trễ xe, cô tỏ ra khổ sở. Một chàng trai chạy xe đạp đến hỏi cô sao khổ dữ vậy, cô nói ngày nào tôi cũng phải đi xe bus đi làm nên tôi thấy khổ. Chàng trai nói còn tôi phải đạp xe mỗi ngày 20 dặm vì không đủ tiền đi xe bus nè. Cô gái lại hạnh phúc hơn. Chàng trai đạp xe một lúc thì đuối quá đứng lại nghỉ, tỏ ra khổ sở vì ngày nào cũng phải đạp xe, lại gặp một cụ bà ngồi xe lăn, bà nói ít ra anh còn có chân để đạp xe, chàng trai hạnh phúc hơn. Đến đây có lẽ họ không biết cụ già còn có thể gặp ai để hạnh phúc hơn nữa, nên hết clip.

Một việc dù ý nghĩa đến đâu đi nữa, nhưng lặp đi lặp lại một cách máy móc và quá nhiều lần như vậy cũng sẽ mất hay. Huống chi bài học này không phải minh họa như vậy. Cách làm này chỉ khiến người khác phủ định giá trị của bài học đó mà thôi.
Người ta chỉ có thể hạnh phúc khi gặp người bất hạnh hơn mình sao? Nếu đơn giản như vậy thì những người có đủ thứ điều kiện để hạnh phúc đã không phải khổ.

Clip thứ hai cũng là một câu chuyện khá nổi tiếng được thay đổi diễn viên: hai cha con vào siêu thị mua bánh sinh nhật cho ông nội nhưng không đủ tiền, có chàng trai đi sau thấy vậy mua cái bánh, tặng cho hai người và kể rằng hồi nhỏ anh ta cũng được một người tốt bụng tặng cho cái bánh trong hoàn cảnh tương tự, người đó còn dạy rằng anh hãy giúp người khác khi có khả năng. Rồi cuối cùng hóa ra chính người ông nội kia lại là người đã giúp chàng trai lúc nhỏ.

Nhìn qua thì có vẻ làm điều tốt sẽ được thiện báo, nhưng cũng có thể thấy người tốt cuối cùng chẳng có kết quả tốt, lâm vào cảnh khốn cùng đến nỗi không có tiền mua bánh.
Mình lướt qua thì thấy page đó làm khá nhiều clip giống vậy, đa phần là dựng lại, diễn lại, nhưng vô tình hay cố ý  thay đổi một chút nên cuối cùng không chỉ không thể hiện được đúng thông điệp mà còn góp phần làm rối loạn, đi ngược lại với thông điệp ban đầu.
Người ta thích đưa các dấu ấn cá nhân của họ lên những gì họ tiếp thu, giống như việc hình thành các hệ phái khác nhau của một tôn giáo, diễn đạt lại các đạo lý làm người, làm giàu trong bối cảnh mới hay những thứ tương tự, nên hậu quả là những điều trước đó là đúng, là tốt lại bị họ thay đổi khiến người đọc, người xem khó tiếp thu hoặc chán ngán. Đó là mặt trái của sự phát triển của truyền thông.
Ngày nay chúng ta có thể tiếp cận được với nhiều thứ hay, tốt, đẹp, nhiều phương tiện giúp ta hoàn thành mục tiêu nào đó hay là phát triển bản thân, sống vui vẻ hạnh phúc hơn… nhưng nếu không biết cách chọn lọc mà tiếp cận, tiếp thu nhầm từ những người không hoàn toàn hiểu điều họ nói, hoặc hiểu nhưng cố tình diễn giải để ta hiểu theo cách họ muốn… thì sẽ khiến ta mất phương hướng, mất niềm tin. Ta không biết tin vào đâu vì khi đó ta sẽ thấy ngay cả những điều đúng đắn và tích cực nhất cũng sai.
Với mọi sự, cần phải tập nhận xét và có lí giải của riêng mình, để tự mình hiểu, tự chuyển hóa năng lượng bên trong mình chứ đừng để những lý giải của người khác dẫn dắt, rất dễ mất phương hướng.
Trân trọng hiện tại và làm phước được phước là đúng, nhưng diễn giải để cho ta thấy điều đó không thực tế là cách diễn giải sai.
Khi đọc hay nghe một điều gì đó, gặp một người nào đó mà khiến cho cảm xúc của mình tăng lên hoặc giảm xuống một cách nhanh chóng và có biên độ lớn thì cần phải cẩn thận. Người nào hay việc nào càng tác động lên cảm xúc của ta, ta càng phải nhìn rõ, hiểu rõ mục đích đằng sau của họ.
Thiền sư Nhất Hạnh hay nói: hạnh phúc bây giờ, ở đây. Ai cũng có thể lý giải, mà thật hiểu, thật chấp nhận, và sống như vậy thì được bao nhiêu?
10.02.2020