Hôm nay có thằng em đăng lên FB câu trích dẫn khuyết danh: “Bạn thường cảm thấy mệt mỏi không phải vì làm quá nhiều việc, mà vì làm quá ít những việc có thể thắp lên ánh sáng bên trong bạn”.
Một diễn giả nào đó (Robert Kiyosaki hay Brian Tracy ấy) cũng từng nói “Thất bại nhiều khi là do bạn làm quá xuất sắc những việc không cần thiết”. Mình hay trích dẫn câu này mỗi khi nói về thứ tự ưu tiên trong công việc, mà nay mình quên mất ông nào nói rồi.
Lại nói một chút về tựa đề của bài này, có nhiều người khi nói về “làm gì cho mệt” sẽ nghĩ ngay đến mấy chuyện nam nữ và nở nụ cười gian, lúc đầu mình nghĩ thôi hay là chỉ để “làm gì cho vui” cho đỡ hiểu lầm, nhưng rồi vẫn quyết định để nguyên như vậy, để giúp các bạn đọc bài của mình trong sáng hơn một tí.
Nhiều người quan niệm về “nhạt” và “mặn” trong cách nói hay viết chỉ qua việc nó có pha vào các yếu tố dâm dục trong đó hay không. Các câu chuyện cười mà không có dâm dục thì gọi là “chay”, có thì là “mặn”. Một người được xem là có khiếu hài hước khi người đó nói về mấy chuyện dâm dục một cách khéo léo, nhẹ nhàng. Trên các chuyến đi xa, trong các cuộc nhậu, mỗi khi mình nghe hoặc đọc những chuyện như vậy mình cũng không phản cảm gì, chỉ là rất ít khi thấy vui, và không hiểu sao người ta có thể cười nhiều đến vậy. Qua đây mình chỉ muốn nói với những người “nhạt” vì không cảm, không nói được mấy trò cười như vậy rằng: bạn ổn, đừng cố mặn làm chi.
Quay lại với chủ đề, bạn có đồng cảm với tác giả qua câu nói trên không? Có khi nào bạn làm việc gì đó mà không thấy mệt, chỉ thấy càng thêm hào hứng, tích cực, có thêm năng lượng… Khi đó đầu óc bạn trở nên tỉnh táo, nghĩ ra thật nhiều ý tưởng, nhiều điều muốn làm hơn nữa… Khi đó bạn không quan tâm đến kết quả, không quan tâm người khác sẽ đánh giá cao hay thấp việc bạn làm..? Có thể đó chính là những điều “thắp lên ánh sáng” bên trong bạn đó.
Có bạn bảo rằng bạn ấy chỉ thích ở trong phòng một mình, không thích ra ngoài, không thích giao tiếp với người khác. Có người lại khuyên rằng đó là một giai đoạn tiêu cực, mong bạn sớm vượt qua để trở lại với thế giới loài người. Thật sự thì trong hai trạng thái đó, bên nào mới là tích cực?
Xã hội hiện tại là dành cho người hướng ngoại, từ những việc giao tiếp hàng ngày, tiếp xúc khách hàng, đối tác, người thân, bạn bè… tất cả những mối quan hệ nếu muốn duy trì và phát triển đều cần phải giao tiếp. Rồi trong công việc thì cần khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm… Đến mức nghỉ ngơi cũng phải đi du lịch, team building cùng công ty. Tất cả là vì người hướng ngoại quá nhiều so với người hướng nội.
Có người từng hỏi là như vậy thì người hướng nội có cần phải thay đổi bản thân để phù hợp với xã hội không? Mình nghĩ là có, nhưng có thể áp dụng cách “hòa nhập mà không hòa tan”, cái nào không tránh được thì vẫn tham gia. Chỉ là đừng cố biến mình trở thành một người không phải là mình, cũng đừng quá “giữ mình” mà phản ứng quá cực đoan là tốt rồi.
Nếu việc ở một mình, tận hưởng không gian, thời gian của riêng mình khiến cho bạn thật sự hạnh phúc, giúp bạn giao tiếp với chính mình và hiểu bản thân mình hơn thì đó là điều “thắp lên ánh sáng” bên trong bạn, cứ làm thôi.

Mấy người thân với mình hay kêu mình làm thêm cái này, cái khác, có lần mẹ mình còn biểu mình mua con chó, con mèo gì đó về nuôi “cho có bạn”. Những người xung quanh sợ mình “rảnh rỗi” quá, mình bảo là sở dĩ mình ra ngoài làm việc chủ yếu là để kiếm tiền sinh sống và để mình được rảnh rỗi càng nhiều càng tốt. Nếu mình thấy ổn với việc ở một mình, không muốn có nhiều đồ đạc, vật nuôi thì càng không. Mình đã kiểm chứng điều này mấy năm nay và thấy đúng vậy.
Nếu điều gì đó thật sự khiến bạn thấy ổn, thấy cuộc đời này đáng sống, thì cứ làm vậy thôi. Tuy nhiên có những trường hợp bạn gặp tổn thương, hay thất bại, hoặc chưa tìm được môi trường phù hợp, bạn bị từ chối, không được hoan nghênh… bạn lại quay về một mình trong phòng như một cách trốn chạy, một nơi trú ẩn… thì rất cần xem lại.
Những lúc bị tổn thương và không thể bước ra thì trú ẩn và hồi phục là cần thiết, nhưng nếu đó không phải là nơi dành cho bạn, bạn thật sự chẳng thấy được ánh sáng nào ngoài sự an toàn, bạn vẫn mong muốn có ai đó ngoài kia đi tìm kiếm bạn, vẫn muốn có được sự quan tâm hay muốn quan tâm người khác, thì hãy tìm lại đường để bước ra thôi.
Tìm đường bằng cách nào, hãy tìm nơi có ánh sáng. Tìm việc nào mà bạn thấy vui khi làm, có thể là chưa giỏi, chưa tốt, rồi bạn sẽ tìm được cách để làm điều đó tốt nhất trong khả năng của bạn, rồi mọi chuyện sẽ tốt thôi.

Có người hỏi mình làm thế nào để có 2 tỷ. Mình trả lời làm gì cũng sẽ có thôi, vấn đề là thời gian. Có người thì 1 năm, người 5 năm, người 10 năm, cũng có người chỉ trong 1 tuần hay 1 tháng, tùy vào vốn liếng và cách kiếm tiền. Tất nhiên cũng có rất nhiều người làm vài chục năm mà không dư được 200 triệu. Vì đó không phải mục tiêu của họ.
Để có được số tiền cụ thể nào đó, thì bạn phải có vốn (gồm rất nhiều thứ chứ không phải chỉ là tiền), rồi có cách kiếm tiền, rồi có biện pháp giữ tiền, đầu tư… Việc đó trong bao lâu thì tùy vào khả năng và mục tiêu của bạn. Nhưng việc bạn có hạnh phúc với điều đó hay không thì không phải do bạn có đạt được nó hay không, mà là việc bạn muốn có được nó ngay bây giờ. Mong muốn không mang lại đau khổ, khổ là khi muốn những thứ mình chưa có phải có ngay bây giờ.
Có những việc làm sẽ khiến bạn mệt mỏi, nhưng không thể tránh khỏi vì cuộc mưu sinh. Nếu bạn đã dần thoát khỏi gánh nặng mưu sinh, đừng vội nghĩ đến nhà cửa, xe cộ, nội thất sang trọng, hàng hiệu, đổi điện thoại… Hãy tìm về những thứ “thắp lên ánh sáng” bên trong bạn, rồi dần dần chuyển dời năng lượng, sự tập trung, sức lực sang phía ánh sáng đó. Kết hợp những mệt mỏi bắt buộc và những thoải mái tự do, chuyển dần cuộc sống của mình sang bên ánh sáng.
Gì cũng được, từ từ, đừng muốn có liền là ổn.
09.02.2020