Hồi trưa này anh đọc thấy một tin hơi buồn: một quán cà phê, theo nguồn tin mô tả là: “Ở Đà Lạt có một quán cà phê nhỏ xinh, tên là Quán của thời Thanh Xuân, số 9 Triệu Việt Vương, phường 4, Tp Đà Lạt.Quán do 1 doanh nghiệp xã hội mở ra, tạo công ăn việc làm và dạy nghề cho các bạn trẻ khiếm thính, khiếm thị...” vừa bị trộm.
Nguyên nhân của việc mất trộm, tất nhiên là có ai đó có ý đồ bất lương, muốn lấy đi công sức lao động của người khác, nhưng cũng không thể thiếu một phần là do các bạn ấy quá ngây thơ.

Tất cả nhân viên trong quán cùng nhau đi về quê, và viết lại ghi chú trên bảng nơi để thùng tiền, để khách có thể tùy thích vào quán, tự uống nước hoặc nghỉ ngơi, tự trả tiền vào thùng. Kết quả là kẻ gian đập thùng lấy tiền, còn lấy cả một số đồ đạc trong quán “đến cả hủ muối tôm cũng không chừa”.
Nghe chuyện như vậy, em có thấy buồn không? Có mất lòng tin vào con người không?
Bảng thông báo của quán
Anh cũng từng nghe ở Đà Lạt có một vài mô hình kinh doanh kiểu “cho vui” như thế, có người bán hoa quả, rau củ và để khách hàng tự chọn, tự trả tiền “tùy tâm”. Không biết có mô hình nào còn hoạt động lâu dài không. Có vẻ như Đà Lạt yên bình quá, khiến người ta mộng mơ nhiều?

Nhưng mà em ơi, nghe anh một lời đây: xin em hãy cứ ngây thơ, hồn nhiên, lương thiện, nhưng tuyệt đối đừng ngu ngơ.

Anh không thích câu “người không vì mình, trời tru đất diệt” vì nó khiến người ta hiểu lầm thành mọi thứ chỉ lo cho bản thân mình trước nhất, rồi ngã sang hướng ích kỷ, khổ thân. Nhưng trước khi em đủ vững vàng để đối mặt với mọi thứ xù xì xấu xí của cuộc đời, em hãy nhớ câu này “Không nên có tâm hại người, cần có tâm phòng người”.

Phòng người, trước hết là bảo vệ chính mình, sau nữa là không tạo cơ hội cho người phạm lỗi, đó cũng là giúp người vậy.

Đôi khi anh viết bài với một ý A, nhưng lại có một số chi tiết nhỏ nhặt khiến người chú ý, rồi họ cố tình hiểu sai, chăm chăm vào ý đó mà có khi nói ra những lời “khẩu nghiệp”. Anh không thể cứ nghĩ rằng mình đúng, mình tốt  là được, ai hiểu sai là việc của họ. Thật sự là khi một người gây khẩu nghiệp với bản thân mình, thì chính mình cũng có một phần lỗi trong đó.
Quay lại chuyện quán cà phê kia cũng vậy. Họ nghĩ rằng việc làm đó là gia tăng lòng tin của con người, nhưng thực tế thì khi sự việc như vậy xảy ra, lòng tin của con người càng bị tổn hại. Và khi thông tin đó được lan truyền, rất nhiều người đã thể hiện sự bức xúc bằng những câu nguyền rủa, trách móc… rất nặng. Khẩu nghiệp đó do ai, trong khi họ hoàn toàn có thể tránh?
Không có tâm hại người, nhưng phải có tâm phòng người. Phòng không phải chỉ cho mình, mà còn cho người. Và đừng bao giờ thử thách nhân phẩm hay tình cảm của người khác.
Có trường hợp những cô gái gặp thất bại trong tình cảm vì một “người thứ ba” nào đó, rồi lại có ý định thử xem tất cả đàn ông có phải đều dễ bị quyến rũ hay không. Cô ta quyết định làm quen và “thử thách” nhiều người, kể cả những người có người yêu hay có vợ. Kết quả thế nào chắc em cũng biết. Hay là những cặp tình nhân yêu nhau lâu ngày, thấy tốt đẹp quá, bỗng nhiên nảy ra ý định muốn “thử thách” xem người kia có thật yêu mình đến vậy hay không, rồi nhờ một người bạn thử “quyến rũ”… Những việc làm như vậy có ý nghĩa gì không? Nếu như một người vượt qua thử thách, người kia cũng sẽ tự hỏi rằng người thứ hai, người thứ ba thì sao? Thử thách sự lương thiện hay tình cảm của người khác là một việc làm vô cùng vô nghĩa.
Trong tâm mỗi người cái thiện và cái ác luôn hiện hữu, tùy vào điều kiện và tâm trí của mỗi người mà phần nào chiếm quyền điều khiển thân thể mà thôi. Một người có thể chưa có ý định trộm tiền, nhưng họ thấy cái bảng thông báo như thế, họ bỏ qua, rồi nội dung đó lại hiện lên, rồi họ bị thuyết phục. Đó là nói về người “bình thường là người tốt”, còn sự thật thì bọn bất lương vẫn chen chúc giữa xã hội này.
Anh vẫn nói rằng không ai trộm, cướp vì để có tiền mua gạo, hay để đóng tiền học phí cho con. Ngày nay không có cảnh đó. Những người trộm, cướp đều là nạn nhân của bọn quỷ cờ bạc, chất kích thích, hay là một ham muốn tiêu xài hoang phí nào đó mà họ không có đủ tiền để thực hiện. Nhìn chung mà nói, đó là những người bị dục vọng điều khiển. Mà với xã hội ngày nay, thì số đó vẫn còn rất nhiều.
Anh vẫn cho rằng án tử hình là không hợp lí vì một số nguyên nhân. Nhưng trong tình hình hiện tại, vẫn chưa thể nào bỏ án tử hình, vì chúng ta không có đủ nhà tù, không đủ tiền để nuôi phạm nhân nếu họ phải thụ án chung thân. Môi trường xã hội và giáo dục chưa đủ cao để hạn chế những trọng tội (người ta vẫn còn quá nhiều dục vọng bất chính), nhận thức chung chưa đủ để người ta có thể hối cải…
Nhiều vụ trộm tiền công quả trong chùa, hay đến đôi dép cũng lên chùa lấy trộm? Em có nghĩ ai đó thiếu dép đi sao? Chỉ là họ tham, thấy ngay trước mắt dễ dàng đoạt lấy, thì họ lấy. Con người bị tham, sân, si điều khiển đều sẽ làm ác khi có cơ hội. Chúng ta đều khổ vì vô minh.
Vậy nên em cứ sống thật vui, cư xử với mọi người thật tốt, đừng buồn vì xã hội còn người xấu mà hãy hiểu tại sao họ lại như vậy. 

Đừng trao đi những niềm tin quá sức chịu đựng để rồi sau đó lại mất đi nhiều niềm tin hơn.

Có nhiều mô hình khác cũng lan truyền được lòng tốt, lan tỏa yêu thương như những gian hàng “người thừa đến cho, người thiếu đến lấy” hay là những thư viện cho mượn sách miễn phí. Ngay cả quán cà phê kia cũng là một nơi tốt, nếu họ có thêm cách để ngăn chặn những lòng tham phát sinh không đáng như trường hợp nói trên.
Giúp một người là một việc không hề dễ dàng và phải cân nhắc nhiều mặt, huống chi là lan tỏa tình yêu thương và lòng tốt trong xã hội. Em phải hiểu lòng người, phải hiểu hoàn cảnh của xã hội. Em phải tự mình mạnh mẽ, tự mình an toàn và hạnh phúc chứ đừng đặt mình vào nguy hiểm vì “niềm tin” vào sự nhân ái của những người em chưa thật sự hiểu. Có tâm phòng người cũng là giúp người khác tránh làm điều xấu, cũng là một việc đại thiện vậy.
Xin em hãy cứ ngây thơ, nhưng đừng ngu ngơ.
05.10.2019