Như đã nói ở mấy bài trước, mình rất tâm đắc với những câu trong mục lục của quyển “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu” của Vãn Tình. Hôm nay mình lại lật mục lục ra, tìm đại một câu. Và đó là chương 20 – “Cô gái à, càng làm bộ làm tịch, càng dễ đánh mất địa vị”.
Có bạn bảo là dị ứng với từ “khí chất”, mình thấy ngoại trừ tựa sách ra, nội dung bên trong rất ít khi xuất hiện từ đó, mỗi chương nói ra một điểm riêng hình thành nên khí chất mà thôi. Mình mượn quyển này để viết vài bài, nhưng mình vẫn nhắc lại là nó khá cực đoan, mình không khuyến khích các bạn đọc nhé.
Mình thấy một số cô gái có quan điểm và cách thể hiện sự chiếm hữu trong tình yêu rất ngộ nghĩnh, điển hình là kiểu “làm bộ làm tịch” như Vãn Tình nêu ra kia. Không có gì làm thì làm bộ giận dỗi để bạn trai năn nỉ, có chuyện tất nhiên càng phải giận dỗi rồi. Không giận thì dỗi, giận thì càng phải dỗi. Dần dần giống như đứa con nít, không biết thể hiện mong muốn, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ hay cách nào khác, chỉ biết khóc. Đói khóc, đau khóc, giận khóc, khó chịu khóc, mắc tè cũng khóc.
Có người nghĩ rằng có chút giận dỗi mới tăng thêm tình thú, có người lại cho nũng nịu mới tỏ ra mình là thục nữ, kiểu “yêu đúng người thì không cần lớn”, người yêu phải biết nuông chiều mình thì mới là trân trọng mình. Mấy điều này đa số phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ đều có cả, không ít thì nhiều. Thậm chí ngay cả những người không biểu hiện ra giận hờn, nũng nịu cũng muốn làm điều đó, chỉ vì họ ngại, họ thấy như vậy là không hay. Thấy một điều gì đó là không hay và muốn làm nó nhiều khi chẳng liên quan chút nào.
Phụ nữ nhiều khi cũng không thích dỗi hờn giả bộ như vậy, nhưng lại nghĩ rằng chẳng có cách nào khác để thử nghiệm tình cảm của đàn ông dành cho cô ta, thế là cứ có cớ là cô dỗi, không thì đến giờ dỗi là dỗi. Ban đầu thì cũng vui, đàn ông mới yêu, hoặc yêu thật lòng, họ hiểu rõ cô thế nào thì cô làm gì họ cũng thấy vui mắt cả. Bản thân cô thấy vậy thì càng làm càng hăng, càng lúc càng quá đáng.
Phụ nữ rất giỏi để ý những điều nhỏ nhặt, nhưng trong một số việc có tính bao quát, có tầm vóc lớn thì họ thường không mấy để tâm, chẳng hạn như giới hạn chịu đựng của người khác. Khi những cơn giận dỗi trở thành trò đùa bình thường, lúc giận thật họ bắt đầu cắt liên lạc, unfriend facebook, dọa chia tay, hoặc cái gì đó nghiêm trọng như thế.
Lúc này sẽ có hai tình huống chính: một là người đàn ông vẫn yêu và hiểu tính tình khó hiểu đó, chỉ cần biết cô ấy giận mình và tìm cách làm cô ấy nguôi giận thôi; hai là anh ta quá chán ngán chuỗi giận hờn, đòi hỏi, làm bộ làm tịch của cô ta, cô giận kệ cô. Anh ta vẫn tìm cách khiến cô nguôi giận, mua hoa, mua quà, mua đồ ăn… làm những thứ đó như một cái máy. Tình huống 1 cũng sẽ chuyển dần sang tình huống 2 nếu cô gái lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi người khác chiều theo cảm xúc của mình như vậy.
Rồi đến một ngày cô gái không ngờ tới, khi cô nũng nịu nói chia tay, bạn trai cô đồng ý. Khi anh ta đi mất rồi cô vẫn còn ngơ ngác không biết điều gì vừa xảy ra.
Ơ, không phải anh ấy yêu mình lắm sao? Ơ, không phải mình giận dỗi như vậy là ảnh sẽ hỏi mình muốn đi đâu chơi, muốn ăn gì, muốn mua món gì mới sao? Ơ, mình có muốn chia tay đâu.. Ơ, Ơ, Ơ…

Thật lòng mà nói, không phải ai bước vào một mối quan hệ cũng đơn thuần vì tình yêu. Nhiều khi chỉ là có cảm xúc, là chấp nhận được người kia, là thấy người kia “có điều kiện” vừa mắt với mình, và họ cũng thích mình, thế là đủ.
Những mối quan hệ như vậy cũng chỉ giống như sự trao đổi đồng giá, khác là ở biểu hiện thôi. Cô gái có gì để trao đổi? Người kia thích cô, yêu cô thì còn đỡ, họ sẽ quan tâm đến cảm xúc của cô, xem cô như bông hoa quý mà nâng niu trong nhà kính. Còn khi họ chỉ muốn có một sự trao đổi, thì họ cũng vẫn yêu chiều như vậy, nhưng hai bên đều biết bên kia nghĩ gì và đều cùng bỏ qua cái biết đó. Những sự nũng nịu giận hờn cũng chỉ như tín hiệu “em muốn mua đồ, em muốn đi chơi, em thích LV, iPhone vừa ra bản mới..” Thậm chí nhiều cô còn lộ liễu share ảnh về vừa ghi “ước gì…”
“Anh có thương em đâu”, “Bạn trai của bạn em mua cho nó cái XYZ”.. ở mức vừa phải thì vẫn sẽ được đáp ứng. Nhưng những cô gái như thế này rất ít khi dám mang chuyện chia tay ra “làm duyên làm dáng”, trừ khi cô được cưng đến hỏng rồi, nghĩ mình thật sự “nắm trong tay” người kia rồi. Ngày cô bắt đầu nghĩ vậy cũng cách đoạn “Ơ, Ơ, Ơ…” không xa nữa.
Mà thật ra các cô gái “yêu” vì “điều kiện” lại có phần rõ ràng giới hạn và tình cảm của “bạn trai” cô hơn các cô “ngây thơ” khác. Cô thường tự định giá bản thân rất tốt, hiểu lúc nào nên làm nũng, làm đến đâu là vừa, lúc nào nên nuông chiều, thậm chí là thời gian nào thả ra mức nào là vừa nữa. Có thể cô sẽ thành công, nhưng thành công đó là gì, một đám cưới, vài đứa con, cảnh sống mà cô mơ ước hay thế nào… cũng rất khó nói. Cũng có thể mọi thứ chỉ là một vụ giao dịch có thời hạn mà thôi.
Các cô gái không tính toán thì có tỷ lệ gặp người thương cô cao hơn, phần nhiều cũng vì họ biết cô không tính toán. Nhưng không tính toán có cái dở là không biết điểm dừng, như đã kể trên: chỉ xem giận dỗi là đùa vui, xem lời chia tay là dọa một chút. Ngày ngày tháng tháng cứ lặp lại như vậy khiến người bạn trai không chịu nổi mà thật sự chia tay. Đó không phải là anh không yêu cô, cũng không phải cô không yêu anh, chỉ là cô yêu bản thân mình nhiều hơn, để ý cảm xúc của anh ít hơn và đùa hơi lố một chút thôi.
Cô gái à, bạn có thể có được những món quà, những sự thể hiện nào khác của bạn trai bằng những yêu sách theo kiểu giận hờn, gợi ý, đòi chia tay… nhưng không thể có được sự yêu thương theo cách đó.
Ép buộc một người thể hiện tình yêu của họ dành cho bạn, dù là họ thật sự có tình yêu, thì đó là bạn đang tiêu hao tình yêu bên trong người đó dành cho bạn.
Đến một lúc nào đó, ngoài câu dọa chia tay, bạn còn gì để giữ người ta? Và bạn nhận ra bạn đã dùng yêu thương để trói buộc, điều khiển họ quá lâu rồi. Cũng đã muộn.
Yêu thương chỉ có thể tăng lên khi cả hai cùng vun đắp chứ không phải là bên này vắt kiệt bên kia bằng các chiêu trò tình ái. Yêu thương không có được bằng yêu sách đâu.
06.02.2020