Viết cho em - 136 - Buông bỏ: làm sao, khi nào?
Thi thoảng lại có người hỏi mình làm sao để buông bỏ chuyện này, chuyện kia trong quá khứ, hoặc là buông bỏ những nỗi lo phiền ở hiện...
Thi thoảng lại có người hỏi mình làm sao để buông bỏ chuyện này, chuyện kia trong quá khứ, hoặc là buông bỏ những nỗi lo phiền ở hiện tại, những nỗi sợ ở tương lai...
Dù đó là gánh nặng nào đi nữa, thì cách thức chung nhất vẫn là đối diện, thấu hiểu, và buông.
Có một câu chuyện thế này: Có hai nhà sư trẻ cùng đi trên đường, đến một đoạn lầy lội, họ gặp một cô gái trẻ đang tìm cách vượt qua quãng lầy kia. Người sư huynh ngỏ ý trợ giúp bằng cách cõng cô gái vượt qua vũng lầy. Cô gái đồng ý. Vị sư huynh giúp cô qua đoạn lầy rồi từ biệt. Hai huynh đệ tiếp tục lên đường, vị sư đệ đăm chiêu suy nghĩ thật lâu, rồi nói với sư huynh: Huynh ơi, chúng ta là người tu, huynh lại tiếp xúc gần gũi với cô gái kia như vậy, dù là giúp đỡ, nhưng có hợp lí chăng? Vị sư huynh nhìn sư đệ rồi trả lời: Ta đã bỏ cô ấy lại rồi, đệ vẫn còn mang theo đó sao?
Nếu như không thật sự nhìn đúng và nhìn thấu vấn đề, thì sự việc không phát sinh trên người mình, không liên quan đến mình, mình cũng sẽ thấy nặng nề.
Để buông bỏ được, đầu tiên cần nhận rõ vấn đề đang ở đâu trên “lưng” mình, trong tâm mình. Sau đó đối diện với nó để nhận dạng đúng và đủ, rồi tìm hiểu nó, khi hiểu được rồi thì nó nhẹ nhàng hơn rất nhiều, có khi không cần buông nó cũng tự trôi đi mất.
Nhiều người không buông được là vì ngay từ đầu đã sợ hãi, không dám đối diện với vấn đề nên cứ cắm đầu chạy trốn trong khi gánh nặng thì vẫn mang mãi trên lưng, trốn đến đâu cũng vẫn còn thấy nặng.
Có người thì nhìn lại thường xuyên, nhưng không phải để thấu hiểu, để bỏ qua mà là để khơi lại những vết thương chưa kịp lành, họ nhớ về những tổn thương ngày cũ theo đúng một cách mà họ thấy đau, thậm chí nếu không đau họ còn không thỏa mãn, phải gợi lên cảm xúc cho thật đau như lần đầu tiên hoặc hơn thì mới chịu vừa lòng.
Với những nỗi đau trong quá khứ: đây rõ ràng là việc đã xảy ra, chỉ tồn tại trong quá khứ mà thôi. Điều khiến người ta đau đớn không phải là dư âm hay vết thương còn sót lại, mà chủ yếu là nhớ lại cảm giác đau lúc điều đó xảy ra, là những suy diễn về nó, nặng nhất là mong muốn nó chưa từng xảy ra.
Nếu giữ tâm lý trên, bạn sẽ không bao giờ buông bỏ được. Cứ muốn một điều đã xảy ra chưa từng xảy ra, rồi suy diễn xem nếu nó không xảy ra thì mình hạnh phúc thế nào… Tất nhiên rồi mọi chuyện cũng sẽ nhạt dần theo thời gian, dù có muốn ôn lại, khắc sâu nỗi đau thế nào đi nữa, thì mười năm, hai ba mươi năm sau bạn cũng không thể nhớ.
Nhưng từng đó năm tự mình đau khổ vậy có đáng không? Sao không phải là bây giờ?
Bất cứ việc gì dù vui hay buồn, khi đã xảy ra trong quá khứ thì cũng chỉ tồn tại ở khoảnh khắc đó mà thôi. Nó đi cùng bạn cho đến hôm nay, chính là vì bạn chọn mang theo nó. Đừng tranh cãi, đừng bảo rằng bạn không muốn vậy.
Hãy nghĩ rằng bạn đã muốn vậy, và bây giờ bạn không muốn nữa. Bạn đang mang nó theo, chỉ cần bạn buông tay thì nó sẽ trở về chỗ cũ, nơi cách bạn rất xa rồi.
Lại có người dằn vặt, đau khổ vì những điều mà họ đã không làm trong quá khứ như bỏ lỡ một cơ hội, không tỏ tình với một người, không ở lại thay vì ra đi, không ra đi thay vì ở lại… Họ tiếc nuối về một quyết định nào đó mình đã không làm, và luôn tưởng tượng nếu mình làm thì sẽ hạnh phúc ra sao…
Mình nói thế này: bỏ qua cũng là một loại quyết định. Đó cũng là một điều đã xảy ra. Tại khoảnh khắc đó, thay vì vui vẻ hay khổ đau, bạn bỏ qua rồi. Quan trọng là tất cả mọi việc chỉ có thể biết đáp án khi bạn thật sự làm, có thể quyết định đó sẽ mang đến cho bạn thành công và hạnh phúc, cũng có thể bạn đã tránh đi sai lầm và đau khổ vì chọn bỏ qua. Và bạn bỏ qua lúc đó rồi, sao bạn còn mãi muốn biết đáp án, sao bạn còn phải khổ vì những điều không bao giờ có thể làm lại, rồi biết đâu tương lai bạn lại khổ vì lúc này quá khổ mà bỏ qua hạnh phúc đây?
Những gì đã xảy ra trong quá khứ, ngay cả việc bỏ qua điều gì đó, cũng là quá khứ, chỉ có thể đối diện, thấu hiểu và buông bỏ đi thôi.
Nếu là lo lắng ở hiện tại, thì đi làm ngay việc bạn cho là hữu ích, là cần phải làm. Hành động giải tỏa mọi lo lắng, và chỉ có hành động mới đem đến đáp án để mà cải tiến, sửa chữa hay phát huy. Còn lo lắng ở tương lai thì giải quyết bằng cách chuẩn bị thật tốt ở hiện tại, và ý thức được rằng đó là tất cả những gì mình có thể làm, chuẩn bị mọi hành trang để đối diện với khó khăn trong tương lai, trong đó có một tâm lý vững vàng, tinh thần khỏe mạnh.
Để buông bỏ, trước hết cần thừa nhận mình đang mang vác, đang níu giữ khổ đau. Thứ hai là cần thừa nhận mình chưa buông được là vì mình chưa muốn buông. Chỉ cần bạn đặt tâm trạng bản thân đúng vị trí này, muốn buông lúc nào cũng được cả.
Mọi sự trên đời có thể tổn thương bạn, là do bạn cho phép nó mà thôi.
Mong bạn hiểu và buông được.
04.02.2020
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất