Hồi trước tết, bạn mình tặng mình vài quyển sách, mình mang về chất vào chiếc kệ của rất nhiều quyển sách chưa từng đọc. Hôm trước không biết viết gì, vô tình lấy ra quyển “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu” của tác giả Vãn Tình. Âu cũng là hữu duyên, vì nếu là mình thì mình sẽ chẳng bao giờ mua nó. Nhưng đã chạm tay lấy ra rồi, nên mình đọc thử.
Mình không phải người đánh giá một quyển sách qua cái bìa của nó, thường mình đánh giá qua cái tựa. Đánh giá ở đây không phải là nó hay hay dở, mà là mình có thích nó, muốn đọc nó hay không. Có thể bạn thấy mình là người nông cạn, mình nghĩ bạn đúng, nhưng cuộc đời có quá nhiều thứ để quan tâm, nên đôi khi ta buộc phải lướt qua vài thứ, tùy tâm một chút cũng không sao mà.
Mình quyết định không đọc một thứ gì đó vì cái tựa của nó nghe “sao sao”, cũng có khi là ngược lại. Khi lấy ra “Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu”, mình đọc thử một chút. Khi đọc một quyển sách nào đó, thường mình đều đọc hết mục lục trước tiên, vì thường đọc xong mục lục mình cũng có hình dung khá rõ về quyển sách rồi, và mình sẽ chọn đọc tiếp hay không ở phần này. Nếu có điều gì đó khiến mình hứng thú, mình sẽ đọc ngay chương mình thích nhất trước, còn không thì sẽ tiếp tục đọc chương đầu tiên. Và mình ưng quyển sách này ngay từ chương đầu tiên.

1. Một phụ nữ buông thả bản thân sau khi kết hôn, có lẽ trước đó cô ấy vốn đã tầm thường.

Mình có một nhận định tương tự như tác giả này, nhưng không gay gắt như vậy. Có lẽ người ta thích chọn một lối viết mạnh mẽ để kích thích người đọc. Trong sách này mình thấy nhiều chi tiết như vậy, khá cực đoan, mình đọc đôi khi cũng thấy khó chịu, nhưng cơ bản ý của tác giả là hợp lý. Cần phải bỏ qua những thứ khó chịu để thấy cái hợp lý trong sách này.
Với mình thì không phải một người vốn tầm thường, người ta luôn có thể thay đổi tốt hơn, chỉ là họ chấp nhận sự tầm thường, nghĩ mình tầm thường, nghĩ mình không còn gì để mất, hay chính xác hơn là không còn gì để giữ, nên thôi.
Kết hôn là một cột mốc lớn, nhưng không chỉ là kết hôn, ở nhiều cột mốc khác như sau khi yêu một người sâu đậm, sau khi thất bại trong một việc gì đó… đều khiến người phụ nữ buông thả bản thân mình, vì lý do như mình nói ở trên là cô ấy cảm thấy bản thân không còn gì đáng trân trọng nữa. Thật ra điều đó mới khiến cho bản thân cô càng tệ hơn. Chỉ cần cô trân trọng bản thân mình, thì hôn nhân hay bất kỳ điều gì khác không thể làm giảm giá trị của cô chút nào. Càng khó khăn, càng tỏa sáng, thì càng giá trị.
Rất tiếc nhiều phụ nữ hiểu điều này, nhưng không thật sự tin, không thể áp dụng với bản thân, hoặc qua thời gian rất lâu mới làm được.

2. Cảnh giới cao nhất của phụ nữ chính là hai chữ này

Mình phải đọc cả chương này vì không hình dung ra hai chữ đó là gì. Và đây là câu trả lời:

“Chúng ta đều phải trở thành một phụ nữ rộng lượng mà không ngu ngốc, biết khoan dung cảm thông với người khác, nhưng cũng phải biết nhìn người và có giới hạn của riêng mình.”

Rộng lượng là một điều không hề dễ dàng cho cả phụ nữ và đàn ông. Chẳng phải người ta đồn rằng Chu Du chết vì ghen ghét với Gia Cát Lượng đó sao. Phụ nữ lại càng thích để ý để những việc nhỏ nhặt, linh tinh, nhớ lỗi của người khác… những thứ đó khiến cho những người xung quanh và chính bản thân phụ nữ khó chịu trước tiên. Nếu như có thể quan sát, tìm hiểu kỹ càng, nhưng cộng thêm một chút rộng lượng, thông cảm, bỏ qua cho người khác một, hai lần đầu để tìm hiểu xem đó có phải là sai lầm vô tình của người kia hay không, bản chất của họ tốt hơn để mình có thể bỏ qua lỗi lầm họ phạm với mình hay không, thì người phụ nữ đó sẽ có một hình tượng cao thượng, mà bản thân cô cũng rất thoải mái, nhẹ nhàng. Đó là cảnh giới cao nhất vậy.
Cảnh giới cao nhất này khó nhất là khi đọc được, nghe được điều này, người phụ nữ nào đó sẽ ngay lập tức phản ứng: “Thôi, tôi chỉ là một phụ nữ bình thường, và tôi vẫn cứ như vậy mới là tôi, tôi không cần cảnh giới cao gì hết”.

3. Vì sao trong nghịch cảnh, người ta lại nỗ lực hơn?

Cũng có nhiều người gặp thất bại hay đau khổ thì không gượng dậy, cứ buông xuôi bản thân trong đó thật lâu, thậm chí là cả đời. Có người thì nhận ra rằng mình không nỗ lực thì ai làm cho mình chứ, và họ đứng lên từ trong nghịch cảnh. Nhưng vì sao phải để cho bản thân rơi vào nghịch cảnh rồi mới nỗ lực đây? Vì sao phải để cho người khác tát mình một cái thì mới tỉnh lại. Có những người, ngay từ đầu đã tránh được những u mê, tránh được thất bại bằng cách duy trì và phát triển lợi thế của bản thân mình, họ nỗ lực ngay cả trước khi rơi vào nghịch cảnh, thế nên họ không rơi vào nghịch cảnh.
Có thể bạn sẽ phản ứng rằng: tôi đâu có muốn vậy, tôi vẫn luôn nỗ lực nhưng mọi chuyện tệ hại cứ kéo đến với tôi. Bạn hãy nhìn lại mà xem, ai là người đã đẩy bạn vào những cảnh tệ hại đó, và nếu như có xui xẻo mà gặp phải, cách bạn phản ứng với nó, các sự chuẩn bị khác của bạn đã đủ chưa, bạn đã làm cho tình huống tốt hơn hay tệ đi? Dù là gì đi nữa, thì cũng chỉ có bạn có thể thay đổi mà thôi.
Khi viết bài này, mình chưa đọc hết quyển sách, chỉ mới đọc qua mục lục và phần cuối cùng, phần số “44 – Điều cuối cùng làm chúng ta hạnh phúc là yêu chứ không phải hận.”
Ngoài ra còn có rất nhiều phần khác với lời tựa khiến mình thấy hứng thú và trùng khớp với suy nghĩ của mình. Với mình thì nội dung diễn giải, câu chuyện minh họa không quan trọng bằng việc quyển sách có thể khiến mình liên hệ đến thực tế như thế nào, có gợi ra cho mình những suy nghĩ để tự mình làm sáng tỏ hơn những vấn đề mình nhìn thấy và suy tư hay không. Và chỉ với phần mục lục, quyển này đã làm được điều đó.
Bài hôm nay đủ dài, mình sẽ tiếp tục chia sẻ thêm về “khí chất” và nội dung trong quyển sách trong các bài tiếp theo.
30.01.2020